Tuesday, June 7, 2016

TP.HCM công khai tài sản quan chức: Điểm huyệt tham nhũng

Báo Đất Việt, ngày 07/06/2016,          http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tphcm-cong-khai-tai-san-quan-chuc-diem-huyet-tham-nhung-3309596/,           "Khi đã hoàn thiện về mặt pháp luật thì sẽ kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức".
"Tôi rất ủng hộ"

UBND TPHCM kiến nghị Thanh tra Chính phủ nghiên cứu các hình thức công khai việc kê khai, tài sản, thu nhập trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại nơi công tác và tại địa phương nơi sinh sống để người dân, xã hội có điều kiện thực hiện việc giám sát.
Ngoài ra, phải xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ để theo dõi liên tục, khoa học biến động tài sản của cá nhân; đồng thời thiết lập hệ thống thanh toán tín dụng đồng bộ trên toàn quốc, từng bước hạn chế thanh toán bằng tiền mặt.
Bên cạnh đó, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cũng đồng tình, bổ sung yêu cầu công khai kê khai tài sản vào luật phòng, chống tham nhũng.
Trước những thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 27/5, PGS.TS. Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia cho biết: "Tôi thấy kiến nghị của TPHCM là rất đáng hoan nghênh, nhưng đúng là nếu muốn được chấp hành một cách nghiêm túc thì nên đưa vào Luật phòng chống tham nhũng (PCTN).
Việc công khai sẽ giải quyết bước đầu tiên của việc kiểm soát việc kê khai tài sản. Tuy rằng, nó chỉ kiểm soát được tài sản của cán bộ, công chức khi còn công tác trong cơ quan, ở ngay địa điểm đó, còn không kiểm soát được những tài sản của nhiều người rơi vào hình thức như công tác ở miền núi nhưng lại về mua nhà Hà Nội, đứng tên người khác.
Thế nhưng, phần nào cũng đã tạo điều kiện để giúp người dân được tham gia vào quá trình giám sát xã hội kê khai tài sản của các bộ, công chức".
TP.HCM cong khai tai san quan chuc: Diem huyet tham nhung
Đề xuất đưa yêu cầu công khai kê khai tài sản vào Luật phòng chống tham nhũng
Bên cạnh đó, theo ông Sơn, ngoài vấn đề tiền lương của cán bộ công chức, chúng ta phải xem thu nhập ngoài lương của họ là gì. Thu nhập ngoài lương đó là chính đáng hay không chính đáng từ phương tiện đi lại, số tài sản, đó là những cơ sở để xác định số tài sản mà cán bộ đó kê khai là hợp pháp và chính xác.
Chúng ta có thể công khai trên internet những bản kê khai, không để lộ những thông tin cá nhân, số chứng minh thư nhân dân cũng như địa chỉ cụ thể. Hiện nay, một số nước tiên tiến trên thế giới cũng đã áp dụng phương pháp này. Bên cạnh đó, vai trò của kiểm toán độc lập và thanh tra vẫn là vô cùng quan trọng. 
Hiện nay, đang có xu hướng thanh toán tiền lương qua tài khoản, hay thanh toán chi tiêu qua thẻ tín dụng. Nếu Việt Nam dần dần áp dụng biện pháp này cũng có thể kiểm soát được vấn đề thu-chi dễ dàng hơn.
Chi tiêu cái gì cũng phải qua tài khoản hết, mua sắm gì cũng qua tài khoản thì kiểm soát được, mỗi người chỉ có 1 tài khoản. Nhưng phải có cơ chế kiểm soát, có nghĩa phải kiểm soát được dòng tiền, từng khoản.
Ông Sơn nhấn mạnh: "Tôi rất ủng hộ việc đưa việc công khai kê khai tài sản vào Luật PCTN. Bởi khi đã hoàn thiện về mặt pháp luật thì sẽ kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.
Khi đó, toàn dân phải cùng vào cuộc, giám sát sự trung thực của các đối tượng thuộc diện kê khai. Công việc dẫu sẽ có những khó khăn nhưng khi có sự quyết tâm của cả xã hội thì chắc chắn căn bệnh hình trong kê khai tài sản sẽ sớm được giải quyết".
Khoanh vùng đối tượng phải kê khai tài sản
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề trên, chia sẻ với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Hữu Khiển - nguyên PGĐ Học viện Hành chính Quốc gia cho biết: "Tất nhiên, TPHCM đề nghị như vậy là đúng, nên làm, qua việc này người dân sẽ thấy mình có quyền kiểm soát việc kê khai, tăng tính xác thực của bản kê khai".
Nói về lý do từ trước đến nay kê khai tài sản của Việt Nam không có tác dụng, theo ông Khiển, thứ nhất, do làm quá đại trà; thứ hai, đã gọi là kê khai tài sản với mục đích chống tham nhũng thì phải khoanh vùng lại, chỉ yêu cầu kê khai với các đối tượng có khả năng tham nhũng. Ví dụ nhân viên có gì mà yêu cầu kê khai tài sản, chống tham nhũng phải nhằm vào những người có chức quyền.
Như một số nước Argentina có 3,8 triệu cán bộ, viên chức nhưng họ chỉ yêu cầu 36.000 người kê khai tài sản, đó là những người có vị trí cao trong bộ máy chính quyền.
Thứ ba, nhà nước chưa có văn bản nào gọi là quy phạm pháp luật liên quan đến kê khai tài sản. Chính vì thế, nếu bổ sung việc công khai kê khai tài sản vào luật là vô cùng nên làm. Phải xác định kê khai tài sản là điều cốt tử của chống tham nhũng, khi ra được luật thì liệt kê các chức vụ, trong quá trình liệt kê loại bỏ các đối tượng lặt vặt".
Đưa ra giải pháp cho việc kê khai tài sản, theo ông Khiển, đầu tiên, phải chứng minh được nguồn gốc tài sản, đó là việc làm hết sức bình thường của các nước phát triển, tiên tiến. Mua một căn nhà phải chứng minh tiền lấy ở đâu. Có nghĩa đây là việc bình thường, nếu chống tham nhũng thì vấn đề tài sản phải kê khai, nhưng không phải kê khai mang tính hình thức.
Sau đó, bổ sung phương pháp truy vấn các nguồn tài sản, mua xe, mua nhà, làm nhà thì phải có văn bản xác nhận tiền ở đâu.
Cuối cùng, khoanh đối tượng kê khai tài sản. Ví dụ như UBND xã thì chỉ cần Chủ tịch, Bí thư kê khai là đủ, vì nếu Phó chủ tịch có tham nhũng thì Chủ tịch cũng khó để yên.
Còn Bí thư thì không cầm tài sản gì nhưng lại có quyền lãnh đạo, chỉ đạo sử dụng tài sản đó, dẫn đến dùng uy quyền buộc người hành chính tạo cho họ quyền lợi. Ở UBND tỉnh cũng chỉ cần Chủ tịch, Bí thư kê khai tài sản. Chủ tịch phải chịu trách nhiệm để họ kê khai đúng quy định.
Đặc biệt, nhanh chóng đưa việc công khai kê khai tài sản vào Luật PCTN để dễ dàng áp dụng, xử lý.

Châu An

No comments:

Post a Comment