Thursday, September 18, 2014

“Tôi là người cầm bút...”

Báo Tuổi Trẻ, ngày 08/10/2013,   http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/573198/toi-la-nguoi-cam-but.html,    Ông Giáp tìm thấy cuốn cẩm nang của đời mình khi đang làm trợ lý cho một thầy giáo Việt, người có tuyển tập sách cấm của Marx bằng tiếng Pháp. “Tôi dành hết các buổi tối để đọc sách và tôi thức tỉnh” - ông nói.


662246

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên nóc hầm De Castrie, Điện Biên Phủ năm 1994 - Ảnh: Trọng Thanh

“Chủ nghĩa Marx hứa hẹn cách mạng, chấm dứt áp bức và mang đến hạnh phúc cho nhân loại. Nó giống như lời kêu gọi của Hồ Chí Minh rằng nhân loại cần lao đoàn kết lại” - ông Giáp kể.
Vào những năm 1930, ông Giáp bị bắt và bị kết án 3 năm tù nhưng một viên chức Pháp tốt bụng đã thả ông ra. Ông ra Hà Nội, tốt nghiệp Trường Lycée Albert Sarraut rồi lấy bằng luật tại ĐH Hà Nội. Để kiếm sống, ông dạy ở một trường tư thục, nơi ông dạy lịch sử VN “để truyền cho học sinh tôi lòng yêu nước” - ông kể. Ông còn giảng về cách mạng tư sản Pháp “để truyền các ý tưởng về tự do, bình đẳng và bác ái”.
Gặp Hồ Chí Minh
Khi tôi hỏi ông người anh hùng Pháp ông ngưỡng mộ, ông đáp ngay “Robespierre!”. “Nhưng Robespierre là kiến trúc sư của thời kỳ khủng bố” - tôi phản đối. Ông nhắc lại: “Robespierre. Đến phút chót Robespierre vẫn chiến đấu cho người dân”. Còn Napoleon thì sao? “Bonaparte thì đúng [là người hùng]. Ông ta là nhà cách mạng. Napoleon thì không [ý nói lúc lên hoàng đế]. Ông ta phản bội nhân dân”.
Năm 1936, phe Xã hội và Cộng sản lập chính phủ liên hiệp ở Paris, tình hình ở VN bớt căng thẳng. Sau thời điểm này ông Giáp gia nhập Đảng Cộng sản - lúc này được phép xuất bản báo bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Ông Giáp viết bài bằng cả hai thứ tiếng.
Ông Giáp đọc ngấu nghiến những bài viết của Nguyễn Ái Quốc mỗi lần sách vở về đến VN. “Tôi cố tưởng tượng người đàn ông này... Tôi mong chờ được gặp ông một ngày nào đó” - ông kể. Cơ hội của ông Giáp đến vào đầu năm 1940. Ở Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, ông Giáp được gặp Hồ Chí Minh, một người mảnh khảnh với bộ râu dài. Hồ Chí Minh lúc đó tự giới thiệu là anh Vương. Ông Giáp nhớ lại: “Đây là một huyền thoại... nhưng ông trông như một người bình thường, như bao người khác”.
Hồ Chí Minh cử ông Giáp đi Diên An ở phía bắc Trung Quốc, nơi Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đào tạo về chiến tranh du kích. Ngập ngừng tướng Giáp nói: “Tôi là người cầm bút, không phải cây kiếm”. Nhưng ông Giáp vẫn lên đường.
Trên đường đi ông nhận được điện của Cụ Hồ thay đổi mệnh lệnh. Pháp lúc đó vừa đầu hàng Đức, tình hình ở VN chuẩn bị thay đổi hoàn toàn. Cụ Hồ nói thời cơ đã đến để trở về VN. Đầu năm 1941, Cụ Hồ trở lại đất nước lần đầu sau hơn 30 năm. Cụ lập căn cứ ở Pắc Bó. Ở đó, cùng với ông Giáp và những người khác, Cụ Hồ thành lập Việt Minh.
Chưa bao giờ chạm bất cứ thứ vũ khí nào
Ông Giáp và các đồng chí của mình bắt đầu tuyển những người lính nghèo, những người dân tộc trong vùng. Họ đi qua núi đèo, tạo những chi bộ năm người, những người này lại lần lượt đi lập những chi bộ khác. Các chi bộ nhân lên nhanh chóng - minh chứng cho tài tổ chức của ông Giáp.
Cùng lúc, ông Giáp thành lập các nhóm du kích để bảo vệ các chính trị viên. Khi đó ông không hề có kinh nghiệm quân sự nào. Ngoài một vỏ đạn Trung Quốc cũ, ông chưa bao giờ chạm vào bất cứ thứ vũ khí sát thương nào - thậm chí là một khẩu súng ngắn. Mấy người lính của ông chỉ có vài con dao và mấy khẩu súng thập cũ (súng ngắn).
Một lần họ mua được trái lựu đạn, ông thậm chí không biết cách làm thế nào cho lựu đạn nổ. Nghe cứ như lính mới vào nghề nhưng có lần ông kể: “Chúng tôi thậm chí còn không biết làm thế nào để đi đều bước”.
Quân Pháp liên tục săn lùng, mấy nhóm lính của tướng Giáp phải rút lui vào rừng, nơi họ chịu đủ thứ dịch bệnh và phải sống lay lắt bằng vỏ và rễ cây. Vừa chiến đấu vừa học, ông Giáp dạy lính cách đi qua suối hay di chuyển trong trời mưa để tránh bị địch săn đuổi, cách liên lạc bí mật, cách gây dựng nguồn tin. Dù lo ngại thất bại, đoàn quân của ông vẫn lớn dần.
Khi Nhật xâm lược VN, quân đội Việt Minh bắt đầu chống cả Nhật và Pháp. Tướng Giáp khi đó tập hợp đội 34 du kích, trong số này có ba phụ nữ. Đóng giả là nông dân đội nón và quần áo tối màu, họ tấn công hai đồn nhỏ của Pháp vào đêm Noel năm 1944, giết sĩ quan Pháp và chiếm được kho đạn. Vui vẻ khi nhớ lại trận chiến đầu này, tướng Giáp nói: “Gần đây tôi đọc được báo cáo cũ của Pháp về các vụ này. Báo cáo nói quân đội của chúng tôi dũng cảm và kỷ luật, rằng chỉ huy của họ lão luyện về chiến thuật du kích”.
Chiến thắng tăng thêm uy tín quân Cụ Hồ. Vào tháng 9-1945, sau khi Nhật đầu hàng, Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập cho VN. Tướng Giáp được bổ nhiệm làm tư lệnh quân Việt Minh, ông được phong cấp tướng. Cụ Hồ đồng thời bổ nhiệm ông làm bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Chiến tranh nổ ra năm 1946. Đến cuối năm 1949, ông Giáp đã mở rộng các nhóm du kích của mình thành các tiểu đoàn, trung đoàn và sau đó là các sư đoàn. Tướng Giáp phá hủy một loạt đồn biên giới của Pháp giáp Trung Quốc trong một loạt các chiến dịch chớp nhoáng.
Bất ngờ bởi điều này, Pháp gửi vị đại tướng nổi tiếng nhất của mình: Jean de Lattre de Tassigny. Nhưng de Lattre chết vì ung thư khi đang lên kế hoạch tấn công. Hai bên tiếp tục giao chiến thêm ba năm nữa và tướng Henri Navarre, tư lệnh Pháp, lúc đó dự đoán với tuyên bố sau trở thành tấm văn bia không chính thức của ông: “Chúng tôi đã thấy rõ - giống như ánh sáng cuối đường hầm”.
Trận chiến vĩ đại Điện Biên Phủ
Tới năm 1953, Cụ Hồ tính toán khả năng đàm phán với Pháp. Nhưng cụ biết phải thắng trên chiến trường để thắng được ở bàn hội nghị. Trận chiến đó là Điện Biên Phủ, một trận chiến vĩ đại như các trận Waterloo và Gettysburg (trong nội chiến Mỹ).
“Lúc đầu tôi không biết là trận chiến sẽ diễn ra ở đâu hay thậm chí liệu nó có diễn ra hay không” - ông Giáp kể. Navarre lúc này được ra lệnh phải bảo vệ Lào nên đưa hết những tiểu đoàn tinh nhuệ nhất của mình lên Điện Biên Phủ, thung lũng nằm ngay sát biên giới với Lào - không bao giờ tưởng tượng là tướng Giáp dám đánh ở đó. Ông ta tính sai trầm trọng.
Tướng Giáp đưa đội quân lớn vào đây. Quân của ông đi trong nhiều tuần, đồ tiếp tế được chuyên chở bằng xe đạp và sức người băng qua núi rừng. Nhưng không có gì khó bằng việc đưa pháo lên núi. Chỉ bằng sức người, họ kéo những khẩu pháo Howitzer lên núi cao. “Việc khó, nói đúng là rất khó” - tướng Giáp nhớ lại. Ông thừa nhận chỉ bằng ý chí tinh thần con người mới làm được vậy.
Ông Giáp ban đầu dự định tấn công vào ngày 25-1-1954 theo lời khuyên của các chuyên gia quân sự Trung Quốc. Những người này đề xuất dùng “biển người” để tấn công như Trung Quốc từng đánh Mỹ tại Triều Tiên. Nhưng sau một đêm không ngủ, ông kết luận làm vậy là tự sát khi ném quân chống lại quân Pháp với giao thông hào kiên cố cùng với xe tăng và máy bay.
Ông kể: “Đột nhiên tôi ra lệnh hoãn chiến dịch. Lính của tôi bối rối. Nhưng bất chấp, tôi là chỉ huy và tôi yêu cầu tuân thủ tuyệt đối - không bàn luận, không giải thích”.
Tướng Giáp lùi ngày đánh xuống tháng 3 và ra lệnh cho lính bao vây sát quân Pháp bằng hệ thống hầm và giao thông hào chằng chịt trong khi pháo nã xuống từ trên cao. Trận chiến kéo dài gần hai tháng và từng vị trí một của quân Pháp thất bại.
Thời điểm đó, tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower cân nhắc quyết định không kích giúp đỡ Pháp. Nếu ông ta can thiệp thì sao? “Chúng tôi sẽ gặp khó khăn - tướng Giáp trả lời - Nhưng kết quả thì vẫn sẽ thế mà thôi. Trận địa quá lớn nên việc ném bom sẽ không hiệu quả”.
Quân Pháp đầu hàng vào ngày 7-5, đúng ngày hội nghị quốc tế họp tại Geneva để kết thúc chiến tranh.
STANLEY KARNOW - THANH TUẤN dịch



Người truyền cảm hứng để dân làm điều vĩ đại
Một loạt bạn bè và các nhà hoạt động quốc tế từ Mỹ đã gửi lời chia buồn tới Tuổi Trẻ về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Chuck Searcy - phó chủ tịch dự án RENEW, Veterans for peace (Cựu binh vì hòa bình) - viết:
Tôi có bốn lần được gặp tướng Giáp. Lần đầu tiên là tại buổi tiếp tân kỷ niệm ngày độc lập của VN tháng 9-1995 tại Phủ Chủ tịch. Tôi được giới thiệu với tướng Giáp là “cựu binh Mỹ từng chiến đấu tại VN”. Tướng Giáp bắt tay tôi nồng ấm, cười, nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Hai nước chúng ta phải làm sao để không bao giờ chiến tranh nữa”.
Hai lần sau đó, tôi gặp Đại tướng khi đi cùng các bạn người Mỹ trong các cuộc gặp chính thức và ngắn. Lần cuối cùng tôi gặp Đại tướng là vào năm 2006. Lần đó tôi đến nhà Đại tướng cùng với Daniel Ellsberg - người nổi tiếng với việc công bố các tài liệu của Lầu Năm Góc, và tác giả Lady Borton - người sống ở VN nhiều năm liền.
Chiến tích quân sự của tướng Giáp được miêu tả rộng khắp và được hầu hết sử gia và chiến lược gia quân sự ngưỡng mộ. Tìm hiểu về ông và so sánh với lối tiếp cận kiểu học thuyết của các tư lệnh Mỹ và việc họ phụ thuộc vào không lực, hỏa lực so với chiến thuật du kích của tướng Giáp hay trí tuệ của ông khi nhận ra giá trị không gì đọ nổi của lòng trung thành và ủng hộ của nhân dân, tôi nhận ra tướng Giáp đã lấy kỹ năng người thầy ở lớp rồi dùng nó khi là tư lệnh nơi chiến trường. Ông vẫn luôn khiêm tốn, ông chưa bao giờ thôi sự tận tụy cống hiến của mình cho người dân VN, ông quyết liệt với ý chí đòi độc lập tự do cho đất nước. Thành tựu quân sự của ông đến từ việc ông hiểu được sức mạnh và sự đoàn kết của người dân Việt, ở năng lực của ông cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh để truyền cảm hứng cho người dân VN làm những điều vĩ đại.
T.TUẤN ghi

No comments:

Post a Comment