Đá ong (Laterit) phân bố rất rộng rãi ở nước ta. Có lẽ trừ tỉnh Hưng Yên và Thái Bình là chưa thấy đá ong lộ ra trên mặt đất. Trên Cao nguyên đá Đồng Văn, có thể quan sát rõ hiện tượng này trên vách phía Bắc đường gần đến UBND xã Lũng Phìn, nhiều thôn của xã Lũng Táo, thị trấn Phố Bảng,…
Tuy vậy vẫn có nhiều vấn đề khoa học rất quan trọng và thiết thực liên quan với loại đá xinh đẹp này như nguồn gốc, thành phần đất đá, khoáng sản liên quan,… còn chưa được làm rõ.
Laterite – Đá ong được nhiều sách định nghĩa là: sản phẩm phong hóa của các đá giàu nhôm, sắt trong điều kiện khô, nóng và địa hình không dốc quá 150.
Từ kết quả thực địa, xin bổ xung như sau:
Laterite – đá ong là sản phẩm phong hóa tại chỗ của dăm, cuội, dung nham núi lửa thành phần bazơ – kiềm giàu sắt, nhôm, có tuổi trẻ ( từ Paleogen trở lại đây) trong điều kiện khô, nóng.
Nói cách khác: laterit có nguồn gốc nội sinh, kiểu á núi lửa bị phong hóa tại chỗ trong điều kiện khô, nóng. Điều kiện cần và đủ để có đá ong là có sự tiếp xúc của dăm, cuội dung nham núi lửa thành phần bazơ-kiềm với không khí (đá ong non cho tiếp xúc với không khí sẽ thành đá ong tốt, rắn chắc). Đá phun trào bazan cổ hơn không thể phong hóa thành đá ong được.
Cơ sở để nêu những kết luận trên là:
1. Nhìn bất kỳ khối đá ong nào cũng thấy rất giống một tấm beton ximen – đá, cát, sỏi được trộn đều một cách lý tưởng. Trong đó, đá dăm, cuội, cát gồm nhiều thành phần: từ thạch anh, đá trầm tích, đá vôi, đá macma,.. nhiều màu sắc: trắng, đen, nâu, vàng,…; nhiều cỡ hạt từ bùn sét đến đá tảng. Ximen luôn có màu nâu, nâu đen, vàng nâu với thành phần là cát, sét – kaolin, hydroxyt sắt, mangan, …Chính ximen của laterit này sẽ tạo thành bùn đỏ khi khai thác bauxite, thiếc, vàng, inmenit, .v.v. Có thể nói, về cấu trúc và thành phần, nhìn mắt thường cũng không thể nói laterite có nguồn gốc ngoại sinh do đá trầm tích hoặc bazan biến thành được.
2. Lấy bất kỳ một mẫu giã đãi laterite nào, chúng ta đều có thể thấy: ngoài các khoáng vật tạo đá còn có nhiều khoáng vật quặng: manetit, hematit, limonit, các oxyt nhôm, sulfua đa kim, vàng tự sinh, nhóm khoáng vật nặng như inmenit, thiếc, zieccon, xenotim, đôi nơi có đá quý. Phóng to từng hạt quặng sẽ thấy chúng được kết tinh hoàn chỉnh, vàng thì được đông cứng giống các giọt chì nóng chảy bị thả vào nước lạnh. Tóm lại là không thấy dấu hiệu mài tròn ở bất kỳ hạt khoáng vật nào.
3. Hiện tượng gặp đá dạng cuội, sỏi trong laterite được giải thích như sau: quá trình phun trào lên mặt đất, dung nham núi lửa cuốn theo các mảnh vỡ của đất đá vây quanh (đá tù binh), dưới nhiệt độ cao và áp suất lớn, nhiều mảnh đá tù binh này bị nóng chảy và tự vo tròn lại theo lực ép và sức căng mặt ngoài tạo thành cuội, sỏi, đá tảng tù binh. Vì vậy, các hạt cuội sỏi có mặt ngoài nhẵn nhưng luôn xù xì, không phẳng. Có thể kiểm tra bằng các mẫu lát mỏng dưới kính các hạt cuội sỏi này. Cuội sỏi này làm người ta nhầm với cuội – sỏi kết cơ học. Tuy vậy, trong laterite không có sự lựa chọn về độ hạt như theo lý thuyết về trầm tích.
4. Laterite thường tạo thành các vết lộ rời rạc cách xa nhau trên mặt đất với diện tích hàng chục, hàng trăm, ít khi hàng ngàn mét vuông. Chúng tôi thấy chúng chỉ phân bố tại các nút kiến tạo, nơi giao điểm của nhiều đứt gẫy, tức là tại các mắt lưới của mạng lưới các đứt gẫy trong khu vực. Không khó khăn lắm để dự báo theo cách điểm huyệt các điểm có chứa laterit bằng cách xác định hết các đứt gẫy có trong khu vực.
Nếu nhầm lẫn nối liền các điểm lộ laterite với nhau thành một lớp lớn thì trữ lượng tính được sẽ sai với thực tế rât nhiều.
5. Dùng công trình khoan thăm dò sẽ thấy lát cắt địa chất của các đám lộ laterit này có dạng phễu (Chúng tôi đã đan dày các lỗ khoan đến 1 x 2 mét. Cuống phễu là đường đi lên của dăm, cuội dung nham – miệng núi lửa. Chiều dày đám lộ laterit biến đổi rất mạnh, dày dần về phía họng núi lửa, mỏng dần khi ra xa.
6. Ranh giới tiếp xúc với đá vây quanh rất rõ ràng. Chúng thường làm biến chất nhiệt các đá vây quanh, làm travectanh hóa đá vôi. Ranh giới dưới của laterrit là đá cổ hơn, hoặc dăm cuội dung nham chứa quặng bị phong hóa trong môi trường giàu nước, trong đó dung nham bị kaolinit hóa làm người ta nhầm sang sa khoáng.
Tóm lại, laterit là một dấu hiệu quan trọng và gần gũi để tìm kiếm các loại khoáng sản nội sinh từ kim loại đến quý hiếm. Tuy vậy chúng chỉ có hàm lượng cao khi gần các họng núi lửa mà chúng được phun lên. Khai thác laterite loại nằm xa các họng núi lửa có hàm lượng nhôm và sắt chỉ 10% sẽ rất không kinh tế và hủy hoại môi trường.
Lê Huy Y
No comments:
Post a Comment