Đại gia Thái tiếp tục "quăng lưới" thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam
Đại diện Central Group Việt Nam vừa xác nhận thương vụ PowerBuy, công ty con chuyên về bán lẻ thuộc tập đoàn này, đã mua cổ phần Công ty đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu Công ty thương mại Nguyễn Kim - là có thật và hai bên vừa hoàn tất thủ tục đầu tư, chuyển nhượng vào ngày 9/1.
Ông Philippe Broianigo - tổng giám đốc điều hành Central Group VN - sẽ nắm giữ vị trí tổng giám đốc điều hành Nguyễn Kim sau thương vụ này, trong khi ông Nguyễn Văn Kim, chủ sở hữu hệ thống Nguyễn Kim, vẫn nắm vai trò chủ tịch HĐQT.
Central Group Viêt Nam cũng cho biết không có ý định đổi tên hệ thống bán lẻ Nguyễn Kim vì đây là một thương hiệu lớn, có uy tín trong thị trường bán lẻ Việt Nam. Hiện Nguyễn Kim có 21 siêu thị điện máy trên khắp cả nước.
Không bình luận về con số sở hữu 49% cổ phần tại Nguyễn Kim, Central Group Việt Nam cho biết đây là thương vụ nằm trong kế hoạch dài hơi của cả hai bên. Với Central Group là mở rộng bành trướng thị phần tại thị trường Việt Nma, trong khi đây cũng nằm trong kế hoạch kêu gọi đối tác ngoại của Nguyễn Kim giai đoạn 2011-2015 và đã được chia sẻ với các nhà cung cấp.
Ngoài thương vụ với Nguyễn Kim, Central Group Việt Nam cũng đã phát triển hệ thống trung tâm thương mại Robins ở TP.HCM và Hà Nội. Cửa hàng mang thương hiệu SuperSports, Crocs và New Balance của tập đoàn này cũng đã có mặt ở Việt Nam thông qua hệ thống phân phối của các công ty con thuộc Central Group và nhượng quyền cho các đối tác Việt Nam.
Ông lớn VNA mất nhân viên vì lương thấp
Chỉ trong vòng 5 ngày (từ 30/12/2014 đến 4/1/2015), 117 phi công, chiếm 90% nhân lực ở đội bay Airbus của Vietnam Airlines (VNA) báo ốm, xin nghỉ việc, gấp hơn 2 lần cùng kỳ 2013-2014.
Một tổ bay của Vietnam Airlines. |
Sự việc trở nên nghiêm trọng tới mức ngày 5/1, VNA đã phải họp khẩn cấp vì chuyện lãn công tập thể không chỉ còn ở số lượng phi công, mà có nguy cơ làm xáo trộn lịch bay, ảnh hưởng đến tư tưởng đội ngũ phi công của hãng. Theo lãnh đạo VNA, sự việc nêu trên đã làm xáo trộn các hoạt động bay của VNA và ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an ninh và kinh tế xã hội của đất nước.
Đến cuối năm 2014, VNA có 734 phi công, trong đó 535 người Việt. Mức lương trung bình của tất cả các phi công là 74,8 triệu đồng trong năm 2013. Trong đó, phi công người nước ngoài nhận lương cao gấp đôi đến ba lần so với phi công Việt Nam. Một cơ trưởng tàu bay A320/321 của VNA cho biết lương phi công nội của VNA chỉ bằng nửa so với Vietjet Air. Vì lý do lương thấp, nhiều phi công đã chọn cách nghỉ việc, chuyển sang hãng hàng không tư nhân.
Trước sự việc này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có chỉ thị yêu cầu VNA rà soát, thực hiện chế độ tiền lương để tăng thu nhập cho lực lượng lao động kỹ thuật cao, cùng các chế độ đãi ngộ khác. Chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lao động kỹ thuật cao của VNA (chưa cho chuyển việc - PV).
Đề cập đến việc tăng lương cho phi công, Tổng giám đốc VNA, ông Phạm Ngọc Minh khẳng định: "Chúng tôi không có chủ trương khi phi công nêu giá thì mình phải chạy theo. Chúng tôi điều chỉnh theo lộ trình đã cam kết".
PVN phải "đoạn tuyệt" với bất động sản, tài chính
Một "ông lớn" khác là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ không được đầu tư các dự án bất động sản hay góp vốn tại ngân hàng.
Cụ thể, theo Nghị định quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) vừa được Chính phủ ban hành, Công ty mẹ được quyền sử dụng vốn, tài sản thuộc quyền quản lý của mình để đầu tư ra ngoài Công ty mẹ. Việc sử dụng tài sản có liên quan đến đất đai để đầu tư phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Chính phủ yêu cầu Công ty mẹ không được góp vốn vào doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hoặc đầu tư các dự án bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng.
Đối với khoản vốn đã góp, đầu tư tại các lĩnh vực nêu trên không thuộc trường hợp được Thủ tướng cho phép đầu tư, Công ty mẹ có trách nhiệm lập phương án cơ cấu lại, thoái hết số vốn đã đầu tư theo quy định.
Công ty mẹ cũng không được đầu tư hoặc góp vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp khác mà người quản lý, điều hành hoặc người sở hữu chính của doanh nghiệp.
An Nhiên
No comments:
Post a Comment