Wednesday, September 17, 2014

ĐH Chicago vinh danh GS Đàm Thanh Sơn

VietnamNet, 10/08/2012,     http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/84074/dh-chicago-vinh-danh-gs-dam-thanh-son.html        Nằm trong kế hoạch đầy tham vọng tuyển dụng những nhà vật lý lý thuyết xuất sắc nhất thế giới, ĐH Chicago đã bổ nhiệm Đàm Thanh Sơn là "Giáo sư Đại học" (thường được xem là cao hơn cả "giáo sư") Vật lý từ ngày 1/9 tới đây.



Các nghiên cứu của Đàm Thanh Sơn đã chứng minh được mối quan hệ giữa những vấn đề vật lý tưởng chừng không có liên quan tới nhau như vật lý hạt nhân và các hố đen.

Ông cũng quan tâm tới các vấn đề khác như vật lý hạt và vật lý vật chất ngưng tụ.
Trước khi chuyển tới ĐH Chicago, Đàm Thanh Sơn làm giáo sư tại ĐH Washington kiêm thành viên cấp cao tại Viện Lý thuyết hạt nhân.
GS Đàm Thanh Sơn

"University Professor" (Giáo sư Đại học) là đại diện cho khát khao học thuật cao nhất của Đại học Chicago. Họ được chọn từ các tổ chức bên ngoài nhờ tài năng xuất sắc được quốc tế công nhận và nhờ tầm ảnh hưởng rộng lớn của mình.

Đàm Thanh Sơn là người thứ 19 được nhận chức danh giáo sư đại học và là giảng viên thứ 7 nhận được danh hiệu này.

"Professor" thường được dịch là "Giáo sư". Đây là một học hàm cao nhất trong đại học. Tuy nhiên, cũng có trường đại học ở Mĩ phong học hàm "University Professor" - thường được xem là cao hơn cả "Professor"- cho các giáo sư có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc và có đóng góp lớn cho trường.
“Chúng tôi tự hào khi thông báo rằng giáo sư Sơn sẽ gia nhập đội ngũ giảng viên của ĐH Chicago với tư cách Giáo sư Đại học, trong đó có sự bổ nhiệm ở khoa Vật lý cũng như ở hai viện nghiên cứu liên ngành hoạt động rất tích cực của chúng tôi, đó là Viện Enrico Fermi và Viện James Frack” – ông Robert Fefferman, trưởng khoa Khoa học Vật lý, ĐH Chicago phát biểu.

Ngoài việc bổ nhiệm ông Sơn, ĐH Chicago cũng sẽ khai trương Trung tâm Điều tra Vật lý.

Trung tâm này được thành lập để trở thành tâm điểm của các hoạt động Vật lý lý thuyết, nhằm hỗ trợ đáng kể cho các nghiên cứu sinh, sinh viên và các khách tham quan.

Hiệu trưởng Thomas F. Rosenbaum cho biết trung tâm này sẽ có vai trò kéo các giảng viên lại gần nhau dưới một tổ chức bảo trợ chung, xây dựng truyền thống phong phú về khoa học liên ngành được đại diện bởi các Viện James Franck và Enrico Fermi.

Ông Sơn cho biết hình thức hợp tác này là một trong những lý do mình chọn ĐH Chicago.

“Hành trình nổi tiếng của Chandrasekhar từ Ấn Độ sang châu Âu đã truyền cảm hứng cho tôi khi tôi còn là một đứa trẻ ở Việt Nam, và những bài giảng của Fermi đã ảnh hưởng sâu sắc tới tôi khi còn đang là sinh viên ở Moscow. Tôi đã có 10 năm làm việc vô cùng thú vị tại Viện Lý thuyết hạt nhân của ĐH Washington. Và bây giờ, tôi đã sẵn sàng cho những thách thức mới” - GS Sơn nói.

“Ông Sơn là một trong số ít nhà vật lý lý thuyết hàng đầu ở thế hệ của ông và là một trong số ít những tinh hoa của loài người” - ông Emil Martinec, giáo sư Vật lý kiêm giám đốc Viện Enrico Fermi nhận định.

Trước đó, vào năm 2010, GS Ngô Bảo Châu cũng đã chuyển tới ĐH Chicago làm việc.
Khả năng làm việc ở nhiều lĩnh vực

Đàm Thanh Sơn nổi tiếng trên tầm thế giới nhờ áp dụng những khái niệm của lý thuyết dây vào vấn đề hạt nhân ở nhiệt độ và mật độ cao – những điều kiện được tạo ra ở Phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven.

“Ông Sơn đã mượn những khái niệm được phát triển ở lý thuyết dây để cố gắng giải thích về lỗ đen bằng Vật lý, và ông nhận ra rằng những khái niệm này có thể sử dụng để giải thích một số hiện tượng đã được nhìn thấy trong máy gia tốc Brookhaven. Điều đó đã mang lại một số tiến bộ quan trọng trong những lĩnh vực này” – ông Martinec nói.

Paul Wiegmann – giám đốc Viện James Franck thì cho rằng Đàm Thanh Sơn có một khả năng hiếm có trong việc khám phá Vật lý như một lĩnh vực khái quát.

“Chuyên môn của các nhà vật lý phụ thuộc vào những gì họ được đào tạo. Một số người được đào tạo để trở thành nhà vật lý vật chất ngưng tụ, một số khác được đào tạo thành nhà vật lý năng lượng cao, nhưng những nhà vật lý xuất sắc có thể nhìn thấy điểm chung giữa các lĩnh vực khác nhau đó”.

“Những nhà khoa học đó có thể chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, thậm chí có thể làm việc cùng lúc ở các nhóm nghiên cứu khác nhau, giải quyết những vấn đề khác nhau bằng những phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, không nhiều người thực sự có khả năng làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đàm Thanh Sơn là một trong số đó”.

Tầm ảnh hưởng của ông Sơn ở các vấn đề vật lý và mối liên hệ giữa chúng là hiếm thấy – ông Edward Blucher, giáo sư kiêm trưởng khoa Vật lý nhận xét.

Đàm Thanh Sơn nhận bằng Thạc sĩ Vật lý tại ĐH Moscow vào năm 1991, nhận bằng Tiến sĩ Vật lý tại Viện Nghiên cứu hạt nhân của Moscow vào năm 1995. Sau đó, làm việc tại ĐH Washington và Học viện Công nghệ Massachusetts.

Ông Sơn trở thành nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven vào năm 1999 – cũng là năm ông trở thành giảng viên ĐH Columbia – nơi mà ông đã làm việc cho tới năm 2002.

Là thành viên của cơ quan Nghiên cứu Alfred P. Sloan và Hội Vật lý Mỹ, Đàm Thanh Sơn cũng từng nhận giải thưởng cho Nghiên cứu viên trẻ xuất sắc (Outstanding Junior Investigator Award) của Cơ quan Năng lượng Mỹ.

Đàm Thanh Sơn là Giáo sư Đại học thứ hai được bổ nhiệm trong năm nay, và là người thứ tư trong vòng 2 năm qua.
Kenneth Pomeranz - Giáo sư Đại học môn Lịch sử được bổ nhiệm ngày 1/7 năm nay. Haun Saussy, Giáo sư Đại học môn Văn học so sánh và Augusta Read Thomas, Giáo sư Đại học chuyên về bài luận đã gia nhập đội ngũ giảng viên năm 2011.

  • Nguyễn Thảo (Theo Chicagonews)

No comments:

Post a Comment