EU bắt đầu xuống nước?
Ngày 26/8/2014, Nga, Ukraine, EU bắt đầu cuộc đàm phán về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Trước khi bắt đầu cuộc đàm phán này, phía EU đã cho rằng họ không đạt được nhiều kết quả mong đợi.
Và quả thực như vậy, sau 6 giờ đàm phán căng thẳng, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh, bà Catherine Ashton đã nói: "EU kêu gọi một lệnh ngừng bắn tại miền Đông, song song với đó là các biện pháp kiểm soát biên giới hiệu quả và khẩn trương cứu trợ nhân đạo."
"EU cũng cho rằng đã đến lúc chính quyền Ukraine cần phải ngồi vào bàn đàm phán với lực lượng ly khai và khởi động cho một tiến trình chính trị nhằm giải quyết khủng hoảng." - Bà Ashton cho biết thêm.
Còn với Ukraine, một khi EU đã nói như vậy, chẳng có lý do hay cơ hội nào để trông chờ vào một sự cứng rắn đơn phương. Tổng thống nước này, ông Petro Poroshenko bắt đầu dịu giọng: "Kiev sẽ làm tất cả để chấm dứt đổ máu và tìm kiếm một giải pháp chính trị cho khủng hoảng Ukraine."
Từ trái sang, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh, bà Catherine Ashton, Tổng thống Nga V.Putin bắt tay với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko |
Tổng thống Poroshenko cho biết thêm: "Giải pháp hữu hiệu nhất, và duy nhất vào thời điểm này là đàm phán chính trị, thiết lập cơ chế kiểm soát biên giới với sự hợp tác từ Nga."
Qua đó để thấy, từ khi bốn bên Nga, Pháp, Đức, Ukraine khởi động các vòng đàm phán về vấn đề ly khai ở quốc gia Đông Âu này từ hồi tháng 6/2014, cho đến nay, sau ba tháng nội chiến đẫm máu, Kiev mới công nhận rằng họ không thể chiến thắng phe ly khai.
Và khi không thể chiến thắng được lực lượng này, không còn cách nào khác là ngồi vào bàn đàm phán cùng nhau. Và lúc đó, Ukraine buộc phải công nhận ly khai là một thế lực bằng vai phải lứa với mình, là một bên trong các bên liên quan. Điều này đồng nghĩa với việc các yêu cầu của ly khai sẽ phải được đáp ứng, nếu không họ sẽ tiếp tục theo đuổi chiến tranh.
Nga có chiếm ưu thế?
Việc công nhận ly khai là một bên trong các bên đàm phán, có đầy đủ quyền lợi và tiếng nói cũng là nỗ lực mà Nga theo đuổi từ đầu vấn đề cho tới nay. Lịch sử đã chứng minh, bất kỳ kết quả đàm phán nào đều phải phụ thuộc vào chiến thắng của một trận quyết chiến chiến lược.
Dù ở Ukraine chưa có một thắng lợi vang dội nào của lực lượng ly khai đủ để làm tan vỡ những toan tính và quyết tâm của phương Tây, nhưng cục diện cho thấy, Mỹ hay EU không thể tiếp tục cố đấm ăn xôi tại vũng lầy này.
Toàn cảnh đàm phán cấp cao ở Minsk ngày 26/8 |
Việc quân ly khai tổ chức phản công dồn dập ngay sau khi những chuyến xe cứu trợ của Nga đến vùng chiến sự làm công tác nhân đạo đã khiến Ukraine trở tay không kịp. Khi các bên ngồi họp bàn ở Minsk thì ngoài chiến trường, phe ly khai tiếp tục làm chủ cục diện và có thêm nhiều chiến thắng tại biên giới giáp Nga ở phía Nam.
Một phần khiến Ukraine không thể cứng giọng lúc này do bản thân EU bắt đầu thấy sự tham gia vào Ukraine đến thời điểm này đã là sa lầy và nếu kéo dài, bản thân họ sẽ chịu nhiều ảnh hưởng, thậm chí sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thừa mới về nông sản, và nguy cơ bất hòa nội bộ sẽ gia tăng.
Đặc biệt trong bối cảnh mùa đông đến gần, EU không muốn phải thiếu đi gần 30% khí đốt để họ sưởi ấm từ phía Nga cung cấp. Khi viên ngọc Crimea đã sớm rơi vào tay Nga, nhiều lợi ích bị đe dọa, tốt nhất EU nên tìm kiếm một giải pháp an toàn thay vì cố gắng già néo đứt dây, trong bối cảnh người anh lớn là nước Mỹ chỉ giữ vai trò... cổ vũ.
Quan điểm này lý giải cho việc vì sao Thủ tướng Đức Angela Merkel khi đi thăm Ukraine hôm Quốc khánh nước này đã mạnh tay rút hầu bao 500 triệu euro để hỗ trợ. Đồng thời các quan chức Đức nhấn mạnh với Tổng thống Ukraine rằng "đừng để ông Putin mất mặt".
Chính việc thiếu quyết tâm của EU đã khiến Kiev chẳng còn gì để cố gắng. Đương đầu với Nga là trứng chọi đá, họ buộc phải thuận theo những gì mà Nga muốn để vớt vát chút ít mục đích của mình trong buổi gặp này: nối lại nguồn cung năng lượng.
Đến khi các đối thủ lần lượt nhượng bộ, sẽ chẳng có lý do gì mà Nga không bày tỏ thiện chí. Cũng trong cuộc hội đàm này, Tổng thống Putin đã đồng thuận nối lại đàm phán ba bên về năng lượng cho Ukraine.
Tổng thống Belarus đứng giữa hai ông Putin và Poroshenko khi chụp ảnh lưu niệm |
Một diễn biến đáng chú ý khác, ngày 27/8, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk khẳng định rằng Kiev đã biết về kế hoạch của Nga nhằm ngừng các dòng khí đốt cung cấp cho châu Âu trong mùa Đông tới.
Thực tế, đây chỉ là một chiêu bài của Ukraine nhằm bắn tín hiệu cho EU rằng đừng quên vai trò của Kiev trong cục diện này. EU vẫn còn cần Kiev như một con cừu theo chỉ bảo, thay vì nổi loạn làm mất lòng nước Nga để cuối cùng hứng chịu hậu quả là một mùa đông không năng lượng. Nhưng thực tế, Kiev đang lo điều này hơn châu Âu bởi họ sẽ không sống nổi nếu thiếu khí đốt của Nga như lời Thủ tướng Yatseniuk từng nói trước đó vài ngày.
Động thái này của Kiev chỉ nhằm đảm bảo con cừu không bị lên thớt khi EU và Nga sẽ bí mật thỏa thuận trên lưng họ, như thông tin rò rỉ về việc Nga, Mỹ đã từng mật đàm về Ukraine.
Khi nào khủng hoảng Ukraine chấm dứt?
Như các quan chức EU tính toán, cuộc hội đàm này sẽ không có những thỏa thuận mang tính đột phá, nhưng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho giải pháp chấm dứt khủng hoảng. Quả thực, cánh cửa cơ hội ấy đã hiện hữu, nhưng để mở nó hoàn toàn, cần có một chiếc chìa khóa nữa.
Tổng thống Ukraine hôn lên bánh mì đen và muối, tặng phẩm của nước chủ nhà Belarus |
Để biết được chiếc chìa khóa này là gì, có lẽ cần nhìn vào cách người Belarus tổ chức đón rước đoàn đại biểu và dụng ý thâm sâu của nước Nga.
Khi ông Poroshenko và ông Putin đến sân bay, đoàn nghi lễ các thiếu nữ Belarus đã tặng lên bánh mì và muối. Đây là nghi lễ ngoại giao truyền thống của người Nga, với dụng ý: bánh mì thể hiện mong muốn giàu có và sung túc, muối bảo vệ con người khỏi sức mạnh và sự ảnh hưởng của kẻ thù.
Các cụm từ Liên Xô, bánh mì, muối đã khiến dù cố tình làm ngơ thì ông Poroshenko cũng phải hiểu rằng họ đã từng cùng một mẹ Liên Xô, cùng là anh em. Và bây giờ với Nga, người em Ukraine đang cõng rắn cắn gà nhà. Hãy nhìn đến muối để tự thoát khỏi sự ảnh hưởng của kẻ thù và anh em sẽ cùng sung túc.
Đây là một tục lệ truyền thống, nhưng người Nga và đồng minh của họ, người Belarus đang thầm gửi gắm, Ukraine đừng hi vọng trở thành kẻ thù khi bước chân vào EU và gia nhập NATO.
Đây chính là chiếc chìa khóa cuối cùng để mở cánh cửa giải quyết khủng hoảng. Nga không muốn NATO có Ukraine trong hàng ngũ của mình, Nga không muốn lớp áo giáp của mình giờ trở thành mũi kiếm của kẻ thù. Đó là lý do vì sao Nga buộc phải để Ukraine sống trong loạn lạc với những người ly khai.
Nga không muốn có thêm lá cờ Ukraine được đứng cùng hàng ngũ với các thành viên NATO |
Như những gì Tổng thống Putin tuyên bố sau cuộc hội đàm: "Nước Nga trân trọng mọi quyết định của một quốc gia, nhưng quyết định đó không được ảnh hưởng đến quốc gia khác."
Có thể được hiểu cụ thể thành Ukraine có thể quyết định thế nào là lập trường của họ, nhưng lập trường đó không được ảnh hưởng đến quyền lợi của nước Nga.
Mọi mục đích của Nga đã gần như đạt được, chỉ còn chiếc chìa khóa cuối cùng ấy, cùng với quyền lợi của người ly khai được đảm bảo thì mọi mâu thuẫn sẽ được dẹp bỏ.
Nếu Ukraine thực sự quyết tâm, việc tôn trọng quyền lợi của người ly khai sẽ được giải quyết nhanh chóng, và cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10 tới sẽ có thêm hàng triệu cử tri ở miền Đông.
Và mốc thời gian quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, như chuyên gia an ninh Mỹ, ông Harlan Ullman nhận định sẽ là ngày 5/9.
Bởi vào ngày này, ngay sau hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Wales, các nguyên thủ của NATO sẽ thống nhất việc phải hạ nhiệt Ukraine. Và để đổi lấy hòa bình thực sự, Ukraine sẽ phải dành cho Nga một lời hứa không bao giờ bước chân vào NATO.
Đỗ Minh Tú
No comments:
Post a Comment