Monday, June 13, 2016

Từ vụ Lexus biển xanh bàn chuyện chạy bổ nhiệm, luân chuyển

Diệp Văn Sơn Chuyên viên cao cấp, nguyên Phó vụ trưởng Bộ Nội vụ, 
Chủ tịch Chi hội Chi hội quản lý hành chính, 
Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP. HCM HASCON

Báo Vietnamnet, ngày 14/06/2016,           http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/309996/tu-vu-lexus-bien-xanh-ban-chuyen-chay-bo-nhiem-luan-chuyen.html,          Tại hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng năm 2016, khai mạc tại trụ sở Trung ương Đảng vào sáng 26/3, Tổng bí thư nhấn mạnh: "Trong dư luận xã hội vẫn râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy chế độ, chạy luân chuyển... tôi đề nghị các đồng chí thẳng thắn thảo luận xem có chuyện ấy hay không, mức độ thế nào, để cho rõ ràng, minh bạch. Nếu có thì ta phải sửa, phải rút kinh nghiệm; nếu không có thì cũng phải trả lời, cho rõ ràng, sòng phẳng".

Dư luận gần đây rộ lên việc ông Trịnh Xuân Thanh từng lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam gây thua lỗ trên 3.262 tỷ đồng. Trước thực trạng PVC thua lỗ như vậy nhưng vào tháng 9/2013 ông Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rời khỏi doanh nghiệp này và được bổ nhiệm giữ chức Phó Chánh văn phòng Bộ Công thương - Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công thương tại Đà Nẵng.
Đầu năm 2014, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 49/TB – VPCP ngày 25/1/2014 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ này. Tuy nhiên, cho tới nay chưa hề thấy đề cập tới trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh.
Không rõ việc xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được tiến hành đến đâu, nhưng sau đó không lâu, ông Trịnh Xuân Thanh tiếp tục được Bộ trưởng Bộ Công thương bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng - Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương. Đến tháng 5/2015, ông Thanh lại được luân chuyển làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016,thuộc diện "cán bộ nguồn" cấp chiến lược.
công tác cán bộ, xe Lexus gắn biển xanh, Trịnh Xuân Thanh, luân chuyển cán bộ
Vụ ông Trịnh Xuân Thanh vấn đề chính là lỗ hổng đối với công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ.
Dường như vụ ông Thanh không đơn thuần  là chuyện biển xanh, biển trắng, mà vấn đề chính không khó để nhận ra đây đó vẫn còn "lỗ hổng" đối với công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ.
Hệ thống đề bạt, bổ nhiệm của chúng ta theo một quy trình khá phức tạp, qua nhiều công đoạn, tầng nấc nhưng tại sao vẫn còn hiện tượng “con voi chui qua lỗ kim”?
Người dân cũng được nghe quá nhiều điệp khúc "đúng quy trình" như vụ đề bạt Dương Chí Dũng từ giám đốc Vinalines thành cục trưởng cục Hàng hải khi đang thanh tra, hay việc bổ nhiệm 60 cán bộ của Thanh tra Nhà nước và 19 cán bộ của Sở VH-TDTT Tp HCM ở phút 89 trước khi lãnh đạo nghỉ hưu lúc đầu cũng được báo cáo là "đúng quy trình” ...
Sau những vấn đề báo chí đang đề cập, đúng là xã hội chưa thật sự an lòng. Còn quá nhiều câu hỏi, câu hỏi nào cũng có lý đáng suy nghĩ. Trả lời những câu hỏi này dù nhức nhối, đau lòng nhưng không thể tránh né, đấy thuộc bản lĩnh chính trị và trách nhiệm của hệ thống tổ chức.
Quy trình suy cho cùng qui chế là do con người đặt ra,thì cũng chính con người nếu muốn cũng có thể lách được. Vả lại, nếu nói về quy trình thì chẳng mấy khi sai cả, nhưng cái chính là những người thực hiện quy trình ấy có làm đúng không.
Đã từng có trường hợp đề bạt, bổ nhiệm những quan chức không ngay ngắn sau đấy rơi vào vòng lao lý (chuyện PMU -18). Khi báo chí  đăng lại những dư luận trong nhân dân và cán bộ công chức trong Bộ về thành tích ăn chơi đốt tiền hơn cả công tử Bạc Liêu của các vị này, tiền của ngồn ngộn, đất đai nhà cửa dinh thự bạc tỷ đập vào mắt mọi người chỉ có tổ chức không biết nên không đối chiếu với bản kê khai tài sản trước khi đề bạt...  Lúc đấy các lãnh đạo Bộ mới thốt lên : “Không ngờ, không biết”.
Đảng viên và nhân dân Giám sát công tác cán bộ là một việc làm khó, có lẽ chưa có tiền lệ. Đảng viên và nhân dân hầu như chưa quen và chưa có điều kiện làm quen. Muốn làm tốt, trước mắt không có gì hơn phải sớm ban hành cơ chế giám sát khả thi, thiết thực, không hình thức, thật sự cầu thị, chia sẻ, thật sự dân chủ, lắng nghe. Vấn đề còn lại là phải quản lý đánh giá con người thật sự khoa học, công tâm, dân chủ tin cậy, lắng nghe quần chúng, có biện pháp để quần chúng dám nói và bảo vệ quần chúng.
Cái vĩ đại của Đảng ta không phải là không mắc sai lầm, mà ở chỗ khi có sai lầm khuyết điểm thì dũng cảm nhận, tích cực tìm nguyên nhân để tìm cách khắc phục. Khi dũng cảm nhận khuyết điểm, tin chắc sẽ khắc phục được khuyết nhược điểm.
Diệp Văn Sơn 

No comments:

Post a Comment