Thursday, September 18, 2014

Gã khổng lồ bị điếc

Thesaigontimes ngày 21/5/2014,      http://www.thesaigontimes.vn/114841/Ga-khong-lo-bi-diec.html,         Trong đợt ghé thăm Việt Nam và giao lưu với độc giả báo Tuổi Trẻ ngày 8-5-2014, Thomas Friedman đã trả lời một câu hỏi về kết luận của ông cho cuốn sách Từng là bá chủ (That used to be us)trong đó ông cho rằng sức mạnh của Mỹ đang suy thoái và bị cạnh tranh bởi các quốc gia như Trung Quốc. Ông đã giải thích rằng mục đích chính của cuốn sách là về nước Mỹ với những cảnh báo và đóng góp cho đất nước của ông chứ không phải là vì quốc gia khác.


Nhìn xa hơn nữa, những cuốn sách và những bài báo đã gây tiếng vang ở nước Mỹ về chủ đề này cũng đưa ra những cảnh báo tương tự với những lập luận dựa trên các bài học lịch sử, phân tích tình hình hiện tại và cả những chỉ trích đối với chính sách của giới cầm quyền và tài phiệt. Từ Paul Kennedy với Sự trỗi dậy và tan rã của các đế chế, Fareed Zakaria với Thế giới thời hậu nước Mỹ, cho tới Robert Kagan với những cuốn sách thảo luận về vị thế của nước Mỹ cuối thế kỷ 20, đều đưa ra những cảnh báo về sự suy vong của một nước Mỹ như một cường quốc trong thế giới hiện đại.
Dù có những chỉ trích nhưng cuối cùng đó là những tranh luận mang tính xây dựng cho quốc gia của họ ngay khi nó vẫn còn đang ở trên đỉnh cao quyền lực. Cho dù hiện nay, vị thế của nước Mỹ có đi xuống thì những cuốn sách trên rất có thể đã góp phần nâng cao sự chuẩn bị để làm giảm đi những thiệt hại do sự đi xuống này mang đến. Điều tệ hại nhất đối với các đế chế vĩ đại đã tan rã trong lịch sử, từ La Mã, Maya đến Mông Cổ, là họ không nhìn nhận rõ ràng được điểm yếu của mình khi đang thời kỳ cực thịnh.
Trung Quốc hiện nay chưa phải là một cường quốc như các đế chế khác trong quá khứ nhưng họ lại có một ảo tưởng về sức mạnh của mình. Có lẽ một trong những yếu tố làm cho sự ảo tưởng này lấn át những bài học lịch sử là sự thiếu vắng những tiếng nói có trọng lượng từ những nghiên cứu độc lập mang tính phản biện khách quan, có sự tôn trọng lịch sử và cả những chỉ trích mang tính xây dựng về những chính sách quốc tế của giới cầm quyền. Những tiếng nói như vậy chỉ có thể xuất hiện và được tôn trọng khi có một xã hội công dân rộng mở khuyến khích sự tham gia đóng góp và phản biện có tính xây dựng đối với các chính sách kinh tế, xã hội, đối ngoại và cả quân sự. Một gã khổng lồ dù cho có đầy đủ mắt mũi tay chân mà không có tai nghe thì sức mạnh cũng suy giảm đáng kể.
Thomas Friedman đến rồi đi mang theo những câu chuyện về nơi ông vừa đến thăm. Có thể ông sẽ viết tiếp những bài báo và những cuốn sách về những điều ông đã nghe và nhìn thấy ở Việt Nam và ở các nước khác mà mục đích cuối cùng không phải là vì những quốc gia đó mà vì quốc gia của ông như ông đã từng làm. Và những bài viết đó chắc sẽ được đón nhận như những bài viết trước đây bằng những ý kiến khác nhau cho dù ông vẫn tiếp tục nêu ra những điểm yếu hay chỉ trích một chính sách nào đó của nước Mỹ.
Huế Dương

No comments:

Post a Comment