Tại phiên thảo luận tổ về dự luật trưng cầu ý dân chiều 3/6, việc xác định chủ thể nào có quyền đề nghị trưng cầu ý dân thu hút sự quan tâm của đại biểu Quốc hội.
Dự luật đưa ra 2 phương án, một là Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội. Phương án hai là ngoài bốn chủ thể trên, bổ sung Thủ tướng và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được đề nghị trưng cầu ý dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị chọn phương án Thủ tướng với lý do với vai trò điều hành Thủ tướng sẽ có những vấn đề thấy cần nhưng chưa chắc Chính phủ đã ủng hộ. Lúc đó Thủ tướng sẽ cần trưng cầu ý dân.
Dự án Luật trưng cầu ý dân sẽ tiếp tục được quốc hội thảo luận tại hội trường ngày 23/6. Ảnh: Giang Huy.
|
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Du Lịch, tất cả những vấn đề trưng cầu ý dân đều do Quốc hội quyết định, vì thế bổ sung quyền đề nghị trưng cầu ý dân cho Thủ tướng, Chủ tịch nước là đã “bổ sung” Hiến pháp, trong khi cái gì đã Hiến định thì phải tuân thủ.
Không đồng tình với quan điểm của đại biểu Trần Du Lịch, ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng việc dự luật đưa ra quy định Thủ tướng, Chủ tịch nước có quyền đề nghị trưng cầu ý dân không có gì là vi hiến.
Khẳng định lại quan điểm của mình, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói: “Chỉ Quốc hội có quyền quyết định trưng cầu ý dân. Nhưng làm luật thì chúng ta có quyền bàn đến nội hàm ai có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Vì vậy, không có gì là vi hiến cả, bởi vì quyền quyết định là của Quốc hội, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể mở ra vấn đề ai có quyền đề nghị”.
Với quyền đề nghị trưng cầu ý dân của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, thể chế chính trị của Việt Nam là nhân dân làm chủ, vận hành theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Vì vậy, việc đề nghị trưng cầu ý dân nên thông qua các cơ quan, trong đó có Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam là đại diện các tầng lớp nhân dân cũng cần được trao quyền này, vì điều đó thể hiện được vai trò của người dân. Các đại biểu Lê Văn Lai, Trịnh Ngọc Thạch cũng nhất trí quyền đề nghị trưng cầu ý dân của Đoàn chủ tịch Mặt trận tổ quốc. Theo các đại biểu, Hiến pháp giao Mặt trận quyền giám sát, phản biện, đại diện thì luật cũng nên giao quyền đề nghị trưng cầu ý dân cho tổ chức này.
Đối lập với quan điểm trên, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn cho rằng, nếu đưa thêm Mặt trận vào chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân thì sẽ không phù hợp với Hiến pháp. Đại biểu Cao Sỹ Kiêm bổ sung, việc trưng cầu dân ý Việt Nam chưa có kinh nghiệm, trong khi đó nhiều vấn đề phức tạp đang diễn ra ở cả trong nước và thế giới. Do vậy, vấn đề này không nên đưa thêm Mặt trận vào.
Võ Hả
i
i
No comments:
Post a Comment