Thursday, October 13, 2016

Giải pháp “mới” của Tập đoàn Quang Trung không khác Dự án 1400 tỷ mua máy bơm di động của Trung tâm Chống ngập TP.HCM

Ngày 13/10/2016,        xin giới thiệu bài viết trả lời  Phóng viên của TS Nguyễn Bách Phúc Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP. HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - tin học EEI.

Trả lời của TS Nguyễn Bách Phúc
Giải pháp “mới” của Tập đoàn Quang Trung không khác Dự án 1400 tỷ mua máy bơm di động của Trung tâm Chống ngập TP.HCM

TS NGUYỄN BÁCH PHÚC
Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM HASCON
Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học EEI

Cách đây hơn nửa năm, giữa tháng 3/2016, Trung tâm Điều hành các Chương trình Chống ngập TP.HCM đã trình Thành phố Dự án 1400 tỷ mua 63 máy bơm di động, Dự án đó đã gặt hái được những cơn bão của công luận về tính bất khả thi.
Hôm nay Tập đoàn Quang Trung lại đưa ra giải pháp “mới”.
Điểm giống nhau của giải pháp Tập đoàn Quang Trung với Dự án 1400 tỷ là, đều dùng máy bơm công suất lớn để hút nước ra khỏi những vùng ngập cục bộ trong Thành phố. Cả hai đều không phải là giải pháp “chống ngập” căn cơ, mà chẳng qua chỉ là giải pháp “cấp cứu”, đối phó tạm thời với những vùng ngập cục bộ. Vì vậy khi gọi đó là “giải pháp chống ngập cho Thành phố”, sẽ làm cho nhiều người tưởng lầm.
Cái khác nhau chỉ là: Một bên dùng xe bơm di động, còn một bên dùng máy bơm cố định.
Chúng tôi đã vạch rõ trên công luận cái không tưởng của giải pháp này. Cụ thể ở mấy điều sau đây:
1.     Vùng ngập cục bộ chính là một vùng trũng, mặt đất xung quanh cao hơn, nước mưa không có đường thoát, dồn vào vùng trũng này. Nếu dùng máy bơm, thì câu hỏi đầu tiên là nước úng sẽ bơm đi đâu, xả vào đâu, chẳng lẽ xả ra xung quanh. Nếu vậy nước bơm lên bao nhiêu lại tràn xuống bấy nhiêu, chỉ là bơm “cho vui”, chẳng có tác dụng gì.
2.     Nếu không xả ra xung quanh, thì phải dẫn đến các kênh, rạch tự nhiên, hoặc ra sông, hoặc tới các miệng cống thoát nước rất lớn ở gần đó nếu có. Nhưng khốn nỗi, các miệng cống thoát nước rất lớn thì rất hiếm ở Thành phố này, còn khoảng cách từ những vùng trũng cục bộ đến sông, rạch lại rất xa, dăm km, hoặc hàng chục km,. Vậy phải lắp một đường ống xả dài chừng ấy km.
3.     Dự án 1400 tỷ chọn máy bơm công suất 60 m3/phút, thì đường kính ống xả nước phải là 0,6 m. Thử hỏi có thể giăng một đường ống đường kính 0,6 m, dài 5, 10 km không? Mất bao nhiêu thời gian, công sức, tiền bạc để giăng ra và thu lại?. Hơn nữa đường ống “to đùng” ấy chặn hết các ngã 3 ngã tư trên con đường nó đi qua, thử hỏi người đi bộ, xe đạp, xe gắn máy, xe ô tô làm sao đi qua được?
4.     Giải pháp của Tập đoàn Quang Trung lại còn dùng máy bơm 96.000 m3/giờ, tương đương 1.600 m3/phút, lớn gấp 27 lần của Dự án 1400 tỷ. Tương ứng, đường kính của ống xả nước phải lớn hơn 5 lần, nghĩa là lên tới 3m. Hỡi ơi! Làm sao giăng được một đường ống nước có đường kính 3m ra đường?, lại còn dài 5, 10 km. Việc này còn rắc rối khó nhọc tốn kém không chỉ gấp 5 lần, mà phải gấp 10, 20 lần so với đường ống 0,6 m của Dự án 1400 tỷ. Lại còn làm sao cho xe cộ đi lại được, chẳng lẽ tại mỗi ngã 3, ngã 4 phải xây thêm một cái cầu vượt cho đường ống nằm trên đó?

Văn Minh


No comments:

Post a Comment