Tuesday, March 1, 2016

Doanh nghiệp "làm 10 đồng, thuế ăn 4 đồng": Bộ đính chính

Báo Đất Việt ngày 2/02/2016,           http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/doanh-nghiep-lam-10-dong-thue-an-4-dong-bo-dinh-chinh-3301528/,       Theo Bộ Tài chính, việc gộp cả BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn để cho rằng thuế "ăn" là không chính xác.

Ngày 28/2, Bộ Tài chính đã có phản hồi về thông tin đăng tải trên báo chí về việc doanh nghiệp Việt Nam phải dành gần 40% lợi nhuận để nộp thuế là quá lớn, vượt quá mức chịu đựng của doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và là một trong những nguyên nhân khiến số doanh nghiệp Việt Nam giải thể, dừng hoạt động tăng cao.
Theo Bộ Tài chính, thực tế các khoản đóng góp được phía doanh nghiệp nêu bao gồm cả: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn,...
Các khoản đóng góp trên - theo lãnh đạo bộ - là không thuộc về khoản huy động tài chính của Nhà nước mà đây là các khoản đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động nhằm bảo đảm các chính sách an sinh cho bản thân người lao động.
Doanh nghiệp Việt đang nặng gánh thuế, phí
Bởi vậy, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, việc gộp cả những khoản đóng góp này vào để cho rằng thuế "ăn" là không chính xác.
Riêng với thuế, phí, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, để so sánh, các quốc gia thường sử dụng tiêu chí về tỷ lệ phần trăm giữa số huy động từ lĩnh vực trên với tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
"Theo số liệu thống kê thì tỷ trọng tổng số thu ngân sách Nhà nước trên GDP của Việt Nam giai đoạn năm 2011-2015 khoảng 23,3%, trong đó tỷ lệ động viên từ thuế, phí khoảng 20,9%", báo cáo của ngành tài chính nêu rõ.
Không đánh giá đây là tỷ lệ cao hay thấp nhưng thông cáo của Bộ Tài chính có nêu lên tỷ trọng này ở các nước khác cùng giai đoạn trên như Thái Lan là 23%, Indonesia là 16,6%, Lào 23,4%, Malaysia là 24,5%, Ấn Độ là 19,5%...
"Nếu loại trừ thu từ dầu thô thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí tính chung ở Việt Nam khoảng 17,2% GDP. Và nếu tiếp tục loại trừ thu từ tiền sử dụng đất thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí ở Việt Nam vào khoảng 15,6%", thống kê của Bộ Tài chính nêu.
Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, tỷ lệ động viên của các sắc thuế chính ở Việt Nam hiện đang ở "mức thấp và đang được điều chỉnh theo xu hướng giảm dần."
Cụ thể, với thuế thu nhập doanh nghiệp, mức thuế suất phổ thông từ năm 2014 là 22% và từ 1/1/2016 xuống mức 20% và mức thuế suất ưu đãi là 10% và 17%.
"Nếu so với mức bình quân chung của 83 nước trên thế giới là 27%; so với một số nước trong khu vực có mức thuế suất phổ thông 30% như Philippines, Thái Lan, Trung Quốc 25%, Malaysia 25% thì mức thuế suất phổ thông của Việt Nam được đánh giá là thấp", đại diện ngành tài chính đánh giá.
Tương tự, với thuế giá trị gia tăng, hiện nay, mức thuế suất phổ thông ở Việt Nam là 10% (cùng với mức thuế suất 5% được áp dụng cho nhiều loại hàng hóa, dịch vụ). Trong khi ấy, theo thống kê về thuế suất thuế giá trị gia tăng của 112 nước trên thế giới thì có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25%, còn lại 24 nước phổ biến ở mức 10%,...
Trước đó, trong báo cáo Doing Business được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, doanh nghiệp Việt Nam phải dành 39,4% lợi nhuận để nộp thuế và một số khoản chi trả khác. Theo cách tính của WB, các khoản được xem là thuế bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Qua đó, một số ý kiến đã cho rằng, tỷ lệ trên vượt quá mức chịu đựng của doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và là một trong những nguyên nhân khiến số doanh nghiệp Việt Nam giải thể, dừng hoạt động tăng cao.
Từng trao đổi trên Đất Việt về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, có hai thứ đang trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp Việt: Trước hết là các khoản thuế, lãi suất ngân hàng quá cao. Trên thế giới lãi ngân hàng chỉ 1-2%, thậm chí nhiều trường hợp 0%, trong khi Việt Nam lãi suất trên dưới 10%, mấy năm trước có lúc gần 30% mỗi năm. Ngoài ra, thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam quá cao, doanh nghiệp làm bao nhiêu lãi cuối cùng bị thuế 'ăn' hết. Tương tự, phí bảo hiểm xã hội, y tế tới hơn 30%. Bởi doanh nghiệp bị tận thu quá lớn nên khó có thể có lãi hay ra được sản phẩm giá rẻ.
Thứ hai, phí bôi trơn khá nhiều, tùy theo doanh nghiệp. Như doanh nghiệp của ông do không có chủ trương nên các chi phí này không nhiều, chỉ dưới 1-2%, và cũng vì thế các dự án thường bị chậm nhưng cũng có doanh nghiệp chủ trương chi phí bôi trơn nhiều để được lợi nhiều hơn nên con số này có thể tăng lên 5-10%.
"Một chuyên gia kinh tế từng nói Việt Nam là đất nước "không chịu lớn" nhưng tôi cho rằng Việt Nam "không thể lớn" với một cơ chế như thế này, với mức lãi suất, phí BHXH, phí bôi trơn cao như thế. Tình trạng đó khiến kinh tế Việt Nam khi hội nhập sẽ bị thiệt hại rất lớn vì chúng ta "không thể lớn" còn nước khác cứ thế tiến lên đẩy Việt Nam tụt lùi" , ông Đực nhấn mạnh.
Ông trăn trở: Nhà nước vận động "người Việt yêu hàng Việt", muốn hàng Việt cạnh tranh được với sản phẩm của các nước khác. Nhưng muốn "người Việt yêu hàng Việt thì "Nhà nước phải yêu doanh nghiệp", "công chức yêu doanh nhân"  bằng cách hạ lãi suất ngân hàng, giảm phí BHXH, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm phí bôi trơn. Phí bôi trơn nhiều là bởi chúng ta có quá nhiều thủ tục, từ đây dẫn đến hai hệ quả: doanh nghiệp phải chịu đựng hàng núi thủ tục đó, và núi thủ tục còn cao thì chi phí để nuôi dưỡng bộ máy công chức, chi phí điện, điện thoại, xe cộ và trụ sở... tăng rất lớn. Vì thế, để giảm chi thường xuyên của ngân sách, giảm phí bôi trơn của doanh nghiệp thì không còn cách nào khác phải giảm thủ tục, giảm số lượng công chức.
Minh Thái 

No comments:

Post a Comment