Wednesday, March 2, 2016

“Người VN có lòng tự hào dân tộc không khỏi đau xót”

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 02/03/2016,       http://www.thesaigontimes.vn/143041/Nguoi-VN-co-long-tu-hao-dan-toc-khong-khoi-dau-xot.html,          Đó là ý kiến chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại buổi giới thiệu cuốn sách “Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam” của GS.TS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Nhật Bản), do tác giả và Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng nay 2-3, tại Hà Nội.

GS.TS Trần Văn Thọ. Ảnh TG
Tham dự lễ ra mắt, ngoài Bộ trưởng Bùi Quang Vinh còn có nhiều học giả uy tín như ông Trương Đình Tuyển, bà Phạm Chi Lan, ông Trần Đình Thiên, ông Nguyễn Quang Thái, ông Nguyễn Đức Thành...
Cuốn sách của GS.TS Trần Văn Thọ gồm nhiều bài viết về các vấn đề phát triển của Việt Nam trong vòng 40 năm qua như phát triển công nghiệp, dân số, bẫy thu nhập trung bình, chiến lược thoát Trung,.. trong tương quan với các quốc gia khu vực và thế giới.
Trong lời nói đầu của cuốn sách, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, đúng là đến nay chúng ta chưa ý thức đầy đủ về yếu tố thời gian, chưa nhận thấy những tổn thất to lớn khi bỏ lỡ cơ hội vàng trong suốt thời gian dài.
Không phủ nhận những thành quả của đổi mới, nhưng 30 năm quả là quá dài. Nhiều nước ở Đông Á với chỉ trên dưới 15 năm đã chuyển hẳn vị thế của đất nước trên bình diện quốc tế.
Ông Vinh cho rằng, với những thuận lợi như ở vào thời đại dân số vàng, ở giữa dòng chảy của tư bản, công nghệ, tri thức kinh doanh tại vùng năng động nhất thế giới nhưng Việt Nam đã không tạo được kỳ tích phát triển như họ.
“Đó là điều mà mỗi người dân Việt Nam có lòng tự hào dân tộc không khỏi bùi ngùi, đau xót”, ông khẳng định.
Ông Vinh nhận xét, cuốn sách của GS Trần Văn Thọ cảnh báo nhiều thách thức của Việt Nam, trong đó, nguy cơ chưa giàu đã già là đáng lo nhất.
Ông Trương Đình Tuyển cho rằng, GS.TS Trần Văn Thọ là là người có kiến thức sâu rộng về kinh tế phát triển và kinh tế Việt Nam, và là người cực kỳ tâm huyết với đất nước. “Tôi chưa thấy người nào tâm huyết với Việt Nam như anh Thọ, người luôn đưa ra những dự báo để cảnh báo cho lãnh đạo đất nước,” ông Tuyển nói.
Ông Tuyển nói ông rất buồn là nhiều người tài, tâm huyết và có khát vọng không vào làm trong bộ máy nhà nước do những nút thắt của “thể chế quản trị quốc gia”, trong khi đó nhiều người dân thì “quá cam chịu”.
Kết thúc phần trình bày, GS.TS Thọ đọc lại một đoạn mà ông viết trong cuốn sách: “Ngày nay với tiến bộ của khoa học và phương tiện đi lại và liên lạc, việc tiếp xúc học hỏi với bên ngoài quá dễ dàng. Tuy nhiên, không ít trường hợp lãnh đạo của nhiều quốc gia phải mất hàng chục năm mới thực hiện được vài cải cách, mất hàng thế kỷ hay lâu hơn mới thay đổi được tư duy, chiến lược cần thiết để đất nước phát triển”.
Cuốn sách do Nhà Xuất bản Tri thức phát hành. Trước đó, ông đã có ba cuốn sách phát hành bằng tiếng Việt gồm “Việt Nam từ năm 2011 – Vượt lên sự nghiệt ngã của thời gian” (2011), “Biến động Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam” (2005); và “Công nghiệp hóa Việt Nam trong thời đại Châu Á – Thái Bình Dương” (1996).

Tư Giang

No comments:

Post a Comment