Monday, January 9, 2017

Chặn tham nhũng chính sách



Diệp Văn Sơn Chuyên viên cao cấp, nguyên Phó vụ trưởng Bộ Nội vụ, 
Chủ tịch Chi hội Chi hội quản lý hành chính, 
Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP. HCM HASCON

Chặn tham nhũng chính sách

                                                Diệp văn Sơn
Ở nước ta, tham nhũng chính sách được “cài đặt”, lên “chương trình” và được dàn dựng trước, từ khâu ra văn bản. Chính phủ đang quyết tâm xóa bỏ loại tham nhũng ăn hại này
Tại hội nghị học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII do Đảng bộ Văn phòng Chính phủ tổ chức mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách phải tuyệt đối tránh lợi ích nhóm và chống “tham nhũng chính sách”. Vấn đề là làm sao chống loại tham nhũng này?
“Lobby đen” trong xây dựng văn bản
Nhìn chung, chúng ta có thể xác định được 3 loại hình tham nhũng cơ bản. Thứ nhất là hối lộ để họ “ưu tiên” giải quyết vấn đề gì đó nhưng hoàn toàn hợp pháp. Loại tham nhũng thứ hai là vi phạm các quy định của pháp luật hoặc việc thực thi pháp luật mang nặng tính thiên vị. Đây là tham nhũng trong bộ máy hành chính và là loại tham nhũng được nói tới nhiều, việc thực hiện tham nhũng đều do các công chức gây ra đòi hối lộ để vi phạm các quy định. Loại tham nhũng thứ ba là “bẻ cong luật pháp”, tham nhũng nhằm thay đổi các quy định của pháp luật thành những quy định phục vụ cho quyền lợi của những kẻ tham nhũng. Khái niệm “bẻ cong luật pháp” do Ngân hàng Thế giới đưa ra, chủ yếu nhằm lý giải thực trạng đời sống chính trị ở các nền kinh tế đang trong thời kỳ chuyển đổi.




Quy định về doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương
 bị bãi bỏ do chỉ làm lợi cho số ít doanh nghiệp Ảnh: NGỌC TRINH
Nói đến tham nhũng, dư luận thường gán với nghi ngờ: Có hay không “lobby đen” trong xây dựng văn bản?
Thật ra, lobby là vận động hành lang cần thiết trong sinh hoạt vận động nghị trường. Tuy nhiên, việc lobby này phải công khai, minh bạch trong khuôn khổ của pháp luật. Ngay ở các nước tư bản, lobby cũng có nhiều cái dở nhưng bù lại, họ có hệ thống báo chí, công luận và cả cơ quan chuyên môn luôn “săm soi”, vạch ra những cái sai để những người đề xuất, người thẩm định và người ra quyết định có nhiều cơ sở xem xét, đánh giá vì quyền lợi chung của cả cộng đồng. Đấy là lobby hoạt động trong khuôn khổ nhà nước pháp quyền; hoàn toàn khác với cái gọi là lobby theo mối quan hệ “móc ngoặc”, phạm pháp đang “bị nghi ngờ” tồn tại ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, một số lần chúng ta dường như buộc phải quen hơn với các quy trình ngược. Đó là không ít các thông tư, nghị định trái ngược với luật; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thường rất chậm và đi sau quy hoạch của các ngành, các địa phương; quy hoạch tổng thể đi sau quy hoạch chi tiết… Có ý kiến cho rằng đã từng có chuyện các tập đoàn xây dựng “hướng dẫn quy hoạch”!
Bởi thế, đây đó người ta mới có cảm giác một số chủ trương, chính sách đang bị các nhóm lợi ích chi phối, tác động. Do đó, chúng ta phải bịt kẽ hở, đừng để chính sách đúng đắn của quốc gia bị các tập đoàn kinh tế bắt “làm con tin”. Ngoài ra, việc ban hành thêm bao nhiêu thủ tục là có thêm bấy nhiêu nguy cơ nhũng nhiễu, hối lộ nên bớt được một thủ tục không cần thiết là giảm thêm một nguy cơ tham nhũng.
Đưa banh cho đồng đội làm bàn
Cũng có ý kiến cho rằng ở nước ta, lâu nay tham nhũng đã được “cài đặt” lên chương trình và được dàn dựng trước. Một trong não trạng đó là chiêu thức tạo điều kiện tham nhũng qua khâu ra chính sách, văn bản hướng dẫn. Kiểu làm văn bản được dư luận gọi nôm na là “đưa banh cho đồng đội làm bàn”.
Trên thực tế, trong hoạt động công vụ, có một nhóm người tự tung tự tác, tạo ra những chiêu thức lập lờ, rối rắm mù mờ, cố tình phức tạp hóa theo kiểu “quậy đục nước để bắt cá”. Chúng ta cũng thường nói đến nhóm lợi ích và tác động của nhóm lợi ích lên chính sách. Nhóm lợi ích nhiều tiềm lực càng có nhiều lợi thế để tìm cách tác động lên chính sách. Vì thế, rất cần có những giải pháp hạn chế sự tác động bất lợi, làm xấu thêm bức tranh phân hóa giàu - nghèo, làm méo mó nền kinh tế thị trường có định hướng bị các nhóm lợi ích gây ra.
Để nhà nước ta thực sự là nhà nước pháp quyền, trước tiên, luật pháp phải là luật pháp dân chủ. Điều đó sẽ có thể giúp tránh được sự lạm quyền của nhà nước, của quan chức và công chức không ngay ngắn, tránh bị thao túng luật pháp, không sử dụng luật pháp như công cụ khép kín trong thành phần của chủ thể quyền lực. Nguyên tắc tối thượng đặt ra là người dân có thể làm tất cả những gì luật không cấm, còn nhà nước chỉ làm những gì luật cho phép, được thừa nhận rộng rãi trong nhà nước pháp quyền và luật pháp dân chủ.
Xưa nay, quyền lực là một vấn đề nhạy cảm, một con dao hai lưỡi. Ở đâu có quyền lực ở đó có người đến luồn cúi, cầu cạnh, bớt xén... Khi quyền lực không được kiểm soát hay kiểm soát không có hiệu quả thì thật tai hại.


No comments:

Post a Comment