Con người có kích thước cơ thể khác nhau là điều mà ai cũng biết, tuy nhiên không phải ai cũng biết rằng kích thước bộ não của chúng ta là không giống nhau. Trên thực tế thì não của đàn ông lớn hơn của phụ nữ. Bộ não trung bình của con người nặng khoảng 1,2kg, trong đó bộ não của đàn ông nặng hơn khoảng 100g so với phụ nữ.
Điều này dẫn chúng ta đến một câu hỏi lâu đời: kích thước bộ não lớn hơn có đồng nghĩa với việc thông minh hơn hay không? Có thể nhiều người sẽ đánh giá kích thước bộ não là quan trọng, vì chúng ta vẫn thường so sánh với tổ tiên là loài động vật linh trưởng rằng chúng ta tiến hóa hơn và có bộ não lớn hơn. Tuy nhiên, nếu kích thước thực sự quan trọng thì con người chúng ta cũng không thông minh hơn một con hà mã với trọng lượng bộ não khoảng 1,1kg, và nếu so sánh với một con cá voi có bộ não nặng khoảng 7,7kg thì con người đúng là một loài sinh vật ngớ ngẩn.
Kích thước não bộ không quyết định trí thông minh, vậy cái gì quyết định và kích thước bộ não có ảnh hưởng gì đến chức năng của con người hay không, cũng như tại sao chúng ta có kích thước bộ não khác nhau? Chúng ta sẽ dần tìm hiểu những điều thú vị này, trước tiên chúng ta sẽ trả lời câu hỏi: tại sao bộ não con người có kích thước khác nhau?
Điều gì quyết định kích thước bộ não?
Kích thước bộ não được xác định một phần do yếu tố di truyền. Trong một nghiên cứu đối với các cặp sinh đôi (những người có gen gần giống nhau), các nhà khoa học phát hiện kích thước não bộ của các cặp sinh đôi này là hoàn toàn giống nhau. Bên cạnh đó có một số gen ảnh hưởng đến kích thước của não bộ. Mặc dù chúng ta vẫn chưa hiểu hết về chức năng và sự ảnh hưởng của các gen trong não bộ, tuy nhiên với một số kiến thức hiện tại các nhà thần kinh học đã làm sáng tỏ một vài bí ẩn.
Các nhà nghiên cứu tại đại học Harvard đã cô lập được một trong những gen quyết định kích thước của não bộ bằng cách thí nghiệm trên những con chuột. Khi những con chuột thí nghiệm được tiêm tăng cường một loại gen có tên là beta-catenin, bộ não của chúng tăng gấp đôi về kích thước, đồng thời cho thấy hoạt động ở vỏ não cũng tăng lên.
Vỏ não là khu vực kiểm soát hoạt động của trí thông minh và ngôn ngữ, là sự khác biệt lớn nhất giữa bộ não con người so với các loài vật. Cũng có nghĩa là vỏ não càng phát triển thì trí thông minh càng cao. Tuy nhiên bạn đừng nghĩ đến việc tiêm beta-catenin vào não mình để tăng trí thông minh, vì nhiều con chuột trong dự án thử nghiệm trên đã chết sau khi kích thước não của chúng tăng lên quá lớn.
Bên cạnh gen beta-catenin, các nhà khoa học cũng tìm thấy một gen khác có ảnh hưởng đến kích thước của não bộ, đó là ASPM. Loại gen này là nguyên nhân gây ra căn bệnh microcephaly (bệnh đầu nhỏ), khiến đứa trẻ sinh ra với đầu và bộ não có kích thước nhỏ hơn bình thường. Nếu như việc tăng beta-catenin có thể khiến não bộ phát triển thì ASPM lại ngăn chặn sự hình thành các tế bào não và khiến bộ não nhỏ hơn.
Trong khi yếu tố di truyền và các loại gen trên có ảnh hưởng rất lớn đến kích thước bộ não, tuy nhiên đây không phải yếu tố ảnh hưởng duy nhất. Yếu tố môi trường cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của não bộ. Trong năm năm đầu tiên của đời người, não bộ tăng gấp 4 lần kích thước và đạt khoảng 95% kích thước của một bộ não trưởng thành. Tuy nhiên theo nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, một số khu vực của bộ não vẫn tiếp tục phát triển sau tuổi vị thành niên.
Vậy một bộ não lớn có những đặc điểm gì khác so với một bộ não bình thường? Và tại sao một nhà bác học thiên tài như Albert Einstein lại có một bộ não nhỏ hơn so với bình thường?
Kích thước não và trí thông minh
Để đánh giá trí thông minh của các loài vật, các nhà nhân chủng học đã dựa trên một đơn vị đo lường được gọi là thương số encephalization, được tính bằng tỷ lệ giữa kích thước hộp sọ và kích thước cơ thể. Vậy chúng ta hãy quay lại với ví dụ con người và cá voi ở trên, bộ não của một con cá voi là lớn hơn con người, tuy nhiên nếu so thương số encephalization thì cá voi lại kém hơn rất nhiều so với con người, do kích thước của chúng quá lớn. Do đó, nếu xét trên cùng một kích thước cơ thể, ví dụ như chỉ xét trên loài người nói chung, chúng ta sẽ thấy kích thước bộ não có thể tạo ra sự khác biệt.
Vậy hãy quay lại với câu hỏi: kích thước bộ não có ảnh hưởng đến trí thông minh hay không?
Trước đây, đã có nhiều nghiên cứu trên đối tượng trẻ em mắc chứng bệnh tự kỷ và chậm phát triển có bộ não nhỏ hơn 3-4% so với một bộ não bình thường. Do đó nhiều nhà khoa học cho rằng kích thước bộ não có ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của con người. Tuy nhiên một nghiên cứu khác cho thấy bộ não co lại theo tuổi tác, mặc dù chức năng nhận thức không hề thay đổi.
Để giải quyết vấn đề tương quan giữa kích thước và trí thông minh, đã có rất nhiều cuộc thử nghiệm được tiến hành. Trong đó, có một cuộc thử nghiệm của nhà tâm lý học Michael McDaniel vào năm 2005, sử dụng các bài kiểm tra IQ tiêu chuẩn và so sánh các hình ảnh não bộ của những người tham dự. Kết quả cho thấy những người có kích thước não lớn hơn thì thông minh hơn.
Vậy nếu rút ra kết luận từ những thử nghiệm nói trên, chúng ta sẽ thấy tất cả đàn ông đều thông minh hơn phụ nữ vì bộ não đàn ông lớn hơn. Tuy nhiên điều này nghe có vẻ không ổn, vì trên thực tế có rất nhiều những người phụ nữ tài giỏi khiến đàn ông nể phục.
Kết quả của một cuộc nghiên cứu do giáo sư Richard Haier và các đồng nghiệp tại đại học California đã giúp giải thích thỏa đáng những vướng mắc trên. Ông đã sử dụng kỹ thuật hình ảnh cộng hưởng từ để đo lượng chất xám trong não của 47 người trưởng thành. Ngoài ra, tất cả các đối tượng này cũng làm những bài kiểm tra IQ tiêu chuẩn.
Nhóm nghiên cứu chia não thành nhiều phần và chụp ảnh lượng chất xám ở mỗi phần. Chất xám là một mạng lưới khuếch tán của các vùng não liên quan tới xử lý thông tin. Nó là vùng mô màu xám, có rất nhiều thân tế bào thần kinh, các đuôi gai phân nhánh và tế bào đậm. Trong não, chất xám tạo thành vỏ não và lớp ngoài của tiểu não. Trong dây cột sống, chất xám nằm ở phần giữa và có chất trắng bao bọc.
Nhóm nghiên cứu phát hiện trong 24 vùng khác nhau, chất xám ở người có điểm IQ cao tồn tại ở mức cao hơn so với người có điểm thấp hơn. Nhiều vùng nói trên, nằm khắp não, liên quan tới trí nhớ, khả năng tập trung và ngôn ngữ.
Haier tin rằng các khía cạnh khác biệt của trí thông minh có thể phụ thuộc vào lượng chất xám trong những vùng não khác nhau này. Lượng chất xám có thể giải thích tại sao một người rất giỏi toán lại không giỏi chính tả trong khi người khác với chỉ số IQ tương tự lại có khả năng ngược lại.
Điều này cũng lý giải tại sao bộ não của nhà bác học Einstein không có kích thước tổng thể lớn hơn so với bộ não bình thường, nhưng lại có khả năng thiên phú về khoa học. Đó là do phần thùy đỉnh của bộ não phát triển hơn bình thường, nó quyết định khả năng tính toán, hình dung không gian và vật thể 3 chiều.
Kích thước tổng thể không quan trọng, kích thước từng vùng mới là yếu tố quyết định
Vậy chúng ta đã biết kích thước tổng thể của bộ não không quyết định trí thông minh của một người, tuy nhiên kích thước của các vùng khác nhau trên bộ não sẽ quyết định khả năng vượt trội của người đó trong các lĩnh vực khác nhau. Nó không chỉ ảnh hưởng đến chỉ số IQ mà còn ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp xã hội và chỉ số EQ.
Các nhà khoa học đã tìm thấy sự liên hệ giữa số lượng bạn bè của con người và kích thước khu vực não bộ trên mắt. Báo cáo đăng trên chuyên san Proceedings of the Royal Society B đã lần đầu tiên chứng tỏ rằng các kỹ năng xã hội được quyết định bởi kích thước não người. “Chúng tôi phát hiện những cá nhân có nhiều bạn hoàn thành các nhiệm vụ về tâm lý tốt hơn, cũng như có khối lượng dây thần kinh nhiều hơn hẳn ở khu vực não bộ trên mắt”, Giáo sư Robin Dunbar, trưởng nhóm nghiên cứu nói.
Theo Giáo sư Dunbar, não bộ của người, đặc biệt là phần thùy trước, đã phình to đáng kể trong hơn nửa triệu năm qua. Tất nhiên thời gian dành cho các hoạt động giao tế xã hội, địa lý, tính cách và giới tính đều ảnh hưởng đến quan hệ bạn bè của con người, nhưng theo chuyên gia Dunbar, một số yếu tố như giới tính cũng tương quan với các kỹ năng về tâm lý.
No comments:
Post a Comment