Quyết định số 217, số 218 của Bộ Chính trị (Khóa XI) đã được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt đã thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân.
Hôm nay, Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) và Ban Dân vận Trung ương phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TƯ về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Quyết định số 218-QĐ/TƯ về ban hành quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền của Bộ Chính trị (khóa 12).
Phát biểu khai mạc, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, hơn ba năm qua, kể từ khi có các Quyết định này, chủ trương của Đảng về giám sát, phản biện xã hội kể từ Đại hội X của Đảng đã được hiện thực hóa, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội được triển khai cụ thể, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao vị thế, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, của các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức năng đại diện cho lợi ích, nguyện vọng của nhân dân.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai |
Qua 3 năm thực hiện, Quyết định số 217, số 218 của Bộ Chính trị (Khóa XI) đã được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt đã thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân.
63 tỉnh, thành phố đã tổ chức 721 cuộc giám sát, cấp huyện tổ chức 6.404 cuộc, cấp xã tổ chức 49.564 cuộc.
Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Chính phủ, chính quyền các địa phương, của các tổ chức, các doanh nghiệp, bệnh viện.
Qua giám sát, kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện đúng, có hiệu quả hơn các chính sách, quy định pháp luật; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật...
56 nghìn cuộc giám sát
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh với kết quả làm được trong 3 năm, tại 63 tỉnh thành, hầu hết cấp huyện, cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội và nhiều tổ chức thành viên, các bộ ngành trung ương đã tham gia hoạt động giám sát của Mặt trận.
Chủ tịch MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân |
“Nếu không có 3 năm với quyết tâm chính trị của Đảng, của Mặt trận và các tổ chức thành viên thì không có trên 56 nghìn cuộc giám sát, 56 nghìn lần, Mặt trận và các tổ chức thành viên thể hiện sự quan tâm tới lợi ích của dân và 56 nghìn bản kiến nghị gửi tới các cơ quan liên quan và tổ chức được giám sát.
Đồng thời có hơn 3 vạn ý kiến phản biện của người dân gửi đến chính quyền các cấp, hơn 90 nghìn cuộc đối thoại giữa nhân dân với chính quyền các cấp thông qua vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên.
Với 178 ngàn lần tổ chức giám sát, phản biện, đối thoại trong 3 năm đã thể hiện tính xã hội và kết quả quan trọng đối với hoạt động của đất nước”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, mặc dù cấp uỷ, chính quyền địa phương không trực tiếp tham gia giám sát nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện trong việc triển khai các chương trình giám sát.
Theo Chủ tịch Mặt trận, hàng năm khi Mặt trận và các tổ chức thành viên triển khai chương trình giám sát, Ban Dân vận các tỉnh, thành ủy phải nắm bắt và có sự thống nhất giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam và để đảm bảo giám sát đúng chỗ và đề cao quyết tâm chính trị.
Bên cạnh đó việc thực hiện giám sát, phản biện phải làm từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để đủ sức đeo bám đến cùng. Ở Trung ương, sau khi thực hiện giám sát phản biện phải rút kinh nghiệm và chuyển giao cách làm tới các tổ chức thành viên và các địa phương.
Mặt trận cũng phải phát huy tối đa vai trò của các tổ chức thành viên trong hoạt động giám sát, phản biện. Cùng với đó phải đeo bám đến cùng những kiến nghị sau giám sát của Mặt trận.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thông tin, vừa qua, UBTVQH đã biểu quyết nhất trí thông qua Dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Đây là văn bản pháp luật, có giá trị pháp lý quan trọng, góp phần cụ thể về cơ chế đối với hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam.
Về việc thực hiện Quyết định 218 của Bộ Chính trị về việc Mặt trận và các tổ chức nhân dân góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong thời gian tới, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ban Dân vận Trung ương nên có văn bản phối hợp hướng dẫn việc Mặt trận và các tổ chức thành viên góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Từ hướng dẫn này, các cấp sẽ triển khai thực hiện đồng bộ.
Đồng thời Ban Dân vận và MTTQ Việt Nam sẽ triển khai phối hợp giám sát các cá nhân, tổ chức Đảng, đảng viên. Qua thực tiễn giám sát, Mặt trận sẽ lắng nghe ý kiến của người dân, trao đổi với chính quyền cấp uỷ để chọn vấn đề giám sát để từ đó xác định được các vấn đề trọng tâm, tạo được sự đồng thuận, đồng tình trong giám sát.
Văn Bình
No comments:
Post a Comment