Trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, về cơ cấu chi ngân sách 5 năm tiếp theo, Ủy ban TCNS cho rằng, nếu xét về bản chất kinh tế thì ngân sách của nước ta hiện nay là ngân sách tiêu dùng, chưa phải là ngân sách phát triển vì tỷ lệ tích lũy từ ngân sách cho đầu tư phát triển còn rất thấp. Đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) chủ yếu dựa vào vay để bù đắp bội chi, vay phát hành trái phiếu chính phủ và số thu từ xổ số kiến thiết, thu từ đất. Do quy mô thu NSNN còn thấp nên việc điều chỉnh cơ cấu chi theo phương án Chính phủ trình là phù hợp.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban TCNS, đa số ý kiến của Ủy ban tán thành dự kiến bố trí tổng chi đầu tư phát triển khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 25-26% tổng chi NSNN chỉ là định hướng vì còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng thu NSNN hàng năm, mức cụ thể do Chính phủ trình Quốc hội quyết định theo từng năm.
Về điều chỉnh tiền lương, Ủy ban TCNS cũng cho rằng, mức chi điều chỉnh tiền lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công tăng khoảng 7-8%/ năm là hợp lý, đi đôi với việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy và đẩy mạnh cải cách đơn vị sự nghiệp công. Có ý kiến đề nghị giai đoạn 2016-2020, cần tăng mức chi điều chỉnh tiền lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công lên 10-12%/ năm, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra. |
Đề cập đến vấn đề bội chi ngân sách và nợ công, ông Hải cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí mức bội chi NSNN đến năm 2020 dưới 4% GDP (bình quân cả giai đoạn không quá 3,9% GDP) tính theo quy định của Luật NSNN năm 2015. Có ý kiến đề nghị để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, tỷ lệ bội chi bình quân cả giai đoạn nên giảm xuống ở mức dưới 3,8% GDP.
Về nợ công, đại diện Ủy ban TCNS đề nghị thực hiện nghiêm quy định tại khoản 3 Điều 7 của Luật NSNN năm 2015; duy trì mức trần nợ công không quá 65%GDP (sau năm 2020 không quá 60%GDP), nợ Chính phủ không quá 53%GDP (sau năm 2020 không quá 50%GDP), nợ nước ngoài không quá 50%GDP.
“Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ phương án và kế hoạch trả nợ (cả nợ gốc và nợ lãi) trong giai đoạn 2016-2020”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Điều hành phiên làm việc, phát biểu kết luận vấn đề thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, về kế hoạch kinh tế xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần tiếp tục rà soát lại, đánh giá thêm, kể cả các mục tiêu hết sức cụ thể để có căn cứ đưa ra mục tiêu 2017 cho chính xác.
Theo ông Hiển, có ý kiến khác nhau về dự báo GDP 2016 khó đạt 6,5%, chỉ 6,3%, do đó phải rà soát thêm.
“Về xuất khẩu, năm nay không hoàn thành chỉ tiêu mà bình quân nhiều năm đạt 13%, riêng năm nay chỉ 6 – 7%, phải đánh giá thêm nguyên nhân. Hết sức lưu ý các vấn đề mà báo cáo của Chính phủ hơi “lép” như giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, xoá đói giảm nghèo, thất nghiệp”, ông Hiển lưu ý.
Về kế hoạch tài chính 5 năm, ông Hiển cho rằng, phải dựa trên Luật NSNN 2015, Nghị quyết Đại hội Đảng 12, yêu cầu phải cơ cấu lại ngân sách để báo cáo làm rõ vấn đề này, trong đó thể hiện rõ một số cơ cấu thu, chi; trong đó lưu ý chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, chi thường xuyên, bội chi, nợ Chính phủ. Riêng nợ công, trần 65% là không thay đổi, chỉ có thể giảm nợ Chính phủ bảo lãnh để tăng nợ Chính phủ lên.
“Có ý kiến khác nhau là 53 hay 55%, quan điểm của Ủy ban TCNS là 53%. Đề nghị Chính phủ xây dựng ở 3 mức khác nhau, mức trần, trung bình, mức thấp để Quốc hội có thêm thông tin về kế hoạch tài chính 5 năm. Ba mức này tương đương với 3 kịch bản của kinh tế xã hội 5 năm, tái cơ cấu 5 năm. Như vậy để thêm thông tin cho Quốc hội quyết định”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.
No comments:
Post a Comment