Wednesday, November 12, 2014

Để tăng lương phải giảm bớt người

Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, ngày 13/11/2014,     http://www.thesaigontimes.vn/122567/De-tang-luong-phai-giam-bot-nguoi.html,     - Với phương án tăng lương như hiện nay thì tiền lương ngày càng trở thành trợ cấp chứ không phải tiền lương theo đúng nghĩa của nó. Để có nguồn tăng lương, cần phải cắt giảm những người làm việc không hiệu quả.

Chiều ngày 10-11, Quốc hội đã thông qua phương án tăng lương trong năm 2015 cho khu vực hưởng lương của Nhà nước mà Bộ Tài chính đề xuất. Theo đó, ba đối tượng được tăng lương gồm: người có công, người về hưu, cán bộ công nhân viên chức hưởng lương ngân sách có hệ số từ 2,34 trở xuống (tương đương lương tháng dưới 3 triệu đồng).
Mức tăng dự kiến khoảng 8% lương tối thiểu hiện hành (1,15 triệu đồng), bằng mức lạm phát dự kiến, tương đương tăng khoảng 90.000 đồng/tháng.
Đứng ở góc độ quản lý nhà nước, đây là một cố gắng lớn của Chính phủ trong điều kiện ngân sách hết sức eo hẹp khiến trước đó cũng chính Bộ Tài chính đã cho rằng không thể bố trí nguồn để tăng lương trong năm 2015 theo đúng lộ trình.
Tuy nhiên, đứng về phía người hưởng lương từ ngân sách vẫn còn không ít điều băn khoăn.
Đánh giá về phương án này, PGS.TS. Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân, Công đoàn thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho hay chưa có một quốc gia nào trên thế giới cắt khúc để tăng lương, vì đa phần người hưởng lương trong khu vực nhà nước có đồng lương rẻ mạt, trợ cấp thì quá thấp trong khi giá cả lúc nào cũng chực chờ tăng. Hơn nữa, khi mức lương mà không đủ sống thì họ chỉ làm việc tương ứng với mức lương mà họ nhận và ra ngoài làm thêm, đẩy năng suất lao động của khu vực nhà nước càng xuống thấp.
Theo ông Lợi, chế độ tiền lương hiện hành thực chất vẫn dựa trên nền tảng cải cách chính sách tiền lương năm 1993, tức chủ yếu điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu và một số nội dung nhỏ lẻ khác. Chính vì vậy, tiền lương hầu như không có tác động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương từ ngân sách.Ở một khía cạnh khác, ông Đặng Như Lợi, chuyên gia về tiền lương, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho hay với mức tăng lương như hiện nay thì lương ngày càng trở thành trợ cấp chứ không phải tiền lương đúng nghĩa. Cách làm này vừa tốn tiền vừa không hiệu quả.
Hàng năm, ngân sách nhà nước đã bố trí hàng chục ngàn tỉ đồng để thực hiện cải cách tiền lương mà chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không được nâng cao, thậm chí giảm sút; bộ máy vẫn trì trệ, phiền hà, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. Thu nhập ngoài tiền lương ở nhiều ngành, nghề, vị trí công tác, chức vụ ngày một tăng cao, phức tạp, đa dạng. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trở nên giàu có, không biết và không quan tâm nhiều đến tiền lương của mình.
Nhận định của ông Lợi được lượng hóa thông qua cuộc điều tra của UNDP và báo VietnamNet thực hiện năm 2011. Theo cuộc điều tra này, nếu một công chức đã công tác 10 năm và có gia đình gồm bốn thành viên thì có tới 75% số người được hỏi trả lời rằng lương của họ không đáp ứng đủ nhu cầu sống và họ gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, để có thể kiếm tiền trang trải cuộc sống, có tới 33% người cho biết họ phải sử dụng thời gian ở cơ quan để làm thêm; 30% phải lợi dụng chức vụ của mình để nhận quà, tiền từ người dân hay doanh nghiệp.
Cũng theo cuộc điều tra này, mặc dù mức lương thấp nhưng khu vực nhà nước vẫn có sức hút đối với họ, mà lý do chính, theo 36% người được khảo sát, là do khu vực nhà nước cho họ cơ hội kiếm thêm thu nhập.
Theo ông Đặng Như Lợi, tiền lương và các chế độ đãi ngộ hiện nay quá thấp đối với một phần ba đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang ngày đêm làm việc tận tâm, có trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả, nhưng lại quá cao với nhiều cán bộ, công chức, viên chức còn lại.
Chính vì vậy, để có nguồn tăng lương, ông Lợi đề xuất, nên tinh giảm khoảng 40% tổng số cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu công việc hiện nay, bố trí công việc thích hợp hoặc giải quyết chính sách cho họ tự lo việc làm. Đồng thời, dành nguồn kinh phí đó để tăng lương cho tất cả các đối tượng còn lại.

Đây cũng là đề xuất của ông Vũ Quang Thọ. Theo ông Thọ, các nước như Ba Lan và một số nước ở Nam Mỹ trong những năm ngân sách khó khăn, họ đã thực hiện một cuộc đại cách mạng về lương, trong đó tinh giản biên chế là biện pháp quan trọng nhất. Đây là biện pháp mang tính tổng thể, qua đó mới giải quyết được cái gốc của vấn đề.
Thùy Dung

No comments:

Post a Comment