Friday, May 19, 2017

TP.HCM xây 2 cầu bộ vượt sông Sài Gòn: Người giàu đi?

Báo Đất Việt, ngày 19/05/2017, http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tphcm-xay-2-cau-bo-vuot-song-sai-gon-nguoi-giau-di-3335693/

Công trình cầu bộ vượt sông Sài Gòn nên kêu gọi BOT. Các doanh nghiệp nếu thấy có lợi sẽ đua nhau đấu thầu, TP sẽ  chọn nhà thầu tốt nhất.

Tiền đâu ra để làm?

Tiếp tục đưa ra quan điểm về chủ trương xây hai cầu đi bộ nối từ bán đảo Thủ Thiêm (quận 2) với bến cảng Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM), TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON đặt câu hỏi về nguồn vốn để triển khai dự án.
Theo TS Phúc, hiện nay nợ công đang ngày càng tăng cao, bội chi ngân sách cao. Ngân sách Trung ương dành cho TP.HCM trong điều kiện nền kinh tế có nhiều khó khăn cũng hạn chế hơn so với trước.
Hơn nữa, nhiều câu chuyện bức xúc trong đời sống hàng ngày của nhân dân TP.HCM như: ngập nước, kẹt xe, bệnh viện, nhà ở xã hội hay các công trình dân sinh khác chưa được giải quyết.
TP.HCM xay 2 cau bo vuot song Sai Gon: Nguoi giau di?
TPHCM muốn xây 2 cầu đi bộ nối liền quận 1 và quận 2. Ảnh minh họa
“Còn rất nhiều vấn đề chúng ta không giải quyết được. Vậy thì tiền đâu để đầu tư xây dựng 2 cây cầu “đi chơi”. Chúng ta nên tập trung tài chính giải quyết những vấn đề bức thiết của xã hội”, ông Phúc khẳng định.
Vị chuyên gia thừa nhận, thời gian vừa qua tại nhiều địa phương trên cả nước đang tồn tại tình trạng “vẽ” ra các dự án. Nhiều vị lãnh đạo không nghiên cứu kỹ lưỡng, không cân nhắc mặt phải, mặt trái, cân nhắc giữa lợi ích và thiệt hại khi công trình triển khai, mà cứ ồ ạt triển khai xây dựng.
“Để làm bất cứ công trình nào cũng cần có báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, báo cáo tác động môi trường. Việc này yêu cầu phải có các công ty tư vấn nghiên cứu rất chuyên nghiệp, rồi trình lên chủ đầu tư phê duyệt. Ở các quốc gia khác họ làm rất bài bản, chi tiết và nghiên cứu rất kỹ.
Công tác chuẩn bị cho đầu tư Công trình phải trải qua 10 bước, theo đúng Luật pháp Việt Nam, rồi mới khởi công xây dựng. Nhưng nhiều vị lãnh đạo có thói quen cứ cao hứng lên là quyết định đầu tư, rồi đưa ra hết lệnh này, lệnh khác để làm lấy được, mà không hề xét đến vấn đề được, mất khi triển khai dự án”, ông Phúc nhấn mạnh.
Hãy làm BOT
Là người gắn bó lâu năm với TP.HCM, TS Nguyễn Bách Phúc đặt ra vấn đề đối tượng nào sẽ là người sử dụng và quan tâm đến 2 cây cầu bộ hành nối từ bán đảo Thủ Thiêm (quận 2) với bến cảng Bạch Đằng (quận 1).
“Cầu đi bộ nghe rất hay, nhưng ai sẽ là người đi? Công trình này chủ yếu chỉ phục vụ người có điều kiện, người giàu có. Dân nghèo tiền không có. Ngay cả bản thân tôi cũng không có thời giờ lẫn tiền bạc đến đó để ngắm”, ông Phúc thẳng thắn.
Trả lời câu hỏi TP.HCM có nên xây cầu bộ hành vượt sông Sài Gòn hay không, TS Nguyễn Bách Phúc cho rằng, đáp án đơn giản và dễ kiểm chứng nhất, là mời thầu dự án theo hình thức BOT.
Theo ông Phúc, TP.HCM sẽ là người đưa ra ý tưởng, đề ra các yêu cầu nhất định đối với Công trình, và gọi thầu đầu tư theo  hình thức BOT. Các doanh nghiệp quan tâm sẽ cân nhắc, xem xét và tính toán lợi ích thiệt hơn nếu triển khai dự án.
Nếu dự án thưc sự có lợi, các nhà đầu tư sẽ đua nhau tham gia  đấu thầu, và TP.HCM có thể chọn ra nhà thầu tốt nhất.
“Cái quan trọng nhất theo tôi là không được lấy tiền Ngân sách nhà nước để đầu tư. Nhà nước đang còn nợ nhân dân rất nhiều công trình bức xúc, nhưng vẫn chưa có tiền mà đầu tư.
Tốt nhất với công trình này TP.HCM nên kêu gọi BOT. Các nhà đầu tư có nguồn vốn sẽ đánh giá xem dự án này có khả thi hay không, lợi hại ra sao, đối tượng hướng đến là gì, khả năng thu hồi vốn khi bỏ tiền. Nếu có lợi chắc chắn họ sẽ đầu tư, nhà nước không phải bỏ ra đồng nào cả.
Chúng ta cũng không cần phải tổ chức các hội thảo, tư vấn, phản biện với sự tham gia của các chuyên gia, các quan chức. Chúng ta quanh năm hội nghị hội thảo, nói đi nói lại nhiều, nhưng thực tế không hiệu quả.
Nếu các doanh nghiệp không làm BOT, thì chứng tỏ ý tưởng của chúng ta là phi thực tế, là hoang tưởng. Dù vậy, nếu nhà nước vẫn cố tình bỏ tiền ra đầu tư, thì kết quả cũng thế thôi, không hề có lợi. Gánh nặng cuối cùng chỉ đặt lên vai người dân”, ông Phúc nêu quan điểm.
Nguyễn Hoàn

No comments:

Post a Comment