Ngoài ra còn có tình trạng các công ty sử dụng đại lý để can thiệp quá trình đấu thầu, hướng hợp đồng tới nhà thầu được thiên vị…
Đây là một trong những công đoạn dễ xảy ra tham nhũng tại các dự án có sử dụng nguồn vốn ODA được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới vừa chỉ ra tại hội nghị: “Tăng cường quản trị thúc đẩy phát triển tại Việt Nam”.
Theo đó, các ý kiến tại đây thừa nhận những biểu hiện tiêu cực, gian lận, tham nhũng trong các dự án ODA vẫn đang là một thực trạng đáng lo ngại đối với các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng như các nhà tài trợ.
Tham nhũng đang là thực trạng đáng ngại của các dự án sử dụng vốn ODA |
Trong gần 30 năm đổi mới, Việt Nam đã nhận được nguồn hỗ trợ ODA khoảng 80 tỷ USD, phần lớn được phân bổ cho các dự án phát triển hạ tầng kinh tế như giao thông, cảng biển, sân bay…
Đây thường là các dự án lớn, phức tạp, thực hiện trong thời gian dài, dễ xảy ra các hành vi tham nhũng, gian lận. Thế nhưng thực tế số vụ án liên quan đến gian lận, tham nhũng được phát hiện và xử lý còn ít, và quan trọng hơn là sự việc được phát hiện bởi chính quốc gia cấp tiền.
Từng nêu vấn đề này tại diễn đàn Quốc hội 13, kỳ họp thứ 8, đại biểu Lê Thị Nga đã chỉ rõ các vụ điển hình như: PMU 18, vụ Huỳnh Ngọc Sỹ, vụ nghi vấn tiêu cực tại dự án Danida (Đan Mạch) năm 2012 và vụ JTC trong ngành đường sắt gần đây đều do nước ngoài phát hiện.
"Tuy có nhiều cơ chế kiểm tra, giám sát, nhưng những vụ vi phạm lớn lại chỉ được phát hiện do phía nước ngoài", bà Nga nói.
Theo đại biểu Nga, thực tế là thời gian qua, mặc dù đã xảy ra không ít vụ gây chấn động dư luận, nhưng Quốc hội chưa một lần giám sát tối cao về ODA.
"Với tư cách là các cơ quan chuyên môn của Quốc hội phụ trách về kinh tế, ngân sách nhưng Ủy ban kinh tế và Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng chưa lần nào giám sát chuyên đề này", đại biểu Nga thẳng thắn nêu.
Bà Nga cho rằng: điểm yếu cơ bản nhất là Quốc hội người chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công và người dân chủ thể đóng thuế - người trả nợ cuối cùng gần như không biết và đứng ngoài các chương trình ODA.
"Nhiều địa phương cứ nghĩ ODA là nguồn tiền cho không nên càng thu hút được nhiều càng tốt. Cũng với tâm lý đó sử dụng không hiệu quả và cuối cùng là nợ công phải gánh", bà Nga liên hệ.
Phương Nguyên
No comments:
Post a Comment