Ngày 09/04/2015, xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý
TP. HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - tin học EEI
Mấy ngày qua
công luận thì xôn xao về vụ mất nguồn phóng xạ của nhà máy thép Pomina 3, còn
người dân thì vô cùng lo âu cho sức khỏe và tính mạng. Ai cũng mong muốn sớm
tìm ra cái “của nợ” ấy, đó là mong muốn chân chính.
Song song với
công việc vô cùng hệ trọng là đi tìm, chúng tôi mong muốn mọi người hết sức lưu
ý đến khía cạnh pháp lý của việc quản lý sử dụng sản phẩm “chết người” này.
Tháng 9 năm 2014 ở TP. HCM đã mất 1 nguồn
phóng xạ, cuối năm 2014 ở Bà Rịa – Vũng Tàu lại mất 1 nguồn phóng xạ. Người bình
thường sẽ hỏi: Tại sao lại dễ dàng mất như thế, phải chăng việc quản lý sản phẩm
đó quá lỏng lẻo? phải chăng pháp luật của chúng ta không chặt chẽ, dẫn đến những
hậu quả nặng nề, và hơn nữa luật pháp sẽ xử lý hậu quả nặng nề đó như thế nào?
1. Pháp luật rất chặt chẽ, nhưng thực
thi pháp luật vô cùng lỏng lẻo:
Thực ra Việt Nam đã có một hệ thống
pháp luật rất đầy đủ về An
ninh nguồn phóng xạ và an ninh năng lượng nguyên tử, bao gồm: Luật Năng
lượng nguyên tử số 18/2008/QH có hiệu lực từ ngày 01/1/2009, điều 22,
chương 3 quy định về đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ; Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia Việt Nam về an toàn bức xạ số /2010/BKHCN;
Nghị định số
111/2009/NĐ-CP “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng
lượng nguyên tử”, ngày 11/12/2009; Thông tư số 08/2010/TT-BKHCN
“Hướng dẫn về việc khai báo, cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ và cấp
chứng chỉ nhân viên bức xạ” của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 22/07/2010; Thông tư số 19/2010/TT-BKHCN “Hướng dẫn
thanh tra chuyên ngành về an toàn bức xạ và hạt nhân” của Bộ Khoa học và Công
nghệ ngày 28/12/2010; Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN “Hướng dẫn bảo đảm an
ninh nguồn phóng xạ” của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 29/12/2010;
Thông tư số 24/2010/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công
nghệ ngày 29/12/2010 về phân loại và phân nhóm nguồn phóng xạ theo yêu cầu về
an ninh.
Liên quan trực tiếp đến câu chuyện
hôm nay là thông tư số 23/2010/TT-BKHCN “Hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng
xạ”, trong đó trước hết quy định 4 mức an ninh A, B, C và D cho các nguồn phóng xạ, mức A tương ứng với
nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm và nguy cơ tiềm ẩn cao nhất, mức D là mức thấp
nhất.
Truyền thông và kể cả các quan chức nhà nước về an ninh
phóng xạ cho tới nay chưa hề công bố cho mọi người biết nguồn phóng xạ bị mất ở
nhà máy Pomina 3 thuộc mức an ninh nào.
Theo thông tư số 23/2010/TT-BKHCN, mức an ninh
A, B, C, D lần lượt tương ứng với các nhóm
nguồn phóng xạ 1, 2, 3, 4 của Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia Việt Nam về an
toàn bức xạ số /2010/BKHCN
Chúng tôi đã tra cứu Quy chuẩn và thấy rằng nguồn phóng xạ
bị mất thuộc nhóm 1 (Nguồn dùng trong thiết bị chiếu xạ khử trùng, xử lý vật liệu, chất
phóng xạ Co-60), tương ứng mức an ninh A.
Thông tư số
23/2010/TT-BKHCN quy định, tại điều 5 khoản 5: “Kiểm đếm nguồn phóng xạ hằng ngày; lập hồ sơ kiểm đếm ghi rõ người
thực hiện kiểm đếm, thời gian kiểm đếm, kết quả kiểm đếm”; tại điều 5 khoản 12: “Khi xảy ra các trường
hợp có sự tiếp cận trái phép tới nguồn phóng xạ hoặc hành động có ý định đánh cắp,
phá hoại nguồn phóng xạ phải áp dụng các biện pháp ứng phó kịp thời, điều tra
nguyên nhân, tìm biện pháp khắc phục. Trong
vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra sự việc phải gửi báo cáo cho Cục An
toàn bức xạ và hạt nhân, Sở Khoa học và Công nghệ địa phương nơi xảy ra sự
việc, làm rõ nguyên nhân, diễn biến sự việc, các biện pháp ứng phó đã được áp dụng,
hậu quả và các biện pháp được đề ra để tránh xảy ra sự việc tương tự trong
tương lai”.
Pháp luật rỏ ràng chặt chẽ
như vậy, cớ sao nguồn phóng xạ bị mất từ tháng 11/2014, mà mãi đến tháng
04/2015 Cơ quan quản lý an toàn phóng xạ mới biết? Trách nhiệm của đơn vị sử dụng
và cơ quan nhà nước quản lý an toàn ở đâu?
Chỉ một chi tiết này cũng
đủ chứng minh rằng việc thực thi pháp luật của chúng ta còn rất tùy tiện, hiệu
lực của pháp luật còn bị quá coi nhẹ.
2. Pháp luật thì
rất chặt chẽ, nhưng xử lý vi phạm lại quá nhẹ nhàng:
Hệ thống pháp luật quy định nghiêm túc trách nhiệm của
các cá nhân và tổ chức quản lý và sử dụng nguồn phóng xạ, quy định chặt chẽ chức
năng và quyền hạn của cơ quan nhà nước quản lý. Nhưng chúng ta lại quá nhẹ tay
với những vi phạm pháp luật này, cụ thể, Nghị định số 111/2009/NĐ-CP “Quy định về xử
phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”, tại khoản 2 Điều 1
đã khẳng định: ”Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là hành vi
do cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi là cá nhân, tổ chức) cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của
pháp luật về năng lượng nguyên tử mà không phải là tội phạm và theo quy
định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.
Thực
ra chúng tôi không thể nào hiểu nổi khái niệm ”cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử
mà không phải là tội phạm”. Chúng tôi cho rằng hành vi cố ý vi phạm pháp
luật, nhất là về mặt an toàn, là hành vi tội phạm chứ không có cách nào biện
minh rằng chỉ là vi phạm hành chánh. Đơn cử điều 24 của Nghị định này:
Khoản 3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không
áp dụng ngay các biện pháp cần thiết để thu hồi nguồn phóng xạ, vật liệu hạt
nhân, thiết bị hạt nhân bị chiếm đoạt, bị thất lạc, bị chuyển giao, bị sử dụng
bất hợp pháp.
Khoản 4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi làm
mất, làm thất lạc, làm rơi vãi nguồn phóng xạ trong quản lý, sử dụng.
Ai cũng biết nguồn phóng xạ bị chiếm đoạt bị thất lạc sẽ gây biết bao tai
họa cho con người và môi trường, kể cả nguy hại sinh mệnh của nhiều người.
Những cơ quan quản lý nguồn phóng xạ khi biết bị chiếm đoạt bị thất lạc mà không áp
dụng ngay các biện pháp cần thiết để thu hồi nguồn phóng xạ, lại không coi là tội phạm, mà chỉ coi là vi
phạm hành chính, chỉ phạt từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng?. Hơn nữa khi để mất nguồn phóng xạ cũng chỉ bị
phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng?.
Lưu ý rằng việc bảo quản và sử dụng nguồn phóng xạ theo luật pháp Việt Nam
là rất chặt chẽ, với hàng loạt những giải pháp, những quy định rất chi tiết rất
khoa học, còn chặt chẽ hơn nhiều so với quản lý kho vàng. Tại sao người quản lý
kho vàng để mất vàng thì phải chịu tội, đi tù, còn người để thất lạc nguồn
phóng xạ, gây nguy hại sức khỏe và sinh mệnh của đồng bào thì chỉ bị phạt hanhfchinhs tối đa 50.000.000 đồng?.
Phải chăng đòn trừng trị của pháp luật quá nhẹ nhàng, nên mọi người mới coi
thường?. Nếu đòn trừng phạt là nghiêm khắc là nặng nề thì đâu đến nỗi trớ trêu:
dù Luật bắt buộc hằng ngày phải kiểm đếm nguồn phóng xạ, nhưng gần nửa năm
không kiểm đếm, cuối cùng mới tá hỏa ra là đã mất!
No comments:
Post a Comment