Làm cách nào để cho đi tỉ “đô”?
Cho người ăn xin bên vệ đường một ít tiền lẻ, không gì đơn giản hơn! Nhưng làm từ thiện cả tỉ đô la thì không nhẹ nhõm và thong dong chút nào.
Khổ như Bill Gates
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ. Không có gì bất ngờ, Bill Gates vẫn đứng đầu với khối tài sản lên đến 66 tỉ USD, tiếp đó là Warren Buffett với 46 tỉ USD. Và đó cũng là 2 người đàn ông hào hiệp nhất hành tinh. Cho tới nay, họ đã lần lượt mở hầu bao 28 tỉ USD và 17,5 tỉ USD để tặng cho những người xa lạ, không tí dây mơ rễ má nào, thậm chí ở châu Phi xa tít tắp. Không những tặng một tỷ lệ tài sản rất lớn (Buffett đã cam kết sẽ tặng 99% tài sản), họ còn thực sự dấn thân vào đó, có khi bỏ cả sự nghiệp để mà vắt óc ra, mất ăn mất ngủ vì nó, như Gates đã rời bỏ vị trí điều hành công việc hằng ngày ở Microsoft để chuyên tâm cho công việc từ thiện từ năm 2008. Với ông, chuyện cho đi bạc tỉ USD chẳng hề kém thách thức và đòi hỏi không ít chất xám hơn so với chuyện đi kiếm bạc tỉ USD.
Cung cấp vắc xin miễn phí cho trẻ em toàn cầu là trọng tâm trong các chương trình từ thiện của Bill Gates - Ảnh: LP |
Chỉ sau chuyến đi đầu tiên đến châu Phi vào năm 1993, Gates và Melinda, người sau đó trở thành vợ ông đã sững sờ vì sự túng quẫn cùng cực của đa phần người dân. Trở về nước Mỹ giàu sang, nỗi ám ảnh vẫn theo họ suốt. Họ càng nặng lòng khi biết rằng hàng triệu trẻ em châu Phi chết hằng năm vì những bệnh mà không có ai ở Mỹ phải chết như sởi, sốt rét, sốt vàng da... Tổ chức từ thiện mang tên Quỹ Gates và Melinda ra đời, tập trung vào hỗ trợ y tế và giáo dục cho người nghèo.
Vợ chồng Bill Gates - Ảnh: Reuters |
Không những len lỏi vào các khu ổ chuột ở Ấn Độ, ôm những bệnh nhân AIDS ở Nigeria, Gates cũng lang thang ở các nhà hàng sang trọng khắp hành tinh để gặp các triệu phú, tỉ phú, “dụ dỗ” họ đem những khoản tiền kếch xù đã cực khổ kiếm được để cho người khác. Đến nay, Cam kết hiến tặng, một sáng kiến do chính Gates lập nên đã lôi kéo được 92 gia đình ở Mỹ ký cam kết làm từ thiện ít nhất 50 % tài sản, trong đó gồm toàn những cái tên nặng “đô” kiểu như Warren Buffett (tài sản 46 tỉ USD, tặng 99%), Michael Bloomberg (25 tỉ USD, tặng “gần như toàn bộ tài sản”), Larry Ellison (41 tỉ USD, tặng 95%)...
Làm từ thiện: giấu hay khoe?
Bill Gates là đại diện tiêu biểu của một thế hệ nhà hảo tâm thế kỷ 21. Nếu như có những người quẳng ra những khoản tiền kếch xù cho một dự án từ thiện nào đó rồi hài lòng ngồi huýt sáo thì rất nhiều người khác, trong đó chiếm phần lớn là những doanh nhân kiệt xuất đang phải vắt óc ra tính toán từng ngày sao cho khoản đầu tư từ thiện của mình mang lại lợi nhuận lớn nhất. Một cuộc thăm dò ý kiến của Forbes trên 161 tỉ phú và những người mấp mé bước chân vào câu lạc bộ này ở Mỹ cho thấy, có đến 2/3 nhà hảo tâm chi tiền cho những tổ chức từ thiện mới bắt đầu hoặc đang phát triển thay vì những tổ chức đã hoạt động ổn định. Họ áp dụng chiến thuật chính xác như trong kinh doanh: chấp nhận rủi ro để đầu tư vào khu vực họ đánh giá là có tiềm năng. Mục đích không gì khác hơn là hốt những mẻ đậm. Thêm một thống kê khác của Forbes: người tự kiếm ra tiền dễ trao lại tài sản cho xã hội hơn người được thừa kế.
Nếu như trước đây, các tỉ phú thường để lại di chúc với những khoản chi từ thiện khá lớn thì các nhà giàu thời nay lại muốn nhìn thấy thành quả của mình. Chẳng hạn như Buffett cam kết phần lớn tài sản của ông được cho đi khi ông còn sống. Mọi khoản ông đóng góp cho Quỹ Gates và Melinda đều kèm theo điều kiện phải được dùng hết trong vòng 1 năm sau đó.
Không những thế, những nhà giàu tốt bụng thời nay còn tìm mọi cách dùng ảnh hưởng, sự lanh lợi cùng các chiến lược được tính toán kỹ lưỡng để lôi kéo những người khác chung tay vì mục đích của họ. Melinda Gates thừa nhận rằng trong những ngày đầu làm công tác xã hội, vợ chồng bà đã nhiều lần “âm thầm đứng ngoài khu vực quét radar” nhưng sau đó cả hai học được bài học quý giá: phải cất to giọng nói để lôi kéo cộng đồng, chính phủ và các nhà hảo tâm khác cùng chung tay thì mới mang lại hiệu quả lớn nhất. Bill Gates mô tả công việc của mình là làm từ thiện xúc tác.
Kiều Oanh
No comments:
Post a Comment