Việc tồn tại sân golf bên trong đang gây cản trở cho sự phát triển của sân bay. Nếu giải tỏa sân golf này, sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) có thể xây dựng cơ sở hạ tầng để nâng công suất khai thác lên 56 triệu hành khách/năm.
Đây là nhận định của TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ & quản lý TP.HCM HASCON, xoay quanh đề xuất giải tỏa sân golf trong sân bay được một số đại biểu Quốc hội đưa ra tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14.
Theo ông Phúc, sân golf trong sân bay chiếm đến 157ha, việc tồn tại sân golf này không ảnh hưởng đến hoạt động bay, nhưng lại cản trở sự phát triển của sân bay TSN.
Cổng vào sân golf bên trong sân bay Tân Sơn Nhất.
TS Phúc khẳng định, nếu sử dụng khu vực sân golf 157ha và khu đất trống 38ha tiếp giáp mạn bắc đường băng, ngành hàng không hoàn toàn có thể nâng cấp TSN lên tối thiểu 56 triệu hành khách/năm, mà không cần di dời dân hay bất cứ một cơ quan nào. Ông phân tích, năng lực của một sân bay phụ thuộc bốn yếu tố, gồm đường băng, nhà ga, bãi đỗ và đường lăn.
Thứ nhất, về đường băng, Tân Sơn Nhất đang có 2 đường băng đạt tiêu chuẩn quốc tế (đường phía bắc dài 3.200m, rộng 45m; đường phía nam dài 3.800m, rộng 45m) có khả năng đón tiễn những máy bay lớn nhất thế giới hiện nay như Airbus A380 với 850 hành khách, Boeing 747-400 với 660 hành khách.
"Hai đường băng tại sân bay TSN hoàn toàn có thể đáp ứng được 80 triệu hành khách/năm. Nên nhớ rằng sân bay Hongkong cũng chỉ có 2 đường băng rộng 45m dài 3.800m, có năng lực 87 triệu hành khách/năm", ông Phúc nói.
TS Nguyễn Bách Phúc - người đã có nhiều ý kiến đề xuất bỏ sân golf bên trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Còn về nhà ga hành khách, hiện nhà ga quốc nội đón 8 triệu hành khách, nhà ga quốc tế đón 12 triệu hành khách/năm. Để tăng lượng hành khách, đương nhiên phải xây thêm nhà ga. Tổng diện tích cần thiết cho 1 nhà ga quốc tế 12 triệu hành khách/năm, như nhà ga quốc tế của TSN hiện hữu chỉ cần 16ha. Nếu lấy đất sân golf cùng bãi trống rộng 38ha thì dư sức thực hiện vì làm thêm 3 nhà ga, chỉ sử dụng khoảng 48ha. Với việc thêm 3 nhà ga, lượng khách sẽ tăng lên 36 triệu và công suất của sân bay sẽ là 56 triệu hành khách/năm.
Riêng về các bãi đỗ máy bay, TS Phúc cho biết, vào năm 2014 sân bay có 47 vị trí đỗ rải rác ở phía nam đường băng. Theo tính toán, thời điểm đó các bến bãi này đáp ứng được 20 triệu hành khách/năm. Do đó để đáp ứng được 56 triệu hành khách/năm cần phải xây thêm 85 điểm đỗ. Để có thể tiếp nhận những máy bay lớn nhất hiện nay như Airbus A380 (sải cánh 79,8m, chiều dài 73m) diện tích một điểm đỗ phải khoảng 1,3ha. Như vậy tổng diện tích cần thiết xây thêm 85 điểm đỗ chỉ khoảng 110ha. Ngoài 3 sân ga quốc tế và 85 bãi đỗ, vùng đất sân golf vẫn còn hàng chục ha, đủ để xây dựng thêm đường lăn và các công trình phụ khác.
Việc nâng công suất sân bay lên 56 triệu hành khách/năm, theo ông, cũng không gặp trở ngại về tình trạng giao thông trên các tuyến đường trong khu vực, bởi với 56 triệu hành khách/năm, ở thời điểm tấp nập nhất của sân bay, lượng người lưu thông trên đường đường Trường Sơn để ra vào sân bay chỉ chiếm khoảng 11% năng lực thông xe. Đó là chưa kể còn có thể mở thêm các cửa cho TSN ở đường Trường Chinh, Phạm Văn Bạch, Tân Sơn, Quang Trung.
Với những phân tích trên, TS Phúc cho rằng cần phải thu hồi đất sân golf trong sân bay TSN để có mặt bằng xây dựng các cơ sở hạ tầng nâng cấp sân bay. Đặc biệt việc này còn nhằm để bảo vệ môi trường sống của người dân trong khu vực.
"Việc trồng loại cỏ trong sân golf phải sử dụng nhiều hóa chất, phân hóa học để chăm sóc. Tuy nhiên lượng hóa chất này cũng chỉ được cỏ hấp thụ một phần, một phần sẽ ngấm vào đất rồi ngấm vào nguồn nước ngầm và đe dọa cuộc sống người dân xung quanh", TS Phúc nêu.
Hữu Ký
No comments:
Post a Comment