Friday, January 9, 2015

Về nguyên nhân sự cố thi công hầm dẫn nước của Thủy điện Đạ Dâng, ngày 16/12/2014

TS NGUYỄN BÁCH PHÚC - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM HASCONViện trưởng Viện Điện – Điện t – Tin học EEI                 Khi trong tay không có những thông tin cần thiết và chính xác để xác định nguyên nhân, chúng tôi xin phép được bình luận một vài ý kiến, đăng tải trên báo chí mấy ngày gần đây:


Để xác định nguyên nhân của sự cố tại một công trình đang xây dựng, đòi hỏi phải có rất nhiều thông tin, trong đó tối thiểu phải có thông tin về 4 yếu tố, 4 tài liệu: Kết quả khảo sát địa chất, Thiết kế kỹ thuật, Thiết kế thi công, Thực hiện thi công (trong đó có Giám sát thi công). Chúng tôi trong tay không có thông tin gì ngoài tin tức báo chí, cũng không có cơ hội tiếp cận hiện trường, thực tình không dám và không thể đánh giá nguyên nhân.
Trên cơ sở những kiến thức cơ bản, chúng tôi đã có những nhận xét sơ bộ và đã đưa ra công luận ngay từ khi đang tìm cứu nạn nhân:
Theo lí thuyết, công việc đào hầm dẫn nước thủy lợi, thủy điện, đào hầm làm đường giao thông, đào hầm khai mỏ, hoặc đào hầm quân sự, đều  có hai phương thức cơ bản, vừa đào vừa gia cố vách hầm, hoặc đào xong toàn bộ hầm rồi mới gia cố vách hầm. Dùng phương thức nào là do Thiết kế thi công quyế định, trên cơ sở Kết quả khảo sát địa chất và Thiết kế kỹ thuật. Còn theo kinh nghiệm thực tế, khi đào các hầm xuyên nền đá, thường theo phương thức đào xong toàn bộ hầm rồi mới gia cố, còn khi đào các hầm xuyên nền đất, thường theo phương thức vừa đào vừa gia cố.
Trường hợp này, báo chí đưa tin, đào hầm xuyên nền đất, nhưng lại không sử dụng phương thức vừa đào vừa gia cố vách hầm. Nếu báo chí nói đúng, thì dễ dàng nhận ra nguyên nhân trực tiếp của sự cố là ở chỗ này. Gọi là “nguyên nhân trực tiếp”, bởi chính nó chỉ là hậu quả của một hay nhiều trong 4 yếu tố nói trên.
Trong bối cảnh tay không, xin phép được bình luận một vài ý kiến, đăng tải trên báo chí mấy ngày gần đây:
1.      Chủ đầu tư: “tại Ông Trời”!

(Báo Thanh Niên:       http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/vu-sap-ham-thuy-dien-da-dang-da-chomo-cop-pha-muc-nen-dat-tut-xuong-519473.html)
“Ông Võ Nhật Thăng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng điện Long Hội (chủ đầu tư thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo), đã “xin lỗi tất cả mọi người vì sự cố sập hầm thủy điện” và trình bày: “Địa chất ở khu vực này rất phức tạp, nhà thầu đầu tiên thi công đường hầm là Công ty Lũng Lô, đầy kinh nghiệm nhưng cũng đầu hàng và rút lui. Nhà thầu thứ 2 là Vinaconex cũng từng thi công thành công nhiều hầm nhưng cũng chịu thua. Họ đào vào gặp đất và cát, khi nước mưa thấm nhiều thì bị tụt xuống không khắc phục được, không xử lý được địa chất nên chúng tôi dừng. Do địa chất quá phức tạp, chúng tôi quyết định không đào hầm dài 2,2 km như ban đầu nữa mà chuyển sang mở kênh. Sau khi Vinaconex rút thì Công ty CP Sông Đà 10 khẳng định là làm được, chúng tôi đồng ý. Mặc dù còn 70 m hầm chưa đào nhưng chúng tôi phải chi hơn 30 tỉ đồng cho bên Sông Đà 10 làm nốt. Đoạn bị sụt này không phải do Công ty CP Sông Đà 505 đào, mà công ty này chỉ tiếp nhận và phun bê tông chứ thực tế đoạn hầm dài khoảng 600 m này đã đào trước đó 10 tháng rồi”. Cũng theo ông Thăng, sự cố xảy ra không phải do gãy vòm sắt mà vì công trình kéo dài cả chục tháng, cốp pha (bằng gỗ) bị mục nên đất tụt xuống. “Tất nhiên, thi công phải đưa máy móc vào, và việc này cũng gây rung động. Hơn nữa, thời gian này trời mưa kéo dài hơn 1 tháng, nước và đất chảy ra từ các khe của phần chắn cũng là một trong những nguyên nhân làm sập hầm”.
Hóa ra, Ông Thăng bảo tất cả chỉ là tại Ông Trời! “Địa chất ở khu vực này rất phức tạp, sự cố xảy ra không phải do gãy vòm sắt mà vì công trình kéo dài cả chục tháng, cốp pha (bằng gỗ) bị mục nên đất tụt xuống, máy móc vào cũng gây rung động, trời mưa kéo dài hơn 1 tháng, nước và đất chảy ra từ các khe của phần chắn cũng là một trong những nguyên nhân”.
Chắc Ông Thanh quên mất rằng theo pháp luật VN, Chủ đầu tư (là Ông) là người phê duyệt Kết quả Khảo sát địa chất, Thiết kế kỹ thuật, Thiết kế thi công, và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện thi công công trình. Lẽ nào đến hôm nay Ông mới biết được những cái lỗi ấy là của Ông Trời?
Ông còn nói lời xin lỗi, nhưng không nói Ông có lỗi nào, buộc người ta hiểu Ông chỉ “thay mặt Ông Trời” nói lời xin lỗi, còn Ông thì vô can!
2.      Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư năng lượng VN Trần Viết Ngãi: Vung dao chém gió!
(Báo Thanh Niên  http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/thi-cong-trai-phep-ham-thuy-dien-da-dang-520731.html)
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư năng lượng VN, cho rằng việc tổ chức thi công công trình này có nhiều vấn đề yếu kém. “Thứ nhất, với hậu quả xảy ra đã cho thấy khâu khảo sát địa chất không tốt, không kỹ.”
 Xin hỏi: sao Ông Ngãi biết “khảo sát địa chất không tốt, không kỹ”.  Ông bảo rằng “với hậu quả xảy ra đã cho thấy…”, chắc Ông quên rằng hậu quả xẩy ra không nhất thiết là do khảo sát, có khi khảo sát chính xác nhưng các khâu còn lại không đúng, không tốt thì sự cố vẫn xảy ra.
Có lẽ Ông Ngãi đã quên mất Nghị định của Chính Phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Điều 13, Trách nhiệm của chủ đầu tư: Nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng. Điều 14, Trách nhiệm của nhà thu khảo sát xây dựng: kiểm tra, khảo sát lại hoặc khảo sát bổ sung khi báo cáo kết quả khảo sát xây dựng không phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi xây dựng công trình hoặc không đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ khảo sát. Điều 15, Trách nhiệm của nhà thầu thiết kế: Kiến nghị chủ đầu tư thực hiện khảo sát xây dựng bổ sung khi phát hiện kết quả khảo sát không đáp ứng yêu cầu khi thực hiện thiết kế hoặc phát hiện những yếu tố khác thường ảnh hưởng đến thiết kế. Điều 16. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân giám sát khảo sát xây dựng: Đề xuất bổ sung nhiệm vụ khảo sát xây dựng nếu trong quá trình giám sát khảo sát phát hiện các yếu tố khác thường ảnh hưởng trực tiếp đến giải pháp thiết kế.
Như vậy, nếu “khảo sát địa chất không tốt, không kỹ”, nhưng tất cả làm đúng luật thì đâu đến nỗi!

Ông Ngãi còn nói: “Thứ hai, quy trình, công nghệ đào hầm, đảm bảo an toàn là kém”, Cụ thể hơn, theo ông Ngãi: “Nguyên tắc đào hầm thủy điện hay hầm đường bộ những vùng địa chất kém, người ta đào đến đâu, trong phạm vi 5 - 10 m thôi, người ta phải đào đúng thiết kế rồi neo. Còn đào đến cả trăm mét rồi mà không neo, không làm gì cả là sai quy trình”.
Xin nói rõ, các đường hầm thủy điện của VN do Liên Xô xây dựng không bao giờ đào dưới vùng địa chất yếu kém, không hiểu điều Ông Ngãi nói, là theo “quy trình” nào.

3.     Lãnh đạo Sở Công thương và Sở Xây dựng Lâm Đồng:
Quy lỗi cho Chủ đầu tư rất chính xác, nhưng quên không nhận lỗi của mình.

(http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/so-cong-thuong-lam-dong-ham-da-dang-thi-cong-trai-phep-3124491.html)
 Trao đổi với PV VnExpress chiều 26/12, ông Lê Phước Long - Trưởng phòng Quản lý điện năng Sở Công Thương Lâm Đồng cho biết, công trình thủy điện Đạ Dâng được Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội (Hà Nội) - chủ đầu tư, xin thay đổi thiết kế vào cuối năm 2013. Thời gian đầu, công trình Đạ Dâng do Viện Thiết kế Thủy điện - Thủy lợi Nam Ninh (Trung Quốc) tư vấn thiết kế kỹ thuật, đến tháng 10/2013, một công ty khác ở Hà Nội thay thế. "Chủ đầu tư xin thay đổi chuyển từ hầm dẫn nước (ngầm) sang hầm dẫn kết hợp kênh dẫn nước (nổi). Tuy nhiên hồ sơ điều chỉnh thiết kế chưa đảm bảo, cần phải bổ sung, chưa hoàn thiện nhưng họ vẫn thi công trái phép. Chủ đầu tư đã vi phạm Nghị định 15 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình".
Phía lãnh đạo Sở Xây dựng Lâm Đồng cũng cho rằng,Chủ đầu tư thay đổi thiết kế thủy điện Đạ Dâng từ đường hầm dẫn nước sang kênh dẫn nước là điều chỉnh công trình với quy mô lớn. Theo quy định quản lý dự án đầu tư và cấp phép xây dựng, việc điều chỉnh này phải được Sở Công thương thẩm tra và Sở Xây dựng cấp phép trước khi tiếp tục thi công.
"Hiện tại khâu thẩm tra chưa xong và hồ sơ xin điều chỉnh thiết kế vẫn chưa được chuyển về Sở Xây dựng mà chủ đầu tư đã cho thi công dự án theo thiết kế mới, rõ ràng là trái phép, sai quy định".
 Theo Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 về quản lý chất lượng công trình xây dựng, tất cả các công trình có thay đổi thiết kế đều phải trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm tra lại và cấp Giấy phép đầu tư lại, trường hợp Thủy điện Đạ Dâng, Sở Công thương thẩm tra và Sở Xây dựng cấp phép. “Thẩm tra chưa xong và hồ sơ xin điều chỉnh thiết kế vẫn chưa được chuyển về Sở Xây dựng mà chủ đầu tư đã cho thi công theo thiết kế mới”, hiển nhiên là Chủ đầu tư đã phạm lỗi rồi! các Ông nói không sai.
Nhưng các lãnh đạo của 2 Sở lại quên những điều cũng quan trọng không kém, cũng nằm trong Nghị định này, đó là Nội dung quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng: Điều 42, của Bộ Xây dựng: Tổ chức kiểm tra định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của các Bộ, ngành, địa phương, các chủ thể tham gia xây dựng công trình và kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng khi cần thiết. Điều 43, của các Bộ, ngành khác: Tổ chức kiểm tra định kỳ theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của các chủ thể tham gia xây dựng công trình và kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ khi cần thiết hoặc khi được Bộ Xây dựng yêu cầu; Điều 44, của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Kiểm tra việc tuân thủ các quy định của Nghị định này đối với các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình trên địa bàn. Điều 45, của các cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh: Kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình và chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn.
Họ chỉ biết “kể tội” người khác, mà quên mất chức trách nhiêm vụ cúa mình. Họ biết Đạ Dâng thi công ngoài Giấy phép trên dưới 1 năm trời sao họ không “Kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất”?, sao không ra lênh đình chỉ thi công? Sao lại chờ đến nông nỗi này mới phán “tại nó”?
Nếu lãnh đạo 2 Sở nhớ đến điều 45 của Nghị định này thì chắc chắn phát biểu với báo chí của họ sẽ công bằng hơn!
4.     Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải:
Một kết luận giản dị, nhưng rất khoa học, đúng pháp luật và rất công bằng.

Liên quan đến vụ việc này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan có liên quan kiểm tra, xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công xây dựng công trình. Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các sở, ngành của tỉnh trong việc thực hiện chức năng quản lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

No comments:

Post a Comment