Ông Hà Quang Tuyến. Ảnh Tư Giang
TBKTSG Online: Thưa ông, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2% năm 2015 song giá dầu thô đã giảm liên tục gần đây, đe dọa mục tiêu cao nhất này. Tổng cục Thống kê dự báo tác động sẽ như thế nào?
- Ông Hà Quang Tuyến: Có thể nói tình hình sản xuất kinh doanh đang đà phục hồi và phát triển tích cực từ năm 2013 đến nay. Tính toán trước đây nhận định, theo đà phát triển này thì việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2% trong năm 2015 là có thể thực hiện.
Tuy nhiên, khi giá dầu thô tiếp tục giảm và khả năng phải cắt giảm 30% sản lượng dầu thô khai thác để đỡ thua thiệt sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi tính toán, nếu điều này xảy ra sẽ làm tốc độ tăng GDP giảm khoảng 2% so với kế hoạch.
Song, tăng trưởng còn được thúc đẩy bởi hàng loạt các yếu tố khác. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; thương mại; lưu trú và ăn uống; tài chính, ngân hàng còn nhiều dư địa để tăng trưởng cao trong năm 2015 nếu căn cứ vào các số liệu.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 12,5% năm 2010, và tăng 11% năm 2011. Tuy nhiên, ngành này lại suy giảm, chỉ còn tăng 5,8% năm 2012; tăng 7,44% năm 2013; và tăng 8,45% năm 2014. Nếu tốc độ tăng của ngành này cao trở lại ở mức 9,5-10%; và cùng với ngành ngân hàng tăng trưởng 6,5 -7%, thì sẽ bù đắp giảm tăng trưởng do cắt giảm khai thác dầu thô.
Vì vậy, cần có sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và đơn vị sản xuất kinh doanh thì việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2015 mới trong khả năng mong muốn.
- Kinh tế vĩ mô đã bước đầu ổn định, tăng trưởng đã có đà, nhưng những yếu kém nền tảng vẫn còn đó. Ông bình luận gì về những thách thức này?
- Đúng vậy, lạm phát tuy được kiểm soát ở mức thấp nhưng tình hình thế giới còn nhiều biến động khó lường, ảnh hưởng đến giá cả trong nước. Khu vực doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh yếu đang chịu sức ép lớn trong bối cảnh hội nhập sâu.
Năng suất lao động của Việt Nam có tăng trong thời gian qua, góp phần thu hẹp dần khoảng cách so với năng suất lao động của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore; bằng 1/6 của Malaysia; bằng 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc theo sức mua tương đương PPP.
Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tuy có cải thiện nhưng tốc độ chậm và ở mức thấp so với các nước trong khu vực, tỷ lệ đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP giai đoạn 2001 - 2005 chỉ đạt 11,9%; giai đoạn 2006 - 2010 thậm chí - 4,5% và giai đoạn 2011 - 2013 là 23,6%.
Mặt khác, quá trình tái cơ cấu kinh tế diễn ra chậm, nhất là khu vực doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng. Nợ xấu chưa được giải quyết, nhất là nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước. Cầu nội địa tuy tăng hơn năm trước nhưng chưa mạnh. Đó vẫn là những thách thức mang tính nền tảng với nền kinh tế, cũng như kinh tế vĩ mô.
- Khu vực FDI ngày càng đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế. Tổng cục Thống kê có bình luận gì đối với sự phát triển của khu vực này?
- Đúng là vài năm trở lại đây, sản xuất kinh doanh của khu vực FDI phát triển khá nhanh, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Do một số doanh nghiệp có qui mô lớn, có thương hiệu và mạng lưới sản xuất kinh doanh toàn cầu đã liên tục mở rộng qui mô sản xuất tại Việt Nam như Samsung, Nokia,…cơ sở ở Bắc Ninh và mới mở tại Thái Nguyên. Một số hãng có qui mô sản xuất lớn, có thương hiệu nổi tiếng về giày, dép, quần áo thể thao chuyển hoặc thu hẹp các chi nhánh đầu tư từ Trung Quốc, Bangladesh,…về Việt Nam sản xuất như Nike, Adidas, Puma,…
Năm 2014, xuất khẩu của khu vực FDI chiếm gần 68% tổng kim ngạch xuất khẩu; tăng trưởng cao, đóng góp khoảng 20,5% GDP, tăng hơn năm 2013 là 19,55%; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Chỉ số sử dụng lao động của khu vực FDI công nghiệp là 9,5%, trong khi chỉ số chung của doanh nghiệp công nghiệp là 5,8%. Vốn đầu tư thực hiện đạt 265,4 nghìn tỉ đồng, tăng 10,5%, theo giá hiện hành.
Tuy nhiên, khu vực FDI chủ yếu vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 80% theo quy mô lao động và gần 72% theo quy mô vốn đầu tư. Chính vì quy mô nhỏ và vừa nên khu vực này ít đầu tư công nghệ, mà chủ yếu là gia công, lắp ráp. Xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tỷ trọng cao, tăng trưởng cao nhưng chủ yếu là gia công, lắp ráp nên hàm lượng giá trị tăng thêm không cao, vì vậy tỷ trọng chiếm trong GDP tăng chậm qua các năm, bình quân năm thời kỳ 2010 – 2014 chiếm 18,8% GDP, chỉ tăng thêm khoảng 0,6%. Thu nhập sở hữu (vốn, lao động) của khu vực FDI tăng qua các năm, bình quân năm thời kỳ 2010 – 2014 là 6,4 tỉ đô la Mỹ, riêng năm 2014 khoảng 7,87 tỉ đô la Mỹ; đồng nghĩa với việc dòng tiền chuyển ra bên ngoài ngày càng lớn.
Phát triển khu vực FDI là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước để phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, đã đến lúc cần có sự lựa chọn ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh cho đầu tư của khu vực FDI để tránh tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên, và khi doanh nghiệp FDI rút đi thì chúng ta đủ khả năng tiếp quản để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Hàng loạt các FTAs sẽ có hiệu lực vào năm tới. TCTK tính toán như thế nào về tác động tiêu cực của nó lên nền kinh tế, ngân sách.
- Độ mở của nền kinh tế cao, năm sau cao hơn năm trước, đạt 142,3% năm 2012; 150,5% năm 2013; và 155,6% năm 2014. Như vậy, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh vào kinh tế thế giới. Với việc giảm thuế nhiều hàng hóa và dịch vụ do thực hiện các cam kết FTAs cũ và mới trong năm nay, độ mở này sẽ còn gia tăng.
Trong bối cảnh đó, chúng ta cần nhìn nhận thực tế là cán cân thương mại thặng dư song chưa thật vững chắc do tập trung chủ yếu ở khu vực FDI với giá trị gia tăng thấp, sản xuất các sản phẩm phụ trợ trong nước nhằm giảm nhập khẩu chuyển biến chậm. Cán cân hiện hành vẫn nhập siêu 2 tỷ đô la Mỹ.
Về mặt tích cực, tôi cho rằng các thị trường mới với thuế giảm sẽ giúp túc đẩy tự do thương mại, hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để tham gia các thị trường, xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng. Nhờ vậy mà công ăn việc làm sẽ được tạo ra nhiều hơn. Bên cạnh đó, người Việt Nam sẽ được sử dụng hàng hóa chất lượng cao, giá cả hợp lý, và dòng vốn FDI dự kiến sẽ gia tăng. Theo một số nghiên cứu, nhờ tham gia các FTAs mà GDP sẽ ước tăng thêm từ 2- 2,5%. Điều này cũng giúp tăng trưởng kinh tế mà tôi đã nói ban đầu. Ngoài ra, tăng lương thực tế ước đạt khoảng 5%.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối mặt với hàng loạt thách thức tiêu cực. Doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa nhập khẩu ngay tại thị trường nội địa, nhập siêu dự báo gia tăng. Vì thế, các doanh nghiệp cần tiếp tục cải tiến, nâng cao năng suất, hạ giá thành… để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu. Thu thuế nhập khẩu sẽ bị giảm, điều này cũng ảnh hưởng đến thu ngân sách. Tuy nhiên, tác động như thế nào thì cần phải tính toán thêm.
Tư Hoàng thực hiện
No comments:
Post a Comment