hi chép nhỏ về Đền Chùa ở xã Sơn Tân
TS Nguyễn Bách Phúc
Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý HASCON
Viện trưởng Viện Điện – Điện tử - Tin học EEI
Đầu tháng 6/2016, chúng tôi, Nguyễn Bách Phúc 72 tuổi người dân xóm Trại, xã Sơn Tân, và ông Nguyễn Hữu Bính 76 tuổi, anh rể của tôi, đã về thăm quê hương Sơn Tân. Nhân chuyến thăm quê này, chúng tôi được PGS Tiến sĩ Trần Xuân Sinh, quê ở xóm Cống, xã Sơn Tân, giới thiệu đến Văn phòng UBND xã, để xem chuông của chùa Phan, đang được bảo quản tại đây. Từ câu chuyện đầu tiên này, chúng tôi được dẫn dắt đến mấy câu chuyện về Đền Chùa và lịch sử của xã Sơn Tân.
1. Chuông Chùa Cửu Phẩm
Ngày 6/6/2016, chúng tôi gặp Bí thư Đảng ủy xã Sơn Tân Nguyễn Văn Cầm và Chủ tịch xã Trần Kim Chi, đề nghị cho xem Chuông Chùa Phan. Chúng tôi liền được tiếp cận một cái Chuông, đang nằm ngay trong phòng làm việc của Bí thư xã.
Chuông bằng đồng, cao khoảng 80 cm, đường kính khoảng 50 cm, cũ kĩ, han rỉ, nhiều vết trầy xước, nhiều chữ nho đã bị biến dạng không đọc được.
Phần trên của Chuông có bốn chữ nho lớn, còn nguyên vẹn, là “Cửu Phẩm Tự Chung” 九品寺鐘, nghĩa là “Chuông của Chùa Cửu Phẩm”.
Phía dưới, một mặt của Chuông, có hàng chữ tương đối lớn “Minh Mệnh bát niên ngũ nguyệt thập ngũ nhật chú tạo Hồng chung hoàn thành” 明命捌年五月拾五日鑄造洪鐘完成, nghĩa là “Năm Minh Mệnh thứ 8 (theo dương lịch là năm 1828) tháng 5 ngày 15 hoàn thành đúc tạo Chuông Chùa”. Cũng ở phía dưới, mặt đối diện, khắc một bài gồm một trăm chữ nho.
Bài chữ nho này có hơn một nửa số chữ đã bị biến dạng, hoặc mất hẳn, không thể đọc được. Nhưng may mắn phần đầu của bài này chữ còn khá rõ ràng, chúng tôi đọc được như sau: “Nghệ An trấn, Đức Thọ phủ, Hương Sơn huyện, Đỗ Xá tổng, Đỗ Xá xã, Địa Vì thôn, Trụ trì Cửu Phẩm tự (6 chữ không đọc được), hưng công tập phúc chú tạo Hồng chung” 义安鎮德壽府香山縣杜舍縂杜舍社地位村住持九品寺。。。。。。興功集福鑄造洪鐘, nghĩa là: “Trấn Nghệ An, phủ Đức Thọ, huyện Hương Sơn, tổng Đỗ Xá, xã Đỗ Xá, thôn Địa Vì, Trụ trì chùa Cửu Phẩm (tên và danh vị của người Trụ trì, gồm 6 chữ, nhưng đã biến dạng không đọc được), đã tổ chức công việc và kêu gọi mọi người đóng góp vào việc đúc chuông chùa này”. Còn lại 63 chữ, liệt kê những người đã đóng góp cho việc đúc chuông. 63 chữ này đã biến dạng nhiều, chưa thể đọc ngay được, phải chờ có thời gian dày công tra cứu.
Lưu ý 1: bài văn bia này có rất nhiều lỗi về ngữ pháp và chính tả. Ví dụ: “chú tạo Hồng chung hoàn thành” “鑄造洪鐘完成” là viết theo ngữ pháp tiếng Việt, còn viết đúng theo ngữ pháp tiếng Hán phải là “Hồng chung chú tạo hoàn thành” “洪鐘鑄造完成”, và tương tự “Trụ trì Cửu Phẩm tự” “住持九品寺” theo đúng tiếng Hán phải viết là “Cửu Phẩm tự Trụ trì” “九品寺住持”. Về chính tả, chữ “Trấn” trong từ “Nghệ An Trấn” đã viết sai hoàn toàn.
Lưu ý 2: “Đậu Xá” và “Đỗ Xá”
Từ “Đỗ Xá” “杜舍” trong Tổng Đỗ Xá và xã Đỗ Xá, chúng tôi phiên âm theo đúng âm Hán Việt. Trong tất cả sách lịch sử viết bằng chữ Hán mà chúng tôi đã đọc, đều viết như vậy.
Nhưng từ nhỏ chúng tôi luôn luôn được nghe người lớn ở quê nhà nói Tổng “Đậu Xá”, xã “Đậu Xá”, chứ chưa bao giờ nghe nói Tổng “Đỗ Xá”, xã “Đỗ Xá”. Thực ra trong chữ Hán có khoảng 20 chữ “Đậu”, như “荳” là cây Đậu, “瀆” là Ngòi, Lạch, “鋀” là đồ đựng rượu, v.v… nhưng sách sử không dùng những chữ này cho từ “Đậu Xá”.
Thực tình chúng tôi chưa thể lý giải được chuyện này. Phải chăng từ “Đỗ” trong tiếng Việt luôn luôn đồng nghĩa với từ “Đậu”, cho nên mọi người đã mặc nhiên biến từ “Đỗ Xá” thành từ “Đậu Xá”?.
Lưu ý 3: Năm đúc chuông 1828 chưa có tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh được vua Minh Mạng thành lập vào năm 1831 bằng cách chia Trấn Nghệ An thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
2. Chùa Cửu Phẩm
Nguyên chúng tôi được PGS Tiến sĩ Trần Xuân Sinh giới thiệu về xem chuông của chùa Phan, nhưng nay lại thấy chuông của chùa Cửu Phẩm.
Chúng tôi từ bé đến nay chưa biết đến tên “Chùa Cửu Phẩm”, bèn trao đổi với Bí thư xã. May mắn Đồng chí Bí thư nhớ ra, hồi nhỏ có nghe nói, rằng tại Thôn Tân Thủy (xưa là Làng Địa Vì) có Chùa Cửu Phẩm, còn Chùa Phan nằm trên núi Thiên Nhận, bên kia sông Phố, thuộc địa phận xã Đậu Xá, thôn Tân Hồ ngày nay. Chùa Cửu Phẩm nằm bên làng, tại Làng Địa Vì, cách xa chùa Phan về phía hạ lưu sông Phố chừng 8, 9 trăm mét. Như vậy có thể khẳng định chuông chùa Cửu Phẩm này không phải là chuông của chùa Phan.
Bí thư Cầm đã kể lại những thông tin về chùa Cửu Phẩm mà Bí thư còn nhớ được, sau đó đã gọi điện thoại hỏi cụ Chung, trên 80 tuổi, ở thôn Tân Thủy, (số điện thoại: 0987328943) tìm hiểu thêm về chùa Cửu Phẩm và đã kể lại cho chúng tôi những thông tin này. Ngày hôm sau chúng tôi đã gặp cụ Nguyễn Trương Toại, 84 tuổi ở xóm Săng để tìm hiểu thêm. Tổng hợp 3 nguồn thông tin này, có thể tóm tắt về chùa Cửu Phẩm như sau:
Trước năm 1947, tức là trước khi có chính sách “Hợp Tự”, chùa Cửu Phẩm nằm trên “Cồn Trùa”, một vùng đất cao nên được gọi là Cồn, rộng khoảng vài mẫu Trung bộ (khoảng 10.000 m2), tiếp giáp Đê Tân Long hiện nay, phía trên giao điểm với đường Quốc lộ 8 cũ chừng vài trăm mét, phía ngoài đê. Sau năm “Hợp Tự” chùa bị phá dần, Cồn Trùa được dần dần san bằng, hiện nay đang trồng màu.
Nghe kể rằng chùa Cửu Phẩm có Cụ Xáng là Sãi chùa, năm đói 1945 Cụ bị kẻ cướp vào chùa giết, mộ hiện còn trên núi, không con cháu. Lưu ý: “Sãi chùa” là người phục vụ, quét dọn, coi sóc vật dụng trong chùa, khác với “Trụ trì chùa” là vị sư làm chủ ngôi chùa.
Đội thủy lợi sau năm 1980, tình cờ đào được một phiến đá xanh trong khu vực Cồn Trùa, có chữ nho, bây giờ không biết phiến đá ở đâu. Sau đó, họ đến một điểm trong khu vực chùa, đào sâu khoảng 2m, thì thấy một cái lỗ, hình giống như cái vò, trong lỗ không còn gì cả, mọi người đoán rằng trước đây kẻ trộm đã đào và trộm vò đi, lại còn lời đồn đại rằng trong vò có nhiều vàng.
Chuông chùa Cửu Phẩm sau khi chùa bị phá, đã từng được treo ở Làng Địa Vì làm kẻng báo động hồi chiến tranh và kẻng của Hợp tác xã. Khoảng năm 1980, chuông được đưa lên bảo quản ở trụ sở Ủy ban xã, thời ông Toán làm Chủ tịch xã.
3. Chuông nhỏ của Đền Trúc?
Chiều 6/6/2016, Bí thư xã và Chủ tịch xã đề nghị chúng tôi xem một chuông nhỏ bằng đồng, cũng đang được bảo quản tại UBND xã.
Chuông này cao chừng 30 cm, đường kính khoảng 15 cm.
Một mặt của chuông có dòng chữ: “Mậu Thân niên chú tạo” 茂申年鑄造
Một mặt của chuông có dòng chữ: “Phạm Văn Hành phụng cung” 范文衡奉供
Một mặt của chuông có chữ “Đông” 東
Một mặt của chuông có chữ “Giáp” 甲
“Mậu Thân niên chú tạo” nghĩa là chuông được đúc vào năm Mậu Thân. Với câu này, người ta không thể xác định là năm nào theo dương lịch, bởi vì không ghi rõ năm Mậu Thân của đời Vua nào. Chỉ có thể biết năm Mậu Thân với niên đại gần đây là các năm: 1908, 1848, 1788. Chúng tôi phỏng đoán rằng có lẽ là năm 1848 hoặc 1908.
“Phạm Văn Hành phụng cung” nghĩa là “Ông Phạm Văn Hành cung kính dâng lên”. Rất tiếc không nói dâng cho ai, cho Đền Chùa nào.
“Đông” và “Giáp”, mỗi chữ đều có ý nghĩa riêng. Nhưng khi đứng đối diện 2 bên mặt chuông, thì không thể hiểu được chúng có mối liên hệ như thế nào với nhau, và mang ý nghĩa gì. May thay, ông Phó Chủ tịch xã Võ Tiến Quân nhớ ra trước đây ở xã Đậu Xá gần làng Địa Vì có làng Đông Giáp. Đền Trúc chính là nằm ở làng Đông Giáp.
Từ thông tin này, chúng tôi phỏng đoán rằng chuông nhỏ này được ông Hành (ở làng Đông Giáp) dâng cho Đền Trúc (cũng ở làng Đông Giáp)?
Bí thư Cầm cũng cho biết chuông này được lấy từ Đền Trúc về bảo quản ở văn phòng Ủy Ban UBND xã.
4. Hai cặp câu đối ở Đền Trúc
Chiều 6/6/2016, Chủ tịch xã Trần Xuân Chi và Phó Chủ tịch xã Võ Tiến Quân đưa chúng tôi đến Đền Trúc xem 2 cặp câu đối còn lại ở Đền Thượng.
1. Cặp câu đối viết trên cột chính nhìn ra sông Phố:
“Trúc từ chỉnh khí tôn thiên trụ
Liên xã cao môn trấn khôn duy”
“竹祠整气尊天柱
蓮社皋門鎮坤维”
“Trúc từ chỉnh khí tôn thiên trụ”, nghĩa là “Khí chất nguyên vẹn của Đền Trúc giữ tôn nghiêm cho Cột trụ đỡ Trời”
“Liên xã cao môn trấn khôn duy”, nghĩa là “Vùng đất cao của Làng Sen trấn giữ Trung tâm mặt Đất”.
Xin lưu ý:
- “Chỉnh khí” chứ không phải là “Chính khí”. “Khí” có nghĩa là khí chất, năng lực, sức mạnh tinh thần. “Chỉnh” nghĩa là nguyên vẹn, đầy đủ hoàn chỉnh theo đúng bản chất vốn có. Còn “Chính” có nghĩa là đúng đắn, phù hợp với một hệ thống quan niệm, ý thức nào đó.
- “Thiên trụ”: ngày xưa người ta quan niệm Trời yên ổn ở trên cao là nhờ có các cây cột chống đỡ, những cây cột này chính là “Thiên trụ”.
- “Khôn duy”: Là một từ được dùng trong văn học cổ Trung Quốc, ít người biết đến, kể cả người Trung Quốc ngày nay. Chữ “Khôn” nằm trong chữ “Càn Khôn”, với ý nghĩa “Càn” là Trời, “Khôn” là Đất. “Khôn duy” trong văn học cổ Trung Quốc mang ý nghĩa là “Trung tâm”, là “rốn” của Đất, có thể hiểu là “Trung tâm của Trái Đất”.
- “Cao môn” cũng là một từ được dùng trong văn học cổ Trung Quốc, ít người biết đến, kể cả người Trung Quốc ngày nay. “Cao môn” trong văn học cổ Trung Quốc có 2 nghĩa, ý nghĩa ban đầu là “Cửa đầu tiên của năm cửa đi dần tới cung điện của nhà Vua”, dần dần về sau được dùng với ý nghĩa là “Vùng đất cao bên bờ sông”.
Lưu ý rằng, chữ “cao” “皋” trong “Cao môn” “皋門” hoàn toàn khác với chữ “cao” “高”, nghĩa là “cao” đối nghĩa với “thấp”.
2. Cặp câu đối viết trên cột chính, nhìn vào nhau, dọc theo hiên của Đền Thượng:
“Vạn cổ tiết trinh huyền nhật nguyệt”
“Thiên thu miếu mạo tráng sơn hà”
萬古節貞懸日月
千秋廟貌壮山河
“Vạn cổ tiết trinh huyền nhật nguyệt” nghĩa là: “Khí tiết và lòng trung trinh được treo mãi trên mặt trăng mặt trời đến muôn vạn đời”.
Xin lưu ý: Ở đây từ “tiết trinh” gây băn khoăn cho nhiều người. Trong tiếng Việt hiện nay, từ “tiết trinh” và từ “trinh tiết” được mọi người hiểu cùng một ý nghĩa, là sự trong trắng của các cô gái chưa chồng. Từ đó, không hiểu tại sao Đền Trúc, nơi thờ 2 vị tướng của Lê Lợi, hy sinh trong cuộc chiến với quân Minh tại địa phương này, lại có chữ “tiết trinh”.
Thực ra, trong chữ Hán (chữ Nho) từ “tiết trinh” và từ “trinh tiết” mang 2 nghĩa hoàn toàn khác nhau. Trong từ “trinh tiết”, chữ “trinh” mô tả sự trong trắng của các cô gái chưa chồng, chữ “tiết” mô tả việc người phụ nữ góa chồng không đi thêm bước nữa. Ý nghĩa từ “trinh tiết” của người Trung Quốc khác với ý nghĩa của người Việt Nam.
Còn ở câu đối chữ Hán này, có từ “tiết trinh”, chứ không phải “Trinh tiết”. Trong chữ Hán, “Tiết” là “khí tiết”, tiết tháo, còn “Trinh” nghĩa là lòng trung trinh, gan góc, chung thủy. Từ này hoàn toàn chính xác để ngợi ca tôn vinh hai vị tướng đã hy sinh anh dũng.
Cũng vì 2 chữ “tiết trinh” có người đã đoán rằng Đền Trúc còn thờ một người phụ nữ là Công chúa Liễu Hạnh. Điều này hoàn toàn không đúng
“Thiên thu miếu mạo tráng sơn hà” nghĩa là: “Đền miếu này vẫn hoành tráng mãi với non sông đất nước đến ngàn vạn năm sau”.
3. Có thể có nhận xét rằng: Tác giả hai cặp câu đối này là những nhà Hán học uyên bác, ngôn từ sắc sảo chính xác, ngắn gọn nhưng ý nghĩa sâu xa, và nhất là sử dụng những điển tích trong Văn học Hán cổ. Có thể đoán rằng Tác giả là bậc Đại khoa (Tiến sĩ).
4. Đền Tiên Giác
Sáng ngày 8/6/2016, Cụ Nguyễn Trương Toại, 84 tuổi, ở xóm Săng, kể cho chúng tôi nghe về Đền Tiên Giác.
Đền Tiên Giác nằm ở chân núi Thiên Nhận, gần ngang với Chùa Cửu Phẩm, thuộc địa phận Làng Địa Vì, Xã Đậu Xá.
Đền này thờ vị Thần nào, Cụ Toại cũng không nhớ nữa, nghe nói là rất linh thiêng, nhân dân địa phương thường xuyên cúng bái. Cụ Toại còn nhớ, vào mùa lũ nước sông dâng cao chảy xiết, dân Đậu Xá không sang được bên kia núi để phụng thờ, nên lập Đàn ở ngay bờ sông bên này, để dâng hương hoa bái vọng.
Phía dưới Chùa, từ ngã ba Tam Sa trở xuống theo dòng sông La là địa phận Làng Vĩnh Khánh, xã Trường Sơn ngày nay của huyện Đức Thọ.
Sau năm “Hợp Tự”, Đền bị bỏ hoang, dần dần bị tàn phá, nay không còn dấu vết. Dân Đậu Xá cũng không còn đến Đền nữa. Trong bối cảnh đó, nhân dân làng Vĩnh Khánh dần dần lấn chiếm, khai thác vùng đất bên kia núi của xã Đậu Xá. Đã xảy ra những cuộc tranh chấp lớn giữa dân Đậu Xá (nay là Xã Sơn Tân) với dân Vĩnh Khánh (nay là xã Trường Sơn). Có nhiều lần tranh chấp phải nhờ đến chính quyền của hai huyện Hương Sơn và Đức Thọ can thiệp, giải quyết.
Về chuyện tranh chấp này, theo Cụ Toại, thì Cụ Võ Khắc Toán, nguyên Chủ tịch xã Sơn Tân là người biết rất rõ và rất chi tiết.
Cho tới nay vùng đất xưa có Đền Tiên Giác hầu như đã trở thành địa phận của Vĩnh Khánh.
Cụ Toại còn nhớ một câu chuyện: Khi cuộc khởi nghĩa của cụ Phan Đình Phùng thất bại, Nghĩa quân tự tìm cách lẩn trốn, tránh sự bắt bớ giết chóc của quân Pháp, trong đó có bốn vị tên là Tân, Hoài, Trang, Hét trốn vào Đền Tiên Giác. Sau một thời gian ngắn hai vị tiếp tục trốn ở Đền Tiên Giác, còn hai vị trốn xuống vùng Đức Thọ. Về sau quân Pháp lùng sục Đền Tiên Giác, bắn chết 1 vị, bắt 1 vị. Còn hai vị trốn xuống Đức Thọ sau này cũng bị quân Pháp bắt.
5. Huyện lỵ của Hương Sơn 800 năm ở xã Sơn Tân
Nhà Thánh huyện của huyện Hương Sơn:
Ngày xưa thời phong kiến, cả nước, mỗi tỉnh, mỗi huyện, mỗi xã phải có một Nhà Thánh để thờ Khổng tử. Nhà Thánh của huyện Hương Sơn đương nhiên nằm ở huyện lỵ. Những người lớn tuổi còn nhớ trước cải cách ruộng đất, ở xóm Huyện xã Sơn Tân vẫn còn di tích rất bề thế của nhà Thánh huyện. Điều này cũng chứng minh rằng xã Sơn Tân từng là huyện lỵ của huyện Hương Sơn.
Có thể đoán chắc chắn trung tâm của huyện lỵ là xóm Huyện ngày nay vì nó vẫn giữ tên “xóm Huyện” và có Nhà thánh huyện ở đó.
Huyện lỵ Hương Sơn đã rời Sơn Tân từ lâu, đến nỗi ngày nay rất ít người biết Sơn Tân nguyên là huyện lỵ.
Có một điều lạ là chúng tôi nghe nói cho đến tận trước Cách mạng tháng tám năm 1945 chính quyền phong kiến Hương Sơn vẫn thờ Khổng Tử ở Nhà thánh huyện ở xã Sơn Tân.
Mặt khác sử sách cũng không hề nói huyện Hương Sơn có nhà Thánh huyện nào khác.
Huyện lỵ Hương Sơn rời xã Sơn Tân từ năm nào?
Theo Đại Nam nhất thống chí, trước năm Gia Long thứ hai (1803), huyện lỵ Hương Sơn ở xã Đỗ Xá, tức là Sơn Tân ngày nay, năm 1803 chuyển đến tổng Dị Ốc, nhưng không nói ở xã nào.
Lý do chuyển huyện lỵ, sử sách không ghi chép, nên không thể nào biết được.
Tổng Dị Ốc, vào đầu triều Nguyễn có 4 xã: Dị Ốc, Trại Đầu, Tiên Bì, Liệt Đồn.
Tra cứu lịch sử sẽ thấy xã Trại Đầu nay là xã Ân Phú, xã Tiên Bì nay là xã Sơn Thủy, còn hai xã Dị Ốc và Liệt Đồn nay là xã nào chúng tôi chưa tìm ra.
Chúng tôi phỏng đoán huyện lỵ Hương Sơn chuyển đến xã Ân Phú ngày nay, bởi xã này có rất nhiều đền đài miếu mạo: 14 ngôi Đền, Điện thờ, thờ Thần.
Năm 1915, thời Vua Duy Tân, cắt xã Ân Phú sang huyện Đức Thọ, chúng tôi đoán rằng có lẽ từ đó huyện lỵ Hương Sơn chuyển về Phố Châu.
Huyện lỵ Hương Sơn dặt ở xã Sơn Tân từ năm nào?
Dưới thời Bắc thuộc hơn 1000 năm, có lẽ vùng đất Hương Sơn ngày nay chưa dược đặt thành một Đơn vị hành chính riêng.
Đến thời nhà Lý, thành lập Hương Đỗ Gia, thuộc châu Nghệ An, chưa gọi là Huyện.
Thời nhà Trần và thời thuộc nhà Minh, là hai vùng Cổ Đỗ (vùng đất chủ yếu thuộc Hương Sơn ngày nay) và Thổ Hoàng (các vùng đất thuộc hai huyện Hương Khê và Vũ Quang ngày nay).
Thời nhà Hậu Lê ban đầu là huyện Đỗ Gia, từ năm 1490, đời vua Lê Thánh Tông, đổi tên là huyện Hương Sơn, thuộc phủ Đức Quang, xứ Nghệ An (sau đó là trấn Nghệ An).
Từ năm 1831 thành lập tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Sơn thuộc phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Năm Tự Đức thứ 21 (1868), vùng đất Thổ Hoàng trước đây tách ra khỏi Hương Sơn, lập ra huyện Hương Khê.
Năm 1919, bỏ cấp Phủ, huyện Hương Sơn thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Như vậy có thể nói rằng huyện Hương Sơn thành lập từ đầu Nhà Lý, năm 1009, huyện lỵ có từ năm đó, ở xã Sơn Tân.
Đến năm 1803 huyện lỵ rời xã Sơn Tân, tính ra, đất Sơn Tân có gần 800 năm làm huyện lỵ Hương Sơn!
6. Một đôi điều lưu ý
1. Tên gọi các nơi thờ phụng:
1. “Chùa”: Là nơi thờ Phật của các nhà sư và của những người theo đạo Phật, chữ Hán là “Tự” “寺”
2. “Đền”: Là nơi thờ Thần, thờ Thánh. Có nhiều loại Thần, Thánh, hoặc theo tưởng tượng của mọi người, như Thần Núi, Thần Sông, Thần Sấm, Thần Sét, hoặc những người có công tích rất lớn được Vua Chúa phong tặng danh hiệu “Thần”, “Thánh”. “Đền” chữ Hán dùng từ “Miếu” “廟”.
3. “Nhà Thánh”: Là nơi thờ Khổng Tử. Trong chế độ phong kiến ở Việt Nam và Trung Quốc, từ Trung ương, tỉnh, huyện, đến tận xã đều phải có nhà thờ Khổng Tử. Nhà thờ Khổng Tử thường mang các tên: “Văn Miếu”, “Khổng Miếu”, “Nhà Thánh”, như Văn Miếu Hà Nội, Văn Miếu Huế, “Nhà Thánh huyện” của huyện Hương Sơn nằm ở xóm Huyện xã Sơn Tân, Nhà Thánh xã Xa Lang ở đầu xóm Trại xã Sơn Tân ngày nay.
4. “Nhà thờ”: Trong tiếng Việt “nhà thờ” là nơi thờ phụng nói chung, như Nhà thờ Tổ Tiên, Nhà thờ Họ, Nhà thờ Thiên Chúa giáo, nhà thờ Thần Thánh, nhà thờ Phật…Chữ Hán tương đương là “Từ” “祠”.
5. “Am”: Là cái Miếu rất nhỏ, là nơi thờ các vị Thần nhỏ, được dân chúng trong làng trong xóm phong Thần. “Am” chữ Hán là “庵”.
6. “Miếu mạo” 廟貌: Là một từ ghép của chữ Hán, trong đó “Miếu” nghĩa là “Đền”, còn “Mạo” nghĩa là “các dạng tương tự”, “Miếu mạo” nghĩa là những nơi thờ phụng dạng Đền.
2. “Hợp tự”:
Sau cách mạng tháng 8/1945, Bác Hồ kêu gọi toàn Dân chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, và chống mê tín dị đoan. “Hợp tự” là một công việc của chiến dịch chống mê tín dị đoan với ý nghĩa: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không cấm việc thờ cúng của người Dân, nhưng để giảm bớt việc thờ cúng thì tất cả các Đền Chùa phải “Hợp tự”, nghĩa là gom vào một nơi để cùng thờ cúng. Tất cả các Đền Chùa trong huyện Hương Sơn được “Hợp tự” về Đền Trúc, cụ thể là các đồ cúng tế từ các Đền chùa trong huyện được tháo dỡ, vận chuyển đến và tập kết vào Đền Trúc. Lễ Hợp tự của mỗi Đền Chùa được tổ chức rất hoành tráng.
Tôi còn nhớ, ngày hợp tự những đoàn thuyền dài, cờ bay phất phới, trống đánh vang lừng trên sông Phố, tôi cùng với đám trẻ con (lúc ấy tôi 3, 4 tuổi) đứng trên bờ sông chỗ xóm Trại, thích thú reo hò… Còn nhớ, bỗng nhiên thấy một tượng gỗ từ trong một con thuyền “bủm” xuống nước, đoàn thuyền theo vớt mãi mới được.
Sau Hợp tự, cả huyện chỉ còn một nơi thờ phụng là Đền Trúc, còn lại tất cả các Đền Chùa trống vắng, và được sử dụng làm việc công ích như trường học, hội quán, trụ sở của chính quyền… Từ đó, Chùa Phan, Chùa Cửu Phẩm, Nhà Thánh huyện, Nhà Thánh xã,… đều không còn ai thờ cúng, rồi dần dần tàn lụi và biến mất, đến nay không còn gì nữa.
Theo Cụ Nguyễn Trương Toại thì Đền Trúc là nơi Hợp tự của các Đền Chùa chỉ thuộc xã Tân Mỹ (Xã Sơn Tân và xã Sơn Mỹ ngày nay), chứ không phải thuộc toàn huyện Hương Sơn. Chắc rằng ý kiến của cụ Toại là chính xác.
3. Tên gọi các cấp hành chính của vùng Nghệ Tĩnh:
Trước đây, Hà Tĩnh cùng với Nghệ An là một miền đất có cùng tên chung là: Hoan Châu thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê; Nghệ An Châu thời Lý, thời Trần; Nghệ An Thừa Tuyên thời Lê; Nghệ An Trấn thời Tây Sơn và thời đầu triều Nguyễn. Năm 1831, vua Minh Mệnh chia Trấn Nghệ An thành hai tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh như ngày nay.
Trong phần đất Hà Tĩnh của Trấn Nghệ An, cũng như trong tỉnh Hà Tĩnh thời trước có hai Phủ là Phủ Đức Thọ và Phủ Hà Hoa.
Phủ Đức Thọ năm 1831 gồm các huyện: Hương Sơn, La Sơn (Đức Thọ), Thiên Lộc (Can Lộc), Nghi Xuân, tương đương hiện nay là Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh và phần đất phía bắc của huyện Lộc Hà.
No comments:
Post a Comment