86% người Pháp bi quan về tương lai
Đầu tháng 10/2014, Viện nghiên cứu Pew của Mỹ đưa ra một bản thăm dò dư luận được thực hiện ở vài chục nước trên thế giới với một câu hỏi: “Liệu tương lai có tốt hơn cho các các thế hệ kế tiếp ?”. Nói cách khác, đó là một cách đo lường sự lạc quan của dân chúng về tương lai.
Pháp, đất nước của nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, đứng ở vị trí cuối cùng ở mức độ lạc quan. 86% người Pháp trả lời rằng họ nghĩ trong tương lai, con cái họ sẽ có mức sống thấp hơn hiện tại.
Sự bi quan kỷ lục này chia đều cho mọi lứa tuổi và điều tệ hại hơn, nó thể hiện ở cả những người Pháp trẻ trong độ tuổi 15-30, tức những lao động mới bước chân vào đời.
Một cuộc thăm dò khác của IPSOS cũng trong năm 2014 chỉ ra rằng, 80% người trẻ ở Pháp bi quan về tương lai đất nước, đặc biệt về tình hình kinh tế. Thứ chủ nghĩa bi quan này ở Pháp vượt trội các nước láng giềng như Đức hay thậm chí kể cả Italy.
Những con số biết nói vì nó luôn phản ánh đúng thực tế xã hội. 6 năm kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra, 2 năm rưỡi kể từ khi nước Pháp có một bộ máy lãnh đạo mới, mọi hy vọng thoát ra khỏi khủng hoảng vẫn rất mờ mịt.
Câu chuyện của nước Pháp hiện tại không còn chỉ là chuyện tăng trưởng 0 hay tỷ lệ thất nghiệp tăng liên tiếp mà còn là sự bế tác trong việc giải quyết những vấn đề xã hội nóng bỏng và trong việc đưa ra một đường lối chính trị rõ ràng của tất cả các đảng phái.
Liên tục thay đổi chính phủ
Tháng 3/2014, Tổng thống Pháp Francois Hollande quyết định giải tán Chính phủ, bổ nhiệm ông Manuel Valls lên làm Thủ tướng thay ông Jean-Marc Ayrault để lập nên một nội các mới. Đó là một chấn động chính trị to lớn bởi việc phải thay đổi bộ máy là một sự thừa nhận thất bại.
Nhưng thay đổi không có nghĩa là mọi thứ sẽ tốt hơn. Chính phủ mới của ông Valls hoạt động được 5 tháng thì lại phải thay một đội ngũ khác. Nhưng khác với ông Ayrault phải ra đi như một sự hy sinh cho thất bại lịch sử của đảng Xã hội cầm quyền trong cuộc bầu cử địa phương, ông Valls phải thay nội các vì chính những thất bại trong nội bộ.
Trên mặt báo, Bộ trưởng kinh tế Arnaud Montebourg chỉ trích công khai trên báo chí rằng Chính phủ của ông Hollande đang đi sai đường.
“Làm sao ông Hollande có thể thuyết phục dân chúng Pháp tin vào các chính sách của mình khi chính Bộ trưởng kinh tế của ông lại cho rằng đó là một chính sách yếu kém?”, ông Pascal Perrineau, nhà phân tích chính trị nổi tiếng của Pháp nhận định.
Cuộc cải tổ lần 2 diễn ra không đau đớn như lần 1 nhưng nó lại tạo ra một rạn nứt chưa thể hàn gắn trong nội bộ cánh tả. Phe “ly khai” của cánh tả và trong chính nội bộ đảng Xã hội cầm quyền mạnh lên, ra mặt công khai và từ chối ủng hộ Chính phủ trong Quốc hội.
Vào thời điểm cuối năm, chính phủ Pháp liên tục nhận được những tin buồn về các bê bối đủ mọi mặt của các nhân vật lãnh đạo, từ vụ án nghi khai man tài sản của cựu Bộ trưởng đặc trách pháp ngữ Yamina Benguigui, cho tới vụ từ chức do bị cáo buộc lạm dụng tài sản công của cố vấn Tổng thống Faouzi Lamdaoui; Quốc vụ khanh về cựu chiến binh Kader Arif từ chức do tranh chấp lợi ích trong gia đình; Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương Thomas Thévenoud bị cáo buộc gian lận thuế…
Trong lịch sử nền cộng hòa thứ 5 của nước Pháp, chưa khi nào cánh tả lại suy yếu như thời điểm này, như nhận định của chính Thủ tướng Manuel Valls.
Lạc lối về phương châm chính trị
Sự bế tắc, chia rẽ dẫn đến việc lạc lối trong các phương châm chính trị. Tháng 4/2014, Tổng thống Hollande lần đầu thừa nhận trong một buổi họp báo, rằng ông là người theo chủ nghĩa “xã hội tự do” và có cảm tình với các mô hình của Đức hay Mỹ.
“Đó là một sự đổi màu lịch sử nơi cánh tả”, ông Michel Maso, Giám đốc Quỹ Gabriel Peri, một think-tank có ảnh hưởng của cánh tả Pháp nhận định.
Martine Aubry, Thị trưởng Lille và là một nhân vật quan trọng của đảng Xã hội, thậm chí còn đi xa hơn khi cho rằng một số chính sách của Chính phủ Pháp hiện tại là một sự “tụt lùi xã hội” nghiêm trọng của các tư tưởng cánh tả, là một sự mất phương hướng của đường lối chính trị.
Lập luận của bà Aubry không phải là thiểu số bởi nó được minh họa bởi hai bộ luật khiến dư luận Pháp tranh cãi gay gắt trong năm 2014 là “Hiệp ước trách nhiệm” và “Luật Macron” trong đó giảm trách nhiệm an sinh xã hội, tăng thêm quyền cho giới chủ và buộc người lao động phải hy sinh nhiều quyền lợi mà họ đã được hưởng trong nhiều năm qua.
Biện hộ của Chính phủ Pháp rằng, những cải cách đau đớn là phương thức duy nhất để sớm vực dậy nền kinh tế, dù chính họ cũng không biết điều đó khi nào sẽ đến.
2014 – Đảng đối lập UMP cũng thất bại
Nhưng trong bức tranh u ám đó của cánh tả cầm quyền, 2014 cũng không phải là năm thành công của đảng đối lập lớn nhất – Liên minh vì Phong trào nhana dân (UMP). Thậm chí, đó có thể coi là năm mà UMP gần như đã đứng trước bờ vực tan rã.
Sự chia rẽ từ sau cuộc chiến giành vị trí lãnh đạo giữa hai gương mặt nổi bật Jean-Francois Cope và Francois Fillon được đẩy lên một mức cao hơn trong năm 2014 khi các scandal bùng nổ trong nội bộ UMP, buộc Cope phải ra đi trong tủi hổ còn Fillon trở thành nhân vật bị đàm tiếu trong một vụ việc bị cho là cố tình “ám hại” cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, người vừa trở lại trong vai trò như một cứu tinh ở chức danh Chủ tịch UMP.
Sự trở lại này, một mặt, đánh dấu khởi đầu cho cuộc đua tay ba vào chức Tổng thống Pháp 2017, nhưng mặt khác, cũng tạo ra những dấu hỏi về đường lối chính trị của UMP và cánh hữu.
Thời thế bây giờ khác xa vài năm trước, khi ông Sarkozy còn trên đỉnh cao quyền lực. UMP giờ đây đã bị chia rẽ ra thành nhiều phe phái với những gương mặt không ngần ngại khẳng định tham vọng cạnh tranh trực tiếp với ông Sarkozy như Alain Juppe, Francois Fillon hay Bruno Le Maire.
Cuộc đấu quyền lực nội bộ đã và đang diễn ra khiến hình ảnh UMP hiện tại không khác gì đối thủ cánh tả, tức cũng chia rẽ và mất phương hướng.
Sự lên ngôi đáng lo ngại của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia
Khi hai đảng phái truyền thống hùng mạnh nhất suy yếu, chỉ có một kẻ chiến thắng – Đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN). 2014 là năm mà FN bước thêm một nấc thang mới trong việc củng cố quyền lực.
FN thắng lớn trong cuộc bầu cử địa phương, trong bầu cử châu Âu và uy tín của thủ lĩnh Marine Le Pen ngày càng cao trong các tầng lớp dân chúng Pháp đang ngày một bất mãn vì tình hình kinh tế, xã hội yếu kém.
Thế song mã trong nền chính trị Pháp từ vài chục năm qua không còn và Marine Le Pen, dù đã rất cố gắng “bình thường hóa” những tư tưởng cực đoan, bài ngoại của FN, sẽ là một thách thức lớn không chỉ cho cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017 mà còn cho những giá trị của nền cộng hòa thứ Năm.
Tình trạng trì trệ nguy hiểm
Trên tất cả các mặt báo, hầu hết tầng lớp tinh hoa Pháp đều lên tiếng cho rằng nước Pháp đang ở vào một tình trạng trì trệ rất nguy hiểm và nếu không nhanh chóng thay đổi triệt để các thiết chế chính trị, các cách thức tổ chức kinh tế… nước Pháp sẽ bị bỏ lại phía sau so với các cường quốc khác trong tiến trình toàn cầu hóa.
Hiện tại, dù là nền kinh tế thứ 2 của Eurozone nhưng Pháp đang bị xem là “con bệnh” của châu Âu do cải cách chậm chạp, tăng trưởng gần như bằng 0 và thất nghiệp thì mãi không giảm.
Bối cảnh kinh tế đó ảnh hưởng lớn đến vai trò và khả năng gây ảnh hưởng của nước Pháp trong nền chính trị toàn cầu, từ cuộc khủng hoảng Ukraina cho đến những xung đột khu vực ở châu Phi hay Trung Đông.
Nhưng làm thế nào để cân bằng thực lực và tham vọng lại là một câu hỏi lớn khác mà nước Pháp không dễ trả lời./.
No comments:
Post a Comment