Ngày
21/03/2015, Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON đã
tổ chức Hội thảo khoa học “XÂY MỚI SÂN BAY LONG THÀNH HAY NÂNG CẤP SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT”
tại Văn phòng Quốc hội phía Nam,
194 Hoàng Văn Thụ, Phường 9, Quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh, Xin giới
thiệu bài viết của PGS TS Nguyễn Thiện Tống Chủ tịch Chi hội Hàng không thuộc Hội Tư vấn HASCON Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không trường ĐH Bách Khoa TP HCM,
Việc xây dựng sân bay Long Thành sẽ
đưa đến việc khai tử sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), không sớm thì muộn, sau một thời
gian hạ thấp vai trò TSN xuống thành sân bay phụ nội địa. Việc này là một sai lầm
hết sức nghiêm trọng vì bằng chứng lịch sử cận đại trên thế giới cho thấy sự
phát triển đô thị lớn thành trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, dịch vụ
và du lịch đi đôi với sự phát triển sân bay của đô thị đó thành trung tâm hàng
không lớn của khu vực.
Lập luận cho rằng sân bay lớn phải
dời xa trung tâm thành phố là không đúng và không có cơ sở vững chắc. Thực sự
có đến 29 trong số 100 sân bay lớn đông khách nhất thế giới năm 2011 chỉ cách
trung tâm thành phố từ 10 km trở xuống.
Một trong các lý do quan trọng nhất
mà những người chủ trương xây dựng sân bay Long Thành đưa ra là sân bay Tân Sơn
Nhất sẽ bị quá tải, vượt năng suất thiết kế 25 triệu khách/năm vào năm 2020 và
việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất tốn kém hơn việc xây dựng sân bay Long Thành.
Phân tích sau đây cho thấy Tp Hồ
Chí Minh không thể thiếu sân bay lớn Tân Sơn Nhất và diện tích hiện hữu 1500 ha
của TSN cần được khai thác sử dụng
một cách hợp lý và nếu cần chỉ mở rộng thêm rất ít để tăng chiều dài đường băng
vài trăm mét thì sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn có thể tăng năng suất lên trong
khoảng 60 đến 100 triệu khách/năm nhằm đáp ứng nhu cầu hàng không khu vực trong
trong 50 năm tới hay hơn nữa, và chắc chắn việc phát triển TSN sẽ rất ít tốn
kém so với việc xây dựng sân bay Long Thành.
Tp Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế
tài chánh thương mại lớn nhất của Việt Nam cần phát triển và giữ vững vị trí
trung tâm hàng không lớn nhất nước của Tân sơn Nhất
Lịch sử cho thấy sự hình thành và
phát triển những thành phố lớn trên thế giới luôn luôn tùy thuộc vào vị trí
quan trọng của chúng trên con đường giao thông buôn bán. Đường giao thông bao gồm
cả đường thủy và đường bộ, nhưng ngày nay người ta sử dụng giao thông đường
hàng không nhiều nhất và thành phố lớn gắn liền với trung tâm hàng không lớn.
Những ví dụ quá hiển nhiên là các thành phố lớn nổi tiếng thế giới như London,
Singapore, Hồng Kông, Tokyo, New York... Chúng đều có những trung tâm hàng
không với những sân bay lớn đông khách.
Ở Việt Nam sự phát triển mạnh mẽ
của Tp Đà Nẵng trong 50 năm qua cũng nhờ có sân bay Đà Nẵng. Tp Hồ Chí Minh có lịch sử phát triển lâu dài và
có thời được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông cũng nhờ sự đóng góp to lớn của
sân bay Tân Sơn Nhất.
Sự phát triển của thành phố lớn với
hoạt động kinh tế, tài chánh, thương mại, dịch vụ, du lịch... tạo ra nhu cầu đi
lại bằng đường hàng không và sự thuận tiện cho khách đi lại qua các đường bay
liên kết với trung tâm hàng không giúp phát triển thành phố lớn. Thành phố lớn
và trung tâm hàng không của nó phát triển cùng nhau.
Vì thế việc dời trung tâm hàng
không đến nơi xa thành phố lớn chẳng những làm thiệt hại cho thành phố về kinh
tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, du lịch... mà còn làm cho trung tâm hàng
không mới đó bị thiệt hại vì nhu cầu sẽ giảm đáng kể do sự cách xa trung tâm
thành phố. Đó là chưa kể nhân lực trình độ cao phục vụ cho trung tâm hàng không
đó sẽ không dễ di dời theo và vùng nông thôn được chọn làm nơi xây dựng sân bay
mới không có khả năng cung cấp nguồn nhân lực đó.
Dự án xây dựng sân bay Long Thành
ở Đồng Nai nhằm khai tử sân bay Tân Sơn Nhất hay cho sống tạm một thời gian với
vai trò sân bay phụ nội địa chẳng những gây thiệt hại cho Tp Hồ Chí Minh mà còn
cho cả nước, cho cả chính ngành hàng không Việt Nam, nhất là khi Long Thành
không có triển vọng trở thành sân bay trung chuyển quốc tế.
Việt Nam hiện có nhiều sân bay quốc
tế nhưng TSN là cổng chính của đường hàng không quốc tế đến Việt Nam để đưa đón
khách vào thành phố lớn nhất nước mà con đường từ TSN đến trung tâm thành phố
qua cầu Nguyễn Văn Trỗi và dinh Thống Nhất đã được đầu tư sửa chữa làm đẹp cho
mặt tiền của thành phố. Sân bay Long Thành ở Đồng Nai không thể nào là cổng
chính của đường hàng không quốc tế vào Việt Nam mà cũng không đưa khách đi vào
hướng mặt tiền đẹp đẽ đó của TpHCM được.
Trên
thế giới có rất nhiều sân bay lớn trong trung tâm thành phố
Một lập luận được những người chủ
trương xây dựng sân bay Long Thành đưa ra mà nghe có vẻ dễ thuyết phục là sân
bay TSN trước đây thuộc khu vực ngoại thành, nay thành phố phát triển làm cho
TSN lọt vào nội thành cho nên cần phải di dời ra xa trung tâm thành phố tương tự
như cách xây dựng và phát triển sân bay lớn của các nước khác.
Ngày 12-12-2013 tại kỳ họp Hội đồng
nhân dân TpHCM, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Lê Hoàng Quân có nói rằng “Hiện nay
trên thế giới có rất ít sân bay nằm trong nội thành, còn sân bay TSN chỉ cách
trung tâm thành phố 13 km đường bộ và 5 km đường chim bay. Đó là chưa kể việc hằng
ngày máy bay lên xuống gây tiếng ồn cho nhà dân và ảnh hưởng nhiều vấn đề khác,
nhất là những máy bay có khối lượng lớn lên xuống trên hệ thống nhà dân là
không an toàn, cho nên cần phải di chuyển, sắp xếp lại”.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải
Phạm Quý Tiêu cũng đã nói vào cuối năm 2013 rằng “Trên thế giới không sân bay
nào quy mô trên 10 triệu khách lại nằm trong thành phố cả”. Khi điều này được
nói ra bởi những người có chức vụ lớn thì người dân dễ tin. Khi có một nỗ lực
tuyên truyền cho điều đó thì dần dần có nhiều người dân tin hơn.
Tuy nhiên nói như thế là không có
căn cứ, không đúng sự thật. Chỉ cần nêu một số sân bay nỗi tiếng sau đây cũng đủ
để phủ nhận điều nói trên. Sân bay Schiphol có 52,5 triệu khách năm 2013 cách
trung tâm thủ đô Amsterdam của Hà Lan 9 km. Sân bay McCarran có 41,9 triệu
khách cách trung tâm thành phố Las Vegas ở Mỹ 8 km. Sân bay Madrid có 39,7 triệu
khách chỉ cách trung tâm thủ đô của Tây Ban Nha 9 km. Sân bay Kingsford Smith
có 37,9 triệu khách cách trung tâm thành phố Sydney ở Australia 7 km. Sân bay
Ninoy Aquino có 32,9 triệu khách cách trung tâm thủ đô Manila của Philippines 7
km. Sân bay Benito Juarez có 31,5 triệu khách chỉ cách trung tâm thủ đô của
Mexico 5 km. Sân bay Logan có 30,2 triệu khách chỉ cách trung tâm thành phố
Boston ở Mỹ 4,8 km.
Ở các nước tiên tiến vấn đề tiếng
ồn mà dân cư ở khu vực sân bay phải chịu đựng được giảm bớt bằng cách hạn chế
giờ bay vào giữa khuya. Mặt khác tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng làm giảm tiếng ồn
của động cơ phản lực để ở khoảng cách 700 m nó chỉ bằng với tiếng ồn của ô tô ở
khoảng cách 10 mét. Chủ tịch TpHCM Lê Hoàng Quân chỉ bằng cảm tính mới cho rằng
“những máy bay có khối lượng lớn lên xuống trên hệ thống nhà dân là không an
toàn”, chứ thực tế trong hơn nửa thế kỷ qua những máy bay lớn hoạt động rất an
toàn ở hàng trăm hàng ngàn sân bay trên thế giới, trong đó rất nhiều sân bay
trong thành phố.
Thật ra có đến 29 trong số 100
sân bay đông khách nhất thế giới năm 2011 mà có khoảng cách đến trung tâm thành
phố từ 10 km trở xuống. Sân bay Tân Sơn Nhất cách trung tâm thành phố 6 km nên ở
trong nhóm này. Khi khoảng cách đó là từ 15 km trở xuống thì có 46 sân bay,
trong đó có sân bay Hartsfield Jackson đông khách nhất thế giới năm 2013 với
trên 94 triệu khách chỉ cách Thành phố Atlanta ở Mỹ 11 km, và những sân bay khác
như Orly của Paris ở Pháp, Hồng Kiều của Thượng Hải ở Trung Quốc, Haneda của
Tokyo ở Nhật, Gimpo của Seoul ở Hàn Quốc... Khi khoảng cách đó là từ 20 km trở
xuống thí có đến 58 sân bay. Chỉ có 8 sân bay cách trung tâm thành phố từ 40 km
trở lên.
Như thế việc TSN ở vị trí như hiện
nay là bình thường và hợp lý như 29 sân bay lớn trên thế giới nên không vì lý
do gì như tiếng ồn và an toàn để phải di chuyển sân bay ra khỏi thành phố cả.
Trong khi dó Long Thành cách trung tâm thành phố trên 40 km như nhóm 8 sân bay ở
xa thành phố nhất trên thế giới.
Khoảng cách đến trung tâm thành phố của 100 sân bay
đông khách nhất thế giới năm 2011
Khoảng cách
|
SL
|
Sân bay
|
Từ 3,5 km đến 5 km
|
11
|
Jeju, Dubai,
Fukuoka, Logan, Phoenix Sky Harbour, Washington, San Diego,Benito Juarez,
Doha, New Chitose, Fort Launderdale.
|
Trên 5 km đến 10 km
|
18
|
Salt Lake
City, Kingsford-Smith, Ninoy Aquino, Dusseldorf, McCarran, Berlin, Palma de
Mallorca, Copenhagen, Sao Paulo, Schiphol, Madrid,
Orlando, Tampa, Lisbon, LaGuardia, Dublin, Xiamen, Cao Khi, Charlotte
Douglas.
|
Trên 10 km đến 15 km
|
17
|
Hartsfield
Jackson, Brussels, Philadelphia, Frankfurt, Barcelona, Miami, Orly, Atalya,
Zurich, Hồng Kiều Thượng Hải, Chicago Midway, Manchester,
Haneda, Gimpo, Brasilia, Bogota.
|
Trên 15 km đến 20 km
|
12
|
Indira Gandhi,
Song Lưu, Minneapolis, Baltimore, Changi, Helsinki, Vienna, Brisbane, John F.
Kennedy, Jeddah, Soekarno-Hatta, Rio de Janeiro.
|
Trên 20 km đến 25 km
|
13
|
Seattle-Tacoma,
Auckland, San Francisco, Tampo, Heathrow, Toronto, Tullamarine, Trường Thủy
(Vu Gia Bá), Newark, Istanbul,
Guarulhos, Suvarnabhumi, Charles de Gaulle.
|
Trên 25 km đến 30 km
|
8
|
Los Angeles,
Chicago O’Hare, Tiêu Sơn Hàng Châu, Bạch Vân Quảng Châu, Munich,
Sheremetyevo, Chhatrapati Shivaji, Phố Đông.
|
Trên 30 km đến 35 km
|
8
|
Bảo An, Bắc
Kinh, Dallas/Fort, Detroit, Hong Kong, Athens, Riyadh, Fiuminicino.
|
Trên 35 km đến 40 km
|
5
|
George Bush,
Denver, Taiwan Taoyuan, Milano Malpensa.
|
Trên 40 km đến 60 km
|
8
|
Moscow,
Washington Dulles, Gatwick, Icheon, Oslo, Stanted, Narita, Kuala Lunpur.
|
Năng suất sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay là 30 triệu
khách/năm nên không thật sự quá tải
Việc
tính toán năng suất sân bay tùy vào nhiều yếu tố, tuy nhiên ba yếu tố quan trọng
nhất về cơ sở vật chất có vai trò quyết định, đó là đường băng cất hạ cánh, sân
đỗ máy bay và nhà ga phục vụ hành khách.
Trước năm 2007, khi nhà ga quốc tế
và nhà ga nội địa của TSN còn sử dụng chung cơ sở vật chất trên diện tích của
nhà ga nội địa hiện nay, năng suất thiết kế của sân bay Tân Sơn Nhất là 15 triệu
khách/năm. Sau khi khánh thành nhà ga quốc tế mới với năng suất 15 triệu
khách/năm vào giữa tháng 8 năm 2007, toàn bộ nhà ga quốc tế cũ và nhà ga nội địa
cũ được nhập lại thành nhà ga nội địa mới, có thể phục vụ 10 triệu khách/năm,
thì tổng năng suất của cả hai nhà ga là 25 triệu khách/năm. Cuối năm 2011, nhà
ga nội địa được nâng cấp và mở rộng nhằm tăng năng suất lên khoảng 15 triệu
khách/năm thì tổng năng suất cả hai nhà ga của sân bay Tân Sơn Nhất là 30 triệu
khách/năm.
Như thế năng suất thiết kế của
TSN không phải là một con số cố định mà đã thay đổi nhiều lần và tăng gấp đôi
trong thời gian từ 2007 đến 2011, và việc “tắc nghẽn” dưới mặt đất được giải
quyết chủ yếu bằng cách xây thêm sân đỗ máy bay và nhà ga phục vụ hành khách.
Năng suất sân bay Tân Sơn Nhất hiện
nay bị hạn chế vì lý do “tắc nghẽn vùng trời”?
Tuy nhiên ông Lại Xuân Thanh - Cục
trưởng Cục Hàng không VN - cho rằng vấn đề chính là “tắc nghẽn vùng trời” sân
bay và đường băng. Theo ông Thanh, TSN có hai đường băng nhưng không thể hoạt động
hết “công suất”, vào giờ cao điểm cũng chỉ phục vụ được 29 chuyến/giờ và các
chuyến bay lên xuống ở TSN hoàn toàn phụ thuộc vào việc phía không quân cho sử
dụng linh hoạt vùng trời bay qua sân bay Biên Hòa.
Nếu việc “tắc nghẽn vùng trời” là
do năng lực hạn chế của đài không lưu thì cần đầu tư để tăng năng lực điều khiển
không lưu lên. Vùng không gian trên bầu trời được phân chia theo độ cao, theo
khu vực, theo thời gian để điều hành chung từ một đài chỉ huy không lưu để hướng
dẫn máy bay theo những “xa lộ trên trời” sao cho chúng không bay gần nhau,
tránh nguy cơ va chạm nhau khi có nhiều máy bay cùng lúc trong vùng trời sân
bay. Với sự hỗ trợ của ra đa hiện đại và các phần mềm máy tính, việc điều khiển
không lưu ngày nay không còn khó khăn như trước nữa. Các sân bay lớn trên thế
giới đều có khả năng điều khiển không lưu cho 1.500 chuyến đến 2.000 chuyến mỗi
ngày, lúc cao điểm có thể lên đến 60 chuyến mỗi giờ. Mặt khác các máy bay đi và
đến sây bay phải tuân theo kế hoạch của lịch cất và hạ cánh chứ không tùy tiện
như ở giao thông đường bộ cho nên không có chuyện “ùn tắc trên trời”.
Nếu việc “tắc nghẽn vùng trời” là
do phía không quân chỉ cho sử dụng một vùng không gian hạn chế thì cần biện
pháp phối hợp chặt chẽ giữa phía quân sự và dân sự trong việc khai thác sử dụng
chung tài nguyên vùng trời và đất sân bay
một cách hiệu quả vì lợi ích chung của quốc gia.
Đường băng cất hạ cánh của sân bay
Tân Sơn Nhất chưa được khai thác hết năng suất
Trong
khi sân bay Nội Bài có hai đường băng cất hạ cánh song song với chiều dài 3.200
m và 3.800 m, cách nhau chỉ 250 m thì sân bay Tân Sơn Nhất có hai đường băng
cất hạ cánh song song với chiều dài 3.050 m và 3.800 m, cách nhau 365 m, đảm
bảo cho các máy bay lớn như B747-400 và A340-600 cất hạ cánh an toàn.
Sân bay quốc tế Mumbai ở Ấn Độ với 2 đường băng cất hạ cánh dài 2.990 m và 3.660 m ngắn hơn
của TSN mà vào năm 2013 có 260 ngàn
chuyến bay và năng suất thực tế là 32 triệu khách, trong khi năng suất thiết kế
cho năm 2014 là 40 triệu khách/năm. Hai đường băng này đã được nâng cấp để có
khả năng tiếp nhận máy bay lớn như A380.
Sân
bay Soekarno-Hatta
ở Jakarta, Indonesia với 2 đường băng cất hạ cánh đều dài 3.600 m mà năm 2013 có 370
ngàn chuyến bay và năng suất thực
tế gần 60 triệu khách. Sân bay Heathrow ở
London, Anh Quốc với 2 đường băng cất hạ cánh dài 3.660 m và 3.900 m mà vào năm
2013 có 472
ngàn chuyến bay và năng suất thực tế
trên 72 triệu khách.
Theo
số liệu của NGTK, tần suất bay ở Tân Sơn Nhất vào năm 2013 chỉ là 140 ngàn
chuyến, bằng 54% của sân bay Mumbai, bằng 38% của sân bay Soekarno-Hatta
và chỉ bằng 30% của sân bay Heathrow.
Do
đó năng suất sân bay Tân Sơn Nhất có thể tăng gấp 1,9 lần nếu tần suất bay bằng
với sân bay Mumbai, hay có thể tăng gấp 2,6 lần nếu tần suất bay bằng với sân
bay Soekarno-Hatta,
và có thể tăng gấp 3,4 lần nếu tần suất
bay bằng với sân bay Heathrow.
Do
đó căn cứ vào khả năng đường băng thì năng suất sân bay Tân Sơn Nhất có thể
tăng lên bằng cách tăng số chuyến bay từ 1,9 đến 3,4 lần so với hiện nay để
tình trạng quá tải không xãy ra. Mặt khác, việc quá tải của Sân bay Tân Sơn
Nhất, nếu có, là vào thời gian cao điểm trong năm như dịp Tết và chủ yếu ở khâu
sân đỗ máy bay và nhà ga phục vụ hành khách, phần lớn thời gian còn lại thì các
chuyến bay khá thưa thớt với thời gian đường băng để trống rất nhiều.
Diện tích sân bay Tân Sơn Nhất có
thể khai thác để tăng năng suất
Trên
thế giới có nhiều sân bay với diện tích nhỏ nhưng năng suất cao.
Sân
bay quốc tế Mumbai ở Ấn Độ với diện tích 610 ha có năng suất thực tế năm 2013
là 32 triệu khách. Sân bay này có dự án tăng diện tích lên 800 ha để năm 2014
có năng suất thiết kế 40 triệu khách/năm, bình quân 5,0 triệu khách/năm trên
100 ha diện tích sân bay. Sân bay Barcelona ở Tây Ban Nha vào năm 2009 với diện
tích 845 ha có năng suất thiết kế là 55 triệu khách/năm, bình quân 6,5 triệu
khách/năm cho 100 ha. Vào năm 2012 sân bay này với diện tích mở rộng lên đến
1.533 ha thì có năng suất thiết kế là 70 triệu khách/năm, bình quân 4,6 triệu
khách/năm cho 100 ha.
Sân
bay Changi ở Singapore với diện tích 1.300 ha có năng suất thiết kế là 66 triệu
khách/năm, bình quân 5,1 triệu khách/năm trên 100 ha. Sân bay Heathrow ở London, Anh Quốc với diện tích 1.200 ha có năng
suất thực tế năm 2013 là 72 triệu khách, bình quân 6 triệu khách/năm trên 100
ha. Sân bay Fiuminicino
ở Rome
với diện tích 1.500 ha mà có năng suất thiết kế cho năm 2044 là 100 triệu
khách/năm, bình quân 6,7 triệu khách/năm trên 100 ha diện tích sân bay.
Như
thế với diện tích 850 ha hiện nay của sân bay Tân Sơn Nhất, nếu lấy mức năng
suất bình quân từ 5 đến 6,5 triệu khách/năm cho 100 ha như của Mumbai và
Barcelona thì năng suất thiết kế của Tân Sơn Nhất có thể từ 42 đến 55 triệu
khách/năm.
Nếu
mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để có diện tích 1.200 ha và nếu lấy mức năng suất
bình quân từ 5,1 đến 6 triệu khách/năm cho 100 ha như của Changi và Heathrow
thì năng suất thiết kế của Tân Sơn Nhất có thể từ 61 đến 72 triệu khách/năm.
Nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để có diện tích 1.500 ha và lấy mức năng suất
bình quân từ 4,6 đến 6,7 triệu khách/năm cho 100 ha như của Barcelona năm 2012
và của Fiuminicino dự kiến năm 2044 thì năng suất thiết kế của Tân Sơn Nhất có
thể từ 69 đến 104 triệu khách/năm.
Tổng
diện tích sân bay của Tân Sơn Nhất hiện nay là 1.500 ha tính chung cả phần dân
sự và quân sự, do đó việc mở rộng sân bay TSN không nhất thiết cần phải tốn
nhiều tiền đền bù giải tỏa cho các hộ dân bên ngoài sân bay hiện nay, nếu có
thỉ chỉ một phần nhỏ cho việc tăng chiều dài đường băng cất hạ cánh lên vài
trăm mét nữa thôi.
Sân bay Tân Sơn Nhất có khả năng
tăng năng suất lên từ 60 đến 100 triệu khách/năm
Khi
kết hợp giữa việc tăng số chuyến bay lên gấp 2 đến 3,4 lần hiện nay và mở rộng
diện tích sân bay lên 1.200 ha, năng suất thiết kế của sân bay Tân Sơn Nhất có
thể đạt từ 60 đến 70 triệu khách/năm. Nếu sử dụng toàn bộ diện tích hiện nay
của TSN để mở rộng diện tích sân bay dân sự lên 1.500 ha, năng suất thiết kế của
sân bay Tân Sơn Nhất có thể đạt mức 100 triệu khách/năm.
Hai
đường băng cất hạ cánh song song của Tân Sơn Nhất hiện nay có chiều dài 3.050 m
và 3.800 m, nếu được nâng cấp để có chiều dài 3.600 m và 4.000 m, thì chúng đủ
khả năng đảm bảo cho các máy bay lớn như A380 cất hạ cánh an toàn. Diện tích
cần mở rộng thêm mà phải đền bù giải tỏa sẽ rất ít.
Lập luận cho rằng việc mở rộng
sân bay Tân Sơn Nhất tốn kém hơn xây dựng sân bay Long Thành là loại lập luận
mơ hồ để đánh lừa công chúng, vì kết quả tính toán đó đã chỉ nhằm minh họa cho
chủ trương xây dựng sân bay Long Thành mà thôi chứ đó không phải là kết quả
nghiên cứu tính toán một cách khách quan của những nhà chuyên môn có trách nhiệm.
Nếu
nghiên cứu tính toán đúng các biện pháp, như xây dựng thêm
sân đỗ máy bay và nhà ga phục vụ hành khách,
nâng cấp đường băng cất hạ cánh, mở rộng diện tích một cách hợp lý và vừa phải ở mức 1.200 đến 1.500 ha, thì sân bay Tân Sơn Nhất
hoàn toàn có thể tăng năng suất lên trong khoảng 60 đến 100 triệu khách/năm
nhằm đáp ứng nhu cầu hàng không khu vực trong hàng chục năm tới, đến năm 2060
hay hơn nữa, và chắc chắn việc mở rộng này sẽ rất ít tốn kém so với việc xây
dựng sân bay Long Thành với diện tích 5.000 ha.
Tài nguyên đất sân bay và bầu trời
cần được khai thác sử dụng chung giữa quân sự và dân sự vì lợi ích chung của
quốc gia
Sân bay Tân Sơn Nhất được người
Pháp bắt đầu xây dựng vào năm 1930. Chuyến bay đầu tiên từ Paris đến sân bay
Tân Sơn Nhất đã được thực hiện vào năm 1933. Vào năm 1975, diện tích quỹ đất nằm
trong hàng rào sân bay Tân Sơn Nhất rộng khoảng 2.500 ha. Hiện nay tổng diện
tích TSN chỉ còn 1,500 ha, trong đó 850 ha được sử dụng cho hàng không dân dụng,
phần còn lại 650 ha do quân sự quản lý mà lại cho xây dựng khu sân golf và dịch
vụ với quy mô gần 160 ha.
Trong
khi sân bay dân dụng thiếu diện tích để mở rộng thêm nhà ga và sân đỗ máy bay
thì gần 160 ha đất sân bay do quân sự quản lý lại cho doanh nghiệp tư nhân xây
dựng khu sân golf và dịch vụ. Quốc Hội cần thanh tra kiểm tra việc sử dụng dất
sân bay sai mục đích này trước khi quyết định việc có nên xây dựng sân bay Long
Thành hay không.
Đất
sân bay và bầu trời là tài nguyên quốc gia dù thuộc bên quân sự hay dân sự quản
lý thì cũng phải được sử dụng cho đúng mục đích của sân bay và vì lợi ích chung
của quốc gia. Vì thế khi sân bay dân sự cần diện tích để mở rộng thì cần ưu
tiên xem xét việc sử dụng phần đất sân bay do quân sự quản lý trước khi xem xét
việc sử dụng diện tích bên ngoài sân bay đang có dân cư ngụ.
Sân
bay Đà Nẵng được sử dụng chung cho cả dân sự và quân sự. Tương tự như thế sân
bay Tân Sơn Nhất và Biên Hòa cũng cần trở thành sân bay hỗn hợp quân sự và dân
sự.
Trên
thế giới có rất nhiều sân bay được sử dụng chung như thế để mang lại hiệu quả
kinh tế lớn hơn vì mức độ sử dụng cho hoạt động quân sự rất ít.
Chẳng
hạn sân bay Phoenix Sky Harbour ở bang Arizona, sân bay Charlotte Douglas ở
bang North Carolina, sân bay Miami ở bang florida của Hoa Kỳ, sân bay
Soekarno-Hatta ở Jakarta của Indonesia là những sân bay hỗn hợp quân sự và dân
sự. Sân bay Miami có 40 triệu khách năm 2013 với 388 ngàn chuyến bay, trong đó
số chuyến bay của quân sự chỉ chiếm 1%.
Do
đó sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Biên Hòa cần được tổ chức lại thành cụm sân
bay Tân Sơn Nhất – Biên Hòa để tất cả quỹ đất hiện nay của hai sân bay cũng như
vùng trời được khai thác sử dụng chung cho hoạt động hàng không dân sự và quân
sự để vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa bảo đảm an ninh quốc phòng cho TpHCM và
cho cả nước.
Tóm lại khi 1.500 ha dất sân bay
được sử dụng chung cho hoạt động hàng không dân dụng và quân sự để sân bay TSN
có khả năng tăng năng suất hàng không lên từ 60 triệu đến 100 triệu khách/năm
thì việc duy trì và phát triển sân bay này ở TpHCM là hết sức hợp lý tương tự
như nhiều sân bay lớn khác ở gần trung tâm thành phố trên thế giới. Sân bay TSN
và sân bay Biên Hòa cần được tổ chức lại thành cụm sân bay hỗn hợp dân sự -
quân sự Tân Sơn Nhất – Biên Hòa để mang lại hiệu quả kinh tế và bảo đảm an ninh
quốc phòng cho đất nước.
No comments:
Post a Comment