Những ưu tiên đặc biệt
Vừa qua, Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) - chủ đầu tư bãi rác Đa Phước đã gửi văn bản đến Thành ủy, HĐND, UBND TP HCM và Sở Tài nguyên - Môi trường muốn tạm ngưng tiếp nhận 2.000 tấn rác (trong 5.400 tấn mỗi ngày) của thành phố. Động thái diễn ra sau khi bãi rác Đa Phước bị coi là nguyên nhân gây mùi hôi thối khiến cả khu Nam Sài Gòn bị ảnh hưởng.
Trước vấn đề trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 12/10, TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học EEI cho biết: "Hãy nhớ lại, VWS là Công ty Đầu tư nước ngoài, đã được Thành phố dành cho những ưu tiên đặc biệt: Chỉ định thầu, giải phóng mặt bằng, tiền bồi thường và tiền sử dụng đất đều rất ưu đãi, Suất chi phí xử lý rác rất cao.
Được biết, thành phố duyệt 16 USD/Tấn, trong khi các Công ty khác chỉ 9,10 USD/Tấn. Những ưu đãi này đã làm lùm xùm công luận mấy năm trời khi VWS mới ra đời.
Bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM) nhìn từ trên cao. Ảnh TTO
|
Gần đây, bãi rác Đa Phước đã xả ra mùi hôi thối khắp cả khu Nam Sài Gòn, hàng triệu người phải chịu đựng cảnh ngập ngụa trong hôi thối. Lẽ ra việc đúng đắn là VWS phải tìm mọi cách xác định nguyên nhân và xử lý kịp thời.
Theo chúng tôi, một bãi rác sau nhiều năm hoạt động, thì sự cố thì không thể tránh khỏi.
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng có thể quy về ba vấn đề: Một là, các công trình xử lý rác và thiết bị xử lý rác bị xuống cấp, hư hỏng theo thời gian, không giữ được công năng ban đầu.
Hai là, công nghệ xử lý rác của bãi rác có thể đã lạc hậu, không phù hợp với điều kiện mới phát sinh. Ba là, quy trình công tác của quá trình xử lý rác có thể bị vi phạm, thực hiện không nghiêm túc, không chính xác".
Điều chủ đầu tư Đa Phước phải làm
Ở một góc độ khác, theo ông Phúc, đáng lẽ VWS phải tìm cho ra nguyên nhân và triệt để thực hiện việc sửa chữa, nhằm khôi phục lại tình trạng như ban đầu. Dù có phải tốn kém cho việc khắc phục, thì VWS vẫn phải làm.
Đó không phải chỉ là trách nhiệm trước thỏa thuận với Thành phố, trước pháp luật, mà còn là trách nhiệm xã hội, còn là uy tín của doanh nghiệp.
Sau khi khắc phục được sự cố, VWS còn phải thực hiện một việc vô cùng quan trọng, là xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho thành phố, cho người dân, như Formosa đã làm, nhưng rất tiếc VWS không làm điều đó.
"Không những thế chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, và hết sức bất bình khi nghe tin VWS gửi văn bản đến Thành ủy, HĐND, UBND TP HCM và Sở Tài nguyên Môi trường, muốn tạm ngưng tiếp nhận 2.000 tấn rác (trong 5.400 tấn mỗi ngày) của Thành phố.
Đây là việc làm vi phạm nghiêm trọng pháp luật VN, vi phạm thỏa thuận với Thành phố, vi phạm quyền sống của người dân thành phố. Đó là chưa nói đến sự bội ước đối với những ưu đãi, cam kết ban đầu", ông Phúc chỉ rõ.
2000 tấn rác đưa đi đâu?
Trả lời văn bản của VWS, TP.HCM khẳng định VWS vẫn phải tiếp nhận toàn bộ lượng rác của TP.HCM như cam kết.
Ông Phúc nêu quan điểm: "Chúng tôi hoàn toàn đồng tình nếu Thành phố không chấp nhận đề nghị của VWS, vì một lẽ giản đơn, nếu chấp nhận thì 2000 tấn rác mỗi ngày sẽ đưa đi đâu?".
Thậm chí, theo vị chuyên gia trên, dư luận hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi, trong cơ chế thị trường với nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực xử lý rác thải nhưng TP.HCM có vẻ như vẫn bị phụ thuộc vào VWS, từ đó mới nảy sinh tình huống đưa đi đẩy lại.
"Chúng tôi cho rằng VWS rất hiểu điều đó, nhưng sao họ cứ đề nghị? Phải chăng họ lập tâm yêu sách Thành phố tăng Suất chi phí xử lý rác, đây là việc làm quá phi lý, không thể ưu đãi chồng lên ưu đãi?", ông Phúc nghi ngờ.
Nhìn ra các nước trên thế giới, theo ông Phúc, các doanh nghiệp không thể và không dám lập tâm yêu sách chính quyền tăng Suất chi phí xử lý các chi phí nhu cầu công cộng, tất cả đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
Châu An
No comments:
Post a Comment