Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 04/06/2012, Xin giới
thiệu bài viết của TS Nguyễn Bách Phúc Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học
công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin
học EEI
1.
Việt Nam đã có Định hướng Chiến lược
đúng đắn và hoành tráng:
Tháng 2/2007, Hội nghị Trung ương 4 khóa X
đã thông qua Nghị quyết về Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm
2020, đã xác định kinh tế trên biển và ven biển sẽ đóng góp khoảng 53-55% tổng
GDP của cả nước.
“Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020” trong Nghị
quyết của Đại hội XI Đảng Công Sản Việt Nam năm 2010 chỉ rõ: “Vùng
biển, ven biển và hải đảo: Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng
với vị thế và tiềm năng biển của nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo
đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển. Phát triển nhanh một số
khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp
năng lượng, đóng tàu, xi măng, chế biến thủy sản chất lượng cao... Đẩy nhanh
tốc độ đô thị hóa, tạo thành các trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra
biển, gắn với phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá
trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, dịch vụ nghề cá, dịch vụ
dầu khí, vận tải... Phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và vận tải biển, sông -
biển; phát triển các đội tàu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển... Phát
triển kinh tế đảo phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế của từng đảo”.
Hai Văn bản nói trên
đã xác định Định hướng Chiến lược rất rõ ràng, rất dứt khoát, rất đúng đắn, là
kim chỉ Nam cho quá trình phát triển kinh tế biển của Đất nước.
Tuy nhiên, để
triển khai Định hướng Chiến lược, rất cần có Quy hoạch. PGS.TS Trần
Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam,Viện Khoa học xã hội Việt Nam,
trong Tham luận “TIẾP CẬN CHIẾN LƯỢC KINH
TẾ BIỂN CỦA VIỆT NAM” tại Hội thảo “Kinh
tế Biển – Tiềm năng và phát triển” của Hội Tư vấn khoa học công nghệ &
quản lý TP.HCM HASCON đã nêu ý kiến: “Chiến
lược kinh tế biển được thông qua tại Hội nghị Trung ương 4 khóa X là một chiến
lược định hướng tổng thể. Nó xác định các mục tiêu lớn, phương hướng hành động
chung, nhưng chưa vạch ra được các chiến lược hành động cụ thể, khả thi để phát
triển kinh tế biển.”
2. Việt Nam chưa
có Quy
hoạch tổng thể cho cả nước, Quy hoạch tổng thể cho từng địa phương và từng ngành
kinh tế thành phần trong kinh tế biển.
Chiến lược thể hiện ý
chí của con người, những người có ý chí lớn sẽ đề xuất những chiến lược lớn,
hoành tráng, vĩ đại, chính xác ... Có chiến lược nhưng không xây dựng Quy hoạch thì chỉ là chiến lược
suông, ý chí suông. Phải có Quy hoạch
tổng thể cho cả đất nước, phải có hệ thống Quy hoạch tổng thể cho các địa phương, cho các ngành kinh tế thành
phần trong kinh tế biển.
Các Quy
hoạch chi tiết phải được xây dựng chỉ sau khi có Quy hoạch tổng thể, nếu không, sẽ thiếu đồng bộ, chồng chéo, manh
mún ..., dẫn đến những lãng phí vô cùng lớn cho nguồn lực của nhân dân, của đất
nước.
Xây dựng Quy hoạch tổng thể phải trên cơ sở
tính toán khoa học nghiêm túc và chặt chẽ.
Vì thiếu những Quy hoạch như thế, nên đã
xảy ra rất nhiều thiệt hại cho kinh tế cho đất nước.
Xây dựng Quy hoạch tổng thể là một chuyện
lớn, bao gồm rất nhiều vấn đề. Ở đây chúng tôi chỉ xin có vài ý kiến về Vấn đề Đầu tư trong Quy hoạch,
có lẽ là vấn đề cốt yếu nhất của Quy hoạch, tạm gọi là Quy hoạch đầu tư.
3.
Việt Nam thiếu Quy hoạch đầu tư, dẫn đến
nhiều hậu quả nghiêm trọng:
Đầu tư xây dựng Cảng là điển hình của tình
trạng thiếu Quy hoạch đầu tư. Hiên có trên dưới 100 cảng biển, vừa quá thừa, mà
vẫn quá thiếu. Có nhà khoa học đã phân tích, với 100 tỷ USD xuất khẩu, bình
quân mỗi cảng biển này này chỉ xuất được 1 tỷ USD mỗi năm, nghe thật lạ tai. Lạ
tai hơn, là đa số trong 100 cảng biển mỗi năm chỉ xuất được vài ba trăm triệu
USD. Đã quá lãng phí khi xây dựng lên quá nhiều công trình không có khả năng
mang lại hiệu quả, trong khi thiếu những công trình thật sự có hiệu quả cao. Đó
là chưa nói đến những nghịch lý tưởng như chuyện đùa: đầu tư hàng chục hàng
trăm triệu USD xây dựng những cảng có
khả năng đón nhận những con tàu rất lớn, trong khi lối vào cảng chỉ đủ đi lại
cho những con tàu nhỏ hơn nhiều lần.
Đầu tư xây dựng các Khu kinh tế biển cũng
là điển hình của tình trạng thiếu Quy hoạch. GS TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ
tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, trong Tham luận “KHU KINH TẾ VEN BIỂN: ĐẦU TƯ TẬP TRUNG HƠN, LIÊN KẾT SÂU RỘNG HƠN
ĐỂ TẠO NÊN SỰ KHÁC BIỆT” tại Hội thảo “Kinh
tế Biển – Tiềm năng và phát triển” của Hội Tư vấn khoa học công nghệ &
quản lý TP.HCM HASCON đã chỉ ra: “hình
thành và phát triển các khu kinh tế ven
biển quá tràn lan, không hiệu quả. Nếu diện tích chiếm đấtcủa các khu kinh tế
ven biển tương đương 100 khu công nghiệp đang có thì lấy đâu tiền để đầu tư
đồng thời tất cả các khu kinh tế. (Đó là chưa kể các khu kinh tế cửa khẩu,...).
Thêm vào đó, một khi khu kinh tế nào được có cơ chế “ưu đãi” cao, thì lập tức
các khu kinh tế khác lại “đòi” được ưu đãi bằng và hơn thế! Nhưng các nghiên
cứu được các chuyên gia kinh tế thành phố Hồ Chi Minh thực hiện thời gian qua
cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài không hẳn đã quan tâm, ưa thích các “ưu
đãi” cao thấp này khác, mà chính là cần một môi trường đầu tư thông thoáng,
minh bạch, có thể tiên lượng các kết quả sản xuất kinh doanh, một nền hành
chính trong sáng, thông suốt, chuyên nghiệp. Từ đó, bản thân mỗi doanh nghiệp
sẽ lựa chọn phương án kinh doanh thích hợp. Có thể nói, đó là cách làm “văn
minh”, phù hợp với thông lệ quốc tế.”
Một ví dụ nổi cộm của của Đầu tư kinh tế
biển là đầu tư cho 2 “quả đấm thép” Vinashin và Vinalines. Có lẽ khi
tuyển chọn và phong danh hiệu cho các “quả đấm thép”, chúng ta đã làm theo cảm hứng, theo mơ ước, theo ý
chí, mà quên đi đòi hỏi của khoa học và thực tiễn. Hậu quả là hàng chục, hàng
trăm nghìn tỷ đổ xuống sông xuống biển, trớ trêu hơn là 2 vị Chủ tịch Hội đồng
Thành viên, một đang ngồi tù 20 năm, một đang bỏ trốn Lệnh truy nã!.
Một ví dụ cũng rất nổi cộm, nhưng còn ít
người biết đến và nói đến: đầu tư của PetroVietnam, tập đoàn thuộc kinh
tế Biển mạnh nhất VN. Cuối tháng 5 năm 2012 báo chí đã đưa tin về Báo
cáo của Bộ Tài chính trình bày tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4, trong
đó nêu những con số rất ấn tượng: ví dụ, tính đến tháng 9/2011, dư nợ vay ngân
hàng của DNNN lớn là 415.347 tỷ đồng, bốn tập đoàn nợ lớn nhất là PetroVietnam, EVN,
Vinacomin và Vinashin. Đáng lưu ý là trong bốn tập đoàn này thì có hai tập đoàn
thuộc kinh tế Biển.
Nhưng những con số ấn tượng nhất lại nằm trong Bản liệt kê của Báo cáo,
trong đó chỉ rõ các số liệu của PetroVietnam như sau:
Nợ phải trả: 215.114,138 tỷ đồng
Tổng tài
sản: 466.059,643 tỷ đồng
Vốn Chủ sở hữu: 232.365,842 tỷ đồng
Doanh thu: 249.868,688 tỷ đồng
Lợi nhuận trước
thuế: 44.504,792 tỷ đồng
Thực ra, chúng tôi không quan tâm Nợ phải trả nhiều hay ít, bởi vì nếu vay nợ nhiều mà hiệu quả kinh doanh cao, thì vay
nợ càng nhiều càng tốt. Ở đây chúng tôi quan tâm hiệu quả kinh doanh, cụ thể là tỷ lệ giữa Lợi nhuận trước thuế với Tổng tài sản. Rất tiếc, với PetroVietnam, tỷ lệ này là rất
thấp, chỉ có vỏn vẹn 9,55%:
466.059,643 tỷ đồng/44.504,792 tỷ đồng = 9,55%.
Tỷ lệ này của các Tập đoàn khai thác dầu
khí quốc tế là rất cao, cỡ 30%.
Tại sao tỷ lệ này của VN thấp? Là vì tiền
lời thu về thì ít mà vốn đầu tư bỏ ra thì quá nhiều. Vấn đề đã rõ: đầu tư của
PetroVN vô cùng kém hiệu quả!
Rất tiếc, chuyện này chưa nghe ai bàn đến,
chưa ai đưa ra câu hỏi “tại sao?”
4.
Xin đưa ra một kiến nghị nhỏ:
Để thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam
đến năm 2020 của Đảng, xin kiến nghị Chính phủ dựa vào Chiến lược để hoạch đinh những Quy
hoạch phát triển, bao gồm Quy hoạch tổng thể cho cả nước, Quy hoạch tổng
thể cho từng địa phương và từng ngành kinh tế thành phần trong kinh tế biển. Khi xây dựng các
Quy hoạch, phải hết sức coi trọng vấn đề
Đầu tư. Xây dựng Quy hoạch đầu tư không
làm theo cảm hứng, theo mơ ước, theo ý chí, mà quên đi đòi hỏi của khoa học
và thực tiễn.
No comments:
Post a Comment