Giá dầu có thể lên mức 70 USD/thùng
So với mức thấp trong 13 năm thiết lập vào giữa tháng 2/2016, giá dầu hiện tăng được hơn 80% khi ở mức hơn 50 USD/thùng. PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) dự báo, đà tăng này sẽ còn tiếp tục vào nửa cuối 2016 và đầu năm 2017, thậm chí giá dầu có thể lên mức 70 USD/thùng vào cuối năm nay.
Theo đó, có rất nhiều nhân tố để kéo giá dầu thế giới tiếp tục đi lên.
Một xưởng sản xuất giầy truyền thống của Nga. Ảnh: EPA |
"Trước hết, giá dầu phụ thuộc vào nền sản xuất thế giới và giá trị của đồng tiền chủ chốt là USD. Kinh tế Mỹ thời gian qua tăng trưởng rất tốt nhưng với các động thái về bầu cử tổng thống cũng như các chỉ số kinh tế, nền sản xuất của Mỹ sắp tới sẽ có bước chậm lại. Điều đó khiến đồng USD không tăng giá mạnh như trước, kéo theo dầu thế giới tăng giá.
Thứ hai, nền kinh tế Trung Quốc dù nhiều chuyên gia dự đoán có thể rơi vào khủng hoảng và khiến tăng trưởng của kinh tế thế giới chậm lại nhưng về cơ bản, kịch bản hạ cánh cứng khó xảy ra và kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng trở lại trong nửa cuối 2016 đầu năm 2017. Đó sẽ là động thái làm cho nền sản xuất thế giới tăng trưởng, nhu cầu về năng lượng tăng, đẩy giá dầu đi lên.
Chưa kể các động thái về nguồn cung dầu, chẳng hạn nguồn cung ở các nước Trung Đông thời gian tới có thể có nhiều biến động ngoài dự tính của các nhà kinh tế. Sự lên xuống của giá dầu chịu tác động của các yếu tố kinh tế và chính trị, trong đó các yếu tố chính trị rất lớn và thời gian tới tác động này sẽ rất rõ", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Trái với nhiều lo ngại về việc giá dầu tăng sẽ khiến các công ty dầu đá phiến Mỹ nhanh chóng mở rộng sản xuất trở lại và điều này sẽ tác động tiêu cực đến giá dầu, vị chuyên gia kinh tế khẳng định rằng, khả năng đó chỉ xảy ra khi giá dầu phục hồi ở mức cao hơn nữa bởi chi phí sản xuất dầu đá phiến tương đối cao, khoảng 40-50 USD/thùng. Những thông tin nói rằng chi phí khai thác dầu đá phiến của Mỹ rất thấp, thậm chí giá dầu có xuống 20 USD/thùng các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ vẫn có lãi là không có cơ sở.
"Nếu không có nguồn cung dầu của Iran hay từ khai thác dầu đá phiến của Mỹ, có lẽ giá dầu còn tăng cao hơn nữa. Nhưng vì các nguồn cung này quay trở lại hoạt động khiến mức tăng giá dầu chỉ ở quanh mốc như hiện nay.
Nguồn khai thác dầu đá phiến sẽ quay trở lại nhưng để tác động đến giá dầu thế giới không phải là nhiều. Nhu cầu về dầu sẽ tăng lên rất nhiều, thậm chí còn lớn hơn khả năng đáp ứng của các nhà cung cấp, từ đó kéo giá dầu tăng cao", ông Thịnh nhấn mạnh.
Cuộc chiến giá dầu gần thất bại nhưng Nga cần nhiều người như Putin
Giá dầu tăng trở lại khiến có ý kiến cho rằng cuộc chiến giá dầu nhằm vào Nga đã thất bại. Tuy nhiên, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đúng là cuộc chiến này không thể làm Nga sụp đổ nhưng nó chưa hẳn kết thúc.
Theo đó, sự bao vây cấm vận của Mỹ và phương Tây cùng chiêu bài giá dầu thấp đã khiến Nga tự thích ứng được bằng cách thay đổi cơ cấu nền kinh tế. Mới đây, một quan chức ngành ngân hàng Nga khẳng định, kinh tế Nga đã dần thích nghi với cú sốc kép và đà suy giảm cũng bắt đầu chậm lại. Tuy nhiên, cuộc chiến của Nga với Mỹ và các nước phương Tây sẽ còn kéo dài.
"Đây là cuộc chiến lâu dài giữa Mỹ, các nước phương Tây và Nga và giá dầu chỉ là một động thái mà thôi. Về mặt chính trị, Mỹ cố tình cô lập nước Nga, coi Nga là kẻ thù, thậm chí còn nguy hiểm hơn IS, do đó không thể một sớm một chiều hóa giải được, nó sẽ chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, từ hình thái này sang hình thái khác.
Nga là đất nước giàu tài nguyên khoáng sản, đất đai rộng lớn, họ có cơ sở để trở thành nền kinh tế hàng đầu nếu biết tận dụng các cơ hội và phát huy thế mạnh của mình. Người Nga thông minh và tốt bụng, có nhiều phát kiến vĩ đại, các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức... cũng phải dựa vào những thành tựu khoa học công nghệ của Nga để phát triển đi lên nhưng nhìn lại trong lịch sử đến nay, chính các quốc gia này, cùng với Mỹ từ xưa vẫn coi thường, muốn bắt nạt và muốn kiềm chân Nga.
Nga có nhiều tiềm năng nhưng không bứt lên được, một phần vì họ cả tin, lại thiếu sự quyết tâm cũng như không thực sự quan tâm lắm đến sự phát triển vững mạnh nền kinh tế.
Nhiều người nói rằng, nước Nga cần đến nhiều Putin nữa, quả thật đúng như vậy. Cần có người mạnh mẽ, đủ sức lãnh đạo một quốc gia giàu có về tài nguyên thiên nhiên, mạnh về khả năng kinh tế nhưng hay bị o ép", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.
Ngân hàng Trung ương Nga giảm lãi suất lần đầu tiên sau 10 tháng
Ngân hàng Trung ương Nga vừa quyết định cắt giảm lãi suất từ 11% xuống còn 10,5%, lần giảm đầu tiên trong 10 tháng qua sau khi đồng rúp hồi phục, giá dầu ổn định và lạm phát không tăng.
Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina, ngân hàng sẽ xem xét khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất dựa trên những tính toán về rủi ro lạm phát.
Theo nhà phân tích Dmitry Shagardin của ngân hàng Bank Saint-Petersburg PJSC, tình hình hầu như được cải thiện kể từ sau cuộc họp hồi tháng 4 vừa qua, lạm phát không tăng như những lo ngại trước đó, giá dầu ổn định ở mức khoảng 50 USD/thùng trong hai tháng qua.
Sau khi Ngân hàng Trung ương Nga thông báo quyết định trên, đồng rúp đã được mua bán ở mức 64,6925 rúp=1 USD tại thị trường Moskva (Nga). Đồng nội tệ của Nga đã tăng gần 14% so với USD kể từ đầu năm đến nay.
|
Thành Luân
No comments:
Post a Comment