Friday, January 9, 2015

Sự cố sập hầm Đạ Dâng: Xin đừng đổ lỗi cho thủy điện

TS Nguyễn Bách Phúc Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP. HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử - tin học EEI,          Nhân sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng, truyền thông nước ta lại dậy lên “phong trào” lên án thủy điện, giống như mỗi lần lũ lụt nặng nề ở miền trung, thủy điện bị truyền thông đổ tội là gây ra lũ lụt, lần này thì đổ tội thủy điện gây ra sập hầm.
Chúng tôi đã có bài viết, đã dùng những cơ sở khoa học chắc chắn, phân tích đầy đủ và chứng minh rằng thủy điện không thể gây ra lũ lụt. Bài phân tích này đã được công luận ủng hộ.

Còn vụ sập hầm lần này, dù là tại công trường xây dựng  đường hầm thủy điện, cũng không thể đổ lỗi một cách võ đoán, phi khoa học cho thủy điện Đạ Dâng. Đơn giản đây là sự cố thi công công trình, sự cố của công việc đào hầm.
Lưu ý rằng tháng 12/2007 đã xảy ra vụ sạt lở đá tại Mỏ đá D3 thuộc  khu vực công trình thủy điện Bản Vẽ Nghệ An, làm 18 người chết, là sự cố lở núi (không phải sự cố sập hầm), cũng không thể đổ lỗi cho thủy điện Bản Vẽ.

Thứ nhất, công việc đào hầm thường có trong các công trình giao thông, công trình khai mỏ, công trình quân sự, công trình thủy điện.
Trong giao thông đường sắt, đầu thế kỷ 20, ở VN người Pháp đã đào cả mấy chục hầm, có những hầm dài tới vài Km; trong giao thông đường bộ chúng ta đã đào đường hầm Hải Vân dài cả chục Km, hầm Đèo Cả, hầm Thủ Thiêm và nhiều hầm khác; hiện nay chúng ta đang đào hàng mấy chục Km đường hầm tàu điện ngầm giữa thành phố Sài Gòn.
Trong khai thác khoáng sản, hàng trăm Km đường hầm ở các mỏ than, các mỏ vàng, mỏ sắt…
Còn trong quân sự, hàng trăm Km địa đạo Củ Chi và khắp miền nam trong chiến tranh, hàng trăm Km đường hầm chiến đấu của quân đội.
Việt Nam đã có trên dưới 1000 nhà máy thủy điện lớn nhỏ. Mỗi thủy điện đều có đường hầm dẫn nước từ Cửa xả nước công tác của hồ xuống tourbine phát điện, tùy theo nhà máy lớn nhỏ và điều kiện địa hình, hầm có thể dài mấy chục mét đến vài Km.

Thứ hai, trên đất nước VN chúng ta đã có nhiều ngàn Km đường hầm, và đã có không ít sự cố sập hầm xảy ra, trong đó nhiều nhất và nguy hiểm nhất là ở các đường hầm thuộc các Mỏ than và khai khoáng, việc cứu hộ ở đó vô cùng khó khăn và vô cùng nguy hiểm, chứ không như ở các hầm giao thông hay các hầm thủy điện.

Thứ ba, chúng ta đã có khoảng trên dưới 1000 Km hầm thủy điện. Tất cả trước đây thi công đều an toàn, Đạ Dâng là sự cố đầu tiên trong thi công hầm thủy điện ở VN.
Sự cố hầm Đạ Dâng thực chất là sự cố thi công hầm, chứ không phải sự cố của thủy điện. Cho nên những người cố tình đổ lỗi sự cố này cho công trình thủy điện là không khoa học, không khách quan, là cố tình bôi xấu thủy điện.

Thứ tư, như chúng tôi đã phân tích trên những tờ báo đăng tải trước đây, xem xét nguyên nhân của sự cố thi công công trình phải trên cơ sở những yếu tố cơ bản là: Kết quả khảo sát địa chất, thiết kế kỹ thuật công trình trên cơ sở kết quả khảo sát địa chất, thiết kế thi công trên cơ sở thiết kế công trình và khảo sát địa chất, thực hiện thi công theo đúng thiết kế thi công và tăng cường các biện pháp an toàn tùy theo diễn biến tình hình thực tế.
Dù thi công hầm cho công trình nào, giao thông, khai mỏ, quân sự, thủy điện, thì đều phải xét theo những yếu tố này.
Và như vậy khi sự cố xảy ra, lỗi là lỗi của việc thi công đường hầm chứ không phải lỗi của các công trình giao thông, khai mỏ, quân sự, hay thủy điện.

No comments:

Post a Comment