Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp các giáo sư Pháp năm 1983 - Ảnh: Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân cung cấp
Ông Đặng Hữu - Ảnh: H.Điệp
Nhận nhiệm vụ mới, ông lại tự học để cáng đáng vai trò quản lý khoa học. Nhớ về những năm làm việc với ông trong vai trò phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách khoa học kỹ thuật, ông Đặng Hữu, nguyên bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ thời bấy giờ, kể một câu chuyện mà theo ông là ấn tượng nhất:
Năm 2000, lúc làm trưởng Ban Khoa giáo trung ương, chúng tôi tổ chức một hội thảo khoa học với chủ đề kinh tế tri thức. Chủ đề đưa ra được rất nhiều người ủng hộ. Ngay giờ nghỉ trưa, tôi nhận được điện thoại của anh Văn: “Hữu ơi, bàn đề tài này là đúng quá. Nói vậy là đúng Marx đấy”. Nói rồi Đại tướng nhắc câu của Marx: “Khi xã hội tiến đến mức mà lao động cần thiết tích lũy trong sản phẩm xuống đến mức tối thiểu thì con người mới được tự do. Công việc của con người khi đó là quản lý và sáng tạo”. Rồi anh Văn lại nhắc câu mà anh luôn nhắc đi nhắc lại: “Chú nhớ là phải đoàn kết dân tộc thì mới làm được kinh tế tri thức”.
Tôi tâm đắc ý ấy và hứa với anh sẽ ghi nhớ. Thế rồi sáng hôm sau, có một bài báo phản đối chúng tôi rất dữ. Bài báo đặt vấn đề: Kinh tế tri thức là gì? Nói kinh tế tri thức thì đặt giai cấp công nhân ở đâu, vai trò sản xuất ở đâu? Ai làm ra lúa gạo để ăn? Một vị lãnh đạo đọc, gọi tôi đến chất vấn và khẳng định: Trong lý thuyết của Marx không có hình thái kinh tế tri thức. Việc đưa kinh tế tri thức vào nghị quyết Đảng ở thế kỷ 21 tưởng như là tất yếu lại gặp rào cản lớn. Tôi phải giải thích kinh tế tri thức là áp dụng khoa học vào sản xuất, là sử dụng công nghệ để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng... Mãi mới thông được, và chính thế lại càng thấy tầm suy nghĩ, nhạy bén với cái mới của anh Văn.
* Thời gian làm phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách khoa học công nghệ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những chỉ đạo gì cho khoa học, kỹ thuật nước ta lúc đó còn rất yếu kém, lạc hậu?
- Vốn là một nhà giáo, anh Văn luôn nhắc đi nhắc lại với chúng tôi về việc phải cải cách, phát triển giáo dục. Không có giáo dục, lạc hậu, cũ kỹ thì không thể nắm bắt được thời đại.
Ra khỏi cuộc chiến tranh, nền khoa học còn manh mún, lẻ tẻ tự phát, chủ yếu phục vụ kháng chiến của VN được chỉ đạo một cách hệ thống hơn. Vừa tiếp nhận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo ngay: phải hướng khoa học vào kết hợp với sản xuất. Ông sang Liên Xô mời chuyên gia sang giúp tổ chức, tập hợp các hoạt động khoa học lại theo chương trình, mục tiêu.
Năm 1981, chúng tôi đã cùng soạn ra nghị quyết Bộ Chính trị số 37 về khoa học, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ của khoa học công nghệ, nhất thể hóa kinh tế và khoa học; nghiên cứu tài nguyên, thế mạnh yếu của từng địa phương để có quy hoạch vùng, rừng, biển; hết sức chú ý lĩnh vực công nghệ mới: điện tử, máy tính, công nghệ sinh học, tự động hóa, vật liệu...
* Khi làm công tác khoa học kỹ thuật, ông có thấy bóng dáng của một đại tướng thể hiện trong “anh Văn”?
- Có chứ, anh Văn vẫn luôn là đại tướng, thể hiện ở những điểm trọng tâm mà anh quan tâm, cụ thể như biển Đông và Tây nguyên.
Biển Đông là mối quan tâm hàng đầu. Đại tướng nhắc chúng tôi: nước ta có thềm lục địa rộng gấp ba diện tích đất liền. Trong tương lai, dân ta sẽ sống trên biển và phát triển kinh tế biển. Phải phát triển giao thông đường biển, quy hoạch cảng biển để VN có vị trí trong bản đồ cảng quốc tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Bên cạnh biển Đông là Tây nguyên. Đại tướng luôn khẳng định: Tây nguyên là một vị trí tối quan trọng đối với kinh tế và an nguy của đất nước. Thời gian đó kinh tế VN hết sức khó khăn, những chủ trương kinh tế như yêu cầu tự túc lương thực ở từng địa phương lại hết sức sai lầm. Đi thực tế thấy nhân dân các tỉnh Tây nguyên phá rừng trồng khoai mì, Đại tướng cảnh báo ngay: nếu cứ phá rừng làm rẫy thì bao nhiêu màu mỡ của Tây nguyên đều sẽ trôi ra biển hết, chẳng bao lâu Tây nguyên sẽ bị sa mạc hóa. Ông đã nói rất gay gắt trong một cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng, có cả tôi và một số cán bộ, chuyên viên dự. Một cán bộ ở Đắk Lắk đứng lên phát biểu hùng hồn: “Thưa Đại tướng, với chế độ của chúng ta không thể có sa mạc hóa”. Đại tướng cười: “Đồng chí đừng duy ý chí. Ai làm ngược với khoa học thì sẽ dẫn đến sa mạc hóa”.
* Ông có thể nói cụ thể hơn về kế hoạch phát triển Tây nguyên mà Đại tướng đã từng mong muốn?
- Sau chuyến đi thực tế, chúng tôi đã yêu cầu các viện làm những cuộc nghiên cứu quy mô về thổ nhưỡng, địa lý, tài nguyên ở các vùng, từ đó đề ra những kế hoạch phát triển Tây nguyên mà chủ yếu là phát triển nông nghiệp và cây lâm nghiệp. Ví như khu vực nào giữ rừng, khu vực nào trồng sắn, khu vực nào trồng lúa, nơi trồng cà phê và cao su... với mức độ nào, đều được tính toán rất kỹ. Tất cả mọi kế hoạch phát triển này không ngoài mục đích phát triển kinh tế song song với giữ gìn môi trường sinh thái... Tuy nhiên, không phải tất cả những điều Đại tướng cũng như chúng tôi mong muốn đều được thực hiện. Vì nhiều lý do khác nhau, cả khách quan lẫn chủ quan, việc phát triển khoa học và công nghệ ở Tây nguyên đến nay vẫn chưa như mong muốn.
Đại tướng chưa bao giờ quên việc này. Ông vẫn nhắc đến Tây nguyên ngay cả trong những năm cuối đời.
P.VŨ - H.ĐIỆP thực hiện
“Phải có tiếng nói”
Lúc là phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước, tôi may mắn được làm việc dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ấy là phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực khoa học kỹ thuật, vào những năm đầu của thập niên 1980.
Tôi còn nhớ như in khi mới ra thủ đô nhận công tác năm 1980, người mà tôi gặp đầu tiên để nhận nhiệm vụ là anh Văn (ông bảo tôi gọi như thế!). Những lời thăm hỏi thân tình về cuộc sống của gia đình tôi khi từ Pháp mới về nước, những trao đổi về công việc làm tôi hết sức xúc động và nghiệm ra người mà tôi gặp là một người thầy, một nhân cách đặc biệt mà sự kính trọng của tôi dày theo năm tháng cho đến những ngày tháng đến thăm anh ở Bệnh viện 108 và cho đến khi anh “Chào đồng bào tôi đi” (để mượn lời của họa sĩ Lê Hoàng Anh).
Công việc đầu tiên của tôi là tham gia cùng với một số anh trong đó có Hoàng Đình Phu, Nguyễn Văn Hường... xây dựng dự thảo chính sách khoa học kỹ thuật cho đất nước. Dự thảo đã được Bộ Chính trị xem xét và ban hành thành nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị về chính sách khoa học kỹ thuật, năm 1981.
Triển khai nghị quyết, anh chỉ đạo Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước xây dựng một hệ thống chương trình khoa học cấp nhà nước nhằm tạo cơ sở khoa học cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mới vừa ra khỏi chiến tranh.
Đầu năm 1982, anh chỉ đạo Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước tiến hành một hội nghị khoa học về đồng bằng sông Cửu Long và sau đó hình thành chương trình khoa học cấp nhà nước “Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long”, một trong hệ thống các chương trình khoa học nhà nước mà anh ký quyết định thành lập vào giữa năm 1983.
Những lần anh triệu tập tôi đến làm việc, có khi rất gấp, là những lần anh căn dặn, hỏi thăm về tình hình kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật ở Nam bộ, trí thức kiều bào ở Pháp, Mỹ, Đức, Nhật, Bỉ... về các nhà khoa học nước ngoài suy nghĩ và đánh giá về hoạt động khoa học của VN, những khả năng hợp tác trong những năm tháng VN còn bị cấm vận ngặt nghèo.
Tôi hiểu tấm lòng của anh đối với cuộc sống của người dân còn nhiều cơ cực và sự trăn trở của anh với câu hỏi “khoa học và kỹ thuật phải làm gì?”.
Khi tôi sang công tác ở Quốc hội, anh vẫn theo dõi hoạt động nghị trường của tôi. Khi bàn về Nhà máy thủy điện Sơn La, khi bàn về Luật giáo dục và cả sau này về bôxit Tây nguyên, anh đều cho gọi tôi và nhắc nhở “nhiệm vụ phải có tiếng nói”.
Vĩnh biệt anh, tôi kính cẩn gửi đến anh lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất về những đóng góp to lớn của anh cho khoa học và công nghệ nước nhà, cho đồng bằng sông Cửu Long và cho bản thân tôi mà mỗi chặng đường công tác đều có dấu ấn của anh.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân
|
Mường Phăng: kết vòng hoa rừng mang tên Đại tướng
Rất đông đoàn viên thanh niên cùng người dân Mường Phăng (tỉnh Điện Biên) đã đến rừng Đại tướng tìm kiếm những bông hoa đẹp nhất, những cành lá đặc trưng của khu rừng để kết thành dòng chữ “Võ Nguyên Giáp” (ảnh) đặt ngay trước lán chỉ huy mà 59 năm trước Đại tướng đã ở.
Anh Cờm Văn Loan, bí thư Đoàn xã Mường Phăng, xúc động: “Từ khi nhận được tin Đại tướng mất, lớp trẻ địa phương chúng tôi cảm thấy như mất đi một điều gì đó, một cảm giác hụt hẫng, tiếc nuối. Những ngày này, chúng tôi đều hướng về vị Đại tướng muôn vàn kính yêu của dân tộc. Chúng tôi kết hoa tên của Đại tướng chính là muốn truyền thông điệp: Đại tướng Võ Nguyễn Giáp mãi mãi trong tâm trí tuổi trẻ Mường Phăng. Không chỉ hôm nay mà sau này cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày mất của Đại tướng, chúng tôi cũng sẽ đến nơi đây để kết hoa thành tên của Người”.
Đức Bìn
|
No comments:
Post a Comment