Chuyển hướng sang châu Á do...'thời cuộc đưa đẩy'
Trong cuộc đàm đạo với Phóng viên MIA “Rossiya Segodnya”, ông Aleksandr Lukin, lãnh đạo Ban Quan hệ quốc tế của Trường Kinh tế cấp cao Moscow đã bàn về vấn đề, tại sao Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc quay sang châu Á và Nga phải giữ cân bằng trong quá trình này ra sao?
Đề cập đến vấn đề Nhà xuất bản "Toàn thế giới" vừa ấn hành cuốn sách mới của ông Lukin với nhan đề “Quay sang châu Á - Chính sách đối ngoại của Nga tại điểm chuyển giao thế kỷ và chuyển hướng tích cực sang phía Đông”, phóng viên “Rossiya Segodnya” đã đề nghị ông giải thích vì sao nảy sinh ý tưởng Nga quay đầu hướng về châu Á?
Về vấn đề này, chuyên viên Aleksandr Lukin cho rằng, đây không phải là ý tưởng, mà là hệ quả hiện thực của những đổi thay trong nền chính trị thế giới. Yếu tố chủ chốt là ở chỗ, với sự tăng trưởng của Trung Quốc và các nước châu Á khác, một trung tâm của nền kinh tế và chính trị thế giới bắt đầu hình thành rõ nét tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Vì thế không chỉ riêng Nga chuyển hướng sang châu Á, mà còn cả những nước khác, chẳng hạn như Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu, vốn có quan hệ với Trung Quốc như là với một đối tác thương mại lớn. Do đó sự chuyển hướng của Nga sang châu Á là hệ quả của thực tế mà ban lãnh đạo Nga cần phải có phản ứng thích hợp.
Tuy nhiên ở đây Nga cũng có những lý do riêng của mình, đó là yêu cầu cần thiết phát triển vùng Viễn Đông, điều không thể thiếu vắng trong những tiến trình kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đóng vai trò còn có các sự kiện gắn với cuộc khủng hoảng ở Ukraine và những biện pháp trừng phạt chống Nga trong thời gian gần đây.
Nga chuyển hướng về châu Á chủ yếu do bị Mỹ-EU cấm vận do cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine
|
Những yếu tố trên đã chỉ ra rằng, đường lối hội nhập châu Âu của Nga đã mất tính thời sự và đổ vỡ vì bị cản trở phá hoại. Ngày càng có nhiều sự khác biệt giữa Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu, vì vậy Moscow không có lựa chọn nào khác hơn là phát triển những mối quan hệ thương mại-kinh tế thay thế.
Về vấn đề làm thế nào để tránh hệ lụy ảo tưởng và tự lừa dối mình, tương tự như sự tin tưởng vào phương Tây cách đây chưa lâu, ông Lukin cho rằng, Nga không nên đắm mình trong ảo tưởng, các nước châu Á đang thi hành chính sách độc lập tự chủ của họ nhưng có nhiều điểm chung với Nga, cụ thể là ý tưởng về một thế giới đa cực.
Ông Lukin phân tích, các nước châu Á hiểu rằng họ cần hợp tác với Nga bởi giữa 2 bên có cùng một ý tưởng, cụ thể là Nga và các nước này là những quốc gia không muốn tồn tại chỉ với Hoa Kỳ và phương Tây. Đương nhiên, giữa hai bên cần sự phối hợp nhất định và Nga sẽ có thể hợp tác với từng quốc gia theo cách riêng.
Chính sách “cào bằng quan hệ” của Nga
Tuy nhiên ông Lukin nhấn mạnh một điều là Nga phải hiểu rằng việc chuyển sang châu Á không có nghĩa là thay thế định hướng thân phương Tây bằng định hướng một chiều tương tự về phía Đông. Mà ngược lại, đó là sự chuyển tiếp sang một chính sách cân đối và hài hòa hơn các lợi ích đông-tây.
Phóng viên MIA “Rossiya Segodnya” đã đưa ra cho chuyên gia Aleksandr Lukin một câu hỏi cực kỳ hóc búa là Nga nên hành xử thế nào trong những tình huống phức tạp, chẳng hạn như trong bối cảnh những cuộc tranh chấp lãnh thổ ở châu Á giữa các nước mà Nga đều có quan hệ khăng khít?
Ông Lukin cho rằng, trước hết cần phải xem những nước này đối xử với Nga như thế nào. Nếu Nhật Bản hỗ trợ biện pháp trừng phạt chống Nga, thì cần tỏ ra cho Tokyo thấy rằng Moscow không thích điều đó và luôn có phương án đối trọng để thay thế khi quan hệ hợp tác thương mại-kinh tế giữa 2 nước phát sinh trục trặc.
Nga chuyển hướng về châu Á, trong đó Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất
|
Hoặc như Hàn Quốc, Seoul hiện đang tích cực để nhận được những thị trường, tận dụng những cơ hội phát sinh do các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống Moscow. Ví dụ như Nga sẽ mua ô tô Hàn Quốc nhiều hơn, hoặc là đẩy mạnh chu trình sản xuất xe hơi cùng với Hàn Quốc.
Mặc dù cũng có liên minh với Hoa Kỳ như là Nhật Bản, và thậm chí còn bị phụ thuộc vào người Mỹ về an ninh, tuy nhiên, Hàn Quốc đã kiên quyết từ chối tham gia trừng phạt, không chịu ngả theo thế lực của Hoa Kỳ. Thái độ đó rất đáng trân trọng và cần được Nga khuyến khích một cách thích đáng.
Ông Lukin đã đưa ra luận điểm là trong vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa các nước châu Á, Nga cần phải có quan hệ bình đẳng, thái độ không thiên lệch đối với tất cả các nước, cương quyết không tham gia vào những cuộc xung đột của họ và không thiên về hỗ trợ bất kỳ bên nào, bởi “tất cả các nước đó đều là đối tác của Moscow”.
Giải pháp hòa bình của Nga có lợi cho tất cả các bên xung đột, đơn giản vì Moscow duy trì liên hệ thương mại-kinh tế và chính trị với tất cả các nước, và không để mình sa vào tình huống cần thực hiện lựa chọn duy nhất, thí dụ, giữa Trung Quốc - Nhật Bản, giữa Trung Quốc và Việt Nam, hay là giữa Trung Quốc với Ấn Độ.
Về bề ngoài chính sách này của Nga giống như thái độ của một kẻ không có lập trường, “dĩ hòa vi quý” - không muốn làm mất lòng ai - nhưng về bản chất đó là chính sách “cào bằng quan hệ”, lẫn lộn đúng-sai, thậm chí có thể nói là “chọn bạn không phân biệt tốt-xấu”.
Khi đã thực thi chính sách này - với Nga - không có khái niệm về một quốc gia yêu chuộng hòa bình mà cũng không cần biết một quốc gia khác có gây nguy hại cho hòa bình và an ninh thế giới hay không, mà đơn giản: Tất cả mọi nước đều là những đối tác có thể quan hệ để kiếm lợi cho Moscow.
Tuần dương hạm Varyag thống lĩnh cụm chiến hạm Nga sang Trung Quốc, tham gia tập trận chung vào tháng 5 vừa qua
|
Thực tế đã cho thấy, kể từ khi tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Asean trở nên căng thẳng, Moscow chưa bao giờ bày tỏ thái độ phản đối những hành động sai trái của Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo đối với các nước trong khối Asean - điều mà một cường quốc có trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh thế giới nên làm.
Vẫn biết là Nga đang bị Mỹ và phương Tây bao vây, cấm vận nên phải ngoảnh sang châu Á, mà trong đó Trung Quốc là một đối tác lớn, nhưng điều đó khó có thể biện bạch cho việc Moscow phớt lờ những hành động sai trái và vô cảm trước những hậu quả mà Bắc Kinh gây ra đối với các nước láng giềng.
Tổng thống Putin đã từng tuyên bố, Nga sẽ bảo vệ công dân của mình ở khắp nơi trên thế giới và hiện nay Moscow cũng đang tìm cách kiếm lợi ở khắp nơi trên thế giới bằng chính sách “cào bằng quan hệ”.
No comments:
Post a Comment