Chúng ta đang nỗ lực xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân. Tuy nhiên nhiều cán bộ khi mắc sai phạm luôn tìm cách né tránh trách nhiệm.
Có thể dẫn tới mất niềm tin
Tiếp tục chia sẻ ý kiến xung quanh việc liên Bộ Tài chính – Công Thương tính sai thuế xăng dầu thời điểm năm 2016 làm người tiêu dùng thiệt hại 3.000 tỷ đồng, PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Trung ương cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể để xảy ra sai sót trên.
Theo ông Đoàn, việc Bộ Công Thương không đề cập tới nội dung xử lý những người có trách nhiệm mà khẳng định, trong công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã và đang phối hợp chặt chẽ, hiệu quả theo phân công của Chính phủ là chưa thật sự đầy đủ, khách quan.
Ông Đoàn khẳng định, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần phải trả lời rõ ràng, đầy đủ nhất những câu hỏi mà người dân đặt ra:
Tại sao tính sai thuế xăng? Số tiền 3.000 tỷ đồng thu thừa từ người dân hiện nay đang ở đâu? Bộ Tài chính hay Bộ Công Thương giữ và được sử dụng vào mục đích gì?
Nếu không làm rõ sai phạm dẫn đến việc tính sai thuế xăng thì người dân sẽ dần mất đi niềm tin với một số cơ quan nhà nước. Ảnh minh họa |
“Không nên để người dân bị thiệt thòi. Ngoài chuyện chi phí xăng dầu thì người dân khi đi trên đường còn phải đóng thêm rất nhiều khoản phí khác.
Việc tính thuế sai của cơ quan nhà nước khiến thời điểm năm 2016, mỗi một lít xăng bị tăng thêm 200 đồng. Từng người một thì chả đáng bao nhiêu nhưng tất cả cộng lại thì rất lớn.
Với người kinh doanh thì việc xăng tăng thêm sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí tăng lên và lợi nhuận sẽ giảm đi. Như thế ảnh hưởng rất lớn đến công ăn việc làm và thu nhập cũng như sự phát triển”, ông Đoàn nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, nếu Bộ Công Thương hay Bộ Tài chính vẫn còn né tránh, không trả lời trực tiếp vào câu hỏi của cử tri thì lâu dài sẽ khiến người dân mất niềm tin vào một số cơ quan quản lý nhà nước.
“Sai phạm này phản ánh năng lực của cơ quan nhà nước. Ở đây sai phạm có thể do trình độ kém. Tuy nhiên nếu sai sót xuất phát từ những lăn tăn trong luật thì phải điều chỉnh lại cho phù hợp.
Việc cán bộ yếu kém về năng lực nếu không giải quyết sẽ khiến người dân mất niềm tin và nghi ngại vào cơ quan quản lý nhà nước”, ông Đoàn khẳng định.
Xử lý trách nhiệm, công khai trước toàn dân
Cùng bàn luận về vấn đề này, GS.TSKH Lê Du Phong, Nguyên quyền Hiệu trưởng trường ĐH KTQD Hà Nội khẳng định những kiến nghị của cử tri là hoàn toàn xác đáng và có cơ sở.
Tuy nhiên, cá nhân ông chưa hài lòng về phần trả lời của Bộ Công Thương.
Theo ông Phong, thời gian gần đây nhiều vụ việc sai sót nghiêm trọng đã diễn ra, phản ánh năng lực quản lý yếu kém của cán bộ cũng như các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên thay vì đứng ra xin lỗi, nhận trách nhiệm, nhiều lãnh đạo thường trốn tránh hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.
“Chúng ta đang nỗ lực xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân. Tuy nhiên nhiều cơ quan nhà nước né tránh và đổ hết trách nhiệm cho người này, người khác. Nhiều lãnh đạo không bao giờ chịu trách nhiệm trước cuộc sống của người dân cả.
Thực tế các quốc gia khác, khi một ông Bộ trưởng phát biểu lỡ lời hay mắc phải sai phạm họ sẵn sàng từ chức ngay. Vấn đề quan trọng nhất của chúng ta hiện nay là chỉ quy định quyền hạn của người thi hành công vụ mà không yêu cầu rõ việc giải trình trước nhân dân. Cho nên mới xảy ra nhiều hiện tượng tùy tiện như thế”, ông Phong nhấn mạnh.
Với 3.000 tỷ đồng người dân đóng thừa do tính thuế sai, GS Lê Du Phong thừa nhận để xác định và trả lại từng người một rất khó khăn. Do đó, nhà nước cần phải tiến hành thu hồi để xung công quỹ đồng thời sử dụng vào những hoạt động chung, mang ý nghĩa cộng đồng.
“Chúng ta phải công khai, minh bạch số tiền trên, không thể để 3.000 tỷ đồng rơi vào một vài nhóm hay cá nhân nào đó. Nếu cơ quan nhà nước không minh bạch thì rất dễ sẽ rơi vào nhóm lợi ích.
Đặc biệt cần phải xử lý trách nhiệm của những cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm và công khai để người dân biết”, ông Phong kiến nghị.
Để tránh xảy ra những hiện tượng trên, ông Phong cho rằng điều quan trọng nhất là phải thay đổi cơ chế quản lý.
Trong đó quy rõ trách nhiệm của nhà nước đến đâu? Sự tham gia của người dân đến đâu? Giám sát của người dân và các cơ quan, tổ chức dân sự như thế nào?
“Phải thay đổi cơ chế quản lý kinh tế, đặc biệt là tăng cường sự theo dõi và giám sát của người dân. Sự minh bạch của cơ quan hành chính và trách nhiệm trước người dân càng cao thì sẽ càng hạn chế được những sai lầm đó”, ông Phong nêu quan điểm.
Hà Hoàng
No comments:
Post a Comment