Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân phát biểu tại hội nghị trực tuyến sáng nay - Ảnh: Văn Nam
Báo cáo tại hội nghị, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư điểm qua một số kết quả khả quan trong năm 2014 như tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả nước đạt trên 1.220.000 tỉ đồng, tăng 11,5% so với năm 2013 và bằng 31% GDP; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước cả năm 2014 đạt 12,35 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,4% so với năm 2013, vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân khá ước đạt cả năm khoảng 5,5 tỉ đô la Mỹ. Năm 2014 cả nước đạt mức tăng trưởng GDP 5,98% và mục tiêu năm 2015 dự kiến GDP sẽ tăng 6,2%.
Nhìn chung, theo ông Vinh, tình hình kinh tế năm 2014 có nhiều chuyển biến khả quan, đạt 13/14 chỉ tiêu kinh tế xã hội (chỉ có chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo không đạt). Hoạt động xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, có xuất siêu, trong đó đáng chú ý là xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp trong nước tăng và đạt xấp xỉ xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh những mặt tích cực, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng cho biết năm 2014 vẫn còn nhiều hạn chế như tiến trình tái cơ cấu kinh tế còn chậm, nợ công còn cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp mũi nhọn còn hạn chế, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn còn ở mức cao, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, giảm nghèo chưa bền vững, thiệt hại cho thiên tai, ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp.
Phát biểu tại hội nghị sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong bối cảnh nước ta bị tác động bởi diễn biến kinh tế chính trị trên thế giới khó lường, kinh tế vĩ mô nước ta năm 2014 vẫn tiếp tục duy trì ổn định, có nhiều chuyển biến tích cực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại sự cố hồi tháng 5-2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 vào vùng biển nước ta đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế cả nước, cụ thể là Việt Nam mất 1 triệu khách du lịch trong năm 2014 (cả năm đạt 8 triệu khách du lịch thay vì đạt 9 triệu khách), một số người xấu lợi dụng gây khó cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (hơn 1.000 doanh nghiệp đang sản xuất phải ngừng hoạt động).
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đạt được các chỉ tiêu kinh tế đề ra hồi đầu năm, chúng ta đã giữ được chủ quyền quốc gia, giữ được hòa bình và ổn định.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng phát triển kinh tế vĩ mô năm qua vẫn chưa vững chắc, thu ngân sách đạt nhưng nhìn vào cơ cấu ngân sách vẫn đáng lo như chi cho đầu tư phát triển ngày càng giảm trong khi nhu cầu ngày càng cao, thu nội địa tăng chậm, bội chi giảm nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra, sức cạnh tranh của nền kinh tế tuy cải thiện một bước, môi trường kinh doanh được cải thiện nhưng so với các nước Đông Nam Á vẫn còn thấp.
Ngoài ra, vẫn còn nhiều bức xúc trong xã hội như trong tổng hộ nghèo cả nước thì vẫn còn đến 33% hộ nghèo tại vùng đồng bào dân tộc, đào tạo nghề chưa đạt chỉ tiêu, tội phạm xã hội vẫn còn là nỗi lo của người dân, tai nạn giao thông còn nghiêm trọng, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn bức xúc của người dân.
Năm 2015 là năm cuối của kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm (2011 – 2015). Theo đó, có 4 nhóm nhiệm vụ lớn trong năm 2015 gồm: cả nước phải chung sức quyết liệt thực hiện để đạt các chỉ tiêu kinh tế xã hội đã đề ra; bảo đảm chủ quyền quốc gia và giữ môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước; tăng cường đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế để tạo môi trường thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ đất nước; đại hội Đảng các cấp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trình bày dự thảo nghị quyết của Chính phủ về giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2015. Theo đó, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2015 gồm tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 30 – 32% GDP …
Về chính sách tiền tệ, trong năm tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ ngành điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ. Tăng dư nợ tín dụng phù hợp và nâng cao chất lượng tín dụng.
Cũng trong năm 2015, các chính sách tài khóa chặt chẽ cũng sẽ được áp dụng như không mua xe công (trừ xe chuyên dụng), không ứng trước dự toán ngân sách nhà nước năm sau (trừ trường hợp đặc biệt như bão lũ, dịch bệnh…), dừng triển khai và thu hồi các khoản kinh phí mua sắm, sửa chữa, đầu tư đến ngày 30-6-2015 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, quản lý chặt chẽ nợ công, theo dõi và đánh giá an toàn nợ công định kỳ 6 tháng một lần.
TPHCM: Đề xuất tăng mua dầu dự trữ, giảm khai thác trong nước
Việt Nam cần nghiên cứu đến việc tăng cường mua dầu dự trữ, tạm ngưng và giảm sản lượng dầu khai thác trong bối cảnh giá dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh.
Đây là ý kiến đề xuất của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nêu ra tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các tỉnh thành trong sáng nay (29-12).
Phát biểu tại hội nghị ông Lê Hoàng Quân cho biết cập nhật thông tin trong sáng nay (29-12) cho thấy giá dầu thế giới giảm còn 52 đô la Mỹ/thùng trong khi giá vàng tăng và đây là những dấu hiệu cần được theo dõi sát.
"Đề nghị Chính phủ nghiên cứu cho tăng cường mua dầu dự trữ vì giá dầu giảm là cơ hội tốt cho chúng ta tăng dự trữ, tạm ngưng và giảm sản lượng khai thác, xuất khẩu dầu", chủ tịch UBND TPHCM đề nghị.
Số liệu tại hội nghị sáng nay cho thấy năm 2014 cả nước khai thác 15,5 triệu tấn dầu thô, tăng 1,8% so với năm 2013. Trong đó, xuất khẩu dầu thô đạt khoảng 9,1 triệu tấn, tăng 8,9% so với năm 2013. |
No comments:
Post a Comment