Thursday, March 3, 2016

Bộ trưởng Vinh: Tại sao Việt Nam thua kém các nước?

Báo Đất Việt, ngày 02/03/2016,          http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bo-truong-vinh-tai-sao-viet-nam-thua-kem-cac-nuoc-3301767/,           Điều tôi trăn trở là tại sao VN thông minh, anh dũng trong bảo vệ Tổ quốc nhưng trong kinh tế lại thua kém các nước?.

Sáng 2/3, tại buổi giới thiệu ra mắt cuốn sách ''Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam'' của Giáo sư Trần Văn Thọ, ông Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có bài phát biểu rất ấn tượng.
Chia sẻ những tiếc nuối, Bộ trưởng Bộ KHĐT cho biết, sự nghiệt ngã của thời gian đã được ông cũng như chính tác giả cuốn sách cảnh báo từ nhiều năm trước thì hôm nay nó thực sự đã trở thành cú sốc.  
Bo truong Vinh: Tai sao Viet Nam thua kem cac nuoc?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh
Ông cho rằng, Việt Nam đã không nhận thức được đầy đủ về yếu tố thời gian, chưa nhận thấy những tổn thất to lớn khi để lỡ cơ hội vàng trong suốt thời gian dài. Vị Bộ trưởng cũng cảnh báo về những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, trong đó nguy cơ chưa giàu đã già là đáng lo ngại nhất.
"Với những thuận lợi như ở vào thời đại dân số vàng, ở giữa dòng chảy của tư bản, công nghệ, tri thức kinh doanh tại vùng năng động nhất thế giới mà Việt Nam đã không tạo ra được kỳ tích phát triển như họ. Đó là điều mà mỗi người dân Việt Nam có lòng tự tôn dân tộc không khỏi bùi ngùi, đau xót", Bộ trưởng Vinh chia sẻ.
Không phủ nhận những thành quả đổi mới nhưng ông Vinh nói, Việt Nam phải cần tới 30 năm để thay đổi thì quả là quá dài. Theo ông, nhiều nước ở Đông Á với chỉ trên dưới 15 năm đã chuyển hẳn vị thế của đất nước trên bình diện quốc tế. Còn Việt Nam hôm nay thì sao?
Ông Vinh tâm tư, là một người Việt Nam thì luôn mang theo những trăn trở về Đất nước, luôn trăn trở về Tổ quốc cho dù họ có ở đâu, đi đến đâu, sống ở trong nước hay sống ở nước ngoài. Nhưng rõ ràng những cơ hội đã qua đi và điều làm ông rất đau xót đó là hình ảnh về Đất nước, về dân tộc Việt Nam nhiều khi lại không được đẹp như ông mong muốn.
Theo ông, chính những hình ảnh phản cảm, xấu xí trên đã khiến ông không ít lần thấy xấu hổ khi đi ra nước ngoài nhiều hơn là tự hào. Nó khác với thời kỳ trước đây, dù Việt Nam rất nghèo nhưng vẫn có lòng tự tôn dân tộc, vẫn ngẩng cao đầu bước đi trên đất nước bạn.
"Bây giờ thì sao? Việt Nam được nước ngoài nhắc đến với đủ thói hư, tật xấu từ trộm cắp, tranh giành miếng ăn... rất nhiều chuyện. Nguyên nhân có nhiều, từ giáo dục, môi trường, văn hóa cho tới cách dạy dỗ con cái ngay tại mỗi gia đình.
Một điều tôi rất buồn, tôi cũng nói với rất nhiều cấp rằng, chúng ta xem ti vi và đã thấy nhiều cảnh quan chức, người dân đi cầu tài, cầu lộc, cầu may ở tất cả các đền, chùa, miếu mạo. Nhưng tôi cũng nói thật, ở phía Nam, chùa chiền còn giữ được thanh bạch, thanh tịnh, không mâm cao cỗ đầy. Còn ở miền Bắc thì ở đâu cũng ghi nhận cảnh hỗn loạn, tranh cướp, chen lấn. Lễ chùa thì có doanh nghiệp, cán bộ, lãnh đạo cho tới cả dân nghèo đều đi lễ.
Vậy họ đến đó để làm gì. Xin thưa: Tất cả đều thể hiện một mong muốn là "không làm mà vẫn được ăn. Họ cầu những thứ từ trên trời rơi xuống túi mình. Một dân tộc với hơn 90 triệu dân, với số lượng cán bộ, công chức đông như vậy mà ai cũng đi cầu tài, cầu lộc như thế thì họ nghĩ gì về đất nước chúng ta'' - Bộ trưởng Vinh tâm tư.
Rồi ông đặt câu hỏi: "Chúng ta phải suy nghĩ thế nào với một đất nước mà cảnh chen lấn, tranh cướp lộc, cướp tài, xin lộ, cướp ấn… ngay trên bàn thờ thần thánh, trong đó có cả quan chức. Doanh nghiệp không nghiến răng vượt khó đi lên, mà chỉ mong tiền từ trên trời rơi vào túi mình thì làm sao khiến người khác phục mình. Làm sao phát triển được?"
Liên hệ tới câu chuyện động đất sóng thần xảy ra tại Nhật Bản, năm 2011, ông nói: Truyền thông quốc tế đưa tin một cháu bé 9 tuổi phải xếp hàng chờ phát bánh mì cứu trợ. Dù được ưu tiên đưa bánh mì trước, thế nhưng cháu bé đã bước lên trả lại và quay trở lại để xếp hàng. Một đất nước như vậy mới mong phát triển được.
Nỗi đau xót của ngài Bộ trưởng
Trở lại nội dung cuốn sách, ông cho rằng tác giả đã nói rất đúng, nói đúng hết những vấn đề của Việt Nam.
Ông cũng đồng tình với nhận định của tác giả rằng: “Xuất khẩu lao động là điều nhục nhã của một dân tộc''.
''Chúng ta không lấy gì làm vẻ vang, không lấy gì làm tự hào khi nói rằng bao nhiêu lao động đi làm ôsin cho nước này hay làm lao động chân tay cho nước khác. Trong tình thế này, kinh tế không phát triển, lao động không có việc làm thì buộc phải xuất khẩu lao động đi. Họ cũng khốn khổ vô cùng.
Tại sao không đặt vấn đề làm sao để tận dụng được nguồn lực trong nước, làm gì để nguồn lao động đó đóng góp, cống hiến được cho nền kinh tế trong nước. Làm được như vậy thì vẻ vang, tự hào biết bao nhiêu”, vị Bộ trưởng trăn trở.
Ấy thế nhưng cái chuyện xuất khẩu lao động cũng đâu có dễ dàng. Bộ trưởng chia sẻ, Việt Nam xin Thái Lan công nhận hơn 3.000 lao động chân tay nhưng thương lượng mãi thì họ cũng chỉ công nhận hơn 1.000 lao động.
“Là Bộ trưởng thấy cảnh đó tôi đau xót lắm. Chưa cần nói tới những thứ to lớn khác như ODA thế nào, lao động ra sao chỉ với những thứ cụ thể như vậy đã khiến tôi cảm thấy không yên” - ông Vinh nói.
Ông kể lại cách đây 2-3 năm, ông là Bộ trưởng liên kết Việt Nam – Singapore. Khi sang họp tại đây, ông chủ tịch một ngân hàng lớn nhất Singapore mời ăn uống cùng nhiều quan chức cấp cao của họ tại một tòa nhà rất cao.
Đang ăn, chủ tịch ngân hàng quay sang hỏi ông: "Thưa Bộ trưởng, nếu một đêm, nửa đêm thức giấc thì điều Bộ trưởng trăn trở, suy nghĩ gì?"
Dù bất ngờ, song Bộ trưởng Vinh đã trả lời ngay tức khắc không một phút chần chừ.
"Cảm ơn ông đã hỏi một câu hỏi rất sâu sắc: Tôi có thể trả lời ngài ngay. Nếu một đêm tôi thức giấc, thì điều tôi trăn trở là tại sao dân tộc Việt Nam thông minh là vậy, kiên trì, anh dũng trong bảo vệ tổ quốc nhưng trong kinh tế chúng tôi lại thua kém các nước. Kém hơn các nước rất nhiều. Có thể nói, các học sinh đều xuất sắc vậy mà khi về nước họ lại không xuất sắc và nước tôi không thể phát triển được và trở thành nước xuất sắc như các nước. Đó là điều tôi trăn trở nhất. Ông ấy đã không nói gì nữa", ông Vinh kể.
Dù  đã kể chuyện này một lần nhưng vị Bộ trưởng vẫn kể lại để mong tìm được câu trả lời cho câu hỏi: "Tại sao lại như vậy?''. Có phải chúng ta không thông minh không? Có phải chúng ta không cần cù, chịu khó không? Không phải như vậy.
Để đi tìm được câu trả lời, theo Bộ trưởng Vinh, phải sẵn sàng từ bỏ lợi ích cá nhân, từ bỏ danh vọng, chức quyền chỉ để được nói lên tiếng nói của mình. Chỉ với hi vọng, có thể, hôm nay không nghe nhưng ngày mai sẽ thấm dần và sẽ có người lắng nghe để đổi mới đất nước.
Cuối cùng, ông kết luận: "Tất cả ai cũng hiểu rằng cái chúng ta cần là một thể chế kinh tế đổi mới; những người lãnh đạo hiểu biết, tâm huyết và trách nhiệm".
Vũ Lan

No comments:

Post a Comment