Sự kiện 8888
Ngày 8/8/2013, lần đầu tiên Myanmar tổ chức công khai lễ kỷ niệm mang tên 8888, kỷ niệm 25 năm ngày nổ ra sự kiện, với sự tham gia của Tổng thống Thein Sein và nội các của ông, và lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi, các nhà ngoại giao, các đại diện tôn giáo và khoảng 6,000 người dân tại Yangon.
Ngày 19/8/1988, nữ sinh viên người Yangon, Ma Win Maw Oo, xuất hiện trên tạp chí Newsweek's Asian trong bức ảnh toàn thân máu me bầm dập, đang được hai bác sĩ mặc áo blu trắng hối hả bế chạy. Nhưng nỗ lực của họ không cứu được cô, Ma Win Maw Oo trở thành một trong những sinh viên ngã xuống trong những ngày tháng 8 đẫm máu trong lịch sử Myanmar.
Bắt đầu từ ngày 8/8/1988, hàng chục ngàn sinh viên tại thành phố Yangon, Myanmar đổ xuống các ngả đường biểu tình phản đối chính quyền quân đội. Liên tiếp sau đó, trong tháng 8 - 9, những cuộc biểu tình do các sinh viên dẫn đầu nổ ra, bất chấp sự đàn áp đẫm máu của chính quyền. Một tổ chức xã hội mang tên 8888 ra đời. Trong 6 tuần, ít nhất 3,000 người đã chết dưới làn đạn trấn áp, hàng nghìn người bị tống giam. Nhiều người mới được thả trong thời gian gần đây.
Người sau này đoạt giải Nobel Hoà Bình, Aung San Suu Kyi, khi đó đã có chồng con tại Anh, về Yangon chăm sóc mẹ ốm vào thời gian này, nhanh chóng trở thành một trong những lãnh đạo sinh viên trong cuộc biểu tình. Bà bị quản thúc tại gia hơn 20 năm, cho đến những động thái mở cửa đất nước và thay đổi chính sách gần đây.
Người dân theo dõi bà Aung San Suu Kyi phát biểu tại Lễ kỷ niệm 8888. Ảnh: Hoàng Hường |
Trong bài phát biểu dài gần một tiếng tại lễ kỷ niệm, bà Aung kêu gọi sự tiến bộ trong quá trình thay đổi ở Myanmar. "Thời gian không chờ đợi, chúng ta phải tiến lên phía trước", và cho rằng lễ kỷ niệm công khai này là dấu hiệu tốt để các bên cùng chia sẻ và xây dựng tương lai tốt đẹp cho đất nước Myanmar.
Trong bối cảnh những hoạt động cải cách sâu rộng đang diễn ra khắp đất nước, đặc biệt Myanmar muốn thu hút sự chú ý của thế giới, đổi lại nhiều nước đã gỡ bỏ sự cấm vận với nước này, bà Aung được trông đợi là cây cầu nối đất nước này với thế giới, đồng thời sẽ là nhân tố gắn kết những mâu thuẫn nội bộ, đặc biệt mối xung đột phức tạp giữa cộng đồng Phật tử và cộng đồng Hồi giáo tại một số vùng. Bà cũng được trông đợi sẽ trở thành người lãnh đạo cao nhất nước.
Tuy nhiên, theo phân tích của ông Thiha Saw, Tổng biên tập của tờ Myanma Freedom, cho dù đó là điều người dân muốn, thì câu trả lời là 'không đơn giản" "đây là một trong những thách thức trong quá trình thay đổi ở Myanmar". Theo Hiến pháp hiện hành của Myanmar, bà Aung "không thể" trở thành Tổng thống vì bà có hai con trai là người nước ngoài (quốc tịch Anh), hai con dâu bà cũng không phải người Myanmar.
"Tuy nhiên mọi việc đều có thể thay đổi", ông Thiha Saw nói, ông cũng cho biết hiện Quốc hội Myanmar đang thảo luận việc thay đổi một số điều trong Hiến pháp để mở đường cho bà Aung đủ điều kiện tranh cử.
Giáo dục là một trong những vấn đề cần đầu tư nâng cấp đầu tiên ở Myanmar. Ảnh: Hoàng Hường |
Myanmar "thay đổi toàn diện"
Là lời khẳng định của cả ông Thiha Saw và Muang Muang Lay. Song song với những chính sách mở cửa kinh tế và quan hệ chính trị quốc nội và quốc tế. Những lĩnh vực chính được Myanmar thúc đẩy phát triển là giáo dục, truyền thông và chăm sóc con người. Hệ thống báo chí nước này gồm đài phát thanh, đài truyền hình và nhiều tờ báo đang được chuyển đổi từ Nhà nước sang truyền thông xã hội.
Cho đến nay, mới có 85% dân số Myanmar tiếp cận với giáo dục phổ thông. Chỉ 25% dân số dùng điện. Những điều kiện về lao động, sinh hoạt, chăm sóc con người nhiều nơi ở dưới mức cơ bản.
Hệ thống báo chí Myanmar đang được chuyển đổi từ Nhà nước sang truyền thông xã hội. Ảnh: Hoàng Hường |
Bên cạnh những vấn đề tồn tại từ 'sự kiện 8888' như trách nhiệm, nguyên nhân, bài học.. đang chiếm những tiêu đề lớn của báo chí sở tại, thì những xung đột tôn giáo, sắc tộc đang diễn ra phức tạp cũng đang là thách thức những nhà lãnh đạo ở cả hai phía đối lập.
Theo báo chí địa phương, đã có ít nhất gần 200 người chết trong các cuộc xung đột giữa cộng đồng người Phật giáo và Hồi giáo tại bang Rakhine trong năm 2012. 140,000 người Hồi giáo đã phải rời bỏ nhà ở bang này để tránh nguy hiểm.
Những người Hồi giáo bị buộc phải rời bỏ quê hương không có nhiều lựa chọn: hoặc vào sống trong những trại tị nạn thiếu thốn thực phẩm, điều kiện y tế và giáo dục; nhiều người khác tìm cách vượt biển sang các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Malayxia, Indonexia.
Những cuộc xung đột này không chỉ gây căng thẳng cho quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi phức tạp, mà còn thu hút sự chú ý của cộng động quốc tế.
Mặt khác, từng 'nổi tiếng' trong quá khứ là 1 trong 3 quốc gia nằm trong 'Tam giác vàng' gồm Myanmar, Thái Lan, Lào là trung tâm ma túy lớn nhất thế giới. Tuy Tam giác vàng hiện không còn, nhưng không vì thế mà vấn đề này không còn phức tạp. Báo chí địa phương vẫn đưa tin về những hoạt động buôn bán ma túy xuyên quốc gia ở vùng biên giới này, chủ yếu qua đường rừng thuộc bang Shan.
Ông Thiha Saw cho rằng những vấn đề phức tạp này không thể giải quyết một sớm một chiều "nhưng sự thay đổi toàn diện, sâu rộng đang diễn ra sẽ có tác động tích cực đến tình hình", ông nói.
(Còn nữa)
Hoàng Hường
No comments:
Post a Comment