Cần đề cao vai trò tổ chức công đoàn
ĐBQH Đặng Ngọc Tùng (Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam) đề nghị luật này phải đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội, Luật LĐ và đặc biệt là các công ước của ILO mà VN đã phê chuẩn. Thời gian vừa qua, có tình trạng khi xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ) ở cơ sở thì người sử dụng lao động tìm cách giấu giếm, giải quyết ổn thoả TNLĐ đó, không báo cáo cơ quan chức năng. Do đó, đề nghị cho CĐCS tham gia vào đoàn điều tra tai nạn ở cơ sở đó. 
Khi ở cơ sở xảy ra tai nạn chết người thì trách nhiệm của CĐCS là thông báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước biết, để thực hiện trách nhiệm điều tra. "Về Điều 84, không hiểu sao ban soạn thảo lại đưa câu các tổ chức đại diện tập thể lao động, mà chúng ta nên đưa thẳng vào đây là công đoàn chứ không nên đưa các tổ chức đại diện" - ông Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh.
Về Điều 90, khoản 4 có ghi "công đoàn tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ", ông Đặng Ngọc Tùng đề nghị nên sửa thành "công đoàn nghiên cứu, đào tạo, sử dụng ứng dụng khoa học công nghệ vào an toàn lao động, bảo hộ lao động" bởi trên thực tế, trong suốt 40 năm qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam làm rất tốt chuyện nghiên cứu về an toàn lao động, bảo hộ lao động; đặc biệt, chỉ có hai trường của hệ thống CĐ là ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Công đoàn có khoa đào tạo an toàn lao động, hằng năm đưa ra một số kỹ sư bảo hộ lao động rất tốt, các sinh viên khoa này chưa tốt nghiệp, các doanh nghiệp đã mời vào làm việc… 

ĐBQH Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN phát biểu tại hội trường. Ảnh: KỲ ANH
Đồng quan điểm, ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, Tổng LĐLĐ Việt Nam làm rất tốt công việc bảo vệ an toàn lao động, vì vậy, trong khoản 3 Điều 90 nên bỏ chữ "tham gia", thay bằng cụm từ "chủ động" sẽ thích hợp hơn, bởi vì vai trò của tổ chức công đoàn đã thực hiện việc này trong thời gian dài, kết quả rất tốt.
Điều 31 liên quan điều tra TNLĐ, ĐBQH Đặng Ngọc Tùng nói: Trong luật nên cho phép khi xảy ra TNLĐ chết người thì CĐCS tham gia vào đoàn điều tra, vì chính cơ sở hiểu rõ nhất các tai nạn. "Riêng Điều 36 về các trường hợp đặc biệt được hưởng chế độ bảo hiểm với người lao động (NLĐ) bị TNLĐ, tôi rất lo lắng, đề nghị bổ sung trường hợp NLĐ được cử đi công tác và bị TNLĐ trên đường đi công tác cũng được hưởng chế độ. 
Ngoài ra, người lao động làm việc ngoài giờ, ví dụ làm đêm, khi trên đường từ cơ quan về nhà xảy ra TNLĐ thì thường không có công an lập biên bản. Mà không có biên bản của công an thì không được hưởng bảo hiểm, điều này rất bất cập, bởi nếu như trước đây tổ chức công đoàn nắm bảo hiểm xã hội thì có thể chi ngay cho những trường hợp tai nạn này" - ông Đặng Ngọc Tùng chia sẻ.
Người lao động có thể khởi kiện DN để xảy ra mất ATLĐ
ĐBQH Trần Thanh Hải (TPHCM) lại cho rằng, bệnh nghề nghiệp đeo đẳng NLĐ đến suốt cuộc đời, là gánh nặng đối với NLĐ và gia đình của họ. Tuy nhiên, dự án luật chưa nêu đúng mức vấn đề này, vì vậy, cần nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tổ chức nghiên cứu và công bố bệnh nghề nghiệp. Hiện nay, danh mục bệnh nghề nghiệp mới chỉ có 29 bệnh, trong đó các nước khác thì danh mục này nhiều hơn, đồng thời, nước ta thì chưa đầu tư đúng mức cho nghiên cứu an toàn vệ sinh lao động. Cho nên cần khôi phục lại chính sách, chương trình nghiên cứu an toàn vệ sinh lao động nay không còn áp dụng nữa.
"Một giới hạn nữa là luật chưa quy định rõ trách nhiệm của DN trong việc khám bệnh định kỳ bệnh nghề nghiệp. Báo cáo tổng kết 20 năm thi hành pháp luật an toàn vệ sinh lao động đã chỉ rõ, chỉ có DN nhà nước và DN đầu tư nước ngoài có vốn đầu tư lâu dài mới quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động cho NLĐ. Luật vẫn quy định nhập nhằng giữa việc khám bệnh định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp định kỳ. Vì vậy, dự án luật cần quy định rõ quy trình, tổ chức khám bệnh nghề nghiệp định kỳ cho người lao động" - ông Trần Thanh Hải chỉ rõ.
Ông Hải cũng đề nghị tập trung thành lập trung tâm nghiên cứu về bệnh nghề nghiệp, nếu chậm đầu tư những trung tâm như giám định việc này là có tội với người lao động; đồng thời, dự án luật cần quy định NLĐ có quyền chủ động giám định bệnh nghề nghiệp.
* Chiều cùng ngày,Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế với đa số đại biểu tán thành thông qua.
Phi Long