Monday, March 23, 2015

Không nên xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành

Ngày 21/03/2015, Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON đã tổ chức Hội thảo khoa học “XÂY MỚI SÂN BAY LONG THÀNH HAY NÂNG CẤP SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT” tại Văn phòng Quốc hội phía Nam, 194 Hoàng Văn Thụ, Phường 9, Quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh,       Xin giới thiệu bài viết của Trung tá Lê Trọng Sành Nguyên Phó Ban tác chiến Binh chủng Không quân Nguyên Trưởng phòng Quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất,        

    Quốc Hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 (khoảng tháng 5 năm 2015) sẽ xem xét quyết định chủ trương xây dựng Cảng hàng không Quốc tế (CHKQT) Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
   Xin kiến nghị Quốc hội không nên thông qua Nghị quyết về chủ trương xây dựng CHKQT Long Thành.

Theo công bố của Bộ GTVT, năm 2013 CHKQT TSN đạt hiệu suất 20 triệu khách/năm, đến năm 2020 sẽ đạt 25 triệu khách và sẽ quá tải các năm sau đó.
          Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất được xây dựng từ năm 1933, là CHKQT lớn nhất nước ta, có 2 đường cất, hạ cánh (đường băng), đường lăn, đài chỉ huy mới xây dựng, hơn 40 chỗ đỗ máy bay các loại, nhà ga Quốc tế và Quốc nội có sức chứa 25 triệu khách/năm, nhà máy sửa chữa máy bay A75 vừa được nâng cấp, các kho hàng, kho xăng…
       Trong 30 năm đổi mới vừa qua, hàng ngày sân bay hoạt động nhộn nhịp, bảo đảm an toàn bay khá vững chắc.
       CHKQT TSN đã góp phần tích cực thu hút vốn đầu tư hàng trăm tỉ USD cho khu vực miền Đông Nam Bộ. Nhiều nhà máy lớn mọc lên, bảo đảm công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.
       Một CHKQT hoạt động bay tốt đến như vậy, thế mà tại Hội thảo về Dự án xây dựng CHKQT Long Thành tại Hà Nội tháng 7 năm 2013, Chủ đầu tư nói rằng đến năm 2030 khi CHKQT Long Thành đi vào hoạt động sẽ thay thế hoàn toàn CHKQT TSN.
      Bộ chính trị đã quyết định xây dựng TP. HCM là siêu đô thị, trung tâm kinh tế của cả nước. HĐND TP.HCM đã quyết định xây dựng Sở du lịch thành phố, ngành này phấn đấu năm 2014 đạt doanh thu 94.000 tỉ đồng. Hàng năm thành phố nộp vào ngân sách quốc gia 30%. Đây là số vốn rất quí báu trong lúc kinh tế nước nhà còn rất nhiều khó khăn. Một thành phố lớn như TP. HCM nếu không có CHKQT, thu ngân sách sẽ giảm sút nặng nề, gây bất lợi về nhiều mặt: Kinh tế, Văn hóa, Xã hội, An ninh Quốc phòng… Cho toàn khu vực Nam bộ.
      Nếu ngay từ năm 2015, Quốc hội quyết định nâng cấp CHKQT TSN, đầu tư khoảng gần 2 tỷ USD, xây một nhà ga Quốc tế 20 triệu khách, một đường lăn, khoảng 50 chỗ đỗ máy bay tại khu vực gần 200 ha đất ở phía bắc đường băng (nơi có sân Golf 157 ha) thì trước mắt có thể nâng cấp đạt công suất ít nhất 50 triệu khách/năm, về sau còn có thể nâng cấp lên 80 triệu  khách/năm.

       Bộ GTVT căn cứ  vào tư vấn xây dựng sân bay của Công ty nước ngoài, kết luận nếu nâng cấp và mở rộng CHKQT TSN phải cần đến 5000 ha đất, chi phí khoảng 9,1 tỷ USD là hoàn toàn xa rời thực tế. TS Nguyễn Bách Phúc nói rằng chỉ cần đầu tư gần 2 tỷ USD là đủ.

Nếu sau này, khi CHKQT TSN quá tải, chỉ cần đầu tư thêm khoảng 2 tỷ USD, nâng cấp và mở rộng sân bay Biên Hòa, nơi đã có sẵn 2 đường băng, đường lăn, sân đỗ máy bay, kho hàng, kho xăng… thì CHKQT Biên Hòa có thể đạt ít nhất 15 triệu khách/năm, san sẻ bớt gánh nặng cho CHKQT TSN. Như vậy ở miền Đông Nam bộ sẽ có 2 CHKQT lớn là TSN và Biên Hòa, có thể đạt gần 100 triệu khách/năm.
      Có người nói sân bay Biên Hòa nhiễm Dioxin nặng, không thể xây dựng thành sân bay dân sự. Nhưng thực tế 40 năm qua nơi đây các đơn vị Không quân vẫn làm việc, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu tốt, một nhà máy lớn sửa chữa máy bay Trực thăng, hàng vạn Dân sống quanh đây vẫn an toàn. Bộ Quốc phòng đã khảo sát kĩ, sẽ tổ chức khử hết Dioxin, với chi phí khoảng 300 triệu USD.
      Một số cán bộ cao cấp Quân đội nói rằng cần ưu tiên sân bay Biên Hòa cho nhiệm vụ quân sự bảo vệ bầu trời phía Nam. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc trước đây, Không quân và Hải quân Mỹ có lúc sử dụng 4 tàu chở máy bay ở Biển đông, 5 sân bay lớn ở Thái Lan: Tắc Li, Cò Rạt, Ubon,Udon, có sân bay Utapao có thể sử dụng máy bay B52. Chúng đánh phá ác liệt ngày đêm, năm 1972 tổ chức chiến dịch dùng B52 đánh vào thủ đô Hà Nội, nhưng không thể tiêu diệt được lực lượng phòng không nhân dân miền Bắc.
      Ngày nay khu vực tác chiến chủ yếu ở biển đông, nơi có các quần đảo lớn Trường Sa, Hoàng Sa…Ta đã có sẵn các sân bay quân sự lớn ở Thành Sơn (Phan Rang), Biên Hòa. Khi cần cho chiến đấu ta sử dụng thêm các sân bay Cam Ranh, Côn Đảo, Cần Thơ, Phú Quốc… Ở miền Trung đã xây dựng thành công CHKQT Đà Nẵng dùng chung cho quân sự thì ở Biên Hòa cũng có thể xây dựng được như thế.
      Kết nối TP. Biên Hòa và TP. HCM đã có sẵn 2 đường ô tô lớn (1 qua Suối Tiên, 1 qua Đồng Nai), có đường sắt Bắc Nam, đang chuẩn bị khởi công đường tàu điện ngầm Bến Thành Suối Tiên (gần Biên Hòa). Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, có cán bộ GTVT đề nghị vay tiền xây dựng đoạn đường sắt TP. HCM – Long Thành là không hợp lý.
      Nếu ta tổ chức khai thác có hiệu quả 2 CHKQT ở đồng bằng sông Cửu Long là Cần Thơ và Phú Quốc có thể đạt ít nhất 15 triệu khách/năm.
      Ở miền Nam Trung bộ có cả 2 CHKQT Cam Ranh và Liên Khương, tổ chức khai thác tốt có thể đạt hiệu suất ít nhất 15 triệu khách/năm. Như vậy 4 CHKQT Cam Ranh, Liên Khương, Cần Thơ, Phú Quốc có thể đạt 30 triệu khách/năm, không những giảm bớt việc quá tải ở CHKQT TSN mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu qua đường hàng không các loại thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long, hoa tươi rau ngon ở vùng Tây Nguyên.
      Qua phân tích trên đây, ở phía Nam đất nước chỉ cần nâng cấp 6 CHKQT: TSN, Biên Hòa, Cam Ranh, Liên Khương, Cần Thơ, Phú Quốc, thì có thể đạt trên 100 triệu khách/năm. Tổng số vốn đầu tư nâng cấp cho 6 CHKQT này chỉ khoảng 5 tỷ USD.
       Quyết định không xây dựng CHKQT Long Thành, chúng ta có thể tiết kiệm khoảng 18,7 tỷ USD – 6 tỷ USD = 12,7 tỷ USD và 5000 ha đất, nhiều ngàn hộ dân ở 6 xã thuộc huyện Long Thành không phải lo tái định cư, được an cư lạc nghiệp.
       Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII sẽ xem xét quyết định chủ trương xây dựng CHKQT Long Thành hay không. Nếu Quốc hội quyết định thông qua chủ trương đầu tư, thì kỳ hop thứ 10 cuối năm 2015 sẽ xem xét dự án tiền khả thi. Đúng lúc đó Quốc hội khóa XIII cũng sẽ hết nhiệm kỳ.
    Kinh tế đất nước đang khó khăn, nợ công đã lên đến 80 tỷ USD, việc quyết định một dự án với số vốn lớn hơn 18 tỷ USD,  nên dành cho Quốc hội khóa XIV xem xét quyết định, chịu trách nhiệm trước Nhân dân cả nước.

                                                         


No comments:

Post a Comment