Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận tại hội nghị trực tuyến chiều nay - Ảnh: Văn Nam
Phát biểu kết luận tại hội nghị trực tuyến Chính phủ chiều nay (29-12), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ ngành, địa phương ngay từ đầu năm 2015 cần tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế.
Cả nước có xấp xỉ 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Nếu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế thuận lợi thì kinh tế mới tăng trưởng được.
“Tất cả các bộ ngành, địa phương đều phải rà soát, thủ tục nào vướng mắc, gây khó khăn phiền hà trong thẩm quyền của mình phải trực tiếp xử lý, còn nếu thấy bất hợp lý, vướng mắc thuộc cấp trên thì kiến nghị xử lý, từ lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tiếp cận nguồn điện, cấp phép đăng ký kinh doanh. Tinh thần năm 2015 phải cải cách mạnh thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại cuộc họp trong chiều nay.
Cũng theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, năm 2015 các bộ ngành và địa phương cần quản lý, sử dụng tốt ngân sách nhà nước, quản lý chặt chẽ chi ngân sách bởi hiện nay chi thường xuyên quá lớn, khiến cho chi đầu tư đang giảm dần. Thực trạng hiện nay vẫn còn tình trạng lãng phí lớn, đầu tư kém hiệu quả nơi nào cũng có, nơi thiếu phòng học còn nơi có phòng không ai học, còn chợ xây ra không có người vào …
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương khu vực biên giới vì lợi ích chung của đất nước, để có nguồn thu mà “thả” buôn lậu thì sản xuất trong nước sẽ chết, hàng giả, hàng lậu sẽ đánh chết sản xuất trong nước. Không được để nhóm nào tác động đến lực lượng chức năng quản lý thị trường địa phương.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, sau 3 năm Việt Nam có tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp không cao thì sang năm 2014 đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 7,6% và cao nhất trong 3 năm trở lại đây, góp phần vào mức tăng trưởng kinh tế chung cả nước ở mức 5,98%.
Cũng trong hội nghị trực tuyến hôm nay, lãnh đạo một số các địa phương nêu ra một số đề xuất liên quan đến Bộ Công Thương như cần sớm có chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng giá mua điện gió, tăng mua dầu dự trữ, giảm dần khai thác dầu trong nước …
Đối với đề xuất về hạn chế khai thác dầu thô được Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nêu ra trong sáng nay, ông Vũ Huy Hoàng cho biết trong thời gian tới Bộ Công Thương và Tổ công tác liên ngành sẽ báo cáo Thủ tướng về phương án khai thác dầu thô phù hợp trong năm 2015.
Bên cạnh đó, với yêu cầu của các địa phương, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng nghị định chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bộ Công Thương cũng báo cáo Chính phủ và dự kiến đến năm 2016 có thể sẽ trình Quốc hội xem xét Luật Phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Đề nghị cho Viettel giảm nộp lợi nhuận vào ngân sách nhà nước
Theo Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phùng Quang Thanh, năm 2014 Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) nộp ngân sách 16.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, do phải tăng đầu tư phục vụ quân đội và tiếp tục đầu tư ra nước ngoài nên đơn vị này muốn giảm tỉ lệ nộp lợi nhuận sau thuế vào ngân sách nhà nước.
Năm 2014 Tập đoàn Viễn Thông quân đội (Viettel) đạt doanh thu 197.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 42.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 33.000 tỉ đồng và nộp ngân sách 16.000 tỉ đồng.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến Chính phủ chiều nay (29-12), ông Phùng Quang Thanh cho biết theo quy định thì 70% lợi nhuận sau thuế sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước và tỉ lệ này vẫn còn lớn quá.
Do vậy, ông Thanh đã đề xuất với Chính phủ, các bộ ngành liên quan nếu có thể được nên cân nhắc giảm tỉ lệ này cho Viettel vì sắp tới đơn vị này phải đầu tư nhiều phục vụ quân đội và sẽ tiếp tục tăng đầu tư ra nước ngoài (hiện Viettel đã đầu tư ra nước ngoài ở 8 nước).
|
No comments:
Post a Comment