TS NGUYỄN BÁCH
PHÚC - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và
Quản lý TP.HCM HASCON - Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học
EEI Cuộc giải cứu các nạn nhân vụ sập hầm thủy điện
tại Lâm Đồng đang được diễn ra quyết liệt, cố gắng hết mức có thể. Và ai cũng nóng lòng, ai cũng
muốn nhanh chóng cứu người, nhưng điều kiện thực tế không cho phép nhanh hơn
được.
Thưa tiến sĩ, liên quan đến vụ sập hầm thủy điện tại
Lạc Dương (Lâm Đồng), tiến sĩ có đánh giá như thế nào về sự cố này?
Để
đánh giá một sự cố tại công trình đang xây dựng, đòi hỏi phải có rất nhiều
thông tin như Kết quả khảo sát địa chất, Thiết kế kỹ thuật, Thiết kế thi công,
Thực hiện thi công … Chúng tôi không có
thông tin gì ngoài tin tức báo chí, cũng không có cơ hội tiếp cận hiện trường,
thực tình không dám đánh giá.
Trên
cơ sở những thông tin rời rạc chắp vá, chúng tôi chỉ có thể đưa ra những nhận xét sơ bộ: Theo lí thuyết, công việc đào hầm dẫn nước thủy lợi, thủy điện hoặc đào hầm
làm đường giao thông, có hai phương thức cơ bản, vừa đào vừa gia cố vách hầm,
hoặc đào xong toàn bộ hầm rồi mới gia cố vách hầm. Theo kinh nghiệm, khi đào
các hầm xuyên nền đá, thường theo
phương thức đào xong toàn bộ hầm rồi mới gia cố, còn khi đào các hầm xuyên nền đất, thường theo phương thức vừa
đào vừa gia cố. Trường hợp này, nếu báo chí nói đúng, thì đào hầm xuyên nền đất, nhưng không sử dụng phương
thức vừa đào vừa gia cố vách hầm.
Tiến sĩ có đánh giá như thế nào về công tác cứu hộ,
cứu nạn đang diễn ra?
“Sự cố xảy ra thật đáng tiếc. Theo dõi báo chí từ ngày hôm qua đến nay,
chúng tôi thấy được an ủi bởi cuộc giải cứu đang diễn ra rất quyết liệt, đúng
bài bản, có sự chung lưng đấu cật của toàn xã hội, đặc biệt là vai trò của
chính quyền các cấp, của Quân đội, của Công an. Hy vọng rằng cuộc giải cứu sẽ
thành công mỹ mãn”.
Điều kiện thực tế không cho phép làm nhanh
Liên quan đến công tác cứu hộ, nhiều ý kiến cho rằng,
phương tiện cứu hộ của chúng ta còn quá thô sơ, và công tác cứu hộ còn chậm trễ?
Quan điểm của tiến sĩ về các phương án cứu hộ cũng như các phương tiện cứu hộ
đang thực hiện lúc này ra sao?
Theo
chúng tôi nghĩ, nên nhìn nhận việc cứu hộ trên 2 mặt tinh thần và vật chất. Về
tinh thần, chúng tôi thấy mọi người được an ủi bởi
cuộc giải cứu đang diễn ra rất quyết liệt, có sự chung lưng đấu cật của toàn xã
hội, đặc biệt là vai trò của chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương,
của Quân đội, của Công an, của các Doanh nghiệp, của những người đang thay
phiên nhau gồng mình suốt ngày đêm không ngơi nghỉ. Còn về vật chất, về các
phương tiện thiết bị cứu hộ, chúng ta đang gặp nhiều khoa khan. Cái khó nhất là
làm sao nhanh chóng vận chuyển chúng đến hiện trường, và làm sao để kịp thời có
nguồn năng lượng cho chúng hoạt động.
Chẳng hạn phương án đưa máy khoan cọc nhồi lên đỉnh đồi, hay phương án dùng
súng phun nước, đều là những phương án hay, rút ngắn thời gian cứu hộ, nhưng
máy khoan cọc nhồi đâu phải nhỏ như cái khoan cầm tay, súng phun nước đâu phải
nhỏ nhẹ như khẩu súng trường, lại còn “đạn” của nó nữa, tức là nước cho nó bắn,
đâu phải chỉ dăm ba thùng phuy nước, lấy đâu ra “đạn”. Cung cấp điện cho những
máy này cũng không dễ dàng gì, không đơn giản nhanh chóng như khi chúng làm việc
trong nhà máy, trong khu công nghiệp. Còn
nhiều khó khăn nữa, ví dụ việc đào hầm cứu nạn phải sử dụng phương thức vừa đào
vừa gia cố vách hầm, nếu không sẽ lại sập tiếp, sẽ cứu nạn tiếp.
Ai cũng nóng lòng, ai cũng muốn nhanh chóng cứu người, nhưng điều kiện thực
tế không cho phép nhanh hơn được.
Tiến sĩ có
đánh giá như thế nào về công tác cứu hộ, cứu nạn ở Việt Nam hiện nay?
Ở Việt Nam
công tác cứu hộ, cứu nạn chưa tổ chức thành hệ thống hoàn chỉnh. Chỉ có một số
lĩnh vực là có cơ quan cứu hộ, cứu nạn như cứu hộ, cứu nạn trên biển, ở các hầm
nẻo. Do lực lượng cứu hộ mỏng, lại phân tán nên khó đáp ứng cho nhu cầu thực
tế, nhất là sự cố xảy ra ở vùng xa, điều kiện giao thông vận tải khó khăn, hơn
nữa chúng ta chưa có đội ngũ con người chuyên nghiệp sâu về cứu hộ cứu nạn
Các nước
tiên tiến họ có một hệ thống chặt chẽ, ví dụ ở Nga có Bộ Tình trạng khẩn cấp.
Bất cứ sự cố nào, ở bất cứ lĩnh vực kinh tế nào, hễ xuất hiện sự cố là Bộ này
lập tức “ra tay”, trong tay họ có những con người chuyên nghiệp, có những phương
tiện hiện đại, đáp ứng được mọi tình huống thực tế. Ví dụ, với vụ sập hầm Đạ
Dâng, chẳng hạn nếu chọn phương pháp khoan cọc nhồi từ trên đỉnh đồi thẳng
xuống, thì họ điều những máy bay trực thăng cực lớn, nhanh chóng thả máy khoan
vào đúng vị trí, thả máy phát điện đủ lớn để cấp điện cho máy khoan. Nhờ vậy
thời gian cứu hộ rất nhanh, rất hiệu quả.
Xin cảm ơn tiến sĩ về cuộc trò chuyện này!
No comments:
Post a Comment