Khảo sát của Viện nghiên cứu về Đời sống và con người khu vực Đông Nam Á Hakuhodo (HILL ASEAN) thực hiện dựa trên mức thu nhập trung bình của người tiêu dùng.
Kết quả cho thấy, tầng lớp người tiêu dùng trung lưu đang tăng nhanh ở 5 nước ASEAN gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Tại Việt Nam, một khảo sát cho biết, nếu dựa vào thu nhập thì có khoảng 50% dân số thuộc tầng lớp trung lưu với mức tiêu thụ từ 5000USD-35.000USD/năm. Tuy nhiên, khi chia theo nhận thức, có đến 96% người VN cho rằng mình thuộc tầng lớp trung lưu.
“Tỷ lệ chêch lệch này khá cao so với khu vực như Singapore là 45% và 85%, Malaysia 46% và 79%, Indonesia là 56% và 72%… nhưng nó phản ánh lối sống mong muốn của một nhóm người. Họ xem chi tiêu là một khoản đầu tư trả trước mà lợi ích không quan trọng bằng cảm giác đem lại khi mua sắm nó”, ông Goro Hokari - giám đốc Viện nghiên cứu về Đời sống và con người khu vực Đông Nam Á Hakuhodo (HILL ASEAN) - phân tích.
Ông Goro cho biết thêm, có một phân khúc lớn những người xác định mình thuộc tầng lớp trung lưu bất kể thu nhập thực tế của họ.
Nghèo vẫn tiêu hoang
Kết quả nghiên cứu trên có vẻ phù hợp với nhận định của hầu hết các chuyên gia, các nghiên cứu trong nước. Một báo cáo mới đây của Viện kinh tế Việt Nam thực hiện cũng cho biết, mức độ thịnh vượng của Việt Nam còn thua xa thế giới nhưng nhu cầu tiêu hoang lại rất đáng giật mình.
Nhận định trên được đưa ra trên cơ sở so sánh về hai chỉ tiêu GDP/công nhân và GDP/nhân công nông nghiệp.
Cho dù trong bảng xếp hạng các quốc gia xuất khẩu gạo, cà phê, dệt may, thủy hải sản thì Việt Nam đều có vị trí nhất nhì, song nhìn vào chỉ tiêu năng suất lao động thì đây là điểm “thiếu sáng”, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết.
Mặc dù năng suất lao động ngành nông nghiệp đã tăng lên đều đặn trong 20 năm qua, nhưng việc so sánh tỷ lệ giữa giá trị gia tăng nông nghiệp/nhân công Việt Nam với một quốc gia và nhóm quốc gia khác lại cho thấy, nền nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng tụt hậu.
Đặc biệt, khi so sánh về sức mạnh kinh tế tổng hợp của quốc gia khi lấy Trung Quốc làm cơ sở tham chiếu, cho thấy kinh tế Việt Nam ngày càng nhỏ so với nước này. Tại thời điểm bắt đầu đổi mới, quy mô GDP của Việt Nam tương đương 4,1% của Trung Quốc, tức là bằng 1/25.
Song tỷ lệ này không ngừng giảm xuống, đến năm 2013 chỉ còn 1,9%, vị thế của người Việt Nam vẫn không thay đổi, khi tỷ lệ của hai tiêu chí là bình quân đầu người của Việt Nam so với Trung Quốc thì đều đang giảm đi.
Một so sánh khác khi lấy dữ liệu GDP theo đầu tư hợp tác công tư (PPP) năm 2005 trong cơ sở dữ liệu tài khoản quốc gia (Penn World Teble). Với một giả định về kịch bản lạc quan nhất trong giai đoạn 2015 – 2020, Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP/đầu người ở mức 6% và sau đó đạt bình quân 8% cho thời gian còn lại, thì đến năm 2035 mức độ thịnh vượng trung bình của người Việt Nam vẫn còn thua xa Đài Loan, Hàn Quốc, chỉ bằng gần một nửa của Nhật Bản và bằng 1/3 so với Singapore vào thời điểm năm 2011.
Trong khi GDP bình quân đầu người ở mức thấp, nền kinh tế tụt hậu ở ngay cả những lĩnh vực có thế mạnh là nông nghiệp và sức mạnh tổng hợp của quốc gia còn hạn chế, thì mức độ chi tiêu của người Việt lại đáng giật mình. Mặc dù ngân sách khó khăn, song mỗi năm vẫn chi ra tới gần 13.000 tỷ đồng để nuôi 40.000 xe ôtô công, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang, doanh nghiệp Nhà nước.
Nhìn ở góc độ khác, tờ Straitstimes dẫn theo báo cáo về tăng trưởng ngành công nghiệp ô tô ở khu vực Đông Nam Á, cho hay doanh số bán hàng tại Việt Nam năm 2014 là 37,6% và dự báo sẽ đạt 19,9% trong năm nay. Đây là mức cao hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực, khi Philippines đạt 29%, Indonesia đạt 6,6% và Malaysia chỉ có 1,9%.
Đáng chú ý là nhu cầu xe hạng sang của Việt Nam rất lớn và có thể sẽ vượt qua Singapore, nước có tỷ lệ sử dụng xe sang lớn nhất, theo thông tin từ tờ Los Angeles Times.
Người Việt Nam cũng khá mạnh tay chi ra nhiều tiền để xài đồ xa xỉ, khi Việt Nam đang trở thành kinh đô mới mà các nhãn hàng xa xỉ đặt chân đến. Hãng nghiên cứu Knight Frank trong báo cáo Wealth Report 2015 công bố, hàng xa xỉ tại Việt Nam đã và đang tăng trưởng mạnh mẽ. Các loại mặt hàng túi xách cao cấp như Hermes, Cartier, Louis Vuiton đều có mặt tại các trung tâm thương mại lớn, nhỏ tại TPHCM và Hà Nội..
No comments:
Post a Comment