Thursday, September 18, 2014

Phát hiện thú vị về “phát hiện”


Báo Giáo Dục, ngày 28/11/2013,  http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Phat-hien-thu-vi-ve-phat-hien/327046.gd,  Nếu có một trường đào tạo ngôn ngữ cho các sĩ phu hiện đại thì có lẽ cụm từ kinh điển đầu tiên mà các học viên phải thuộc lòng là: “chưa phát hiện”. Hà Nội “chưa phát hiện chuyện chạy chức”, Bộ Tài nguyên Môi trường “chưa phát hiện tham nhũng”, Bộ Công Thương “chưa phát hiện cây xăng "gần Viện Quân y 108" bán sai quy định”, Bộ Y tế “Chưa phát hiện chất gây teo não ở hạt hướng dương”, Bộ GD&ĐT “Chưa phát hiện trường nào bán bằng giả”…


9-tangvat-nho
Ảnh minh họa

Đi kèm cụm từ “phát hiện” có các tiếp đầu ngữ: chưa, không, đã, sẽ, vừa, nếu…
Trước hết nói về “chưa phát hiện” và “không phát hiện”.
Trả lời chất vấn tại nghị trường, Tư lệnh ngành Giáo dục nói “chưa phát hiện trường nào bán bằng giả”, lẽ ra hoàn toàn có thể dõng dạc tuyên bố: “Không phát hiện các trường trong hệ thống giáo dục bán bằng giả”.

Thay thế chữ “chưa” bởi chữ “không” là một sự khẳng định, phôi bằng do Bộ in và quản lý rất chặt chẽ, khi các trường muốn cấp cho học sinh, sinh viên bằng tốt nghiệp hoặc các loại chứng chỉ đều phải mua tại cơ quan bộ.

Nói thế có nghĩa Bộ GD&ĐT là nơi  bán phôi bằng, các trường, viện, trung tâm (gọi chung là trường) là nơi hoàn thiện văn bằng cấp cho người học. Về nguyên tắc, các trường chỉ cấp văn bằng chứ không bán, việc nhà trường thu thêm khoản này, khoản khác chỉ là lệ phí (ôn thi, bảo vệ tốt nghiệp, in ấn văn bằng)… Khoản lệ phí này ở các trường ngoài công lập “chỉ” vào khoảng 3-5 triệu đồng.
Có một sự thật là các trường, từ phổ thông đến đại học, dù là tư thục, dân lập hay công lập, chẳng ai “dại” mà đi bán bằng, kể cả bằng thật chứ đừng nói đến bán bằng giả, có chăng chỉ là những kẻ cò mồi, lừa đảo sử dụng con dấu “củ khoai” làm mất uy tín nhà trường.
Trong lĩnh vực thương mại, khái niệm “bán hàng” được định nghĩa khá chi tiết. Xin nêu một định nghĩa kinh điển: “Bán hàng là hoạt động thực hiện sự trao đổi sản phẩm hay dịch vụ của người bán cho người mua để  nhận lại từ người mua tiền hay vật phẩm hoặc giá trị trao đổi (mà hai bên) thỏa thuận” [1].
Người bán hàng luôn tìm cách thu hút sự chú ý của khách hàng, phục vụ, giúp đỡ khách hàng nhằm cung cấp cho khách hàng những thứ mà họ mong muốn. Xét trên tiêu chí này thì các trường, cả công lẫn tư đều là người bán hàng, đều cung cấp cho người học những thứ mà họ muốn, cụ thể là kiến thức chuyên môn.

Tuy nhiên thực tế lại có một nhóm người không cần kiến thức, họ chỉ cần các văn bằng để hợp thức hóa chức vụ, địa vị trong các tổ chức, cơ quan, đó chính xác là những người mua bằng chứ không phải học sinh, sinh viên.
Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh ngày 12/01/2010 đăng bài “Thi dỏm, bằng thật, kiến thức giả” của các phóng viên Xuân Chiểu – Trần Ngọc, bài báo viết: “Với 600.000 đồng, nửa tiếng học ôn và một buổi thi ngoại ngữ bằng… tiếng Việt, chúng tôi có chứng chỉ B tiếng Anh thật 100%!” Sự việc này diễn ra tại Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật TP.HCM. Như các phóng viên bài báo khẳng định (vì chính họ đã tham dự thi để lấy tư liệu), bằng mà họ có được là bằng thật 100%, điều này có nghĩa là trường CĐ KTKT TP. HCM “không bán bằng giả”.
Một thời dư luận ồn ào chuyện mấy tỉnh tuyên bố không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp tại chức vào các cơ quan công quyền, trong khi bằng cử nhân, kỹ sư của họ là bằng thật 100%. Chẳng tỉnh nào chê bẳng của họ là bằng giả và cũng chẳng tính nào dám khẳng định rằng họ mua bằng.

Điều mà các tỉnh công khai  trước công luận là kiến thức, là trình độ chuyên môn của các “tại chức” này dưới mức trung bình, không đáp ứng nhu cầu mà tỉnh mong đợi. Không phải chỉ trình độ đại học mà cả trên đại học, người ta không “bán bằng giả” mà luôn “cung cấp” bằng thật, chỉ có điều không phải theo kiểu “tiền trao, cháo múc” ở chợ mà qua trung gian là các trường (cả công lẫn tư).

Nếu có chút nghi ngờ, chỉ cần Bộ tập trung tất cả thạc sĩ đào tạo trong 05 năm trở lại đây, cho làm bài thi ngoại ngữ, tin học là sẽ biết bao nhiêu “thạc giả” mà bằng thật. Vì sao lại không tập trung các “tại chức” để kiểm tra? vì “nồi cơm” của các trường (theo ý ông Nguyễn Thiện Nhân) ngày nay không phải là tại chức mà là cao học rồi.
Giá như có vị nào có quyền nêu câu hỏi chất vấn, đặt vấn đề như sau: “Từng làm Hiệu trưởng trường Thương Mại, xin Bộ trưởng chọn một từ thay thế từ “mua bằng” để định nghĩa hiện tượng: “Thi dỏm, bằng thật, kiến thức giả” mà báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh đã viết”.
Câu chất vấn này có thể làm khó những người dám nhìn thẳng vào sự thật, tuy nhiên với các tín đồ của “chưa phát hiện” thì câu trả lời lại vô cùng đơn giản: “cho đến giờ, chưa phát hiện ai “kiến thức giả” mà có bằng”.

Có lẽ phải chờ sau khi tòa xử vụ kiện “đạo văn” của ông Hoàng Xuân Quế, nếu Bộ thắng thì mới có dẫn chứng. Nhưng dù Bộ có thắng thì cũng không phải là do Bộ phát hiện, đây chẳng qua là “nhờ” các giáo sư, phó giáo sư con cưng của Bộ “choảng nhau” nên Bộ biết mà thôi?
Trong ngành nông nghiệp, những kẻ bán phân bón rởm, giống cây rởm gây thiệt hại cho nông dân, khối kẻ đã vào tù. Bọn mua ụ nổi rởm ở Vinashin cũng đang ngồi tù, bọn mua thiết bị lặn rởm ở Ngân hàng Nông Nghiệp còn bị kết án tử hình.

Thiệt hại mà chúng gây ra từ vài trăm đến vài nghìn tỷ. Thế còn đào tạo cho đất nước một đội ngũ “trí thức rởm” có thể lên đến hàng vạn người sẽ phải xử lý thế nào? Tất nhiên điều này không phải mới xuất hiện gần đây mà đã qua mấy chục năm rồi, vì vậy không thể đổ dồn lỗi cho mấy vị đương chức trong ngành giáo dục. Tóm lại thì vẫn là “không phát hiện” được lỗi thuộc thời kỳ nào, bộ phận nào, cá nhân nào!
Vừa phát hiện, nếu phát hiện:

Một điều “vừa phát hiện” là sách đồng dao dành cho trẻ mầm non với những nội dung phản cảm đang được dư luận mổ xẻ. Cuốn sách đã được phát hành cách đây một năm và có lẽ đã đến tay các cô bảo mẫu, nhưng cho đến nay ngành giáo dục vẫn “chưa phát hiện” sách này đã được đưa vào giảng dạy hay chưa.

Phải chăng nguyên nhân là do sách không do nhà xuất bản Giáo Dục phát hành, hay đơn thuần chỉ vì sách đồng dao là tài liệu đọc thêm, chưa có trong danh mục sách giáo khoa mà Bộ quản lý? Nếu những từ đầu tiên được học ở trường là “đập chết” hay “quả đấm” thì trẻ con Việt lớn lên sẽ thành loại người gì? Rồi những chuyện ầm ĩ như bài toán “tảo hôn”, bài toán “chặt ngón tay”, cho đến nay vẫn “chưa phát hiện” nó có thật hay chỉ là một kiểu “chém gió” của cư dân mạng.

Chỉ có điều chắc chắn là VTC.vn ngày 26/11/2013 “vừa phát hiện” ý kiến của Bộ trưởng trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” do truyền hình VN phát tối 24/11 là có gì đó chưa ổn: “Với việc chưa xác minh được nguồn gốc bài toán nhưng bộ trưởng đã khẳng định như trên, liệu đã thẳng thắn và trả lời hết trách nhiệm chưa? Rõ ràng đây là việc cần xác minh, nếu (phát hiện) cá nhân thầy, cô giáo, nhà trường vi phạm thì ngành GD-ĐT phải có trách nhiệm xử lý” [2].
Đã phát hiện, sẽ phát hiện
Có một điều nhiều chuyên gia và bản thân lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng “đã phát hiện” đó là tình hình tuyển sinh CĐ-ĐH năm 2013.
Tháng 8/2013 Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng: “Cách xác định điểm sàn như năm nay thì khối đại học dư tới 238.726 em trên sàn, như vậy nguồn dư năm nay rất lớn. Với nguồn dư này các trường trước đây khó tuyển năm nay hy vọng sẽ tuyển được thí sinh. (giaoduc.net.vn 8/8/2013). Ngày 26/11/2013 Thứ trưởng Ga lại nói: “Năm nay nguồn tuyển sinh đã lớn hơn chỉ tiêu 100.000 lượt thí sinh và có nhiều trường công lập dù điểm tuyển cao cũng dành chỉ tiêu để gọi thí sinh nguyện vọng 2 nhằm nâng cao chất lượng [3].
Có thể Bộ “đã phát hiện” điều gì đó nên trong công văn số 7871/BGDĐT-KTKĐCLGD, Bộ đã yêu cầu các trường ĐH phải nộp báo cáo tính hình tuyển sinh trước ngay 15/11/2013 theo mẫu của Bộ và không được thay đổi cấu trúc các tệp dữ liệu do Bộ thiết kế, hơn nữa các trường phải nộp bản mềm (File dữ liệu). Nếu như vậy chỉ cần vài tiếng là các chuyên gia công nghệ thông tin sẽ có số liệu tổng kết toàn ngành và đương nhiên Bộ “sẽ phát hiện” số sinh viên dôi dư (238.726 người) đang nằm ở đâu và cũng biết được vì sao có tới 20 trường ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu.

Hy vọng sau khi các trường CĐ nộp xong báo cáo (30/11/2013), những phát hiện này sẽ được công bố công khai để mọi người cùng biết. Giả sử bộ “sẽ phát hiện” được điều gì đó bất thường, trái quy định trong việc gọi quá chỉ tiêu đăng ký thì liệu Bộ có ra quyết định đình chỉ như với CĐ Asean hay là hai bên sẽ hòa giải?
Còn câu hỏi cuối cùng là “nếu phát hiện” ai đó cố tình “không phát hiện” hoặc cố tình “chưa phát hiện” các sai phạm thì sẽ xử lý như thế nào? Có một phát hiện thú vị là cho đến nay, chưa phát hiện bộ, ban, ngành, địa phương nào chưa sử dụng cụm từ “chưa phát hiện”. Cũng tại lỗi của “chưa phát hiện” nên dân gian mới có câu: “kính thưa các vị chưa bị lộ, thưa các vị sắp bị lộ”. Tại sao lại “kính thưa” và “thưa” thì chẳng cần nói ai cũng hiểu.
TS DƯƠNG XUÂN THÀNH

No comments:

Post a Comment