Bất cứ quốc gia nào trong quá trình phát
triển cũng muốn xây dựng những vùng kinh tế trọng điểm, làm điểm nhấn và tạo
thành động lực thúc đẩy sự phát triển của vùng nói riêng và của cả nước nói
chung. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh: TP. Hồ Chí Minh, Đồng
Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu và các tỉnh phụ cận như Tây
Ninh, Long An, Tiền Giang đã được quy hoạch, xác định mục tiêu đến năm 2030 trở
thành vùng kinh tế động lực, phát triển năng động, tăng tưởng cao và bền vững.
Dự án (DA) Sân bay Quốc tế Long
Thành(SBQTLT) với kỳ vọng là một sân bay
Quốc tế lớn nhất toàn quốc, là trung tâm trung chuyển hành khách của khu vực, dự
kiến sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/ năm. SBQT Long Thành sẽ trở thành
tâm điểm của mạng lưới giao thông vùng và cả khu vực phía Nam, tạo điều kiện để
phát triển các ngành kinh tế Công nghiệp - Nông nghiệp – Thương mại – Dịch vụ…,
phát triển các khu công nghệ cao, các khu đô thị, dịch vụ, các cụm dân cư xoay
quanh các khu kinh tế lớn,…
Với các mục tiêu này thì SBQTLT sẽ có vai trò
quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế
trọng điểm phía Nam nói riêng và kinh tế cả nước nói chung trong quá trình hội
nhập khu vực và Quốc tế.
1.
Băn khoăn về vốn đầu tư:
Dự án sân bay Quốc tế Long Thành (DA SBQTLT)
là một DA lớn và đồ sộ nhất từ trước đến nay, với tổng mức đầu tư cho cả 3 giai
đoạn (theo giá trị khái quát tại thời điểm báo cáo cho kỳ họp Quốc hội
thứ VIII tháng 11 năm 2014) là 18,7 tỷ USD, trong đó mức đầu tư giai
đoạn 1 là 7,8 tỷ USD (tương đương 164.589 tỷ VNĐ).
Nguồn vốn đầu tư này bao gồm từ vốn Ngân sách,
trái phiếu Chính phủ, vốn vay ODA (84.624 tỷ đồng, chiếm 50% số vốn đầu tư trong giai đoạn 1).
Nỗi băn khoăn, lo ngại chung của nhiều đại
biểu Quốc hội, các cử tri, các nhà chuyên môn cũng nhưcủa người dân là: mức đầu tư quá lớn, trong khi
khả năng nền kinh tế của ta còn rất yếu. Hậu quả của suy thoái kinh tế vẫn
còn rất nặng nề, các doanh nghiệp vừa mới hồi phục lại chứ chưa đủ mạnh; nợ
công đang rất cao, đạt mức 65% GDP, vào năm 2015 mức trả nợ là 208.000 tỷ
đồng….Đời sống người dân còn rất khó khăn...Rất nhiều lĩnh vục khác đang cấp
thiết cần vốn đầu tư mà còn bế tắc… thì việc lấy từ vốn ngân sách và vốn
vay ODA một khối lượng tiền khổng lồ như thế sẽ làm tăng mạnh gánh nặng nợ
công… Với tình hình đó thì liệu rằng nợ công có còn giữ được mức an toàn hay
không???
Chúng ta đều hiểu rằng:Dù là nguồn vốn nào thì
cũng hướng cả vào Ngân sách Nhà nước mà thôi. Vốn vay ODA cũng không phải là
dễ; nhưng dù có vay được đi nữa thì vốn vay ODA
Chính phủ cũng cho vay lại; Vốn vay của các Tổ chức Tài chính thì cũng
phải có sự bảo lãnh của Nhà nước… Với một khối lượng vốn khổng lồ như thế thì
phương án thu hồi vốn thế nào? Chưa thấy được giải trình?
Trên thực tế, chúng ta đã có nhiều DA lớn,
được thuyết minh với niềm lạc quan và khả năng sáng lạn do hiệu quả DA cao, khả
năng thu hồi vốn nhanh… Tuy nhiên, khi đã thi công dang dở thì vốn phát sinh
rất lớn hết đợt này đến đợt khác mà hiệu quả lại không như tính toán…hậu quả là
những món nợ xấu khổng lồ làm điêu đứng các Ngân hàng và đè oằn vai nền kinh tế…
Ở đây, ai dám yên tâm, chắc chắn, rằng một dự án lớn như DA SBQTLT lại không có
phát sinh. Lúc đó chúng ta sẽ lâm vào tình cảnh “trở đi mắc núi, trở lại mắc
sông”... Ngân sách lúc đó không đủ khả năng chi trả tiếp thì coi như số đã đầu
tư là lãng phí,còn nếu gồng lên đổ tiếp tiền vào thì biết bao hệ lụy sẽ xảy ra.
Chúng ta đã có con đường đắt nhất hành tinh.
Cần phải cân nhắc kỹ, thận trọng, sáng suốt… để không phải xây dựng một sân bay
đắt nhất hành tinh. Các thế hệ con cháu mai sau của chúng ta không phải oằn
lưng trả nợ và oán thán người đi trước...
2.
Băn khoăn về hiệu quả kinh tế:
DA SBQT Long Thành được thuyết minh, xây dựng
theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (2016-2025) đạt công suất 25 triệu
hành khách/ năm và 1.2 triệu tấn hàng hóa/ năm.Giai đoạn 2 (2025-2035) công
suất tăng gấp đôi: 50 triệu HK/ năm và 1.5 triệu tấn HH/ năm. Giai đoạn 3
(2035-2050) công suất thiết kế là 100 triệu HK/năm và 5 triệu tấn HH/năm
Rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học, của đại
biểu Quốc hội và Cử tri băn khoăn, lo lắng về khả năng thực hiện mục tiêu đề
ra, liệu có đạt được công suất thiết kế của DA hay không? Chưa thấy được Chủ
đầu tư giải trình?
Dự toán vốn cho giai đoạn 1 thì đã có nhưng để
tiến hành giai đoạn 2 và 3 số vốn được tính toán cụ thể là bao nhiêu cũng chưa
thấy đưa ra thì làm sao biết được hiệu quả kinh tế cao hay thấp mà dự án
này sẽ đạt. Điều này làm ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng vào một công
trình mà người ta kỳ vọng.
3.
Băn khoăn về khả năng SBQT Long Thànhtrở thành cảng trung chuyển quốc tế.
Một trong những cơ sở để đảm bảo tính hiệu quả
của SBQT Long Thành đạt được kết quả như thiết kế lý thuyết là vai trò trung
chuyển lớn của nó khi đưa vào khai thác. Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều
chuyên gia thì điều này rất khó thực hiện vì trong khoảng 8 năm gần đây số
chuyến bay Quốc tế, hành khách và hàng hóa Quốc tế qua sân bay Quốc tế Tân
Sơn Nhất không tăng, chỉ tăng do vận chuyển nội địa là chủ yếu; vì thế cần
phải căn cứ vào số liệu thực của SB QT
TSN để tính toán cho SB QT Long Thành
mới có thể cho kết quả tin cậy được.
Hơn nữa SBQTLong Thành nằm trong khu vực có
nhiều sân bay trung chuyển hiện đại hơn như: SB Changi (Singapore),
SB Suvarnabhumi (Thái Lan), SB Kuala Lumpur ( Malaysia). Sự cạnh
tranh của SBQTLT với các SB này sẽ thế nào?liệu có cạnh tranh nổi với họ hay
không? Khách du lịch hằng năm đến những SB này rất nhiều, đây là những SB quen
thuộc của họ với tiện nghi hiện đại và phong cách phục vụ rất tốt; việc khách
du lịch có đến SBQTLT để trung chuyển hay không là điều chưa chắc chắn.
Và nếu SBQTLT đón khách du lịch đến Việt Nam thì sẽ có khối lượng khách
là bao nhiêu khi có nhiều sân bay nội địa khác gần với những địa điểm du lịch
của họ hơn là đến SBQT Long Thành
Vì thế công luận rất băn khoăn về khả năng
trung chuyển của SBQTLT, họ muốn được giải thích rõ hơn,những căn cứ chắc chắn
để làm cho SBQTLT trở thành SB trung chuyển với 100 triệu HK/năm
4.Băn
khoăn về tại sao không chọn phương án cải tạo, nâng cấp, mở rộng SBQT TÂN SƠN
NHẤT (có lợi nhiều hơn) mà lại phải xây mới SBQT LONG THÀNH :
Những người lập DA xây dựng SBQTLT cho rằng
không thể cải tạo hay nâng cấp SBQTTSN,vì sẽ tốn kém tới 9,1 tỷ USD, cùng với 641 ha đất phải giải
phóng, di dời 140.000 hộ dân cư… nhiều nhà chuyên môn cho rằng con số này là
chưa thuyết phục bởi vì nó chưa phải là kết quả của một quá trình nghiên cứu
khoa học cụ thể, nghiêm túc… cần phải khảo sát kỹ thực tế, tính toán cụ thể… để
có một kết luận khách quan, đúng đắn.
Thực tế SBQTTSN còn nhiều khả năng cải tạo,
nâng cấp, phát triển để đạt tới con số 60-70-80 triệu KH/năm và tậm chí có
thể cao hơn. Hiện tại SBQTTSN đang dùng gần 160 ha đất để xây
dựng sân golf và còn 650 ha đất do quân đội quản lý sử dụng… Quỹ đất này
hoàn toàn có thể dùng để mở rộng phát triển SBQTTSN theo mục tiêu trong tương
lai. Hơn nữa, trên thế giới cũng đã có nhiều SBQT với diện tích không lớn
mà vẫn đạt hiệu quả kinh tế cao với năng suất vận chuyển lớn như: SB Mumbai (Ấn
Độ) về diện tích chỉ rộng 610 ha nhưng năng suất vận chuyển tới >30
triệu HK (2012). SB Changi (Singapore) với diện tích 1300 ha nhưng đạt công
suất thiết kế là 66 triệu HK/ năm.Hoặc SB Heathrow (Anh quốc) có diện tích chỉ
1200 ha mà đạt năng suất 70 triệu HK (năm 2012).
Như vậy SBQTTSN được nâng cấp phát triển ngang
tầm các SBQT khác là điều khả thi.
5.Băn
khoăn về tác động xã hội của DA SBQT Long Thành chưa được quan tâm đúng mức:
Dự án SBQT Long Thành với quỹ đất 5000 ha sẽ
gây xáo trộn không nhỏ về mặt đời sống xã hội, sẽ tác động mạnh đến cuộc sống
của người dân ở huyện Long Thành (Đồng Nai) và những vùng lân cận khi phải di
dời giải tỏa một cộng đồng dân cư tới 5381 hộ dân với 17.000 nhân khẩu của 6 xã
đã an cư lập nghiệp lâu đời ở vùng này. Đồng thời có hàng vạn công nhân ở các
nông trường cao su trong vùng này cũng phải di chuyển chỗ ở mớitheo công việc mới.
Việc bố trí tái định cư và giải quyết công ăn
việc làm cho hàng vạn người lao động ở đây như thế nào để người dân sau khi
không còn đất đai canh tác , họ có nơi ăn chốn ở, có công ăn việc làm
và ổn định cuộc sống chứ không rơi vào tình trạng tiêu dùng hết số tiền
được đền bù, rồi trở thành người thất nghiệp, hai bàn tay trắng… và sẽ làm khó
khăn phức tạp thêm cho xã hội…
Một DA lớn, với số vốn đầu tư khổng lồ như thể
không thể không có một nghiên cứu nghiêm túc về tác động xã hội của DA để tìm
ra các giải pháp thích hợp, tránh những tổn thất và hệ lụy xã hội có thể
xảy ra…
Những băn khoăn về một diện tích đất nông
nghiệp tới 5000 ha bị thu hồi cho DA cũng khiến người dân không được yên
tâm. Nhiều ý kiến cho rằng một đất nước nông nghiệp mà đất nông nghiệp cứ
ngày càng bị thu hẹp lại do các mục tiêu khác thì nông nghiệp sẽ mất dần lợi
thế… Đất đai là tài sản đặc biệt, là tư liệu sản xuất đặc biệt trong nông
nghiệp, nó không được sản sinh thêm; Vì thế sự lo ngại về nguy cơ đất nông
nghiệp bị thu hẹp là hoàn toàn có căn cứ. Do đó, nếu việc tận dụng được các SB
đã có để cải tao,nâng cấp, phát triển lên… nhằm tiết kiệm chi phí, đặc biệt là
tiết kiệm đất đai nông nghiệp thì đó là một việc làm biết nhìn xa trông rộng
cho đất nước mai sau.
Phải nhìn nhận một cách khách quan
rằng: là người dân, ai cũng muốn đất nước mình phát triển và tiến bộ… Những băn
khoăn lo lắng của các tầng lớp nhân dân, của các nhà khoa học, các đại biểu
Quốc hội hay các cử tri đều là thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước
các sự kiện của nước nhà.
Ý kiến chung cho là: Việc xây dựng SBQT Long
Thành là cần thiết nhưng chưa phải là cấp bách trong thời điểm hiện nay khi nền
kinh tế của ta còn yếu kém, nợ công còn quá cao, đời sống nhân dân còn rất khó
khăn, vả lại chúng ta đang có những lĩnh vực quan trọng hơn cần phải đầu tư như
giáo dục, y tế, quốc phòng… Dự án SBQT Long Thành cần được nghiên cứu kỹ lưỡng,
xem xét cân nhắc một cách thận trọng với tinh thần trách nhiệm cao và suy nghĩ
thật khách quan để trên dưới thuận hòa, quy tụ được lòng dân.
TP. Hồ Chí Minh, tháng 3/ 2015
No comments:
Post a Comment