Wednesday, March 2, 2016

Luật tạo kẽ hở cho sự bội ước!

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 29/02/2016,             http://www.thesaigontimes.vn/142708/Luat-tao-ke-ho-cho-su-boi-uoc.html,            Người bạn đang là lãnh đạo của một công ty dệt may lớn tâm sự rằng anh đang đau đầu vì công ty có tiền, muốn thanh toán công nợ cho đối tác mà không thể trả được. Câu chuyện tưởng như đùa nhưng đúng là như thế.

Muốn trả nợ cũng không được
Chẳng là năm 2014, công ty của anh bạn nói trên có mua nguyên liệu từ một đối tác nước ngoài. Hàng hóa đã nhận và đáng ra anh phải trả tiền hai tháng sau khi nhận hàng. Tuy nhiên, do khó khăn về dòng tiền, anh chỉ mới trả một ít, phần còn lại đối tác đồng ý cho trả sau.
Đến cuối năm vừa qua, tình hình kinh doanh khả quan hơn, anh chủ động thanh toán dứt điểm công nợ cho đối tác nhưng ngân hàng chặn lệnh thanh toán lại và yêu cầu công ty anh phải tiến hành thủ tục đăng ký phần thanh toán nợ còn lại với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì mới được trả. Lý do ngân hàng đưa ra là khoản nợ này đã trên một năm nên được coi là khoản vay trung hạn, phải đăng ký với NHNN trước khi chuyển trả.
Anh hoang mang không biết có quy định tréo ngoe thế không. Mà anh thì không thể quay lại yêu cầu đối tác ký hợp đồng vay để đi đăng ký khoản vay được. Có khi họ lại nói anh tự nghĩ ra cái yêu cầu vớ vẩn như thế để chây ì trả tiền. “Đối tác đã cho mình nợ không lấy lãi, bây giờ mình không trả tiền cho họ, không những mất uy tín mà có khi mất cả mối hàng”, anh bộc bạch.
Quy định tréo ngoe
Việc đăng ký đối với các hợp đồng mua bán trả chậm tạo thêm thủ tục hành chính, làm tăng chi phí giao dịch và tốn kém thời gian.
Theo Nghị định 219/2013/NĐ-CP và Thông tư 25/2014/TT-NHNN, các khoản vay nước ngoài trung và dài hạn (trên một năm) thì phải đăng ký với NHNN để được giải ngân và hoàn trả. Theo quy định, vay nước ngoài là việc “bên đi vay nhận khoản tín dụng từ người cho vay là cá nhân, tổ chức nước ngoài thông qua việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận vay nước ngoài dưới hình thức hợp đồng vay, hợp đồng mua bán hàng trả chậm, hợp đồng ủy thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính hoặc phát hành công cụ nợ của bên đi vay”. Như vậy, hợp đồng mua bán hàng trả chậm có thể được xem là một hình thức của hợp đồng vay nước ngoài. Cụ thể hơn, tại điều 6 của Thông tư 25 quy định cụ thể rằng nhập khẩu hàng hóa trả chậm có nghĩa vụ đăng ký khoản vay nước ngoài nếu khoản nợ có tính chất của một khoản vay trung, dài hạn.
Cố nhiên, hợp đồng mua bán hàng hóa rõ ràng khác với hợp đồng vay nợ, một đằng là giao dịch hàng hóa, một đằng là giao dịch tiền tệ. Thế nhưng, Nghị định 219 và Thông tư 25 lại không hướng dẫn thế nào là mua bán hàng trả chậm, phải thỏa thuận trả chậm ngay trong hợp đồng mua bán hay thỏa thuận sau khi giao hàng. Thế nên, để an toàn, các ngân hàng cứ thấy thời điểm thanh toán lớn hơn một năm so với thời điểm ký kết hợp đồng mua bán là quy vào hợp đồng mua bán hàng trả chậm. Cách làm này trái với thông lệ kinh doanh quốc tế, nhưng ở mức độ nào đó, do câu chữ mù mờ của luật mà yêu cầu của ngân hàng không phải là không có cơ sở.
Ở đây không tranh luận thêm về câu chữ của luật, mà hãy thử nhìn nhận hậu quả của các quy định đó với thực tế kinh doanh.
Cụ thể, đối với các giao dịch thực sự, việc đăng ký đối với các hợp đồng mua bán trả chậm tạo thêm thủ tục hành chính, làm tăng chi phí giao dịch và tốn kém thời gian. Thực tế cho thấy thời gian thực hiện việc đăng ký khoản vay và có chấp thuận từ NHNN có thể mất từ 1-2 tháng, thậm chí lâu hơn. Trong thời gian này, nếu khoản nợ có đi kèm lãi suất thì doanh nghiệp sẽ phải trả thêm lãi suất. Quy định này rõ ràng là không hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngược lại, đối với doanh nghiệp gian trá, cố tình chây ì trả nợ thì việc yêu cầu đăng ký khoản vay tạo một cái cớ hợp pháp để họ quỵt nợ, hoãn nợ. Họ cũng mua hàng trả chậm nhưng không chịu trả tiền cho đối tác. Đến khi bị đòi thì họ để nợ thành quá hạn một năm và báo với đối tác là phải đăng ký khoản vay với NHNN rồi mới thanh toán. Bằng cách này, họ quỵt nợ được một thời gian dài mà đối tác không làm gì được.
Như vậy, phải chăng chính quy định của pháp luật đã vô tình tiếp tay cho sự bội ước?

Trần Thanh Tùng - Lê An Hải

No comments:

Post a Comment