Wednesday, November 12, 2014

Doanh nghiệp chưa dám “mơ”, nông nghiệp chưa thể cất cánh

Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, ngày 13/11/2014,  http://www.thesaigontimes.vn/122583/Doanh-nghiep-chua-dam-%E2%80%9Cmo%E2%80%9D-nong-nghiep-chua-the-cat-canh.html,      - Tỷ trọng vốn đầu tư của cả xã hội vào nền nông nghiệp đang có xu hướng giảm, cả khu vực trong và ngoài nước. Theo nhiều chuyên gia, để nông nghiệp có thể “cất cánh”, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp phải mạnh dạn và dám “mơ”.

Tín dụng cho nông nghiệp chiếm khoảng 20% tổng dư nợ cho vay, nhưng chủ yếu chảy vào thương mại. Ảnh: TRUNG CHÁNH
Đầu tư lao dốc
Đầu năm 2014, một đoàn doanh nghiệp Hungary đã sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Thế nhưng tới nay, theo Đại sứ quán Hungary tại Việt Nam, vẫn chưa có doanh nghiệp nào dám mạnh dạn đầu tư tại Việt Nam mà mới chỉ “ngỏ ý” muốn hợp tác về thương mại, mua nông sản xuất khẩu.
Viện chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) là một trong những đơn vị được các tổ chức nước ngoài tìm đến để được tư vấn đầu tư. Theo ông Trần Công Thắng, Phó viện trưởng Ipsard, có nhiều doanh nghiệp lớn, sau khi khảo sát thị trường đã ra đi, chủ yếu là do không tỉnh nào có thể đáp ứng được quỹ đất đủ lớn để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp trong nước đã tìm hướng xuất ngoại đầu tư vào nông nghiệp. Trong những năm vừa qua tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã đầu tư hàng trăm triệu đô la Mỹ trồng cao su, dầu cọ, mía đường, chăn nuôi bò sữa không phải ở Việt Nam mà ở Lào, Campuchia, Myanmar. Trả lời về vấn đề này, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL, cho hay: “Cơ chế chính sách thông thoáng và những ưu đãi là những lý do để tập đoàn đầu tư ở nước khác”.
Mặc dù là một nước nông nghiệp nhưng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này rất thấp và đang có xu hướng giảm. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có gần 17.000 dự án FDI được cấp phép đầu tư với tổng vốn khoảng 245 tỉ đô la Mỹ nhưng lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chỉ chiếm trên 3% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đăng ký, đạt hơn 500 dự án với tổng vốn xấp xỉ 3,4 tỉ đô la Mỹ.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy 15 năm trước đầu tư FDI vào nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 15% trong tổng vốn FDI của cả nước, nhưng trong ba năm trở lại đây tỷ lệ đó chỉ chưa tới 0,5%. Như vậy, FDI vào nông nghiệp đã giảm tới 30 lần chỉ sau 15 năm.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho hay không chỉ doanh nghiệp FDI mà ngay cả các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước cũng đang teo tóp dần.
Cả nước có hơn 3.500 doanh nghiệp nông lâm thủy sản và số doanh nghiệp này chỉ chiếm 1,6% trong tổng số doanh nghiệp cả nước nhưng lại chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Không những thế, năm 2013, có 1.020 doanh nghiệp nông nghiệp mới thành lập, giảm 14%, trong khi đó số doanh nghiệp giải thể lên tới 1.332.
Theo ông Cao Đức Phát, đầu tư của Nhà nước vào nông nghiệp trong năm năm qua đã tăng gấp đôi so với năm năm trước đó. Nhưng tổng vốn đầu tư của toàn xã hội vào nông nghiệp lại liên tục giảm xuống và tới nay chỉ còn 1,6% GDP.
Muốn làm nông nghiệp, doanh nghiệp phải biết... mơ
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, cho hay có một nghịch lý là nông nghiệp là bệ đỡ và là điểm mạnh của nền kinh tế nước nhà nhưng tỷ trọng đầu tư vào nông nghiệp liên tục giảm. “Với mức đầu tư thấp như vậy thì nông nghiệp không thể cất cánh được”, ông Dũng nói.
Ông Dũng trích số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng cho nông nghiệp chiếm khoảng 20% tổng dự nợ cho vay, tương đương với đóng góp của ngành này vào nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định, tín dụng này chảy rất ít vào sản xuất mà chủ yếu chảy vào thương mại như mua gạo, cà phê, điều...
Theo ông Dũng, tối thiểu đầu tư cho nông nghiệp phải bằng 2-3% GDP thì mới mong nền nông nghiệp phát triển có chiều sâu và hiện đại được.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, cho hay so với công nghệ thông tin thì nông nghiệp có lợi thế hơn rất nhiều, nhưng dường như chúng ta chưa nắm bắt được cơ hội phát triển.
Theo ông Bình, để nền nông nghiệp có thể cất cánh, để Việt Nam trở thành cường quốc về nông nghiệp, trước hết doanh nghiệp nông nghiệp phải dám “mơ”, giống như các doanh nghiệp phần mềm từ chỗ chỉ có vài ba doanh nghiệp, nay đã lên tới con số hàng ngàn, trở thành một trong 10 nước xuất khẩu phần mềm hàng đầu thế giới.
Muốn trở thành cường quốc nông nghiệp, theo ông Bình, Việt Nam cần hội đủ các yếu tố sau: công nghệ hiện đại, tích lũy đủ quy mô, nguồn nhân lực có chất lượng và cuối cùng là cơ chế chính sách của Nhà nước.
Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Ipsard, cho rằng để doanh nghiệp đổ vốn vào nông nghiệp, không thể chỉ kêu gọi suông mà cần đầu tư hạ tầng, chuẩn bị nhân lực và đất đai, khi đó, không chỉ doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ đầu tư vào nông nghiệp.
Theo Đại sứ quán Hungary tại Việt Nam, để khuyến khích đầu tư, hợp tác về nông nghiệp, có lẽ cần phải tăng cường, chú trọng hơn nữa việc xúc tiến đầu tư và giới thiệu các cơ hội kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, bộ sẽ lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp trong ngành để sửa đổi chính sách sao cho phù hợp, tạo điều kiện để doanh nghiệp nông nghiệp phát triển. Sự phát triển của doanh nghiệp hiện tại sẽ là động lực để thu hút nhiều doanh nghiệp khác có tiềm lực vào đầu tư.
Thùy Dung

No comments:

Post a Comment