CNN ngày 17/10 cho biết, thỏa thuận được ký kết giữa Tập đoàn năng lượng hạt nhân Lightbridge (Mỹ) và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Vinatom).
Theo thoả thuận, phía công ty Mỹ sẽ đảm trách việc thiết kế, chọn lò phản ứng hạt nhân, nguyên liệu, các quy trình an toàn hạt nhân v.v.
Đây là giao dịch kinh doanh đầu tiên về lĩnh vực hạt nhân dân sự giữa Việt Nam và Mỹ, sau khi hiệp định hạt nhân Mỹ - Việt Nam (còn gọi là hiệp định 123) có hiệu lực từ ngày 3/10 qua.
Một mô hình nhà máy điện hạt nhân của Nga được trưng bày tại Triển lãm về điện hạt nhân diễn ra tại Hà Nội trong tháng 10/2012 |
Hiệp định 123 được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh ký kết hồi tháng 10/2013 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Brunei và được Tổng thống Obama phê chuẩn hồi tháng 2/2014.
Vào thời điểm trên, các nhà hoạt động chống phổ biến vũ khí hạt nhân và một số nghị sỹ Mỹ quan ngại về việc thỏa thuận trên không cấm Việt Nam tự làm giàu urani hoặc tái chế plutoni, những năng lực có thể được sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân. Để trấn an, Việt Nam đã ký một bản ghi nhớ không ràng buộc về pháp lý với Mỹ rằng Hà Nội không có ý định tìm kiếm năng lực đó.
Thoả thuận hạt nhân Mỹ - Việt Nam sẽ mở ra cơ hội cho các tập đoàn Mỹ vào thị trường điện hạt nhân trị giá 10 tỉ USD của Việt Nam và sẽ tăng lên 50 tỉ USD vào năm 2030, theo ước tính của Bộ Thương mại Mỹ.
Đây là thị trường điện hạt nhân lớn thứ hai tại đông nam châu Á (sau Trung Quốc), và Việt Nam muốn tăng tỉ trọng điện hạt nhân chiếm 10% trong tổng sản lượng điện quốc gia vào năm 2030.
Trao đổi với Đất Việt về thỏa thuận hạt nhân nói trên, TS Trần Đại Phúc, chuyên gia tư vấn dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận cũng cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam có thể học hỏi thêm kinh nghiệm từ một quốc gia được xem là có công nghệ hạt nhân tiên tiến.
"Tuy nhiên để việc hợp tác có lợi cho cả hai bên thì Việt Nam cần đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực để có thể tiếp cận và học hỏi từ những công việc nhỏ nhất liên quan đến việc triển khai xây dựng nhà máy cũng như tiếp quản công nghệ", TS Trần Đại Phúc nói.
Hiện Tập đoàn hạt nhân GE Hitachi (Mỹ) đã ký 2 thoả thuận về đào tạo 15 - 20 cán bộ Việt Nam chuyên về lĩnh vực hạt nhân vào mùa hè năm 2015.
Việt Nam có kế hoạch xây 10 lò phản ứng hạt nhân đến năm 2030. Vào tháng 10/2010, Việt Nam đã ký thoả thuận xây 6 lò phản ứng hạt nhân ở Ninh Thuận, trong đó Nga cung cấp 4 lò và Nhật Bản cung cấp 2 lò.
Tập đoàn Westinghouse và GE Hitachi hy vọng sẽ tham gia đấu thầu xây 6 lò phản ứng hạt nhân khác tại Việt Nam.
An Nhiên
No comments:
Post a Comment