Monday, June 13, 2016

Xã hội hóa dịch vụ công phục vụ hoạt động các cơ quan hành chính

Diệp Văn Sơn Chuyên viên cao cấp, nguyên Phó vụ trưởng Bộ Nội vụ, 
Chủ tịch Chi hội Chi hội quản lý hành chính, 

Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP. HCM HASCON

Báo Lao Động, ngày 10/06/2016,        http://laodong.com.vn/ban-doc-viet/xa-hoi-hoa-dich-vu-cong-phuc-vu-hoat-dong-cac-co-quan-hanh-chinh-560956.bld,         Xã hội hoá công tác phục vụ cho các cơ quan hành chính hoạt động là góp phần quản lý tài sản công có hiệu quả, ngăn ngừa tệ tham nhũng trá hình, giảm đặc quyền đặc lợi, tạo công bằng xã hội.

Số lượng xe công vẫn tăng mạnh (ảnh minh họa)
    Thực trạng sử dụng tài sản công 
    Từ khi bắt đầu đổi mới đến nay, có ít nhất không dưới bốn lần cải cách chế độ tiền lương. Nhớ lại trong các lần hội thảo góp ý cho dự thảo cải cách chế độ tiền lương, nhiều ý kiến góp ý cần phải tiền tệ hoá các chế độ của công chức vào lương. Thế nhưng góp ý thì nhiều, nhiều tâm huyết, đầy đủ các luận cứ khoa học, tính khả thi cao… Tuy nhiên hầu như đều không được tiếp thu đưa vào đề án!? 
    Có thể nói, nguyên nhân thành công của công cuộc đổi mới là thay đổi tư duy. Từ tư duy kế hoạch tập trung bao cấp chuyển sang tư duy kinh tế thị trường có định hướng. Thế nhưng tư duy bao cấp về chế độ của quan chức đối với xe công, nhà cửa, điện thoại, khám chữa bệnh… thật chậm thay đổi thay đổi theo hướng tiền tệ hoá, thị trường hoá.  
    Gần đây để thực hiện tinh thần  thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nhiều ý kiến đề xuất hình thức khoán xe công. Tuy nhiên nhiều quan chức không mấy mặn mà với chủ trương này          
    Dư luận đặt câu hỏi: Cái lợi cho dân, cho nước và cho bản thân đã quá rõ như vậy, tại sao các “công bộc” lại không mặn mà?           
    Đi tìm lý giải cho điều có thể cho là “nghịch lý” nêu trên có thể thấy: Có xe công dùng riêng để “giải quyết khâu oai” và có thể từ cái sự oai ấy sẽ tạo ra… nguồn thu. Cũng có thể một số người có những nguồn thu khác ngoài lương lớn nên họ không cần đến số tiền vài triệu đồng do việc khoán xe công mang lại.   
    Mặt khác, do thói quen lạm dụng, quen “xài của chùa”, đối với xe công của một số quan chức, nếu quan sát sẽ thấy, vợ con, cha mẹ các vị này cũng sử dụng vô tư ngoài công vụ... Lúc này tài xế như người làm công trong gia đình, tất nhiên anh ta lại bổ vào kinh phí của nhà nước, dưới hình thức tiền làm ngoài giờ, thêm giờ… cuối cùng nhà nước và nhân dân lãnh đủ, thiệt đơn thiệt kép.          
    Có một điều gây nhiều thắc mắc , không biết cái gì gọi là “tiêu chuẩn” về chế độ chính sách lấy đâu ra, dựa trên cơ sở khoa học nào, thực tiễn của trình độ phát triển của nền kinh tế đến đâu, kể cả đạo lý nữa, mà quy định cấp này có xe riêng, cấp kia có nhà riêng, tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn nọ… không biết có lạm bàn hay không, nhưng nhớ lại những năm tám mươi, Thủ tướng Phạm Hùng lúc đó có ký quy định các thứ trưởng cùng cơ quan và tương đương dùng xe đưa rước tập thể đến chỗ làm việc. 
    Cũng có người phát biểu nếu khoán xe, thêm 5 triệu vào lương tôi sẵn sàng đi xe đạp đến chỗ làm việc cũng được. Té ra lâu nay nói không có xe riêng đi làm việc sẽ ảnh hưởng đến công việc chỉ là nguỵ biện, có cái gì đó bảo vệ cho đặc quyền đặc lợi.         
    Cần phải làm minh bạch rạch ròi, cỡ cấp nào xứng đáng có tiêu chuẩn, tiêu chuẩn cao cũng được, thì phải cung cấp đầy đủ không tiếc, dân rất công bằng, nhưng tránh ăn theo, bao cấp tràn lan, thậm thụt đề ra tiêu chuẩn này tiêu chuẩn nọ thành văn hay bất thành văn để cùng hưởng. Hơn nữa, biết đâu từ các tiêu chuẩn này mà kéo theo tệ nạn chạy chức, chạy quyền, phe cánh, đấu đá xào xáo nội bộ… 
    Trong cuộc Hội thảo “chống tham nhũng và đảm bảo minh bạch” tổ chức tại Hà Nội mấy năm về trước, cựu giám đốc cơ quan đạo đức chức nghiệp công chức của chính phủ Úc An ther Shack lock đã nêu một vấn đề rất thực tế: khi xem xét hành vi tham nhũng, nhà chức trách thường vấp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là những trường hợp “lệch chuẩn” như cán bộ sử dụng xe công chở con đi học bởi trường nằm trên đường tới cơ quan; gia đình có người bị ốm, cán bộ dùng xe công chở thân nhân đến bệnh viện… các hành vi này có được coi là tham nhũng hay không? Theo ông, đây hẳn là tham nhũng dù theo thông lệ ở ta được gọi bằng “tranh thủ”. 
    Với khối tải sản công khổng lồ được quản lý một cách lỏng lẻo hầu như vô chủ .Trước đây đã từng có chuyện một tỉnh nghèo như Quảng Nam lúc tách tỉnh đã chi trên 200 tỉ đồng cho 315 xe, vậy cả nước 63 tỉnh thành với khoảng bao nhiêu xe ?Theo thông tin đến năm 2015 cả nước hiện có gần 40.000 xe ôtô công,  Như vậy, ước tính mỗi năm, chi phí để nuôi xe công có thể ngốn 12.800 tỉ đồng. ...  một con số khổng lồ để tha hồ “tranh thủ”. 
    Không một ngân sách của quốc gia vừa thoát nghèo nào chịu đựng nổi, nói chi đến hy vọng cất cánh. Đấy là chưa kể các doanh nghiệp Nhà nước, xe được dùng vô tội vạ, nếu thống kê con số này ra sẽ có một con số khổng lồ. Ngay cả các quốc gia giàu có họ cũng rất ít xe công, chỉ có một số chức danh chính trị có xe công cấp để sử dụng, còn các chức danh khác đều phải bỏ tiền túi ra nếu muốn có xe đi. Một anh giám đốc Doanh nghiệp nhà nước loại tầm tầm vừa mới được bổ nhiệm bất kể doanh nghiệp đang ăn nên làm ra hay đang thua lỗ công việc đầu tiên là trang bị xe cho thủ trưởng. Đơn vị đang ăn nên làm ra thì khỏi phải nói,tha hồ sắm xe “xịn”; còn loại thua lỗ thì nói dùng lại xe của người tiền nhiệm sợ bị “xui”!? 
    Giai pháp 
    Thẳng thắn mà nói, kiểu các chỉ thị có tính chất hành chính, như chỉ thị cấm sử dụng xe công vào việc riêng mấy năm qua không mấy hiệu nghiệm trong bối cảnh thiếu kỷ cương trầm trọng như hiện nay.Có lẽ đến lúc phải thay bằng phương thức khác.  
    Nên chăng, cần suy nghĩ một giải pháp bền vững, căn cơ hơn. Xin nêu ra đây một giải pháp để cùng nhau suy nghĩ, đóng góp, hoàn thiện.
    Nên chăng thành lập các công ty dịch vụ phục vụ hoạt động cho các cơ quan hành chính? Kinh phí hoạt động hành chính đưa công ty này. Cơ quan có nhu cầu xe cộ ký hợp đồng với công ty dịch vụ bảo đảm phục vụ đầy đủ các nhu cầu công vụ từ các đồng chí có tiêu chuẩn xe con đến các cá nhân, tập thể có nhu cầu đi công tác cần dùng xe ... Làm như vậy sẽ tiết kiệm nhiều, tránh tình trạng lạm dụng biến xe công thành xe riêng, ngoài ra còn giảm được biên chế lái xe. 
    Hơn nữa, nếu thực hiện phương thức hợp đồng dịch vụ tương tự đối với các việc như vệ sinh, bảo vệ, chăm sóc cây xanh, bảo trì điện nước, căntin, ... thì sẽ giảm được bộ phận quản trị của cơ quan. Đây là một xu thế xã hội hóa bước đầu đối với các cơ quan hoạt động công vụ. 
    Thiết nghĩ việc xã hội hoá công tác phục vụ cho các cơ quan công quyền hoạt động là góp phần quản lý tài sản công có hiệu quả, ngăn ngừa tệ tham nhũng trá hình, giảm đặc quyền đặc lợi, tạo công bằng xã hội.  
    Mở rộng ra nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng khác hy vọng rằng, khối tài sản khổng lồ quản lý lỏng lẻo hầu như vô chủ, tài sản nhà nước, sẽ bớt đi tình trạng bị tranh thủ, thực chất là tham nhũng.
     Diệp Văn Sơn

    No comments:

    Post a Comment