Friday, September 12, 2014

Hội Nhập Quốc Tế Của Nghiên Cứu Xã Hội Ở Việt Nam: Một Phân Tích Và Tự Sự

GS-TS Bùi Thế Cường, Phó Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý Tp.HCM HASCON, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ:    Ngay từ đầu thời kỳ Đổi Mới, câu chuyện hội nhập quốc tế của khoa học xã hội Việt Namđã được đặt ra sôi động. Nhưng 25 năm Đổi Mới đã qua mà câu chuyện này lại được đề cập khẩn thiết hơn ngày trước. Tại sao? Bài viết xuất xứ từ một tham luận trong Hội thảo “Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về nghiên cứu khoa học xã hội giai đoạn 2011-2020”, thuộc Chương trình hợp tác liên Bộ giữa Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Bộ Khoa học và công nghệ, tổ chức tại Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ ngày 27/10/2011 ở TPHCM. 

Như tiêu đề cho thấy, bài viết có chỗ là một sự phân tích, nhiều chỗ là tự sự nhân học và xã hội học. Viện Xã hội học là một trong số ít đơn vị nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam đã đi tiên phong trong hợp tác quốc tế và đã gặt hái nhiều thành công. Do đó, bài viết này dường như cũng thích hợp đối với số chuyên đề kỷ niệm 30 năm Tạp chí Xã hội học, gương mặt của Viện Xã hội học và của ngành xã hội học Việt Nam.

HỘI NHẬP KHOA HỌC QUỐC TẾ LÀ VẤN ĐỀ NGOẠI NGỮ HAY PHƯƠNG PHÁP?
Năm 2005, tôi tiếp đoàn công tác của Japan Foundation do GS. Trần Văn Thọ dẫn đầu. Nhiệm vụ của đoàn công tác như sau. Trong nhiều năm, Japan Foundation đã tài trợ nhiều cho Việt Nam nhằm đào tạo nên một thế hệ các nhà nghiên cứu về Nhật Bản ở Việt Nam (Japanese Studies). Họ nhận thấy nỗ lực ấy chưa thành công, và muốn tìm hiểu nguyên nhân để có giải pháp.
Trả lời câu hỏi của đoàn, tôi nêu lên nhận xét của mình như sau. Để đưa sang Nhật đào tạo thành nhà Nhật Bản học, người ta thường chọn người biết tiếng Nhật; người Việt biết tiếng Nhật cũng thường tìm cách vào làm ở cơ quan nghiên cứu về Nhật Bản. Điều này hoàn toàn đúng. Nhưng biết tiếng Nhật chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ để trở thành nhà nghiên cứu về Nhật Bản. Như mọi bộ môn khác, họ phải được đào tạo và tự rèn luyện về “phương pháp nghiên cứu khoa học” (trong kinh tế học, nhân học, xã hội học, văn học, v.v.). Nếu giỏi tiếng Nhật nhưng chưa biết “phương pháp nghiên cứu” thì không thể trở thành nhà Nhật Bản học, chỉ có thể viết những bài lược thuật tổng thuật thông tin dựa trên những bài nghiên cứu của các học giả Nhật Bản. Không rõ nhận xét của tôi có đúng không, nhưng GS. Thọ dường như chú ý đến nhận xét đó.
Xin phép so sánh những bài phân tích của các học giả phương Tây, và gần đây, của các học giả ở Trung Quốc lục địa, về quan hệ quốc tế, với những bài trong các tạp chí khoa học về quan hệ quốc tế ở Việt Nam. Ta thấy gì? Rất nhiều bài của các nhà nghiên cứu trong nước về chủ đề này chỉ dừng lại ở mức lược thuật tổng thuật sơ sài và không sắc sảo bằng những gì mà các học giả nước ngoài đã viết ra. Bởi vì để hiểu và đối thoại với cái mà một nhà nghiên cứu “có phương pháp” đã viết ra (sản xuất ra bằng “những phương pháp nghiên cứu”), thì phải có nhà nghiên cứu “có phương pháp”.[1] Thêm nữa, phương pháp của hai bên cần tương thích với nhau (mọi sự muốn trao đổi với nhau phải có “nền chung”: muốn nói chuyện với nhau phải dùng chung một ngôn ngữ, muốn nối mạng máy tính phải cùng dùng những phần mềm tương thích với nhau). Đây là câu chuyện dài, không thể đề cập trong một khuôn khổ bài viết ngắn.

NHƯNG CÓ THỂ HỘI NHẬP KHOA HỌC QUỐC TẾ CHĂNG NẾU KHÔNG BIẾT NGOẠI NGỮ?
Như vậy, để hội nhập khoa học quốc tế, nhà nghiên cứu phải là “nhà nghiên cứu” (tức là biết sử dụng “phương pháp nghiên cứu”), chứ không phải là người giỏi ngoại ngữ.
Tuy vậy, hiển nhiên nhà nghiên cứu của thời kỳ hợp tác quốc tế hội nhập quốc tế hôm nay thì phải biết ngoại ngữ. Cụ thể ngày nay phải dùng được tiếng Anh, thứ tiếng mà cộng đồng khoa học quốc tế đã chọn (hay phải chấp nhận?) làm ngôn ngữ quốc tế của giới khoa học.
Ngày nay, làm gì có chuyện là một nhà nghiên cứu ở cơ quan hàn lâm quốc gia lại không sử dụng được tiếng Anh? Điều này chỉ nên là ngoại lệ thôi, đó là các nhà nghiên cứu thuộc thế hệ trước, một số nhà nghiên cứu trẻ hoặc trung niên (vào thời điểm này là U40 tức 7X trở đi chăng?) đã thể hiện rõ tài năng xuất sắc của mình qua các sản phẩm nghiên cứu. Tỷ lệ ngoại lệ là bao nhiêu trong một cơ quan hàn lâm quốc gia vào lúc này, có lẽ chỉ nên là 15% hay 20% chăng?[2]
Nếu điều nói trên là đúng, và được chấp nhận thực hiện, vấn đề hội nhập quốc tế của một cơ quan nghiên cứu đã giải quyết xong khá cơ bản. Thực ra, trên văn bản giấy tờ đã có những quy định rõ ràng, chỉ có điều chúng bị bỏ qua thôi. Chẳng hạn, tôi tin rằng mọi cơ quan nghiên cứu ở Việt Nam từ lâu đều có một văn bản rất trang trọng là bản quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ và định mức công chức.

HỘI NHẬP KHOA HỌC QUỐC TẾ LÀ VẤN ĐỀ NGOẠI NGỮ VÀ PHƯƠNG PHÁP HAY LÀ VẤN ĐỀ VĂN HÓA VÀ ĐỊNH CHẾ?
Khoảng 30-40 năm qua, ta thường thấy một “công thức diễn ngôn” (discourse) được yêu thích ở nước ta: đổ lỗi cho “cơ chế”. Có bằng chứng hiển nhiên và quá rõ ràng rằng quả thực “các cơ chế” thực sự “có lỗi”. Ngay cả yếu tố “ngoại ngữ” và “phương pháp” vừa bàn ở trên đang ở trong một trạng thái như thế nào, đó thực sự cũng là sản phẩm của “cơ chế”. Đoạn cuối của ngay mục trên là một minh họa rõ nét “lỗi của cơ chế” (quy định và việc thực hiện quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ và định mức).
Tuy nhiên, tôi cho rằng nên làm chính xác hơn khái niệm “cơ chế” ở đây. Theo tôi, đây là vấn đề của văn hóa và định chế.[3] Trong nền văn hóa chủ lưu (mang tính chủ đạo) phải xuất hiện định hướng giá trị (nhấn mạnh, cổ vũ, hỗ trợ, thậm chí áp lực) hội nhập quốc tế. Nhưng làm thế nào để định hướng giá trị này trở thành chủ lưu? Theo lý thuyết xã hội học, nó phải được thực sự ủng hộ bởi tầng lớp lãnh đạo quản lý (của hệ thống xã hội và của định chế khoa học). Và để định hướng giá trị không phải chỉ nằm trên giấy hay trong lời nói hoa mỹ (rhetoric), nó chỉ có thể tồn tại “sống động” khi trở thành chuẩn mực và được định chế hóa.

AI LÀ CHỦ THỂ CỦA HỘI NHẬP KHOA HỌC QUỐC TẾ?
Trong phần trên tôi nhấn mạnh đến tầm quan trọng khá quyết định của “cơ chế”. Nhưng nếu chỉ đổ lỗi cho “cơ chế” thì lại hoàn toàn sai với quan điểm mác xít. Cách đây vài năm, trong một bài nghiên cứu, tôi viết: “Như Mác đã nói: con người là chủ thể sáng tạo nên lịch sử, và như xã hội học hành động hiện đại nói: cấu trúc và thiết chế là do con người tạo ra”.[4] Xu hướng tư tưởng xã hội hiện đại nhấn mạnh vào chủ thể; chủ nghĩa Mác cũng nhấn mạnh vai trò của chủ thể (cả quần chúng lẫn giới tinh hoa, tức là cán bộ).
Do đó, bên cạnh (hay sau khi hoặc trong khi) đề cập/ thiết kế ra cơ chế “hội nhập quốc tế trong khoa học” thì phải đề cập đến “chủ thể” của hành động đó. Bởi chỉ có “chủ thể” là kẻ duy nhất có thể vận hành hoặc không-vận hành “cơ chế”. Lại phải nhắc lại Mác, chỉ có con người làm nên lịch sử, chẳng có ai khác, đơn giản chỉ vì lịch sử là lịch sử của con người.
Vậy, ai là chủ thể của hội nhập quốc tế trong làm khoa học? Dĩ nhiên, cần rất nhiều chủ thể khác nhau, chủ thể nào cũng có chức năng, tầm quan trọng riêng. Trong bài viết này, tôi chỉ xin đề cập đến chủ thể “nhà nghiên cứu”.
Một ngày, một trưởng phòng nghiên cứu nói với tôi: “Phòng Hợp tác quốc tế phải là nơi tìm kiếm các dự án hợp tác quốc tế về cho Viện”. Câu trả lời của tôi là: ở một Viện cơ sở, theo tôi, về cơ bản, Phòng Hợp tác quốc tế chỉ làm công tác nghiệp vụ và hỗ trợ. Người có trách nhiệm và khả năng tìm kiếm và thực hiện các dự án quốc tế là nhà nghiên cứu. Cũng giống như người (phải và có thể) sút bóng vào gôn là cầu thủ. Huấn luyện viên, bác sĩ, đầu bếp, v.v. chỉ là người hỗ trợ, phục vụ.
Làm thế nào một chuyên viên hợp tác quốc tế lại có thể hôm nay viết một đề cương nghiên cứu về xã hội học, ngày mai lại viết một đề cương về khảo cổ học? Làm thế nào một chuyên viên hợp tác quốc tế lại có thể hôm nay trao đổi thư từ (chuyên môn) với một nhà kinh tế học nước ngoài, ngày mai lại thư từ với một nhà sử học nước ngoài? Đó là công việc của nhà nghiên cứu trong một bộ môn khoa học nào đó ở ViệtNam hợp tác với một nhà nghiên cứu nước ngoài trong cùng lĩnh vực ấy. Chuyên viên hợp tác quốc tế sẽ và chỉ có thể hỗ trợ cho những việc ấy.
Trong số các chủ thể-nhà nghiên cứu, tôi muốn nhấn mạnh thêm đến nhà nghiên cứu-quản lý, do vị thế và vai trò đặc biệt của họ. Như trên đã đề cập, hội nhập quốc tế là câu chuyện của văn hóa (định hướng giá trị) và định chế. Do đó, nếu người đứng đầu một cơ quan nghiên cứu (đương nhiên vốn là và vẫn là nhà nghiên cứu) có một lập trường (văn hóa) rõ ràng về hội nhập khoa học quốc tế, định chế do anh ta/ chị ta đứng đầu sẽ có thay đổi trong câu chuyện hội nhập.
Dĩ nhiên, nếu không có một số lượng nhất định các nhà nghiên cứu cùng cơ quan chia sẻ lập trường này, thì người thủ trưởng sẽ vô cùng đơn thương độc mã trên con đường hội nhập. Song, nếu không có lập trường hội nhập rõ ràng nơi người đứng đầu, thì văn hóa hội nhập sẽ không thể trở thành chủ đạo (chính thống) trong đơn vị đó. Nếu ở đấy có một số nhà nghiên cứu “nỗ lực hội nhập”, thì đó sẽ chỉ là những hoạt động lẻ tẻ mang tính cá nhân, có khi bị coi là phi chính thức, bên lề (marginalized). Ta có thể quan sát thấy những phiên bản giữa hai cực kể trên ở mọi tổ chức nghiên cứu Việt Nam trong suốt 25 năm qua.
Như vậy, trong câu chuyện này phải có “nhà lãnh đạo/ quản lý” đồng thời phải có “số lượng” (đủ để quy luật “lượng đổi chất đổi” phát huy tác dụng). Nhưng theo tôi yếu tố đầu tiên quan trọng hơn.[5]
Có ý kiến nói, tuy cá nhân nhà nghiên cứu là quan trọng, song trong câu chuyện hội nhập còn có nhiều chủ thể khác mang tính quyết định hơn. Tôi tán thành ý kiến đó, nhưng xin bổ sung lập luận sau đây.
Ví dụ bàn đến chủ thể-Viện, thậm chí là một Viện rất lớn, thì cấp ủy, Lãnh đạo Viện, Hội đồng khoa học Viện (những định chế tổ chức quan trọng nhất trong một Viện nghiên cứu [ở Việt Nam]) là gì nếu đó không phải là những tập thể các nhà nghiên cứu (thường là giỏi nhất) của Viện đó? Theo lý thuyết xã hội học mác xít và hiện đại, mọi chủ thể-tổ chức, chủ thể-định chế, suy đến cùng đều do những cá nhân con người vận hành. Cho nên nếu tất cả (hoặc một số lượng nào đó đủ để làm thay đổi chất) các chủ thể nhà nghiên cứu đều có thái độ (văn hóa) và kỹ năng hội nhập đủ mạnh, mọi chủ thể-trên cá nhân đều cũng sẽ như thế.[6]

THU NHẬP, ĐÀO TẠO VÀ QUẢN LÝ: VÀI ĐIỀU KIỆN CẦN VÀ ĐỦ
Làm cách nào để một cơ quan nghiên cứu có thể tồn tại được một cách bình thường? Tôi xin lấy ví dụ quân đội cho dễ hiểu, vì quân đội gắn với chiến tranh là môi trường rất khốc liệt nên mọi vấn đề đều có vẻ sáng tỏ, dễ hình dung (quan sát thấu đáo một Viện nghiên cứu trong môi trường “lờ mờ” vốn có của nó khó hơn nhiều, mặc dù cả hai đều như nhau cả).
Mọi quân đội nhất thiết phải lo ít nhất 4 vấn đề hiển nhiên:
  1. Quân lính được cung cấp một mục tiêu tinh thần.
  2. Quân lính được nuôi tốt: ăn no, mặc ấm, vệ sinh sạch sẽ.
  3. Quân lính được đào tạo: dạy cách tiêu diệt kẻ thù và bảo vệ mình, đồng đội.
  4. Quân lính được quản lý: kỷ luật quân đội.
Tương tự, mọi tổ chức trong đó có cơ quan nghiên cứu cũng phải đảm bảo 4 điều trên. Bỏ qua điều thứ nhất và tập trung vào nhà nghiên cứu trẻ để giảm bớt độ phức tạp của ví dụ, ta còn 3 vấn đề:[7]
  1. Nhà nghiên cứu trẻ có thu nhập đủ sống, ít nhất đủ ăn và thuê nhà ở (với mức độ phù hợp với nghề nghiệp và địa vị xã hội).
  2. Nhà nghiên cứu trẻ được đào tạo: dạy cách làm nghề.
  3. Nhà nghiên cứu trẻ phải được quản lý: chế độ làm việc, quy định, tiêu chuẩn nghiệp vụ, định mức.
Đối chiếu 3 điều thiết yếu này với thực tế, ta thấy gì?
  1. Ta thấy nhà nghiên cứu trẻ ở cơ quan hàn lâm quốc gia chỉ có một mức lương tối thiểu không đủ cho việc ăn và thuê nhà (cho cá nhân mình chưa nói đến cho gia đình), mức lương thấp hơn cả những nghề không cần hoặc ít quá trình đào tạo hơn.
  2. Ta thấy khá phổ biến tình trạng các viện trưởng và trưởng phòng nghiên cứu không dạy họ làm nghề một cách bài bản và toàn diện. Nếu có chỉ là một vài công đoạn “thợ thuyền”. Họ không thể trở thành “nhà nghiên cứu”, trong trường hợp khá nhất chỉ là “thợ dữ liệu” (data worker), thu thập và xử lý dữ liệu.
  3. Ta thấy khá phổ biến tình trạng các viện trưởng và trưởng phòng nghiên cứu không quản lý họ: không kiểm soát thời gian làm việc, tiêu chuẩn nghiệp vụ, định mức lao động.
Cứ như thế thời gian thấm thoắt trôi vài thập niên, ta thấy đây đó những nhà nghiên cứu:
  1. Đã trở nên già, mà dáng vẻ thiếu thốn (nếu không thế mà bộ dạng khá giả - nhà cao cửa rộng, đi làm bằng xe máy xịn thậm chí ô tô - là vì tên tuổi thì ở đây song thực tế làm việc khác để kiếm sống: môi giới nhà đất, xây dựng, buôn bán, mở công ty, hay ít nhất cũng làm dịch vụ khoa học, dịch vụ đào tạo, v.v.);
  2. Không làm nghề (nghiên cứu): không ngoại ngữ, không đọc sách, không thực địa, không phương pháp, không sản phẩm;
  3. Và rất tự do: không ai biết họ làm gì, ở đâu trong giờ làm việc.
Một đội quân mà lính ăn không đủ no, thiếu kỹ năng bảo vệ mình và vô hiệu hóa kẻ thù, thường xuyên vắng mặt trong doanh trại, đội quân ấy diện mạo thế nào, làm được việc gì?[8]

ĐỂ HỘI NHẬP KHOA HỌC QUỐC TẾ, QUỐC TẾ HÓA MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC TRONG NƯỚC
Hội nhập khoa học quốc tế trước hay quốc tế hóa môi trường làm khoa học trong nước trước? Đây là câu hỏi theo dạng “con gà hay quả trứng có trước”. Thực tế cho thấy, vào thời kỳ đầu Đổi Mới, phải mở cửa ra thế giới trước. Kết quả là môi trường làm khoa học trong nước dần dần thay đổi theo.
Tuy nhiên, Đổi Mới đã hơn 25 năm rồi, một nhà nghiên cứu trẻ ngày ấy nay đang xế chiều vào tuổi U60. Và hôm nay, để tiếp tục hội nhập khoa học quốc tế, cần quốc tế hóa dứt điểm môi trường làm khoa học trong nước. Tôi chọn từ “dứt điểm” để thay thế cho từ “hơn nữa” vốn rất được yêu thích ở nước ta, vì nếu cứ tiếp tục “hơn nữa” thì sẽ lại trôi qua một 25 năm nữa, sẽ lại nữa một thế hệ nhà nghiên cứu trẻ hôm nay trôi vào tuổi xế chiều mà hội nhập còn dang dở.
Có thể có người hỏi: vậy thì thế nào là một “môi trường làm khoa học đã quốc tế hóa”?
Theo tôi, có một phương pháp tuy đơn giản mà hiệu nghiệm. Tôi gọi là phương pháp “liệt kê thực chứng”[9]: cứ liệt kê những đặc trưng bề ngoài (có thể nhìn thấy hiển nhiên, cân đo đong đếm được) của “một tổ chức nghiên cứu thông thường ở nước ngoài” và của “một nhà nghiên cứu nước ngoài thông thường” (họ đang làm những việc gì, làm như thế nào); rồi gắng làm “y chang”, và chỉ cần ở mức “thông thường” thôi, không cần “xuất sắc” (với thời gian rồi ta sẽ trưởng thành từ “thông thường” thành “xuất sắc”, mà nếu không xuất sắc được thì cứ ở mức thông thường cũng tốt rồi). Bảng 1 là một cố gắng thử sử dụng phương pháp đó. Bạn đọc có thể tự xây dựng Bảng 2 về “hai kiểu tổ chức nghiên cứu”.
Trong quan sát của tôi, nền khoa học xã hội Việt Nam đã thay đổi, đã tiến bộ rất nhiều trong hơn 25 năm qua, xét về mọi mặt trong đó có hội nhập quốc tế. Điều này có thể nhìn thấy ở nhiều văn bản của Bộ Khoa học và công nghệ đã ban hành hay tham mưu chuẩn bị cho Nhà nước ban hành[10], nhìn thấy ở nhiều tổ chức và nhà nghiên cứu, ở nhiều hoạt động khoa học, ở kết quả của nhiều công trình nghiên cứu, ở tác động xã hội của nghiên cứu.
Tuy nhiên, cũng trong quan sát của tôi, cuộc đấu tranh giằng co giữa cái cũ và cái mới vẫn hiện diện ở khắp mọi nơi mọi lúc: tiến được một bước lại thấy lùi hai bước, lùi một bước rồi lại thấy tiến được hai bước; chỗ này thấy tiến được một bước, chỗ khác lại lùi một bước; trong một bước tiến lên lại thấy nửa bước chệch sang hướng khác; trong một việc thấy tiến được rất nhiều bước, nhưng lại có một bước lùi khiến cho mọi nỗ lực tiến trước đó trở nên công cốc, v.v.
Đây là điều không đáng có, đáng lẽ có thể thay đổi được, đáng lẽ hội nhập quốc tế trong khoa học xã hội đã tiến nhanh hơn nhiều, đóng góp tốt hơn nhiều vào công cuộc hiện đại hóa xã hội. Bởi vì đáng lẽ khoa học (xã hội) phải và có thể đi tiên phong trong sự thay đổi.[11] Và, trong cả nền khoa học xã hội của một quốc gia, thì các cơ quan khoa học đầu ngành quốc gia phải và có đủ ưu đãi để đi tiên phong.[12]

THỬ BÀN VỀ GIẢI PHÁP CỤ THỂ: MỘT MINH HỌA
Đến đây, có thể có người nói: dông dài quá, thử đề xuất giải pháp cụ thể xem. Thực ra, những điều nói ở trên đều hàm ý các giải pháp cụ thể: chẳng hạn tôi đã đề cập đến chuyện tiếng Anh, phương pháp nghiên cứu, văn hóa hội nhập quốc tế, định chế phù hợp với hội nhập quốc tế. Mọi giải pháp nghiệp vụ đều đơn giản, nhưng khía cạnh xã hội của bài toán mới là điều khó khăn. Xin lấy một ví dụ minh họa.[13]
Trong câu chuyện hội nhập, ta đã đồng ý rằng ngoại ngữ, cụ thể tiếng Anh, là quan trọng. Để minh họa, tạm lấy số người sử dụng tiếng Anh trong một đơn vị nghiên cứu là một chỉ báo về mức độ hội nhập khoa học quốc tế. Và lấy con số nhỏ và làm tròn để dễ hình dung. Đơn vị dưới quyền bạn có 10 người trong đó 5 người sử dụng được tiếng Anh. Như vậy, chỉ số trình độ hội nhập khoa học quốc tế của đơn vị bạn là 50% (5/10 người). Về mặt nghiệp vụ tổ chức cán bộ, bạn có nhiều giải pháp (lựa chọn). Một lần nữa đơn giản hóa vấn đề để dễ hình dung, ít nhất bạn có mấy giải pháp (chọn lựa) sau đây:
  1. Bạn tiếp tục tuyển thêm 2 người biết tiếng Anh, chỉ số trình độ hội nhập quốc tế của đơn vị bạn sẽ được nâng từ 50% lên 58,33% (7/12). Nếu bạn tuyển thêm 3 người biết tiếng Anh, chỉ số này của bạn là 61,54% (8/13). Nếu tuyển thêm 5 người biết tiếng Anh, bạn vươn lên chỉ số 66,67% (10/15).
  2. Ngược lại, nếu bạn tuyển thêm 1 người biết tiếng Anh và 1 người không biết tiếng Anh, chỉ số này của bạn vẫn là 50% như cũ (thay vì 5/10 thì nay bạn có 6/12 người biết tiếng Anh). Nếu bạn tuyển thêm 2 người không biết tiếng Anh, chỉ số này của bạn giảm xuống còn 41,67% (5/12). Bạn có thể tiếp tục tự đưa ra những giả thiết toán học khác. Ngược với giả thiết tối đa ở trên, thay vì tuyển thêm 5 người biết tiếng Anh, bạn tuyển thêm 5 người không biết tiếng Anh, chỉ số phát triển hội nhập khoa học quốc tế của bạn từ 50% tụt xuống 33,33% (5/15).
  3. Nếu bạn không được tuyển thêm, nhưng có thể giảm biên chế. Chỉ số hội nhập quốc tế của đơn vị bạn cũng sẽ biến thiên như trên, tùy thuộc vào sự lựa chọn của bạn (tức là lập trường văn hóa hội nhập của bạn, lập trường thực cơ, chứ không phải điều bạn muốn và nói). Ở một đầu của sự biến thiên, chỉ số này của bạn sẽ là 100% (5/5 người) (rất tuyệt vời), nếu bạn chuyển cả 5 người không biết tiếng Anh sang chỗ khác. Ở đầu ngược lại, khi bạn chuyển cả 5 người biết tiếng Anh sang chỗ khác, chỉ số này của bạn dĩ nhiên là ze-ro (0/5). Mọi phương án khác sẽ nằm ở đâu đó giữa hai cực ze-ro và 100%.
  4. Trong trường hợp án binh bất động, không tăng không giảm về lượng, thì sao? Bạn còn, chẳng hạn, giải pháp định tính: thay đổi cấu trúc bên trong. Bạn chia đơn vị của mình ra thành 3 nhóm hành động (task-force), và cho 3 người biết tiếng Anh làm trưởng nhóm, chỉ số hội nhập quốc tế của bạn cũng sẽ có sự thay đổi, vì đã xuất hiện những đại lượng mới về cấu trúc-văn hóa. Đơn vị của bạn có 3 chủ thể-nhà quản lý mới và họ đều biết tiếng Anh mà tác động của họ khác hẳn với khi họ chỉ là chủ thể-nhà nghiên cứu. Ngoài ra, bạn có 2 nhóm task-force có chỉ số hội nhập quốc tế 66,67% (2/3 người biết Anh). Nên nhớ  rằng toàn bộ đơn vị thì chỉ số này chỉ là 50%. Chỉ có 1 nhóm với chỉ số thấp (33,33%), nhưng người đứng đầu của nó là biết tiếng Anh.
Có thể bạn sẽ nói, minh họa trên xa rời thực tế quá, chỉ là những phép tính số học. Nhưng nếu bạn thử nhìn vào thực tế, bạn luôn thấy sự tương quan giữa các trường hợp cụ thể trong hiện thực với những tỷ lệ toán học trên. Không tin, bạn hãy thử một lần xem.[14]
Nhưng xin bạn hãy bỏ qua phương pháp “sơ giản toán học hóa hiện thực xã hội” của tôi, mà chú ý hơn đến hàm ý khung phân tích ở đây: hiện trạng hội nhập khoa học xã hội quốc tế Việt Nam là kết quả của vô số quyết định (lựa chọn) cụ thể (chứ không phải lời nói) trong 25 năm qua theo những kiểu nói trên ở mọi cấp độ (Nhà nước, Bộ và Viện nghiên cứu ngang Bộ, Viện cơ sở, phòng nghiên cứu, cá nhân nhà nghiên cứu). Do đó, ta có một hiện trạng tổng thể như vậy, nhưng cũng có những Viện và phòng nghiên cứu gần khớp hoặc chệch nhiều với tổng thể chung (theo nghĩa hội nhập kém hơn hay tốt hơn), do chính những lựa chọn đã diễn ra ở nơi đó bởi những con người cụ thể nơi đó trong những dàn xếp cụ thể hàng ngày với nhau.
Có thể bạn sẽ nói, hội nhập khoa học quốc tế là cái gì đó rộng hơn, phức tạp hơn nhiều chuyện biết tiếng Anh chứ, tỷ lệ người biết tiếng Anh trong đơn vị làm sao phản ánh được mức độ hội nhập khoa học quốc tế. Tôi rất đồng ý. Như trên tôi đã nói, lấy số người sử dụng tiếng Anh trong đơn vị làm chỉ số phản ánh mức độ hội nhập khoa học quốc tế của đơn vị đó chỉ là một ví dụ minh họa để dễ hình dung. Nhưng nếu làm thật, chắc chắn ta sẽ có những chỉ số về mức độ hội nhập khoa học quốc tế, phản ánh được thực tế này.[15]

THAY LỜI KẾT LUẬN
Tại Kỳ họp thứ nhất Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2011-2015 ngày 19/10/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có một bài phát biểu rất sâu sắc và xúc động. Ông nói:
“Hơn lúc nào hết, nhu cầu vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận trong thực tiễn, vượt qua tình trạng lạc hậu của lý luận và sự chậm trễ của khoa học xã hội-nhân văn so với đà phát triển mau lẹ của thực tiễn trở nên vô cùng bức thiết. Giới lý luận và các nhà khoa học trong đội ngũ trí thức nước ta phải đáp ứng đòi hỏi đó với sự nhạy bén và trách nhiệm xã hội cao nhất… Tư tưởng về quốc sách hàng đầu dành cho giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ vừa qua chậm được cụ thể hóa, thể chế hóa. Khuyết điểm này phải được nhanh chóng sửa chữa, trước hết là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước. Hai lĩnh vực này là chìa khoá của phát triển, là nơi tạo ra nguồn vốn quý giá nhất là nhân lực, nhân tài…
Trên tinh thần dân chủ, phát huy mọi khả năng sáng tạo, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, khiêm tốn học hỏi lẫn nhau giữa các thế hệ khoa học, Hội đồng và cơ quan Hội đồng phải phấn đấu trở thành một cộng đồng khoa học kiểu mẫu cả về tư tưởng, học thuật, đạo đức, văn hoá và phong cách, có tác dụng khích lệ, cổ vũ các năng lực sáng tạo trong giới lý luận, trong đội ngũ trí thức khoa học, nhất là đối với các nhà khoa học trẻ
Phải trở thành mối quan tâm thường trực của Hội đồng, của từng thành viên, của cả tập thể, cùng với cả đội ngũ trí thức khoa học nước nhà, đó là phấn đấu có nhữngđột phá mới về lý luận”.[16]
Dĩ nhiên, khi được nghe hay đọc bài phát biểu trên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mỗi người sẽ lĩnh hội khác nhau, rút ra những bài học khác nhau cho mình, do mỗi người có hiểu biết và quan tâm khác nhau. Phần tôi, có những ý nghĩ sau đây:
  1. Tra lại văn kiện, tôi thấy lần đầu tiên tại Hội nghị Trung ương 4 (Khóa VII) họp năm 1993, nhấn mạnh cùng với khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo phải được coi là quốc sách hàng đầu. Tư tưởng về quốc sách hàng đầu này được khẳng định mạnh mẽ lần nữa tại Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996). Vậy mà nay, 18 năm sau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn phải nhận định “Tư tưởng về quốc sách hàng đầu dành cho giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ vừa qua chậm được cụ thể hóa, thể chế hóa”, và yêu cầu “Khuyết điểm này phải được nhanh chóng sửa chữa, trước hết là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước”.
Nếu các cấp các ngành có liên quan đến giáo dục-đào tạo[17] ngay từ ngày ấy và kiên trì bền bỉ đến tận hôm nay, khẩn trương và nghiêm túc tổ chức thực hiện chủ trương này, và nếu con bạn và con tôi sinh ra vào khoảng năm 1990, thì suốt 20 năm qua, chúng đã được hưởng trọn vẹn một nền giáo dục phổ thông và đại học đúng hướng và tiên tiến. Là sản phẩm của chính sách quốc sách hàng đầu gần 20 năm qua, chắc chắn chúng đã khác với chúng bây giờ; và bạn và tôi đã không buồn phiền, phẫn nộ và thất vọng về nền giáo dục-đào tạo nước nhà như hôm nay ta đang cảm nhận trên báo chí hàng ngày.
Và nếu các cấp các ngành có liên quan đến khoa học-công nghệ[18] ngay từ ngày ấy và kiên trì bền bỉ đến tận hôm nay, khẩn trương và nghiêm túc tổ chức thực hiện chủ trương này; và nếu bạn thuộc thế hệ 7X và cũng làm việc trong một cơ quan nghiên cứu-đào tạo như tôi, bạn đã được hưởng một thời kỳ “cán bộ nghiên cứu trẻ” tuyệt đẹp, và hôm nay bạn đang là lực lượng sung sức nhất, có bề dày thành tích, có đầy đủ kỹ năng và bản lĩnh hội nhập khoa học quốc tế, còn tôi đã được hưởng trọn vẹn và làm việc có hiệu quả trong một môi trường nghiên cứu sáng tạo tuyệt vời trong độ tuổi sung sức như bạn bây giờ. Rất tiếc, cơ hội đã trôi qua với cả hai thế hệ chúng ta, bạn phải trở thành bạn như bây giờ và tôi đang là tôi như bây giờ, cả hai chúng ta đều đầy khiếm khuyết và yếu kém so với tiêu chí hội nhập khoa học quốc tế; để rồi hôm nay những người có trách nhiệm và công luận nhìn chúng ta với đầy vẻ coi thường.
  1. Liên quan đến chủ đề của bài viết này, trong lĩnh hội của mình, tôi chú ý đến những từ then chốt mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập: sự tụt hậu của lý luận, đột phá mới về lý luận, cộng đồng khoa học kiểu mẫu. Và trong cách hiểu của tôi, những từ này hiển nhiên gắn mật thiết với hội nhập khoa học quốc tế.
  1. Dựa vào hiểu biết của tôi cho đến nay về cung cách tổ chức thực hiện của các cấp các ngành đối với các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, tôi dự đoán rằng trong 5-10 năm tới, việc tổ chức thực hiện của các cấp các ngành đối với yêu cầu, chỉ đạo nói trên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục chậm trễ và yếu kém. Tôi thực sự mong rằng lần này tôi sẽ dự đoán sai. Ở đời, có những dự đoán, mà trái tim bạn chỉ muốn nó sai.
Bảng 1. Hai kiểu nhà nghiên cứu
TT
Một nhà nghiên cứu xã hội phải:
Nhưng một thực tế hiện nay ở Việt Nam là:
1
Tự động tìm kiếm vấn đề nghiên cứu của mình; trong mọi thời điểm luôn có một vài vấn đề nghiên cứu, đề tài dự định nghiên cứu.Có nhà nghiên cứu không có vấn đề nghiên cứu, không hiểu và không biết cách đặt ra một “vấn đề nghiên cứu”; có ai đó yêu cầu mới bắt đầu “suy nghĩ” về “vấn đề nghiên cứu”; hoặc ai đó đưa “nhiệm vụ nghiên cứu” cho thì làm.
2
Tự động tìm kiếm nguồn tài trợ cho các dự định nghiên cứu của mình.Có nhà nghiên cứu không chịu tìm cách viết và gửi các đề cương nghiên cứu để xin tài trợ hoặc đấu thầu.
3
Đọc theo kiểu nghiên cứu các tài liệu.Có nhà nghiên cứu trong một thời gian dài không đọc hoặc rất ít đọc; chỉ chờ ai đó đề nghị xuống thực địa làm “thợ dữ liệu có trả công” thì đi.
4
Có dạy học và đào tạo; có học trò.Có nhà nghiên cứu không đi dạy, không làm đào tạo, không có học trò. Điều này một phần do cơ cấu tách rời nghiên cứu với đào tạo hiện nay, nhưng một phần là do thiếu cơ chế cụ thể và do chậm thay đổi quan niệm, do thiếu tính tích cực của cá nhân nhà nghiên cứu.
5
Có “thực địa” nghiên cứu của mình, dành thời gian thích đáng ở thực địa và am hiểu nó, như nhà khoa học tự nhiên có “phòng thí nghiệm”. Kết hợp lý luận với quan sát và thực nghiệm.Có nhà nghiên cứu không bao giờ “đi thực địa” theo đúng nghĩa của nhà nghiên cứu; chưa từng bao giờ ý thức được về “thực địa” (phòng thí nghiệm) riêng của mình; dành rất ít thời gian ở “thực địa”; chưa từng bao giờ hiểu và có ý thức rõ ràng về bản chất của nghiên cứu là sự kết hợp giữa lý thuyết và thực nghiệm.
6
Viết bài tạp chí khoa học, viết sách khoa học.Có nhà nghiên cứu trong một thời gian dài không có bài nghiên cứu theo đúng nghĩa và gửi đăng tạp chí chuyên môn hoặc in sách.
7
Tham gia và tổ chức các hội thảo, seminar, sinh hoạt khoa học.Có nhà nghiên cứu rất ít tham dự; tham dự không tích cực; chưa từng bao giờ chủ trì, tổ chức các loại hình sinh hoạt khoa học.
8
Tự xác định là thành viên tích cực của tổ chức nghiên cứu mà mình đã nhận lương, đồng thời chủ động mở rộng hợp tác.Có nhà nghiên cứu không thể làm việc được trong một nhóm nghiên cứu; chưa từng bao giờ đặt ra hoặc ý thức được vấn đề “văn hóa tổ chức”; chỉ coi tổ chức mà mình có “biên chế” là nơi trú ngụ, nhận lương cơ bản, có danh nghĩa, còn bản thân quanh năm đi làm các hợp đồng nghiên cứu cho bên ngoài hoặc dùng thời gian mà cơ quan đã trả lương để đi làm việc khác lấy thu nhậ. Lại có nhà nghiên cứu; rất ít chịu đến liên hệ và tham gia hoạt động với các tổ chức khác; hoặc họ hầu như không được ở đâu mời tham dự.
9
Sử dụng được tiếng Anh, biết ngoại ngữ, biết tiếng dân tộc mình nghiên cứu.Có nhà nghiên cứu không chịu học, không sử dụng được ngôn ngữ của cộng đồng khoa học hoặc một trong những thứ tiếng phổ biến trong khoa học; không biết tiếng bản địa.
10
Sống và làm việc một cách chuyên nghiệp, cùng tham dự vào việc tạo ra một môi trường làm việc học thuật.Có nhà nghiên cứu không hiểu và không có ý thức hiểu khái niệm “chuyên nghiệp”, muốn và nói muốn có “môi trường làm việc” nhưng trên thực tế lại là “đồng tác giả” sản sinh ra một môi trường “phi (văn hóa) chuyên nghiệp”.
11
Cân bằng được các yếu tố tiền bạc, ham mê nghiên cứu, trách nhiệm xã hội, tác động của môi trường thể chế và văn hóa, tính tích cực chủ động cá nhân.Có nhà nghiên cứu chỉ làm việc gì khi việc đó được trả công, chọn lựa đề tài bị chi phối bởi yếu tố tiền bạc (nhưng thường là không chịu thừa nhận điều này); coi chỗ làm chỉ là một nơi có thu nhập, nhiều thời gian tự do và có uy tín xã hội; đổ lỗi cho môi trường thể chế và văn hóa.
Nguồn: Bùi Thế Cường. Phiên bản: 27.07.06


[1] Vậy mà hơn bao giờ hết đất nước đang rất cần những chuyên gia tài giỏi về quan hệ quốc tế, có thể phân tích thực sự sắc sảo những động thái chính trị và kinh tế toàn cầu (chẳng hạn vấn đề chủ quyền biển đảo), đưa ra những khuyến nghị xuất chúng cho quốc gia. Về việc này, xin xem thêm những gợi ý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Kỳ họp thứ nhất Hội đồng Lý luận Trung ương ngày 19/10/2011.
[2] Trong một cơ quan nghiên cứu và đào tạo không phải “tầm cỡ quốc gia” dĩ nhiên tỷ lệ cán bộ nghiên cứu không biết tiếng Anh sẽ cao hơn, thậm chí rất cao. Ở nước ngoài cũng có tình trạng như thế. Điều này không sao. Tôi cũng là một người không có khiếu ngoại ngữ, tuy đang làm việc trong một cơ quan khoa học đầu ngành. Vấn đề là trong một quốc gia phải chấp nhận một sự phân tầng, phân cấp độ. Mãi gần đây, mới thấy đề cập đến việc “phân tầng chất lượng đại học” (Bùi Văn Ga trả lời phỏng vấn. “Sẽ phân tầng chất lượng bằng đại học”. Thanh Hà – Vĩnh Hà thực hiện. Báo Tuổi Trẻ ngày 25/10/2011). Điều này đáng lẽ nên làm và bạch hóa lâu rồi.
[3] Xin xem thêm: Bùi Thế Cường. Góp phần tìm hiểu biến đổi xã hội ở Việt Nam hiện nay. Kết quả nghiên cứu của Đề tài KX.02.10 (2001-2005). Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội. Trang 106-126.
[4] “Xã hội học hành động xã hội giúp ta chú ý và nhấn mạnh đến một chiều cạnh khác của hiện thực xã hội đối lập với hệ tri thức mà tôi tạm gọi là hệ tri thức chức năng-cấu trúc-tiến hoá; trong hiện thực xã hội của xã hội học hành động, có một không gian rộng lớn dành cho chủ thể sáng tạo. Điều này rất quan trọng cho những con người đang sống trong những xã hội biến đổi nhanh: nó chỉ cho họ thấy rằng người ta có thể tạo nên tương đối nhanh chóng những cấu trúc xã hội hoàn toàn mới bằng hiểu biết và hành động xã hội. Không phải con người bị giam hãm trong những cấu trúc, thụ động chờ đợi cấu trúc "tự tiến hoá", mà cấu trúc là sản phẩm của hành động con người, hoàn toàn có thể và chỉ có thể "bị" thay đổi duy nhất bởi chính hành động con người. Xã hội Việt Nam đang ở thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá mạnh mẽ. Nếu so sánh với khu vực và thế giới, khó có thể dự đoán rằng, với nhiều cách thức mà ta làm trong 15 năm qua, thì có thể khắc phục được sự tụt hậu của mình hay không. Do đó, việc nhấn mạnh vào chủ thể hành động như trong xã hội học hành động là rất quan trọng đối với người Việt Nam. Bởi vì ta đang cần thoát khỏi sự câu thúc của các "định luật" cấu trúc-tiến hoá, gồm cả sự câu thúc của những tri thức phụ thuộc vào chúng, thay vào đó là chủ động tổ chức nên những cấu trúc-chức năng hiện tại của thời đại, thông qua chủ thuyết nhấn mạnh vào hành động xã hội. Như Mác đã nói: con người là chủ thể sáng tạo nên lịch sử, và như xã hội học hành động hiện đại nói: cấu trúc và thiết chế là do con người tạo ra” (Bùi Thế Cường. Các lý thuyết về hành động xã hội. Tạp chí Khoa học xã hội. Số 6(94)/2006. Trang 57-71). Chỗ in đậm là nhấn mạnh của tác giả bài viết này.
[5] Vì nếu người thủ trưởng có lập trường và khả năng hội nhập khoa học quốc tế thực sự, anh ta/ chị ta sẽ đào tạo những người trong cơ quan mình thành những nhà nghiên cứu định hướng hội nhập, những người có khả năng hội nhập trong cơ quan sẽ được tập hợp và phát huy, những người có định hướng hội nhập nhưng đang ở nơi kém/ dị ứng với hội nhập sẽ tìm về.
[6] Trong cuộc tranh cãi triền miên bất phân thắng bại, một số nhà chủ thể luận chế giễu các nhà cấu trúc-chức năng rằng họ làm như thể các cấu trúc cũng biết “suy nghĩ”, trong khi thực ra rõ ràng là chỉ có con người là có thể suy nghĩ.
[7] Những suy nghĩ trong mục này nảy sinh trong tôi khi phải đối diện với một thực tế là tôi được giao cho quản lý các viên chức trẻ mới được tuyển dụng vào Viện. Suy nghĩ và đối chiếu với thực tế hàng ngày trong các cơ quan nghiên cứu, tôi nhận ra 3 điều then chốt đã nêu. Với điều thứ nhất, cấp cơ sở hầu như không làm gì được để thay đổi mức lương cho họ. Với hai điều sau, những người có trách nhiệm cũng thiếu động lực, quyền lực, các công cụ khen thưởng và chế tài để làm.
[8] Ngay trong Hội thảo mà bài viết này tham luận, một tham dự viên nêu lên hiện tượng các cấp các ngành quản lý có biểu hiện không coi trọng nhà nghiên cứu. Dĩ nhiên hiện nay do nhiều lý do không phải là không thỏa đáng khiến các nhà nghiên cứu không nhận được sự coi trọng từ phía xã hội (giống tình trạng với nhà giáo, nhà báo, nhà văn, bác sĩ hiện nay). Tuy nhiên, toàn bộ lịch sử các cuộc chiến tranh của mọi dân tộc đã chứng minh hùng hồn rằng, một đoàn quân mà các ông tướng không quý trọng sĩ quan và binh sĩ của mình thì làm sao quân đội ấy đánh được giặc? Một viên đại tướng mà không kính trọng sĩ quan và binh lính của mình, viên đại tướng ấy sớm muộn chỉ có chết hoặc bị bắt sống. Vì chính binh lính và sĩ quan mới là người làm nên chiến thắng cho cuộc chiến tranh của viên đại tướng ấy.
[9] Xin xem thêm: Bùi Thế Cường. Góp phần tìm hiểu biến đổi xã hội ở Việt Nam hiện nay. Kết quả nghiên cứu của Đề tài KX.02.10 (2001-2005). Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội. Trang 104-106.
[10] Chi xin lấy hai ví dụ gần đây: Nghị Định 115 của Thủ tướng Chính phủ và Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED). Vấn đề là còn ít có sự đáp ứng của các tổ chức nghiên cứu khoa học xã hội và cá nhân các nhà nghiên cứu xã hội đối với hai bước tiến quan trọng này.
[11] Xin xem đoạn trích dẫn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Kỳ họp thứ nhất Hội đồng Lý luận Trung ương dưới đây.
[12] Về vấn đề thời hạn để giải một đề bài (bất kỳ, từ một bài thi đến một bài toán lịch sử), xin xem đoạn sau đây: “Với mục tiêu năm 2020 về cơ bản Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại, thì còn rất ít thời gian để thế hệ hôm nay hoàn thành hành trình hơn một trăm năm hiện đại hóa đất nước. Nếu nói đến Đổi Mới như là giai đoạn công nghiệp hóa hiện đại hóa thực sự, thì thời gian cũng không còn nhiều: chúng ta đã sử dụng gần 70% trong thời lượng 35 năm mà bài toán phát triển / hiện đại hóa cho phép, trong khi khối lượng công việc còn ngổn ngang. Cần lưu ý rằng trong một thời lượng mà thời đại đã ban tặng (hay đòi hỏi, cho phép?) cho các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương để giải quyết xong “vấn đề công nghiệp hóa hiện đại hóa”, Việt Nam hiện nay đang ở vào thời điểm tương tự xấp xỉ trước sau 1990 của Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, lãnh thổ Hong kong, lãnh thổ Đài Loan, Thái Lan. Vào khoảng thời đoạn ấy, các nước và các lãnh thổ đó đã hoàn thành được những gì trên chuyến lữ hành của họ?” (Bùi Thế Cường. Góp phần tìm hiểu biến đổi xã hội ở Việt Nam hiện nay. Kết quả nghiên cứu của Đề tài KX.02.10 (2001-2005). Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội. Trang 190). Với những tổn thất kinh tế 5 năm qua, triển vọng này lại càng xa vời.
[13] Xin nhấn mạnh đây chỉ là ví dụ minh họa. Khi minh họa người ta thường chọn ví dụ đơn giản để dễ hiểu, từ đó có thể dễ hình dung hơn cho các vấn đề thực trong thực tế, vì các vấn đề thực tế thường là phức tạp, dễ bị che mờ. Tôi không nói ví dụ của tôi là giải pháp mà tôi đề nghị.
[14] Xin giới thiệu với bạn cuốn sách rất lý thú “Chúa Trời có phải là nhà toán học?” của Mario Livio. Người dịch: Phạm Văn Thiều và Phạm Thu Hằng. 2011. TPHCM: Nxb Trẻ. Một thông điệp của cuốn sách này mà tôi lĩnh hội được là: toán học hiện diện trong mọi hiện tượng và quá trình tự nhiên cũng như xã hội; và nếu toán học hóa được chúng, dù chỉ chút ít thôi, ta sẽ nắm bắt được chúng một cách rõ ràng hơn. Tôi là một người kém toán nhưng thấy quả thực như vậy. Và đoạn “toán học hóa” ở cấp độ số học đơn giản trên là “một bài tập toán học hóa hiện thực xã hội” mà tôi tự đặt ra.
[15] Việc tạo ra các chỉ số ngày nay rất phổ biến và dễ dàng. Hãy xem các chỉ số GDP, CPI hay HDI: phương pháp xây dựng những chỉ số này rất đơn giản nhưng hết sức bổ ích. Rất có thể đã có một vài chỉ số đo lường mức độ hội nhập khoa học quốc tế rồi mà tôi chưa được biết. Bạn đọc nào biết xin chỉ dẫn giùm.
[16] Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Kỳ họp thứ nhất Hội đồng Lý luận Trung ương. VOV Online. Ngày 19/10/2011. Chỗ in đậm là nhấn mạnh của tác giả bài viết này.
[17] Đó là những cơ quan nào, bạn và mọi người chắc đều biết rõ.
[18] Chắc bạn cũng biết chứ?



No comments:

Post a Comment