Nhiều từ điển ở các hiệu sách và thư viện Mỹ đã bị dán chồng lên định nghĩa mới ở mục từ "hôn nhân" - sự kết hợp chính thức của hai con người nhờ đó họ trở thành bạn đời
"Tôi sử dụng từ điển Anh ngữ hằng ngày nhưng đã lâu rồi không còn dùng tới bản in. Gặp bộ mới tôi vẫn mua - như mua một hóa thạch đẹp đẽ của lịch sử" |
Chúng không bị tiêu diệt hàng loạt bởi một va đập thiên thạch đột ngột nhưng bằng những tác động vô hình nhưng hiện hữu và triệt để - công nghệ số và Internet. Các loại sách văn chương giải trí hay biên khảo khác đang tiến hóa dần thành các định dạng sách điện tử, nhưng số phận của loài khủng long này là sự tuyệt diệt âm thầm. Bởi từ điển không phải sách để đọc mà chỉ để tra cứu khi cần.
Khi ứng dụng máy tính và mạng vào xử lý ngữ liệu, giới từ điển học đã có những công cụ tuyệt vời để theo dõi những phát sinh của ngôn ngữ và cập nhật thường xuyên từ hay nghĩa mới. Trong khi đó, từ điển giấy thường phải mất năm năm mới có ấn bản chỉnh biên. Nội dung tĩnh tại trong bản in lại trở thành chứng nhân lẫn nạn nhân của một thời đại biến động.
Từ giữa tháng 7-2013, bắt đầu từ các nhà sách và thư viện ở San Francisco, nhiều người dùng các mẩu giấy keo có in sẵn một định nghĩa mới của từ "marriage" (hôn nhân) lẳng lặng dán chồng lên mục từ tương ứng trong các từ điển trên kệ sách. Tham gia phong trào "HACKmarriage" đang lan rộng, họ là nhóm ủng hộ hôn nhân đồng giới. Phong trào này dùng việc thay đổi định nghĩa trong các từ điển giấy như một cách tuyên ngôn, mặc dù phiên bản trực tuyến của các nhà xuất bản từ điển như Oxford, Macmillan, Collins hay Webster đều đã điều chỉnh từ lâu nghĩa của từ này.
Từ điển giấy bị khai tử bởi chính các công cụ số hữu hiệu. Bách khoa toàn thư là loài khủng long chết đầu tiên. Những pho sách in cuối cùng của bộ Encyclopædia Britannica 32 tập đã bán hết vào tháng 4-2012, vĩnh viễn kết thúc 250 năm sinh trưởng. Đến lượt từ điển ngôn ngữ chầm chậm chết. Ở Anh, bộ Oxford English dictionary đồ sộ 20 tập với 150 năm biên soạn và bổ sung đã chính thức ngừng in bản giấy. Bên kia Đại Tây Dương, bộ Webster’s third new international dictionary cũng chung số phận. Những bộ này vẫn được tiếp tục chỉnh biên nhưng chỉ tồn tại ở dạng trực tuyến.
Loại từ điển đơn ngữ dành cho người học tiếng Anh cũng đang hấp hối. Nhà Macmillan vào tháng 11-2012 đã tuyên bố ngừng xuất bản từ điển giấy Macmillan English dictionary. Bà Della Summers - nhà ngôn ngữ học chủ biên các ấn bản của bộ Dictionary of contemporary English danh tiếng của nhà Longman - bây giờ lập website tư vấn các dự án ứng dụng từ điển... số! Bản Oxford advanced learner’s dictionary mới nhất bày đầy trên kệ các quầy sách ngoại văn là bản chỉnh biên lần thứ tám từ năm 2010, không biết có còn bản in mới nào không sau hai năm nữa. Ở nhà sách Fahasa Tân Định, tôi thấy vài bộ Cambridge advanced learner’s dictionary bản in lần thứ tư mới phát hành mùa hè năm nay đã được bày bán, nhưng bên cạnh là cả một hàng dài bản in lần ba từ năm 2008 vẫn còn nằm mong ngóng người mua.
Tại sao phải mua nếu trên Internet có sẵn những phiên bản vừa miễn phí lại vừa tiện dụng cũng của chính các nhà xuất bản đó? Tra cứu trực tuyến chắc chắn là nhanh chóng hơn việc lật tìm trong pho sách dày cả 2.000 trang. Và cũng chẳng cần đến máy tính khi các thiết bị di động ngày càng phổ thông và những bộ từ điển cồng kềnh kia biến thành những ứng dụng vô hình nằm trong một phương tiện cầm tay nhẹ như không. Tất cả các nhà xuất bản từ điển quốc tế đều đang tồn tại bằng cách nhượng quyền dữ liệu cho các hãng sản xuất ứng dụng di động và bán chỗ quảng cáo trên trang web tra cứu miễn phí của mình. Ứng dụng web và ứng dụng di động là hình hài của chủng loài từ điển tương lai - không phải sách, dù là sách in hay sách điện tử.
Tôi sử dụng từ điển Anh ngữ hằng ngày nhưng đã lâu rồi không còn dùng tới bản in. Gặp bộ mới tôi vẫn mua - như mua một hóa thạch đẹp đẽ của lịch sử. Tôi chỉ thỉnh thoảng cầm lên nhìn ngắm, vuốt ve những trang giấy mỏng, ngửi mùi mực thơm, đọc lướt vài mục ngẫu nhiên, nhớ lại một thời khát khao từ điển để học mà không mua được. Phải là những pho dày dặn, trang trọng như thế mới tượng hình được cái định nghĩa "sách là gì?" trong thế giới tương lai. Sách điện tử thì không ai nhìn thấy, ta chỉ thấy một cái máy. Tôi đặt những chứng tích ấy trong tủ, tưởng tượng một ngày nào đó, những đứa bé thế hệ e-book trong gia đình sẽ tò mò mở ra và đánh thức loài khủng long bừng tỉnh khỏi kỷ Jura.
TRẦN NGỌC ĐĂNG
No comments:
Post a Comment